Thiên Điểu
Sáng ngày 17-1-2025, tại Trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội, Tạp chí Nhà văn & Cuộc sống trao Tặng thưởng cho tác phẩm xuất sắc của chuyên mục Chân dung cuộc sống năm 2024. Đây là chuyên mục, cũng là tên cuộc thi của Tạp chí cách đây hơn một năm. Cuối năm 2023, 11 tác giả đã được trao giải thưởng. Trong đó có 1 Giải Nhất 30 triệu đồng, 2 Giải Nhì mỗi giải 20 triệu đồng. Ba Giải Ba mỗi giải 10 triệu đồng và 5 Giải Tư mỗi giải 5 triệu đồng. Giải thưởng xã hội hóa, không dùng ngân sách nhà nước. Tạp chí cũng hoạt động không dựa vào ngân sách nhà nước. Theo yêu cầu của nhiều bạn viết, bạn đọc, tạp chí giữ lại chuyên mục và trao tặng thưởng hàng năm cho một tác giả có tác phẩm xuất sắc nhất.
Tác giả giành được Giải thưởng năm nay là nhà thơ, nhà văn Nguyễn Thị Mai với hai tác phẩm Chân dung cuộc sống: Nhà văn Phạm Minh Tuấn và “của để dành” cho thế hệ mai sau và Chị là Hoa của Trường Sơn. Nhưng khác với cuộc thi, ngoài Tặng thưởng tác giả 10 triệu đồng, các nhân vật trong tác phẩm cũng được trao thưởng Nhân vật cao đẹp với số tiền 5 triệu đồng cho mỗi nhân vật.
Hai người được trao Tặng thưởng Nhân vật cao đẹp năm nay đều là người cao tuổi. Nhà văn Phạm Minh Tuấn đã ở tuổi 95. Ông thuộc lớp Hội viên Sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957. Ông là người gìn giữ Di cảo của nhà văn Đoàn Giỏi, tác giả Đất rừng phương Nam và nhiều tác phẩm nổi tiếng viết cho thiếu nhi. Trước khi mất, Đoàn Giỏi còn kể cho cho ông nghe cuốn tiểu thuyết ông dự định viết. Nhà văn Đoàn Minh Tuấn đã ghi lại chi tiết đề cương cuốn sách thú vị đó và lưu giữ cho bạn. Bài viết đó cũng đã được đưa vào cuốn sách “Cây bút trước những ngọn đèn tỏa sáng” được Hội Nhà văn TP.HCM trao giải thưởng năm 2024.
Khi biết mình được vinh danh trong bài viết của Nguyễn Thị Mai, ông xúc động viết thư gửi Tổng Biên tập tạp chí: “Tôi vui sướng lắm… Tôi vừa được viết bài, được ông đăng để mọi người biết về tôi, rồi tôi lại được tiền thưởng. Xưa nay chưa từng có thế bao giờ.” Người thứ hai được vinh danh là bà Dương Thị Nấp, 81 tuổi – một người phụ nữ phi thường trong những năm chiến tranh và trong cả cuộc sống đời thường. Bà lặng lẽ làm một người nấu ăn và bảo vệ cơ quan Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Không ai biết bà là một trong 11 cô gái lái xe huyền thoại trong tuyến đường Trường Sơn suốt mười năm vượt mưa bom bão đạn, đưa vũ khí đạn dược vào chiến trường và chuyển thương binh ra Bắc an toàn. Ngày nào cũng đối mặt với cái chết. Cả đêm và ngày. Nhưng bà đều vượt qua túi bom một cách thần kỳ. Sau chiến tranh, bà sống lặng lẽ. Ngoài tuổi 45, bà sống với một đứa con nuôi. Mãi sau này bà mới lấy chồng. Ông mất vợ, hơn bà đến cả chục tuổi, do bà Nguyễn Thị Định mai mối. Rồi bà lại dồn tâm lực chăm sóc mẹ chồng, lo tang cho mẹ chồng rồi chăm lo các con chồng. Trước vượt qua hiểm nguy, vượt lên cái chết. Giờ vượt qua khó khăn, đói nghèo, đâu có kém cam go.
Xuất hiện trong Lễ trao thưởng, bà Nguyễn Thị Nấp mặc bộ quân phục giản dị, gắn Huân chương chiến thắng hạng Nhất, Nhì, Ba, huy hiệu Bác Hồ, Huy hiệu lái xe Trường Sơn… Kiên cường vượt qua mọi hiểm nguy, gian khổ, giờ đôi mắt người phụ nữ quả cảm ấy lại rưng rưng lệ khi được nhà thơ Trần Đăng Khoa trao tặng thưởng cùng bó hoa tươi thắm. Bà xúc động thực sự vì sự quan tâm ân cần của một thần tượng thơ với những dòng thơ bà cùng 10 nữ đồng đội của mình từng đọc thuộc thời ở chiến trường bom rơi đạn nổ. Bà nghẹn ngào: “Tôi rất cảm động vì chị Mai nhiệt tình viết bài giới thiệu tôi, nói những điều rất chân thực về cuộc đời tôi hồi ở chiến trường cũng như bây giờ khi không còn chiến tranh nữa…”
Việc trao tặng thưởng không chỉ tôn vinh những người viết, người được viết mà còn lan tỏa giá trị sống tích cực đến với đông đảo cộng đồng. Tác giả Nguyễn Thị Mai nhận định: “Bà Dương Thị Nấp và ông Đoàn Minh Tuấn là hiện thân của cái đẹp ngày hôm nay, cũng là bài học lớn cho các thế hệ sau.”
Nhà thơ Trần Đăng Khoa khẳng định: “Tôn vinh những người tốt, việc tốt là cách chúng ta gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Sinh thời Bác Hồ rất quan tâm đến việc lớn này. Người nói: ‘Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp. Cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”. Ông cũng mong “Tạp chí Nhà văn & Cuộc sống sắp tới đây dù có thể có nhiều thay đổi để phù hợp với tình hình và đáp ứng với nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của đông đảo bạn đọc, nhưng vẫn nên giữ lại chuyên mục này. Khi cái đẹp được tôn vinh và lên ngôi thì cái xấu, cái ác sẽ không còn chỗ để nương náu”…