Đỗ Nguyên Thương
Tôi mượn câu nói này của nhà báo Phan Đăng trong bài viết “Văn học để làm gì”, in trên Báo Văn nghệ ngày 3/4/2025 đặt nhan đề cho bài viết này, để bày tỏ sự đồng cảm cá nhân. Vâng, chính là sự đồng cảm cá nhân, nói và viết cho cá nhân, không vì thuyết phục hay chê bai, ám chỉ ai.
“Văn học để làm gì”, thuở nhỏ tôi mê mẩn câu “Văn học là nhân học” và “Học văn là học lẽ sống làm người” và háo hức mê say đi tìm giá trị văn học qua các trang thơ, văn và tiểu thuyết. Đọc nghiến ngấu, vừa nấu cơm vừa đọc, quên cả việc bọt cơm trào ra khỏi nồi, xuýt tắt bếp… Ngày đó, tôi không hiểu tại sao các cụ mê Kiều, bói Kiều. Tôi không thích những câu như “Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi”, tôi chỉ thích “Mai cốt cách tuyết tinh thần” hoặc “Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da”… Đọc Nam Cao, tôi không thích cái cách các bà mẹ nhà nghèo chữa bách bệnh cho con từ bài thuốc dân gian, giã nát củ gừng, lấy nước gừng bắt trẻ con uống; trẻ con không uống thì dùng đũa cả (đũa cái) gang mồm ra đổ vào … Tôi yêu kính các thầy cô giáo dạy Văn, dạy Tiếng Việt từ nhỏ đến bậc đại học. Nhưng có bài giảng của thầy cô khiến tôi thích, háo hức học và có bài cũng chỉ ngoan ngoãn nghe cho thầy cô vừa lòng; vả lại, khi đó, làm cán bộ lớp nên tôi còn phải học với tâm lý làm gương. Giờ đọc bài của nhà báo Phan Đăng, tôi hiểu rõ hơn, tiếp nhận văn học phụ thuộc vào chính bản thân ta trước “Văn chương suy cho cùng là những trải nghiệm cá nhân”.

Vâng, trải nghiệm cá nhân thật sự quan trọng và chi phối sâu sắc cách đọc, cách cảm nhận và đánh giá của mỗi người. Vẫn là một tác phẩm, khi nhỏ ta đọc thấy khác, khi lớn thấy khác, thậm chí sự khác biệt này còn mang tính đối lập, kiểu “quay ngoắt 180 độ” nhưng thực tế không phải là quay ngoắt mà là chuyển đổi sang một cách hiểu đối lập hoàn toàn với cách hiểu cũ. Ngày nhỏ, tôi từng yêu “Bài thơ về hạnh phúc” của Dương Hương Ly, đến khi nghe Dương Hương Ly (tức Bùi Minh Quốc) đi lấy vợ, tôi (và chắc hẳn cả nhiều bạn học sinh chuyên văn cùng khóa tôi) thấy thất vọng tràn trề. Thậm chí, cảm giác đổ vỡ thần tượng khiến tôi bật khóc, khóc ấm ức, cho rằng tác giả “Bài thơ về hạnh phúc” kia giống như một kẻ dối trá, một kẻ phản bội đối với người vợ cũ của mình là nhà báo Dương Thị Xuân Quý. Học thơ Hồ Xuân Hương, hiểu vần, nhịp, bố cục, cấu tứ… nhưng riêng về nội dung thì tuổi học sinh phổ thông (khi đó chưa được học về giới tính, về sức khỏe sinh sản như bây giờ) thường chỉ hiểu tầng nghĩa hẹp, hiểu bề nổi của tảng băng trôi, còn 7 phần chìm của tảng băng thì chưa hiểu kỹ hoặc không hiểu. Đọc tiểu thuyết “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” của nhà văn Colleen McCullough cũng vậy, không hiểu nhiều (mà vẫn tưởng đã hiểu) về tình yêu say đắm, phá vỡ cả chuẩn mực, cả quy định không được phép của Meggie với Cha Ralph de Bricassart và Meggie đã phải vượt qua nhiều rào cản để đến được với Cha Ralph (trong nhà thờ với người yêu của cô bé xinh đẹp Meggie là CHA XỨ – còn Meggie là một con chiên).
Thời đó, rất nhiều người đọc cảm phục nhưng lên án mối tình của Cha Ralph de Bricassart và Meggie. Tôi cũng từng qua cảm giác ấy, vừa thích những trang văn miêu tả chuyện tình yêu, chuyện hẹn hò … vừa thấy không đồng tình với sự “vượt rào” của đôi tình nhân. Sau này mới hiểu, cảm nhận văn chương phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố quan trọng là trải nghiệm cá nhân. Sự trải nghiệm này không hẳn là trải qua mới biết mà là sự quan sát, chiêm nghiệm qua câu chuyện của những người khác xung quanh mình…
Như vậy, vốn sống, thời điểm, môi trường… đều ảnh hưởng tới tiếp nhận văn học. Đủ vốn sống mới “minh oan” cho nhà thơ Dương Hương Ly, cảm xúc của nhà thơ khi viết “Bài thơ về hạnh phúc” là chân thật, nỗi đau xé lòng khi đó khiến nhà thơ viết nên bài thơ giá trị, sống mãi với thời gian. Năm tháng sẽ chữa lành dần dần cho vết thương lòng, vả lại, đi bước nữa không đồng nghĩa với phản bội người vợ cũ đã hy sinh. Thơ Hồ Xuân Hương được hiểu sâu sắc hơn khi độc giả đã trưởng thành, đã có vợ/chồng là câu chuyện của vốn sống, của trải nghiệm thực tế, cũng là câu chuyện của việc cần giáo dục giới tính cho học trò từ ngay khi các em còn nhỏ, chứ không nên né tránh như quan niệm ấu trĩ một thời trước đây. “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” là tiếng nói táo bạo, là tuyên ngôn về tình yêu lứa đôi bất chấp khó khăn, bất chấp rào cản.
“Văn chương suy cho cùng là những trải nghiệm cá nhân!”, cảm ơn nhà báo Phan Đăng đã nói thay nhiều người, “gỡ rối” trong tâm trí cho nhiều người. Vẻ đẹp văn chương là câu chuyện của muôn đời và trong hành trình kiếm tìm cái đẹp đó, tôi thấy mình là người may mắn khi biết yêu lý luận, phê bình văn học từ thuở còn học phổ thông. Vì yêu mà đọc, cảm nhận, rồi viết ra, lưu lại trong tâm trí. Cứ như vậy, vốn sống đầy đặn thêm lên, trải nghiệm cá nhân phong phú thêm lên, đồng nghĩa với tình yêu văn học, yêu cuộc sống và sự hiểu biết về văn học, về cuộc sống ngày càng gia tăng.
Phú Thọ, 10/4/2025