Người gánh núi
Vùng đất này trước kia vốn là nơi khô cằn hạn hán, không một loài cây cỏ nào sống nổi. Từ ngày số vàng được chôn xuống, trời đất hài hòa, cây cối tươi tốt. Kẻ nào lấy vàng lên sẽ phải chết, linh hồn phải gánh hai quả núi. Chừng nào vàng chưa được hoàn trả, linh hồn người chết sẽ mãi không được siêu thoát. Lời nguyền ghi trên vách đá cạnh hai thanh kiếm và chiếc đòn gánh đã bị phủ lên màu rêu xanh.
***
“Cố lên, cố lên nữa sắp lên tới đỉnh rồi. Lên tới đỉnh cháu sẽ thấy những điều kỳ diệu”. Có ai đó nói sau lưng Vượng. Nhưng anh ngoái lại nhìn chẳng thấy ai cả. Hễ anh toan dừng lại thì lời nói đó lại vọng sau lưng như thúc giục, vồn vã và có phần khẩn khoản nữa. Khi anh bước những bước chân nhọc nhằn, tay bám vào những pò khéo mèo (chỏm đá tai mèo) phún sắc dường như có một sức mạnh nào đó kéo thân anh từ hai phía, vừa kéo đằng trước, vừa đẩy đằng sau như thể muốn Vượng mau chóng lên tới đỉnh quả núi hình con Nhân sư. Và anh đã lên tới đỉnh núi. Anh muốn hét lên một câu thật lớn “tôi đã lên đến đỉnh núi cao nhất rồi”. Song anh mới mở miệng chưa kịp hét lên, tiếng ai đó lại nói một cách ấm áp ngay bên cạnh. “Bây giờ đang giữa giờ Thân, cháu hãy nhìn sang bên phải, cháu sẽ thấy hình hai bàn chân, cháu hãy đặt bàn chân mình vào đó. Cháu hướng mặt về hướng mặt trời lên, hãy để mặt trời ở sau lưng đưa bóng hình của cháu đến nơi cần đến. Rồi cháu đứng thẳng mắt nhìn ra xa cháu sẽ thấy được điều kỳ diệu mà ta nói”. Anh nghe theo lời chỉ dẫn để bàn chân vào phiến đá xanh in hình hai bàn chân. Và anh mở to mắt ra hết mức có thể. “Cháu có nhìn thấy gì không?” Từ rất xa, ở tít chân núi bên đằng đông, đúng vào vị trí bóng đầu của anh, một rương vàng lóe lên màu lấp lóa dưới ánh nắng mặt trời. Anh suýt hét lên vì vui sướng. Nếu có được hòm vàng đó nhất định Vượng sẽ được đổi đời. Khi đó gia đình anh sẽ không phải ở ngôi nhà sàn bốn bên trát đất bùn trộn với rơm rạ. Mái ngói âm dương qua hai lần hứng chịu mưa đá nhiều chỗ chưa kịp sửa chữa, không ngói thay thế, đêm nằm nhìn thấy những ngôi sao lấp lánh trên bầu trời. Anh sẽ có nhà tầng, có xe máy sịn và nhiều thứ khác. Anh sẽ không kém một ai trong cái xóm ven phố huyện Phủ Trùng này. Trong khi anh đang tính toán sử dụng số vàng “trời ban thưởng” vào những việc có ý nghĩa, tiếng người giấu mặt lại vang lên. “Cháu đã ghi nhớ vị trí hình đầu của cháu ngang núi bên kia chưa? Cháu phải nhớ vị trí đó để còn biết mà đào bới cho chính xác. Và cháu nên nhớ rằng cháu là người duy nhất nhìn thấy hòm vàng và sử dụng được hòm vàng đó. Cháu phải chọn ngày tốt để đào vàng, đào một mình, không được nhờ hay nói với bất cứ một người nào về “của trời cho” này biết không? Còn bây giờ cháu hãy ngồi lên trên cành cây này để xuống núi. Đường lên núi gai đã mọc đan ken kín lối đi rồi”. “Không. Làm sao có thể xuống núi bằng cành cây? Tôi không thể”. Anh cưỡng lại. Làm sao Vượng có thể ngồi lên trên cành cây này để xuống núi được. Ngồi lên trên cành cây xuống núi có mà tan xác thành như tương. Vượng không thể, trăm ngàn lần không thể. “Cháu có thể đấy. Hãy nghe lời ta, không sai đâu. Cháu sẽ xuống một cách nhẹ nhàng, an toàn như đi trên mặt đất vậy”. Tôi không tin đâu. “Cháu không tin cũng phải tin”. Và người vô hình (Vượng tạm gọi như thế) không để anh nói thêm câu nào nữa. Một sức mạnh vô hình đã nhấc bổng anh lên đặt vào một cành cây to, lá xanh tươi tốt. Cành cây chở sức nặng gấp nhiều lần trên mình bỗng lập tức lắc lư và rơi xuống với một tốc độ không tưởng. Anh hét lên trong hoảng loạn. “Cứu… cứu tôi…với, cứu… tôi…ai…cứu…với”.
Nghe tiếng hét lên thất thanh của anh, mẹ và bà cùng nói từ hai bên gian nhà vọng tới.
-Vượng ơi con bị làm sao thế. Vượng ơi Vượng, cháu đang nói nhảm gì thế. Ai cứu, cứu ai thế hả?
Bà và mẹ gọi đến mấy lần anh mới sực tỉnh. Thì ra đó chỉ là một cơn mơ. Và đó là một cơn mộng đẹp, một cơn mơ chở đầy ắp giàu sang phú quý và đầy ác mộng hiểm nguy. Nếu bản thể anh không tỉnh lại, linh hồn anh nhất định bị rơi xuống đá nát ra như tương chẳng khác gì một quả trứng rơi từ trên cao xuống nền đá phẳng. Giữa đêm thu của miền núi đá hoang sơ trời se lạnh mà toàn thân anh ướt đẫm mồ hôi. Sau này mỗi lần nhớ lại giấc mơ huyền diệu đó anh vẫn thấy rùng mình toàn thân nổi da gà, cảm giác lạnh ở sống lưng như có ai đó chà túi đựng nước đá lên vậy. Một giấc mơ có phần hoang đường, ảo tưởng. Bà Vượng luôn mồm nói “pho khó ươc ngần nguôc tắm thái” (Người nghèo ước muốn sẽ nhặt được vàng bạc của trời cho đến lúc chết). Cứ như lời nói của bà thì những người nghèo là những người có lắm ảo tưởng chăng? Nhà anh không giàu mà cũng chẳng nghèo. Quanh năm không thiếu ăn, việc làng việc xóm không thua kém những người trong họ. Như vậy ở nông thôn được coi là không thua làng nước rồi. Người nông thôn quê Vượng lấy đó làm thước đo giá trị của gia đình giàu nghèo. Cho dù xã hội có phát triển đi lên đến mấy thì cái thước đo vô hình đó vẫn ngự trị trong rất nhiều người. Nhưng giấc mơ của anh hôm nào lại khiến Vượng có suy nghĩ hoàn toàn khác. Không chỉ có người nghèo mới ươc ngần nguôc tắm thai mà ngay cả những gia đình trung bình, gia đình giàu vẫn cứ mơ giấc mơ ảo tưởng. Chẳng một ai lại suốt ngày ra rả khoe ta đây giàu có. Và cũng không một ai chê tiền cả. Cái bản tính đó xuất hiện từ khi con người nghĩ ra tiền, biết tiêu tiền cho đến bây giờ vẫn không thay đổi. Đó chẳng khác gì một thứ di truyền cố hữu. Không một ai nghĩ đến phương pháp tiêu trừ nó đi cả. Cái ước vọng, khát khao của anh trong giấc mộng cũng là lẽ thường tình. Song hòm vàng mà linh hồn của anh nhìn thấy rõ mồn một kia hằng ngày cứ thúc giục thân xác anh phải quyết tâm đi tìm nó. Phải rồi anh sẽ đi theo cảm nhận của mình theo những gì trong mơ anh đã thấy, đã đi và đã suýt chết trên một ngọn núi xa lắc xa lơ, một ngọn núi lạ hoắc nào đó. Anh bước đi trong vô định để tìm sự đổi đời cho gia đình. Anh không muốn vợ con anh suốt ngày nai lưng trên đồng ruộng, nương rừng núi thẳm sâu. Là con người ai chẳng muốn đi tìm sự sung sướng, giàu sang? Vượng chỉ là một hạt bụi trong vô số biển người đang đêm ngày khao khát tìm kiếm sự sang giàu. Đây rồi. Ngọn núi anh đã thấy trong mơ. Nhưng sao không có tiếng ai đó thúc giục anh bước nhanh lên ngọn núi nơi có phiến đá in dấu hai bàn chân vừa vặn với đôi bàn chân anh? Anh nhìn ngọn núi một hồi lâu rồi tìm đường đi lên núi. Anh đi lên núi theo trí tưởng tượng của mình. Dường như có ai đó chỉ đường cho Vượng đi lên núi. Sau này có dịp nhớ lại anh không biết bằng cách nào đó anh đã lên và xuống ngọn núi rặt một loài nam cả chằng chịt mà bàn chân không rớm máu, thịt da không bị cào rách dù chỉ là một vết sước nhỏ. Cuộc hành trình đi lên núi bắt đầu từ lúc ông mặt trời chỉ nhô lên khỏi núi đông một cây sào. Khi anh đã có thể vươn vai, duỗi tay làm vài động tác để xua đi cái mệt mỏi cũng sắp đến giờ thân. Cũng lạ kỳ, trên ngọn núi cao chót vót này lúc nào cũng có gió thổi hiu hiu. Và suốt cả buổi chiều hôm đó cũng chỉ có mỗi loại gió nhè nhẹ đó. Loại gió nhè nhẹ đó làm con người ta cảm thấy khoan khoái, nó không làm cho con người cảm thấy lạnh vào xương, chỉ làm mồ hôi tan biến.
Vượng liếc mắt nhìn chiếc đồng hồ elegangs ceramic trên cổ tay, mũi kim phút nhích dần về giữa giờ thân. Anh nhẹ nhàng đưa hai bàn chân vào đúng vào vị trí hai bàn chân in trên đá. Đôi bàn chân anh vừa khít vào phiến đá, cứ như có ai đó làm sẵn chỉ để riêng cho anh vậy. Anh hướng mặt về phía mặt trời lên, mặt trời đang rọi chiếu sau lưng, bóng hình anh kéo dài ra hàng chục trượng. Anh hồi hộp quá. Và sự hồi hộp đó đã đến với anh ngoài sức tưởng tượng của một con người bình thường. Xa xa, nơi chân núi đối diện đằng đông, ở đúng vị trí đầu đâu quả nhiên có một hòm vàng hiện lên sáng rực có thể làm sáng một vùng núi. Anh kinh ngạc lắm, hòm vàng mà anh đang nhìn thấy rất rõ, đúng hình khối, màu sắc, cảnh quan không gian và thời gian hệt như anh đã thấy trong mơ. Có lẽ nào giấc mơ của anh là sự thật. Có ai đó đã chỉ cho anh bước đổi đời, gia đình anh sẽ thoát khỏi cảnh lam lũ, bần hàn như bao gia đình khác đã gắng gượng chịu đựng từ nhiều đời nay. Anh thầm cảm ơn vị thần tiên nào đó đã chiếu cố đến một người bình thường như anh. Những kẻ bình thường trên mặt đất này đếm cả tháng cả năm không hết. Bản thân anh có gì đặc biệt so với người khác, anh hoàn toàn không biết. Mỗi người có một số phận và con người ta nhiều khi không thể quyết định cho số phận của mình. Người ta không thể giải thích, họ nói đó là duyên số. Và anh là người không hoàn toàn tin vào duyên số, định mệnh của đời người. Anh cũng không dễ dàng tin lời của người khác, dù đó là những lời nói thật với cái bụng suy nghĩ của người đó. Nếu như ai cũng tin vào số phận an bài thì liệu còn ai dám đứng lên chống lại những thử thách khắc nghiệt của tự nhiên, đương đầu với muôn vàn khó khăn do thiên nhiên mang lại. Anh là con người mạnh mẽ như loài lim loài táu trên núi, dù môi trường sống cằn khô vẫn cố vươn lên tỏa tán lá xanh tươi. Anh vẫn không ngừng nỗ lực trong cuộc sống, hoàn cảnh có khó khăn mới giúp con người ta khám phá ra những khả năng đặc biệt tiềm ẩn ở mỗi con người. Vượng đã không biết được rằng, cái sợ nhất chính là căn bệnh không chịu lắng nghe, một tệ nạn hết sức phổ biến mà loài người mắc phải.
Ước muốn đổi thay cuộc sống khốn khó làm con người ta xoay đủ chiều để tìm lối đi cho riêng mình. Giấc mơ là ảo tưởng, là viển vông, nó là phần thừa thãi bù lại những cái thiếu thốn thực tại của con người. Và đôi khi giấc mơ lại trở thành cái bè phao cứu cánh cho con người trong cảnh bần hàn,túng thiếu. Nhưng một khi giấc mơ trở thành hiện thực sẽ làm cho con người sung sướng hạnh phúc biết bao. Anh đã đi tìm những gì trong mơ đã thấy. Và anh đã thấy những gì đã thấy trong mơ. Một giấc mơ trở thành hiện thực,quả là ngoài sức tưởng tượng của bản thân.
Vượng không biết mình đã xuống núi bằng cách nào. Chỉ biết anh xuống núi rất nhanh, cứ như anh chẳng khác gì một quả cân được treo vào cái ròng rọc được người ta buộc vào và thả xuống theo đường dây cáp có sẵn. Xuống đến nơi Vượng nhanh chóng tìm đến bóng hình anh in trên lưng chừng núi đằng đông. Vượng đứng trước một khoanh đất phẳng, xung quanh là những khối đá mang dáng hình của nhiều con thú dữ. Những khối đá được bố trí một cách cầu kỳ nhìn lâu thấy hoa cả mắt. Anh có cảm giác như mình đang bị nhốt trong Thạch trận. Anh nhắm mắt lại và hình dung con đường đi chính xác nhất. Lạ thay anh nhắm mắt lại thì đi được mà mở mắt ra lại không biết đi đường nào. Vượng cảm thấy kỳ lạ quá. Chưa bao giờ anh rơi vào hoàn cảnh tương tự nào.
Màn đêm buông xuống thật nhanh. Đêm ba mươi trời tối đen như mực tầu. Vượng biết đêm ở núi tối như thế nào. Anh đã chuẩn bị mấy bó đuốc từ ngày hôm qua. Mới đầu giờ Tuất Vượng đặt nhát cuốc đầu tiên xuống nền đất đỏ khô cứng. Bốn góc bốn bó đuốc sáng rực. Anh cởi trần đào thật lực. Thịt hai cơ bắp tay nổi lên cuồn cuộn, chắc nịch. Mồ hôi rịn ra toàn thân. Mỗi khi Vượng khom lưng đào, ánh sáng xiên qua lưng đầy mồ hôi nhớp nháp như trên đó được bôi một lớp mỡ láng bóng vậy. Đây rồi, hòm vàng đang dần hiện ra trước mắt. Vượng khẽ kêu lên vì sung sướng. Vượng không biết vì sao hai hôm nay anh lại khỏe mạnh như vậy. Chỉ cần ăn qua quýt, uống nước lã và hít khí trời mà sức mạnh lại trỗi dậy mạnh mẽ như Héc Quyn. Đêm đó Vượng đã không ngủ. Khi anh khuân được thỏi vàng cuối cùng về chôn trên đám ruộng của mình thì trời cũng bắt đầu chuyển về sáng. Anh lặng lẽ trở về nhà và leo lên giường, cơ mặt anh căng ra hết cỡ vì vui sướng. Anh sẽ chưa vội sử dụng số vàng này. Vượng thầm tính toán làm sao không thể người trong thiên hạ biết anh bắt được một số vàng rất lớn trong tự nhiên. Một căn nhà tầng trong những năm tới, những đồ vật đắt tiền, những chiếc xe con hạng sang đang hiện ra trước mắt anh. Tất cả rõ như ban ngày, anh có thể cầm, sờ, nắm nó một cách trọn vẹn. Mọi thứ đều là của anh, của các con anh. Ở cái bản Mò Roọng này sẽ không còn ai dám khinh thường anh, nhìn anh chẳng khác gì lớp đất dưới chân dày. Họ sẽ phải nhìn anh với sự ngưỡng mộ tuyệt đối. Song Vượng đã không đợi được đến ngày những người hàng xóm cúi đầu ngưỡng mộ. Anh đã không có cơ hội sử dụng số vàng vào những việc mà anh đã vạch sẵn trong đầu từ bấy lâu nay.
***
Dự án cải tạo nâng cấp mở rộng đường tỉnh lộ 206 làm thay đổi gần như toàn bộ không gian bản Mò Roọng. Những ngôi nhà xây được mọc lên hai bên đường thay cho những ngôi nhà sàn vài trăm năm tuổi. Biên là người cuối cùng dọn nhà ra gần mặt đường tỉnh lộ. Vợ chồng Biên cãi nhau mấy trận chỉ vì chuyện ở lại chỗ cũ hay đi chỗ ở mới. Từ ngày Vương Văn Vượng chết, kinh tế gia đình cũng theo đó lụi dần. Vương Văn Biên muốn chuyển nhà ra gần đường để dễ bề đi lại, nấu rượu bán, bã chăn nuôi lợn. Vợ Biên lại muốn ở chỗ cũ. Nhà ở lẻ sẽ không lo gà bị chết do dịch bệnh lây lan từ những vụ việc như ma chay, cưới xin, đầy tháng. Ra ngoài đường cái sẽ phải dựng nhà xuống đám ruộng Pác Khảm. Mà ruộng của Biên không nhiều, hằng năm cấy cũng chỉ đủ ăn. Năm nào mưa không thuận, gió không hòa mùa màng thất thu thiếu ăn vài ba tháng là chuyện thường. Đám tang kéo dài chín ngày của cha đã tốn của Biên ba con lợn, một con bò và hai đám ruộng cấy được gần chục gánh thóc rồi. Giờ phải làm nhà xuống đám ruộng Pác Khảm nữa gia đình Biên lấy thóc ra để ăn? Vợ Biên lo cũng phải lắm. Nhưng tầm nhìn của vợ Biên không quá ram cháp quây (ba gang tay) thì làm sao biết được bài tính toán làm ăn trong tương lai của Biên? Biên đã nhiều lần giải thích cho vợ, dần dần vợ Biên mới hiểu được ý định của chồng. Thuyền theo lái, vợ Biên đành nghe theo lời chồng. Nghe ra rồi, làm theo lời chồng rồi, nhưng tiền làm nhà lấy đâu ra, làm ngôi nhà cấp bốn cũng phải mất gần trăm triệu đồng chứ không ít. Nhà nước chỉ hỗ trợ cho hộ nghèo được hơn hai chục triệu, bà con hàng xóm cũng không có được mấy người dư giả mà cho vợ chồng Biên vay tiền làm nhà. Vợ chồng Biên đành vá víu, mỗi năm làm một tý vậy. Người già chẳng có câu “lấy ngắn nuôi dài” là gì. Năm nay ta làm nhà sang năm ta xây móng bếp. Mấy năm làm nhà theo kiểu “chắp vá” cuối cùng vợ chồng Biên cũng có được ngôi nhà cấp bốn khá rộng rãi, khang trang để ở. Vương Văn Biên hoàn toàn không biết đến số vàng mà cha mình đã cất giấu ngay dưới nền nhà gian chính trong phòng khách. Vợ chồng Biên chăn nuôi gia súc gia cầm năm được năm không. Việc nấu rượu bán cũng không được suôn sẻ. Từ ngày ra mặt đường nhà nào chẳng nấu rượu, nhập rượu về bán. Cả làng cả xóm cùng bán, chẳng ai mua bán được chai rượu nào. Rượu của nhà nào nhà nấy dùng. Dùng nhiều thành quen, thành nghiện rượu. Chưa bao giờ ở làng lại có nhiều người say xỉn như vậy. Mà có say thôi đâu, họ đánh lộn, cãi nhau, chửi nhau như cơm bữa. Biên không biết mình trở thành một người nghiện rượu từ lúc nào. Sáng nào Biên cũng phải có một sữa rượu để lót dạ mới được nếu không đôi tay run rẩy không làm được việc gì. Câu “rượu này từ gạo mà ra, uống rượu cũng chính là ăn cơm” đã trở thành bài ca muôn thuở của những con sâu rượu bản Mò Roọng. Người ta đang uống cốt của gạo. Đã là cốt là những gì tinh túy nhất. Những người bạn của Biên nói thế. Biên cũng thấy hay hay. Cốt của gạo làm nhiều người trở nên đứ đừ đư, suốt ngày quanh quẩn ở nhà, họ nói nhiều hơn là làm. Họ múa may chân tay, nhưng họ múa may tay chân chém vào không khí, đôi khi chém vào người, không phải tay chân họ múa may trên con dao, cán cuốc làm việc trên đồng ruộng. Nhiều bà vợ tức quá đã nói “bản Mò Roọng cái gì chứ, nên đổi thành làng say rượu thì hơn”. Mọi công việc nặng nhẹ lại đổ hết lên đầu của những người vợ, người con. Thật đáng tội nghiệp cho những người “chân yếu tay mềm” lại phải làm thay công việc của những người được con người gọi với hai từ “phái mạnh”.
Dạo này Biên không còn uống rượu nữa. Sớm Biên đi làm, tối mịt mới về. Vợ Biên mừng lắm. Những người bạn rượu tỏ ra buồn khi mất đi một cạ rượu đẳng cấp. Biên uống rượu không biết say. Bữa cơm không cần chan canh, thức ăn, chỉ cần chan rượu là Biên ăn một cách ngon lành. Nhưng giờ thì khác rồi. Biên đã kiên quyết từ bỏ các loại mỹ tửu làm thần kinh con người hỗn loạn. Đã nhiều lần Biên không làm chủ được bản thân mình chửi bới với những người hàng xóm chỉ vì những chuyện quá vặt vãnh. Lúc bình thường Biên có bao giờ như vậy đâu. Thế nhưng khi uống rượu vào Biên như biến thành một con người khác hẳn. Biên đã biết đến hai chữ nhục nhã nên quyết tâm từ bỏ. Bỏ hoàn toàn, bỏ vĩnh viễn, dù người ta có mời ngon ngọt đến mấy Biên cũng cương quyết chối từ. Giờ Biên phải làm bù cho những ngày chìm đắm trong cơn say. Biên muốn giành hết mọi công việc về mình. Các con Biên không phải theo mẹ lên nương từ sớm. Các con Biên ở nhà trông coi nhà cửa làm những công việc nhỏ. Biên vì thế thường xuyên vắng nhà dù trời mưa hay nắng.
Một hôm khi các con Biên đang chơi nghịch trong vườn thì có một bà đầu tóc bạc phơ, ăn mặc rách rưới đến xin ăn. Con chó trắng đuôi cụt hung hãn sủa lên ầm ĩ. Thấy vậy bà già ăn xin nói một câu.
-Sủa gì mà sủa, nhà ngươi không biết giữ mình, đọa kiếp làm chó lại còn tỏ ra hung dữ với ta. Nhà ngươi còn chưa liệu thân tu tỉnh để trở lại làm người, sớm thoát khỏi kiếp làm chó giữ nhà coi của cho con người.
Bà già ăn xin nói xong bỏ đi liền. Mấy đứa con của Biên không biết bà già ăn xin đã nói gì với con chó của mình. Khi vợ chồng Biên đi làm về thấy con chó trắng không còn mừng rỡ, vẫy vẫy mẩu đuôi cụt ngủn để đón chủ nhân thì sinh nghi không biết con chó mắc bệnh gì mà tỏ ra ủ rũ như vậy. Biên hỏi các con, các con lắc đầu. Con chó nhà Biên nổi tiếng thông minh. Nó không thể dính bả chuột được. Đêm qua nó vẫn ăn cơm ngon lành, hà cớ gì mà mỗi buổi sáng nó liền tỏ ra là con cho ốm không chút sức sống? Biên lo lắng, thương con chó một mực trung thành với chủ, giữ nhà chắc chắn đã chạy đôn chạy đáo tìm phương thuốc chữa trị cho con chó. Nhưng thuốc thang không làm cho con chó nhà Biên khỏi bệnh. Nó không chịu ăn, mặt buồn hiu. Trong khi Biên gần như hết cách chữa chạy với con vật này, Biên được một người hàng xóm cho biết, cách đây ít hôm có cụ già tóc bạc phơ, áo quần rách tươm đến xin ăn, con chó hung dữ sủa lên từng hồi dài. Người đó đã nói mấy câu với con chó, ngay lập tức con chó thôi không sủa nữa. Bà già kia cũng bỏ đi, đi đâu không ai rõ. Từ trước đến nay họ chưa thấy một bà già ăn xin như vậy bao giờ.
Biên nghe vậy lập tức đi đến nhà thánh Hạnh là sứ giả được trời cử xuống nhân gian cứu giúp loài người thoát khỏi mọi bệnh tật đang hành hạ khắp nhân gian. Thánh Hạnh nghe Vương Văn Biên trình bày sự việc thì phán. “Ngươi đừng tỏ ra lo lắng, cũng đừng tỏ ra bực tức với người ăn xin đó mà làm gì. Ngươi có biết con chó trắng đó là ai không? Nó chính là cha ngươi đó. Cha ngươi chết bất đắc kỳ tử. Trước khi cha ngươi chết đã chưa kịp nói gì với ngươi. Sự thực cha ngươi có một hòm vàng rất lớn mà chưa kịp báo cho ngươi biết. Do vậy khi cha ngươi chết đi phần không yên tâm về ngươi, phần sợ kho báu sẽ bị kẻ trộm lấy mất nên đã đọa kiếp làm chó về giữ nhà giữ của cho ngươi. Giờ thì ngươi hãy về nhà và nói với con chó rằng thường ngày mày hay nằm ở đâu hãy nằm cho ta xem. Và ngươi hãy đào xuống nơi con chó hay nằm nhất ngươi sẽ thấy lời nói của ta không sai”. Nghe lời phán Biên tức tốc về nhà và nói những gì thánh Hạnh nói đem nói với con chó trắng. Con chó nghe chủ nói thì hết ủ rũ nhanh chân đến nằm ở nơi nó thường hay nằm nhất. Biên lấy búa, xẻng, thuổng đào xuống nền nhà. Khi Biên đào sâu gần một mét thì miệng cuốc cắm cắn phải nắp đậy bằng đồng đen. Biên thận trọng đào vớt đất một cách nhẹ nhàng. Rồi một chiếc hòm dài gần một sải tay hiện ra trước mắt Biên. Biên nhẹ nhàng cậy khóa hòm đã bị gỉ bởi màu thời gian. Ánh vàng lóe lên làm Biên phải khép mắt lại. Biên dặn vợ không được hở thông tin ra ngoài. Còn bản thân Biên nhanh chóng quay trở lại nhà thánh Hạnh.
-Ngươi muốn cứu bố của mình thoát khỏi kiếp làm súc sinh? Thánh Hạnh hỏi Biên.
-Thưa vâng. Xin thánh thiêng sử dụng khả năng siêu phàm của mình chỉ cho con con đường giải cứu bố con.
-Được rồi. Ta xem nhà ngươi cũng là người con có tấm lòng hiếu thảo. Ta chỉ nói cho con con đường đi chứ ta không thể thay ngươi hay bố ngươi làm chuyện mà bố con người sẽ phải làm trong cuộc đời.
-Vâng. Vạn sự nhờ thánh giúp đỡ, con xin đội ơn thần thánh muôn phần. Biên nói.
-Được rồi. Ta sẽ cứu rỗi bố ngươi khỏi kiếp súc sinh.
-Vâng.
-Bây giờ ngươi hãy về đi. Bố ngươi giờ đã thoát khỏi kiếp xúc sinh. Nhưng bố ngươi phải chịu kiếp đọa đày do lòng tham mang lại. Một ngàn năm sau, khi trời đất chuyển mình gánh nặng trên đôi vai bố ngươi mới được nhẹ bớt. Mà bố ngươi có sớm thoái khỏi kiếp nạn để trở lại làm người hay không còn phụ thuộc vào lòng ái hữu, vị tha của vợ chồng và các con của ngươi nữa. Thánh Hạnh nói thêm.
Biên dạ dạ vâng vâng. Không biết Biên có hiểu câu nói sâu xa của thánh Hạnh không? Biên về nhà vừa kịp chứng kiến con chó trắng giãy chết. Một lát sau thân nó nằm thẳng cứng đơ. Biên không nỡ ăn thịt con chó mang linh hồn của bố mình. Cũng không để cho người hàng xóm ăn thịt con vật mấy năm gắn bó thân thiết với mọi thành viên cho gia đình. Biên thương số phận bố, thương con chó tội nghiệp. Anh đóng một chiếc hòm gỗ đem xác con chó nằm vào đó. Nhưng anh vừa chạm tay vào xác con chó, ngay lập tức cái xác đó liền tan biến vào hư vô giống như một ảo ảnh. Một cảm giác thật mà như mơ. Giấc mơ cứ kéo dài, dãi mãi…
Co xầu trung tuần tháng 3/2015
N.Q.L