Võ Đào Phương Trâm
Sáng sớm, nắng nhạt như tà áo mỏng, phủ nhẹ xuống dãy phố đông người, tiếng nói cười xen lẫn những âm thanh pha tạp của một đời sống đô thị thân quen. Con nhỏ xách cái cà mênh đi ra mua cơm tấm, nhìn cái cà mênh tự nhiên tôi nhớ lại cái thời mấy chục năm về trước, khi chưa có hộp nhựa, bao xốp mang về, mỗi lần muốn mua gì, người ta lại đem cái cà mênh, người thì bưng cái tô, đem cái dĩa, thậm chí mua chè cũng phải tự xách cái ly chứ người bán không có gì ngoài gánh chè hết trơn hết trọi.
Nói tới đây lại nhớ cái xóm cũ, nơi tôi sinh ra và lớn lên với tuổi thơ giòn tan trong những tiếng cười cùng đám bạn bè cùng trang lứa, cái thời mà giờ nhớ lại vẫn rõ như in, dù thời đó đời sống không đầy đủ như bây giờ, cũng chẳng có mạng internet, mỗi nhà có cái tivi đen trắng là mừng, ai có được tivi màu là coi như xịn lắm. Cả xóm kéo nhau qua coi, để được nhìn thấy cái màu áo, màu môi của nghệ sĩ, nó đẹp đẽ, đời thật đến mức nào, chứ tivi đen trắng thì coi hoài cũng chán. Cái nỗi khao khát của người dân trong một xóm thành thị những năm 89,90 là cái Cassette hát băng, nhà nào có máy là thay nhau đi mượn băng Cassette về nghe, nghe tới nỗi nó đứt dây băng thì tôi phải tháo ra dán băng keo lại rồi nghe tiếp. Thời đó đâu ai có cái đầu máy chiếu phim, nhà nào mua được là đưa cho người khác mướn lấy tiền. Thế là lâu lâu có ai đó mướn về thì cả xóm thức nguyên đêm để tụ tập ngồi xem, chủ nhà thuê cả chồng phim bộ, phim kiếm hiệp mà thời đó người ta hay gọi là “phim chưởng”. Mỗi khi cái đầu máy được bưng về, chủ nhà kêu cả xóm “tối nay ghé coi phim nha”, vậy là người nào người nấy lo cơm nước, tắm rửa cho thiệt sớm để tối đó tập trung qua coi phim bộ, vì có mấy khi mà được coi phim, coi cải lương theo ý thích của mình.
Tôi vẫn nhớ những năm mà cái tivi người ta đóng trong thùng gỗ, cái màn hình nó lồi ra, mà bây giờ người ta gọi là đồ cổ, hay để trang trí trong mấy quán café, phòng chụp hình theo kiểu cổ điển, xưa xưa. Cái thời mà các kênh truyền hình chưa xuất hiện đại trà, cả nước chỉ có một kênh duy nhất, mỗi tối xem xong, ai cũng chờ xem “chương trình ngày mai” để theo dõi coi có gì hay không, nếu có nội dung thu hút thì tụ tập người trong xóm cùng xem vì nhiều nhà thời đó cũng chưa có cái tivi.
Hồi tôi học cấp 1, bộ phim Tây Du Ký được phát sóng mà cả xóm chen chúc nhau vô xem cho được, rồi bàn tán về bốn thầy trò Đường Tăng tới những con yêu quái. Tuồng cải lương coi xong cũng được mấy cô chú lớn tuổi đem ra bàn luận: “con nhỏ nhà nghèo nên bị khinh chê; bà kia nhà giàu mà sống ác!” Vậy là từ những vai diễn trên phim, trên tuồng bỗng chốc hóa thành câu chuyện giữa phố thị ồn ào, để mỗi người mang những cảm xúc trong lòng theo từng nhân vật.
Nếu bây giờ ngồi đây mà tuổi đã ngoài bốn mươi, chắc không ai quên được ký ức xa xưa của ngày Tết còn ngập tràn tiếng pháo. Đêm giao thừa, nhà nào nhà nấy đua nhau treo từng dây pháo dài từ trên lầu đụng xuống đất rồi đốt giòn tan, sau khi dây pháo chỉ còn trơ lại xác, mấy đứa nhỏ tranh nhau đi nhặt pháo còn sót lại dưới lòng đường, rồi châm lửa đốt, ném tứ tung, đó là lý do vì sao phong trào đốt pháo bị cấm luôn từ đó. Mùa xuân sau này vắng đi tiếng pháo nhưng ngẫm lại cũng đỡ đi nguy hiểm.
Ký ức ngày Tết vẫn còn vẹn nguyên trong xóm cũ khi mấy đứa nhỏ nắm tay nhau khoe quần áo mới, tết đến được Mẹ tô cho cái môi son thiệt đỏ mà không biết gì, cứ lấy tay quẹt quẹt thành ra lem luốc. Nhớ những nhánh mai được mua ngoài chợ, bọc trong tàu lá dừa đem về chưng trên bàn thờ hoặc bàn khách chứ chưa có phong trào trưng mai trong chậu như bây giờ. Mỗi ngày, nghe nụ mai rụng lộp độp trên bàn thờ, rồi nhặt nụ mai để dành vì bỏ đi thì tiếc.
Sài Gòn, hẻm xưa, vẫn còn đọng lại tiếng rao của dì bán chè mỗi khi gánh gánh chè đi dọc vô con hẻm nhỏ: “Ai chè đậu đen, đậu xanh nước cốt dừa hôn!”, vậy là cả xóm xách ly, xách chén ra ngồi xung quanh gánh chè, nghe mùi thơm lừng khi cái nắp nồi được mở ra, khói nóng hổi hòa vào mùi hương ngọt ngào của va-ni làm cho ai cũng nuốt nước miếng ừng ực rồi hí hửng bưng vào nhà ly chè nóng hổi.

Nói đến đây thì tín đồ “hủ tiếu gõ” không thể quên những năm đầu thập niên 90, hủ tiếu gõ không phải nhiều như bây giờ, khách cũng không đến ngay xe hủ tiếu ngồi ăn mà sẽ có người đi gõ lốc cốc vào từng con hẻm, ai muốn ăn thì gọi lại, rồi họ bưng vô, mà hủ tiếu gõ thời đó không có bò viên, hoành thánh, một tô chỉ có vài lát thịt xắt mỏng tang, người ta quen ví “mỏng như lá lúa”. Giờ đã lớn, hủ tiếu gõ bán từ đầu trên xóm dưới nhưng thỉnh thoảng ngồi đâu đó, vẫn nhớ tiếng “lốc cốc” của xe hủ tiếu thời xưa.

Cuộc sống với hàng trăm câu chuyện, hàng trăm con người vội vã đến, vội vã đi nhưng có những câu chuyện xa xưa, mà càng về thuở nhỏ dường như càng in sâu trong tâm trí, bởi đó là những hình ảnh của một thời vô tư chẳng nặng nề bởi hỷ nộ ái ố cuộc đời. Làm sao quên được khi Mẹ kêu cầm cái chén chạy ra đầu xóm mua 200 đồng nước tương cho Mẹ nấu ăn, người ta chiết nước tương trong cái thùng ra chén cho mình đem về, vừa đi vừa lấy ngón tay chấm mút nước tương cho vô miệng mà thấy nó ngon lành, thích thú! Là những ngày đứng chen chúc giữa đông người để đưa một con mắt vào cái lỗ nhỏ xíu trên vách nhà hàng xóm mà xem phim kiếm hiệp. Cái thời trẻ con không cầm điện thoại mà chỉ tụ tập nhau năm, bảy đứa để chơi bán đồ hàng, chơi đóng vai công chúa, vẽ lò cò, ô quan trong xóm với nhau…
Giờ đã lớn, cuộc sống xung quanh đã đủ đầy, bước ra đường là đủ hàng quán món ăn, nhưng mỗi lần đi ngang một ngôi trường, nhìn thấy mấy chiếc xe bán si-rô đá bào, vỉ kẹo đủ màu đựng trong cái hộp nhựa bán cho con nít, mấy cái cùi thơm vàng ươm để ngay ngắn trong thùng kiếng là lại nhớ cái thời còn nhỏ.

Những năm tháng đời sống còn khó khăn, mỗi khi có nội dung gì vừa du nhập là người ta lại tập trung cho cái đó. Tôi vẫn nhớ cả xóm kể nhau nghe chị bán khoai lang trong hẻm, bỏ gánh khoai đang bán để vô tiệm Karaoke đăng ký hát vài bài khi phong trào Karaoke vừa xuất hiện. Và một cuộc cách mạng công nghệ diễn ra, đó là khi mạng internet có mặt ở Việt Nam, tạo điều kiện cho các tiệm internet lúc nào cũng đen đặc người già người trẻ, họ xếp hàng chờ đợi để trải nghiệm xem internet hiện đại thế nào. Cái thời tôi và mấy nhỏ bạn vẫn chat Yahoo tìm bạn bốn phương, nhỏ bạn khóc lên khóc xuống vì anh bạn ở xa không còn liên lạc qua Yahoo nữa!
Cuộc sống mỗi ngày sẽ khác đi, chẳng bao giờ dừng lại, và con người cũng trôi theo đời sống hiện đại dẫu mỗi lúc một già, ai cũng miệt mài chạy đua để bắt kịp guồng quay tiến triển, đôi lúc cũng mệt mỏi, chùn lòng, muốn ngồi xuống nghỉ ngơi, rồi lay lắt tìm lại những tháng ngày cũ kỹ…
Và dẫu tâm hồn chất chứa vô số bộn bề, cái kho não bộ trở nên chật chội thì người ta cũng không nỡ bỏ đi những hoài niệm mộc mạc của tuổi thơ xưa, vẫn vun vén cho nó một góc nơi ngôi nhà ký ức.
Vậy mới thấy, giữa những hào nhoáng, xa hoa, con người vẫn mong mỏi tìm về những điều giản dị, như những người giàu đi tìm món rau luộc với mắm kho quẹt của người nghèo, ăn lại thấy ngon lành, là đi tìm lũy trúc, dòng sông giữa những chiếc ô-tô bóng lộn lướt đi trên con đường hoa lệ…
Thỉnh thoảng người ta vẫn tự hỏi: “Ủa, sao ngày xưa thiếu thốn hơn bây giờ mà sao vui quá, bây giờ đầy đủ hơn mà sao chẳng thấy vui vẻ, thoải mái như lúc hồi xưa!”, phải chăng khi đời sống càng hiện đại, con người lại càng khó gần nhau, nhu cầu đòi hỏi càng nhiều và chúng ta đang phải chạy đua để phục vụ cho những nhu cầu quá tải, là ngồn ngộn những tranh đua giữa mình và người khác, và ta đã bỏ quên đâu đó đôi điều thân thiện giữa chòm xóm láng giềng, bỏ quên một góc để sống bình yên, giản dị!