Truyện ngắn của Nguyễn Văn Học
Bình yên và kỳ mỹ. Ai đến không gian của ông Hữu cũng có cảm giác ấy. Nếp nhà cổ trông ra ao làng cùng khoảng sân vườn rộng trồng nhiều loại hoa là không gian hội tụ “xanh mỹ sắc” đáng tự hào của ông Hữu. Lớn hơn, là niềm tự hào của cả làng. Làng Nho nhiều người chơi hoa, cây cảnh và chẳng ít người đạt đến độ “cổ kỳ mỹ văn”. Ông Hữu không chơi lối văn hóa, như cái chất của con người ông. Điềm tĩnh, lạc quan và yêu hoa như con. Sân vườn nhà ông bốn mùa hoa nở ngát, trang điểm cho cuộc sống nho nhã của giao đình ông giáo làng về hưu. Cách đây chục năm, rộ lên mốt chơi nhà cổ, nhiều gã tỷ phú về trả ông cả một xe tiền để được dỡ nhà cổ mang đi. Nhưng ông lắc đầu. Vài hộ trong làng vì bất tiện trong sinh hoạt, đất chật và con cái đông nên đang tâm bán nhà cổ, xây nhà ống, chồng lên ba bốn tầng. Thật ngột ngạt oi bức. Khi con cái mấy gia đình đó có của ăn của để, muốn làm lại nhà cổ thì không được nữa. Mà làm nhà giả cổ như mấy ông chủ giàu có thì họ không đủ lực. Lúc đó mới ân hận vì không nghe lời khuyên của ông Hữu. Căn nhà cổ của ông, có thời gian xuống cấp. Nhưng xuống cấp đến đâu, ông tỉ mỉ tu chỉnh đến đó, cố gắng bảo tồn nếp xưa. Ông bảo các con, chỉ có thế, bằng sợi dây tôn quý truyền thống, người hôm nay mới có thể kết nối người xưa. Chỉ thế mới có thể vỡ vạc trong bể học ở đời. Sự phát triển, nhờ thế trở nên thịnh vượng.
Ở làng, ông Hữu giỏi chữ Nho. Hễ có việc liên quan chữ nghĩa, làm câu đối, từ đường, chữ viết trên nóc nhà và câu đầu… người dân đều đến nhờ. Ai nhờ ông cũng xắn tay giúp, chẳng nề hà, coi đó như việc phúc, giúp làng an ui hơn.
***
Khi ông đang chăm cây thì một vị khách đến tìm. Ông Hữu nhiệt tình mời nước. Nhìn phong thái, ông nhận ra đó là một người am tưởng cây cối.
– Cháu đến tìm vì thấy bác có vườn cây đẹp, lại có công trình kỳ mỹ kia.
Vị khách chỉ ra phía công trình hàng rào, cổng hình cổng chùa bằng uốn bằng cây ô-rô, xen cây trà của ông Hữu. Đó là công trình ông Hữu mất sáu năm để hoàn thành và suốt những năm qua đều phải cắt tỉa để giữ dáng. Ông vẫn nhớ, để thực hiện ý tưởng làm chiếc cổng mô phỏng cổng chùa, từ năm còn khá trẻ, ông Hữu tích cực nuôi, uốn cây và tác động bằng chất hữu cơ để chúng có thể mọc đúng ý. Khi hoàn thành, người dân ngỡ ngàng trước tác phẩm của ông. Ô-rô là loài khó sống, nên cứ trồng đi trồng lại, rồi dặm những cây chết. Cách đây chục năm, ông giáo Hữu về hưu, có nhiều thời gian dành cho không gian của mình.
– Chắc bác phải cầu kỳ và nhọc công lắm.
– Cảm ơn anh. Tôi cũng không ngờ là mình làm được. Sau này càng nghĩ càng thấy, ở pho cổng này có một giá trị ngoài sức tưởng tượng. Rồi rất nhiều người về thăm, tôi cũng thấy vui vì mình làm được một cái gì đó có ý nghĩa cho cuộc đời.
– Vâng, đô thị hóa, nhiều làng quê đã không giữ được những hàng rào cây xanh bình dị. Chỉ với công trình đó, bác đã là bậc thầy của giới chơi cây.
Trong lúc trò chuyện, ông Hữu có hỏi vị khách biết anh Thành ở Yên Sở không? Nghe vị khách nói “chính là cháu”, ông thốt lên: “Ôi, tôi thật vinh dự”.
Trong giới chơi lan Hà thành, ai chẳng biết đến anh Thành, một người am tường lan. Đến cánh chơi lan đột biến xôi thịt, giỏi tính toán nghe đến anh còn ngả mũ chào. Tiếng của anh Thành với những chậu lan truyền thống như “Thanh ngọc”, “Hoàng vũ”…đã làm nức tiếng nhiều triển lãm sinh vật cảnh mùa xuân của thành phố. Anh còn sành phong lan đai châu, phong lan đuôi sóc, đuôi cáo… Gớm, mấy lão từng chiêm ngưỡng hoa của anh, cứ khen nức nở. Nghe tiếng, nhưng ông Hữu chưa từng gặp trực tiếp, chỉ ngờ ngợ hình như anh thấy anh xuất hiện trên các phương tiện truyền thông.
– Cháu mong được mở mang tầm mắt. Không gian của bác thật tuyệt.
– Vâng, cảm ơn anh đã quan tâm. Có gì đâu ạ. Giờ nhiều anh sành chơi lắm. Người ta gọi là có đai có đẳng.
Vị khách liếc vào chậu địa lan “Hoàng vũ”. Anh nhận ra đó là chậu đã được nhiều người nói tới. Anh nâng chén trà, nhấp một ngụm, khuôn mặt trở nên thư thái rồi hỏi ông Hữu:
– Dạ, bác cho cháu hỏi, kia có phải chậu “Hoàng cẩm tố” đã truyền đến bác là ba đời không ạ?
Ông Hữu biết vị khách đã rất tinh tế và hỏi đúng về chậu lan quý. Ông gật đầu, mỉm cười.
– Anh quả là tinh tường.
Quả thực, đó là chậu lan cực quý mà các thành viên trong gia đình ông Hữu đều nâng niu. Việc làm tường rào ô-rô cũng là để trang điểm cho không gian gia đình trở nên mỹ mãn, đẹp hài hòa, nhuần nhuyễn. Từ cổng cây, tường bằng cây đến sân vườn, nhà cổ, hoành phi câu đối, đều cố gắng ăn nhập, tôn bồi nhau lên. Ông bảo, đó là chơi văn hóa, chơi chiều sâu chứ không cốt ở sự ồn ào. Và phải ở một không gian tịnh an như thế mới tôn thêm vẻ đẹp cho chậu “Hoàng cẩm tố”, đã được cụ Cả Hồng, ông Hữu gọi là ông nội dày công chăm sóc. Cụ thân sinh ông Hữu bảo rằng, địa lan là thứ hoa vương giả. Việc chăm sóc để địa lan trổ hoa đẹp là cả một sự kỳ công. Thậm chí, địa lan cũng như con người, lúc khỏe, khi bệnh, khi vui hay khi buồn đều hiện lên mặt lá. Nhìn địa lan, nhiều loài giống nhau nhưng chỉ người sành nhìn kỹ mới thấy sự khác ở đường gân, cuống lá, ngọn lá. Ngày xưa, cụ Cả Hồng lên đường đánh giặc còn không quên dặn vợ ở nhà, có biến thì phải mang theo chậu lan. Ông Hữu được cha mình truyền cho chậu lan quý. Suốt những năm tháng dạy học, ông đều bỏ công chăm hoa để tự răn mình và rèn học trò. Với ông, người dạy chữ cũng nên mang cả đạo chơi hoa vào lớp học. Vừa dạy nét chữ vừa rèn nết người. Như thế các em mới thấm. Học sinh được ông dạy đều ham học, yêu chữ, thành đạt. Nhiều em hiển đạt, đã chung sức xây dựng làng.
Ông đưa Thành đến gần chậu địa lan. Trong đôi mắt của Thành đầy sự trầm trồ, thán phục. Là người hiểu, chơi lan giỏi, cũng có nhiều công lao cho phong cách chơi lan Thủ đô, anh không thể ngờ có một chậu lan tuyệt diệu đến thế.
– Thực ra, cháu còn nghi ngờ về thông tin. Nay được thấy, quả là “danh bất hư truyền”.
Ông Hữu khiến Thành đi hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Ngoài lan, ông Hữu chơi các loại cây rất bình dị nhưng dáng tuyệt đẹp. Nào sung, táo, khế, sấu… Những loại cây bình thường, giản dị nơi miền quê, nhưng qua bàn tay và khiếu thẩm mỹ khiến chúng trở nên có hồn, thành khối tài sản tinh thần vô giá.
Lúc ấy, vợ ông hữu đi chợ mua lá dong về chuẩn bị gói bánh chưng. Thành thưa: “Gia đình bác vẫn duy trì nề nếp gói bánh chưng ngày Tết? Nhiều gia đình đã không còn giữ”. Ông Hữu tự hào: “Vâng. Dù ít dù nhiều, chúng tôi vẫn gói bánh, để các cháu giữ vẻ đẹp ngày Tết truyền thống. Cả làng đều thế đó anh ạ”.
***
Chuyện cháu nội ông Hữu là Thuấn đầu tư, chơi lan đột biến bị lừa tiền tỷ đã ồn ào từ giữa năm ngoái. Cậu bị nếm một vố đau. Chuyện là, Thuấn nghe ai đó rủ rê, rồi đầu tư tiền. Bất chấp lời can ngăn của bố và ông nội, Thuấn còn vay tiền ngân hàng để thỏa thú chơi và kinh doanh. Ông Hữu can cháu. Đừng dại. Nghe trên các phương tiện truyền thông về lan đột biến, mắt ông Hữu hoa lên, lòng cứ bồi hồi lo lắng. Làm sao có cái thứ hoa tăng giá như kiểu kinh doanh đa cấp. Nào “Vương mỹ nhân”, “Bạch tuyết cánh trắng”… các loại lan đột biến đang tạo nên cơn sốt, mà ông Hữu nhìn hình dáng thì đâu có gì quá đặc biệt. Thế nhưng nhiều người phùng mang trợn má, lao vào tung hô, hét giá. Mấy cao niên trong làng đến nhà ông Hữu, thưởng trà, nói chuyện cũng thấy bất an về thứ gọi là lan đột biến, khi giá trị của nó bị thổi lên đến mức không tưởng. Họ nhắc nhau không để con cháu tham gia vào những thương vụ nhiều rủi ro. Nhưng Thuấn đã… dính đòn. Cậu mua những mầm lan được cho là có sự công phá về chất lượng, màu sắc tươi thắm. Mang về trồng, vài tháng sau lan cho hoa, nhưng màu sắc không đúng với những bông hoa được giới thiệu trước đó. Các chủ vườn, nhà buôn đến xem, họ đều lắc đầu, cho rằng đó là thứ lan tầm thường… Thuấn suýt ngã khi nghe điều đó. Anh đến tìm người bán lan thì kẻ đó đã… biến mất. Nghe đâu Thuấn thiệt hại đến cả tỷ đồng. Có người đồn Thuấn mất nhiều hơn thế, nhưng xấu hổ nên không dám công bố con số thật.
Thuấn phải nhờ đến bố cứu giúp. Nhưng bố cậu cũng không đủ sức đỡ đần con sau thương vụ kinh hoàng đó. Thuấn rũ rượi, mất hồn. Cậu hỏi ông. Ông không giúp được. Làm sao ông có tiền tỷ để đưa cháu trả ngân hàng? Thuấn chỉ ra chậu “Hoàng cẩm tố” – vật gia bảo. Ông Hữu lắc đầu. “Không được. Chậu lan đó ông sẽ truyền lại cho bố cháu, rồi bố cháu sẽ truyền cho cháu. Cháu vẫn chưa rõ về giá trị tinh thần của nó ư?”. Trong lúc cùng quẫn, Thuấn đã bưng trộm chậu lan của ông nội. Trong cơn sốt lan đột biến, chậu “Hoàng cẩm tố” cũng trở nên lép vế, chẳng ai coi nó giá trị. Các chủ vườn, chủ chơi lắc đầu, trả rẻ như cỏ. Sau cùng, Thuấn cầm đồ cho một chủ vườn để cầm về hai trăm triệu đồng. Rồi, chính bố của Thuấn phải bán suất đất đầu làng để cứu con.
Lúc ông Hữu và gia đình ủ rũ, đau đớn vì chậu “Hoàng cẩm tố” không cánh mà bay thì người đã cầm đồ cho Thuấn đích thân mang hoa đến. Ông ta ở mãi Phú Thọ, nói là biết tiếng ông Hữu và chậu “Hoàng cẩm tố” là của gia bảo. Do ông không phải chủ, nên chăm sóc kiểu gì hoa cũng cứ buồn thiu, nhợt nhạt, kém sức sống. Ông khách nói thêm: “Tôi mang về đây với tâm thế của một người hiểu đạo chơi. Cháu của ông mang đến gửi tôi. Cậu ta có ghi số điện thoại, tôi cũng nắm được sơ sơ về gia đình. Nay tôi xin trả lại”. Ông Hữu cảm động: “Vậy cháu nội tôi đã cầm của ông bao nhiêu tiền, tôi xin gửi lại”. Khách xua tay: “Thôi ạ. Tiền là chuyện nhỏ, xin được tính sau. Coi như tôi có một chút đóng góp cho việc gìn giữ đạo chơi. Tôi cũng có đọc được bài viết về ông. Ông là một nhà giáo chơi cây tuyện vời”.
Trò chuyện, hiểu nhau, vị khách vui vì mình đã làm đúng. Khách mời ông Hữu có thời gian thì ngược lên Phú Thọ thăm cơ ngơi. Khách tạm biệt, đi rồi, lòng ông Hữu cứ bâng khuâng mãi. Ở đời, sao vẫn có người tốt thế, hiểu hoa đến thế. Được nhận lại chậu lan gia truyền, mặt ông giãn ra, vui sướng. Ông thốt lên: “Ơn trời, giờ lại được ở bên của quý rồi”.
Ông chăm sóc tỉ mỉ, cẩn thận. Giờ hoa đang phô sắc, lại cao sang, kiều diễm và kiêu hãnh.
***
Ngày 30 Tết, như lời mời hôm trước, Thành mang sang tặng ông Hữu chậu lan “Hồng mỹ nhân” đang trổ mọng sức xuân. Chậu hoa góp mặt vào không gian xuân sắc của ông Hữu, càng trở nên lung linh. Tất cả hoa, cây thế đang tôn vinh người trồng, người hy sinh thời gian tâm sức để chăm bẵm bằng vẻ đẹp hút hồn của những bảo vật thiên nhiên. Ông Hữu vui lắm. Ông biết, mình đã có thêm một người bạn. Lúc đó, Thành gặp Thuấn. Anh ồ lên: “Thì ra Thuấn là cháu của bậc kỳ nhân chơi hoa làng Nho”. Ông Hữu gật đầu: “Không dám là kỳ nhân ạ. Nó là cháu nội tôi. Cũng yêu lan, nhưng kiến thức còn thiếu”.
Thì ra, Thành có biết, năm trước Thuấn chơi lan đột biến và bị thất bại. Thành là người am tường giá trị của từng loại, cũng đã gặp biết bao thương nhân, nhà khoa học, chủ vườn. Anh hiểu, lan đột biến sốt cũng vì nhiều thanh niên thiếu kiến thức nhảy vào kinh doanh. Với tính hiếu thắng của mình, họ chỉ làm giàu cho bọn lừa đảo.
Tiện đây, Thuấn được thưởng trà cùng khách và ông nội. Anh Thành bảo Thuấn: “Cháu vẫn cần phải rút kinh nghiệm. Nếu cần hiểu về lan đột biến, ra Tết, chúng ta gặp nhau thêm. Chú sẽ nói thêm cho cháu về mẹo chơi. Trong giới chơi, nếu hiểu rành rõ mọi chuyện thì sẽ chẳng bao giờ thiệt thân cả”. Ông Hữu thêm vào: “Đúng đấy, cháu có thể đi theo chú Thành để học hỏi thêm. Đừng chơi và kinh doanh kiểu liều lĩnh”.
Chậu “Hồng mỹ nhân” đặt cạnh “Hoàng cẩm tố”, cả hai tôn bồi, tạo thêm sự quý phái cho nhau. “Hồng mỹ nhân” đúng là có sức gợi. Mặt hoa này có chất cánh sáp bóng, màu phớt hồng hài hòa phân bố đều trên cả bông hoa. Trong tiết xuân non, không gian bừng lên một màu tươi mới. Hoa và thế cây đang nói với con người nhiều điều. Phẩm cách của hoa luôn có thể cải hóa con người. Hoa cũng khiến con người gần nhau hơn. Khởi duyên từ hoa, ông Hữu mừng vì có thêm hai người bạn chơi hoa. Một ở Hà Nội và một ở tận Phú Thọ. Họ đều có cung cách nho nhã, đĩnh đạc, hiểu đời. Phải chăng, do được vun bồi từ thú chơi, từng nét tinh anh và hào quang của hoa đã vun đắp những tâm hồn rộng mở ấy? Họ chơi hoa mà không tính chuyện làm giàu. Cũng nhờ duyên, cháu nội ông đã được mở mang tầm mắt và suy nghĩ tốt hơn. Bà vợ thấy ông vui vẻ, cũng mừng lòng. Bà nói: “Đúng là người gặp người tốt như gặp hoa quý. Ông như trẻ ra vài tuổi”. Ông Hữu cười “Vì mọi chuyện đều ổn rồi mà bà. Cái món chơi hoa nó thú vị mà cũng thật hồi hộp”.
Ngoài sân vườn, hoa bung tỏa sắc xuân. Ánh nắng nhẹ lung lung huyền ảo. Mấy chú chim trong lồng líu lo hót. Ông Hữu dự định, qua Tết sẽ du xuân một chuyến, bằng việc tìm đến thưởng hoa với hai ông bạn mới.