Thạch Bích Ngọc (ĐHQG, TP. Hồ Chí Minh)
Vào dịp mùa hè, cứ mỗi buổi sớm mai, khi vừa chợt tỉnh giấc để chuẩn bị ra công viên tập thể thao là tôi lại ngửi thấy mùi mít chín thơm lừng tỏa bay ra từ mấy người ở quê mang mít ra bán ở cái chợ “cóc” phía bên hông nhà tôi. Cái chợ này chỉ là khu chợ tạm và nó chủ yếu phục vụ cho nhu cầu mua sắm tiêu dùng của vài cụm dân cư trong khu phố, vậy mà nó đã tồn tại được khá nhiều năm rồi. Mùa nào thức nấy, khoảng ven đường chỗ hông phòng tôi ở thì người ta chỉ dành bán hoa quả. Mùa hè thường bao giờ cũng phải có đến ba, bốn xe thồ mít bày bán. Mít là món ăn được xem là nóng với nhiều người nhưng lại là món khoái khẩu của tôi. Chẳng vậy mà bao giờ sau khoảng thời gian tập thể dục từ công viên về tôi cũng tạt vào mua, khi thì nửa kg, lúc hẳn nửa quả để ăn. Ăn mít hàng ngày mà tôi chẳng bao giờ biết chán. Khi thì bóc múi ăn, lúc lại mang chế biến thành sinh tố cũng rất hấp dẫn. Món mít không chỉ ngon, mà nó gợi lại trong tôi biết bao những kỷ niệm về một thời ấu thơ nơi quê nhà…
Ngày ấy, nhà tôi trồng 2 cây mít ở vườn sau. Một cây mít na và một cây mít mật. Hai cây đều to với cành lá sum suê tỏa bóng mát bao trùm gần hết cả khoảng sân giếng nước, và khu vườn rau. Thân cây to đến cả vài người ôm mới xuể, vì theo như ông bà tôi kể thì chúng đã có từ hàng trăm năm nay, từ khi ông bà tôi còn nhỏ xíu chúng đã được trồng rồi bởi các cụ sinh ra ông bà. Chẳng riêng nhà tôi, mà hầu như nhà nào ở làng cũng đều có trồng mít, bởi dù có nhiều cây ăn quả thế nào, và giàu có với thóc lúa đầy bồ bao nhiêu đi chăng nữa mà không có cây mít trong vườn thì vẫn không được coi là đủ đầy, sung túc, chẳng vậy mà người ta mới có câu “nhà ngói cây mít” là vậy. Chẳng vậy mà nhà ít thì trồng 1 cây, còn nhà nhiều thì có tới cả vườn mít với hàng chục cây. Hai cây mít nhà tôi thuộc hàng cổ thụ, và cả hai giống mít đều rất ngon. Cây mít na thì năm nào cũng trĩu trịt quả, có khi phải tới hàng trăm quả một vụ, đó còn chưa tính thi thoảng cây cho một vài chục quả trái vụ. Giống mít này quả không lớn khi quả to nhất cũng chỉ bằng cái rá vo gạo loại nhỏ là cùng, còn đều đều chỉ lớn hơn cái bát tô múc canh. Thế nhưng vỏ thì mỏng, múi dày, hạt nhỏ màu vàng óng như mỡ gà và vị ngọt sắc đậm đà. Cái đặc biệt của cây mít na này là hầu như quả chẳng có xơ trắng (xơ đực), mà chỉ có múi và xơ màu vàng (xơ cái). Chính vì thế mà khi ăn hầu như chỉ phải bỏ mỗi hạt còn ăn được hết cả xơ lẫn múi. Vì giống mít được xem là quý và ngon nhất xóm nên không ít gia đình trong làng, thậm chí là khách ở xa cũng nài nỉ xin hạt mít giống về ươm trồng. Còn cây mít mật thì quả không sai bằng, độ đặc biệt và thơm ngon không thể sánh bằng cây mít na nhưng ưu điểm của nó là quả cực lớn. Quả bình thường cũng cỡ dăm, bảy kg; còn những quả to nhất thì phải to, dài bằng cái thùng gánh nước và nặng tới vài chục kg. So với các giống mít khác, giống mít mật này tôi không thích ăn lắm vì múi khi chín thường mềm nhũn. Thế nhưng ông bà nội tôi và thậm chí cả bố, mẹ và thằng em út của tôi lại luôn thích mít mật. Vậy nhưng, nói là không thích, nhưng mỗi khi có quả mít mật chín cắt xuống, khi bổ ra bao giờ tôi cũng xơi một vài miếng to rất ngon lành.
Kỷ niệm về hai cây mít vườn nhà không chỉ là những năm tháng ấu thơ được ăn mít thỏa thích, những buổi trèo cây vỗ thăm xem mít chín chưa, hay những lúc hái dái mít (quả nhỏ) để chấm muối ăn…; mà trong tôi cũng vẫn luôn không thể quên về một thời nghèo khó, khi chính hai cây mít ấy nhiều phen đã cứu gia đình tôi với 7 miệng ăn không phải đứt bữa vì thiếu ngô, khoai, thóc lúa… Những khi anh cả lên cây vỗ thấy mít chín, mẹ thường sai cắt xuống để sớm mai mẹ mang đến chợ phiên làng bên bán lấy tiền mua gạo, rau, muối. Nhiều hôm, mặc dù mít chín tới 4,5 quả và tôi rất muốn ăn nhưng nghe mẹ nói nhà hết gạo, hay muốn lo tiền cho đám giỗ cụ, hoặc lo cho thằng út tiền đóng học phí ở trường… nên tôi lại không dám nài nỉ mẹ bổ mít, bởi khi mang bán 4,5 quả mít ấy thì ít nhiều mẹ cũng giải quyết được khá nhiều việc…
Chính vì những cây mít gắn bó và thân thuộc và có ích với hết thảy mọi thành viên trong gia đình tôi như vậy mà khi ông bà nội tôi mất đi, các cụ trong dòng họ đã quàng lên mỗi thân cây một vành khăn tang. Lúc đấy tôi còn nhỏ, chưa hiểu gì đã thắc mắc với mẹ là làm sao lại phải như vậy, thì mẹ giải thích: “Cây cối cũng có linh hồn đấy con ạ! Hai cây mít nhà mình không chỉ là bạn hữu gắn bó với ông, bà mà còn là ân nhân mang lại những mùa quả ngọt để nuôi sống ông, bà và cả gia đình ta vì vậy khi ông, bà mất đi nó cũng phải trở tang như một thành viên trong nhà!”.
Năm tháng qua đi, tuổi thơ nghèo khó, lam lũ của tôi êm đềm trôi dưới những tán mít vườn nhà, và tôi không thể nghĩ rằng có một ngày nào đó tôi cũng như cả gia đình lại có thể phải xa những cây mít cổ thụ đã gắn bó suốt những năm dài qua mấy thế hệ. Thế mà ngày ấy đã đến thật, khi diện tích đất ở của gia đình tôi và nhiều nhà hàng xóm rơi vào đúng tim một con đường trong quy hoạch phát triển giao thông của thành phố. Các hộ bị mất đất phải di chuyển đến một khu đất mới do xã cấp ở bìa làng và khi con đường bắt đầu thi công thì cũng là lúc người ta mang máy ủi tới xô đổ những nhà cửa, cây cối, trong đó có hai cây mít nhà tôi. Vâng, khi ấy cũng là mùa hè và những trái mít tròn căng treo lủng lẳng chưa kịp chín đã bị máy ủi vùi dập, quật ngã theo cây đổ xuống. Ôi, lúc này tôi thấy tiếc và xót thương cho hai cây mít. Tự dưng, từ hai khóe mắt dòng lệ cứ tự tuôn trào và như phải chia tay vĩnh viễn một người bạn, một người thân, tôi đã thầm gọi: mít ơi!
Thời gian thấm thoắt qua nhanh, chia tay với hai cây mít vườn nhà vậy mà đã gần chục năm. Sở thích ăn mít, và ăn rất nhiều mít của tôi thì vẫn vẹn nguyên không thay đổi. Kỷ niệm về những cây mít vườn nhà thời ấu thơ quả là không dễ gì quên được, chẳng vậy mà mỗi khi mùa hè tới – mùa của những trái mít chín thơm lừng, tôi thường luôn hoài niệm và nhớ về chúng như nhớ nhung và tri ân tới những người bạn thân thiết, nghĩa tình…
