Bài & ảnh: Thạch Bích Ngọc (ĐHQG, TP. Hồ Chí Minh)
Trong khoảng vài ba thập kỷ trở lại đây, tại nước Cộng hòa Liên bang Đức xuất hiện khá nhiều những khu “rừng nghĩa trang”- một mô hình an táng rất được khuyến khích, bởi nó rất thân thiện với môi trường, và những người có tâm nguyện được chôn cất trong đó đều rất yêu thiên nhiên, cây cối khi họ muốn được trở về trong vòng tay bao bọc của thiên nhiên.
Những khu rừng được quy hoạch thành nghĩa trang ở Đức về hình thức nó giống như bất cứ những khu rừng bình thường khác, khi mà ở đó có rất nhiều cây cối, những lối mòn đi dạo, mà thoạt nhìn người không biết sẽ chẳng có thể nhận ra đó là một khu… nghĩa trang (?!) Sở dĩ vậy là vì các khu rừng nghĩa trang có hình thức chôn cất người chết không giống như các khu nghĩa trang truyền thống bình thường, là ở đó phải có mộ phần to cao, có gắn bia mộ… mà ở trong các khu rừng nghĩa trang, dẫu rất nhiều người yên nghỉ bên trong đó nhưng ta không hề nhìn thấy mộ phần, nghĩa trang nhìn như một khu rừng bình thường, thậm chí như một công viên xanh mát, khiến ai cũng muốn tới đó để dạo chơi, cắm trại trong những ngày nghỉ, dịp cuối tuần.

Mô hình hoạt động của các khu rừng nghĩa trang đó là, mọi người lúc còn sống có thể “đăng ký” cho mình một chỗ chôn cất trong khu rừng mình yêu thích, bằng cách bỏ tiền ra mua một cái cây ở trong đó, để khi chết, sau khi thiêu người thân sẽ mang hũ tro cốt vào khu rừng để chôn ngay dưới cái gốc cây mà khi còn sống họ đã mua trước đó. Cũng có người thì họ mua riêng một cái cây, nhưng cũng có cái cây thì cả một gia đình mua chung; hoặc những người bạn bè rủ nhau mua chung, để khi bước sang… thế giới bên kia, sẽ cùng được chôn cất dưới những gốc cây đã mua ấy. Giá tiền để mua một cái cây cũng không hoàn toàn giống nhau, khi có những cái cây to lớn, nằm ở vị trí “đẹp”, thuận tiện cho việc viếng thăm, giá lên tới 15.000 Euro (tương đương khoảng hơn 450.000.000 VNĐ); trong lúc một số loại cây chỉ có giá từ 5.000 đến 8.000 Euro… Ngoài việc phụ thuộc vào cỡ cây lớn, nhỏ và vị trí trong khu rừng để “định giá” mộ phần; thì loại gỗ của cái cây đó cũng chi phối tới giá tiền cao, thấp khác nhau. Ví dụ, các loại cây gỗ tốt, có tuổi đời cao, cây có hoa, có quả… thường được nhiều người chọn mua. Hợp đồng mua cây chôn cất trong rừng thường có thời hạn… 99 năm, và đây có lẽ chỉ là một kiểu hợp đồng thời hạn theo kiểu… tượng trưng, chứ sau khoảng thời gian dài như vậy tro cốt người chết đâu còn gì, mà nó đã tiêu tan thành đất, thành cát bụi, nhất là các hũ đựng tro cốt để chôn xuống đất kia cũng được làm bằng chất liệu thân thiện môi trường, khi nó tự phân hủy sau chỉ vài chục năm mà thôi!
Khi đã ký thỏa thuận mua chỗ chôn cất trong khu rừng, lúc mất đi, người thân sau khi mang thi thể đi thiêu xong sẽ mang hũ tro cốt của người quá cố vào đúng chỗ đã mua để chôn cất. Việc chôn cất ở các “rừng nghĩa trang” tại Đức không được tự ý theo mình, mà phải tuân thủ các quy định của cơ quan chủ quản của khu rừng nghĩa trang đó. Một điểm chung các khu rừng nghĩa trang ở Đức quy định đó là người thân khi mang hũ tro cốt tới chôn cất không được mang theo vào rừng bất cứ một thứ gì, kể cả hoa, hương, nến… để đặt ở mộ phần. Nếu cố tình mang vào sẽ bị phạt nặng, vì trước lúc ký thỏa thuận mua chỗ chôn cất, những người muốn yên nghỉ trong khu rừng đều đã chấp nhận hết các điều khoản, quy định của chủ quản khu rừng nghĩa trang đã đặt ra.
Công việc chôn cất người mất, người thân của họ sẽ không phải động tay tới, mà tất cả do ban quản trang của khu rừng đảm nhiệm. Họ đào một cái hố rất nhỏ, độ sâu vừa phải ngay cạnh gốc cây và đặt hũ tro cốt xuống rồi lấp đất bằng phẳng như nền của khu rừng, không nhô cao lên, khiến một thời gian sau, lá cây rụng xuống không ai còn có thể nhận biết quanh những cái cây trong rừng có mộ phần của những người chết. Đối với mọi người thân trong gia đình, khi muốn tới khu rừng thăm viếng mộ phần của người quá cố yên nghỉ tại đây, họ cũng chỉ nhắm tới những gốc cây trên thân có gắn tấm bảng đen nho nhỏ bằng bàn tay, trên đó ghi tên tuổi người mất, ngày sinh, ngày mất, để “định vị”. Và khi thăm viếng họ cũng không được mang bất cứ thứ gì vào đặt ở mộ phần dưới gốc cây. Chuyện đi lại mà vô tình giẫm đạp lên mộ phần có người quá cố bên dưới trong khu rừng không bị cấm, và người Đức cũng không coi nặng chuyện kiêng kỵ như ở một số nước Châu Á…

Theo như tôi biết, những quy định chặt chẽ của cơ quan chủ quản các khu rừng nghĩa trang như vậy, là họ không muốn làm mất đi vẻ tự nhiên của khu rừng, mà ngay khi ký giao kèo với những người có ý định mua phần mộ chôn cất trong rừng, tất cả mọi người đều đồng ý với cung cách, mô hình hoạt động của rừng nghĩa trang như vậy, bởi một khi có ý định mua gốc cây để được chôn cất, yên nghỉ dưới gốc cây trong rừng thì bản thân họ đã là những người rất yêu thiên nhiên, muốn trở về với thiên nhiên, họ đều coi việc con người khi chết đi là hết, sinh ra từ cát bụi và lại trở về với cát bụi, nên họ muốn hòa thân xác mình vào thiên nhiên, được nằm dưới các gốc cây rừng xanh tươi, mát mẻ… Mô hình “rừng nghĩa trang” ở Đức quả là rất tuyệt vời và nhân văn, chính vì vậy mà nhiều quốc gia trên thế giới rất nên tham khảo và có thể áp dụng theo, bởi như đã nói so với việc xây dựng mồ mả to cao thì việc chôn cất dưới các gốc cây trong rừng không chỉ thân thiện với môi trường mà lại không tốn diện tích đất…(?!)