Sándor Halmosi
(Ngô Bình Anh Khoa dịch từ bản tiếng Anh)
(Bàn về thi ca không giáo điều, hay về Hòa bình Thế giới qua sự Thao thức)
Câu chuyện một phút. Hãy gọi tên ta và ta sẽ trở nên tĩnh lặng.
Xét về bản chất của sự việc, không có bất kỳ một hệ thống hay kiến tạo về nhận thức hoặc triết lý nào trên thế giới này có thể tránh được nguy cơ trở nên giáo điều. Nguy cơ này cũng hiện hữu trong bất kỳ phong trào tâm linh, trong cộng đồng tôn giáo, trong môi trường hướng về chủ nghĩa vô thần hoặc chủ nghĩa vật chất, trong một bong bóng xã hội hay chính trị, trong thể chế của một quốc gia, trong một cộng đồng hay tập thể bạn bè. Điều này đã được chứng minh qua toán học. Xét thấy định lý Gödel có nói rằng một hệ thống kín không thể tồn tại mà không có nghịch lý.
Có thể nói rằng lĩnh vực duy nhất không có nguy cơ trên là lĩnh vực nghệ thuật, chủ yếu là thi ca – vì thi ca về bản chất không phải là một hệ thống và cũng không đóng kín. Về định nghĩa, thi ca không mang tính giáo điều và khác với văn xuôi, thi ca không đưa ra lời giải thích. Thay vào đó, thi ca giúp cho độc giả mở mang tầm mắt. Thi ca giáo dục chúng ta. Thi ca là một lời tuyên bố. Thi ca luôn chứa đựng nhiều tri thức hơn những văn bản của Pháp luật. Nó giúp khuếch đại tinh thần của Pháp luật mà không khiến cho Pháp luật trở thành phụ lục, cũng không cần giải thích cách thức mà nó vận hành hoặc bị ràng buộc bởi những lời giải thích chắc chắn. Mục tiêu của thi ca không phải là để thuyết phục – mà là để cứu rỗi độc giả. Nhà thơ người Hungary János Pilinszky đã từng nói: “I am because I am not” (tạm dịch: “Tôi tồn tại bởi vì tôi không tồn tại”). Thi ca là biểu hiện tuyệt đối của một sự tồn tại không khép kín. Đó là một khu vui chơi dành cho khoảng lặng giữa ngôn từ, những khoảng lặng với rất nhiều điều muốn nói. Đó là những nỗi niềm hoài nghi quá đỗi thân quen mà con người ta cần phải ngẫm nghĩ lại và có thể ngẫm nghĩ lại. Đó là vùng an toàn lơ lửng ngay trên bờ vực thẳm. Đó là sự bình tâm mà người vô gia cư cảm nhận được và biết rằng bất kỳ nơi đâu cũng có thể là nhà của họ. Đó là sự thoát ly khỏi mọi thứ trên đời.
Đây chính là bản chất của con người: chúng ta là quái vật mang đôi cánh thiên thần, nhưng đa số chúng ta lại không có cánh. Chúng ta cố gắng sống tốt hơn. Chúng ta luôn muốn trở nên tốt hơn và thoải mái hơn. Suốt hàng trăm năm qua, chúng ta luôn cố gắng đấu tranh cho một cuộc sống tốt hơn, cho nhân phẩm, cho nhân quyền, cho mục đích bảo vệ những giá trị của chúng ta, cho bất kỳ thứ gì có thể chắp cánh cho linh hồn chúng ta, cho sự bảo tồn cái đẹp. Chúng ta đã chiến đấu không ngừng nghỉ với nhận thức. Tuy nhiên, một khi ta đạt được mục đích, ta lại trở nên quá hài lòng và không thể tách rời ra khỏi cảm giác tiện nghi đó và rồi, chúng ta mất đi mối liên kết với chính linh hồn mình (đây cũng được gọi là cái chết của thi ca). Chúng ta mất đi nhận thức và tâm thế sẵn sàng, mất đi kiến thức sâu sắc về những giá trị chân thật và cách sống. Chúng ta suy sụp và kéo theo tất cả mọi thứ khác sụp đổ, tất cả những gì đã từng được xem là đẹp đẽ và quý giá, tất cả những gì đã từng là động lực để cho ta tiếp tục sống. Chúng ta phơi bày hết tội lỗi của bản thân trước ánh đèn của ngọn hải đăng và rồi phá hủy cả tòa tháp ấy.
Chỉ có thi ca là tấm gương cho chúng ta tự soi lại chính mình. Chỉ có thi ca mới có thể ngăn cản chúng ta lại, không cho chúng ta đâm đầu xuống bờ vực thẳm. Chỉ có thi ca mới biết cách nắm lấy cổ áo của chúng ta và lắc thật mạnh như thể muốn nói: Nhân loại, hãy ngừng lại đi, người đang làm cái gì thế? Thật đáng buồn cho một cộng đồng một xã hội đã đánh mất đi mối liên kết với chính linh hồn của họ, khiến họ không còn sống một cuộc đời thơ mộng và đánh mất đi thứ gọi là poeta sacer, một nhà thơ linh thiêng. Một cộng đồng xã hội như vậy không còn là một cộng đồng xã hội nữa. Không có sự kiên cường, ánh sáng và những câu trả lời vĩnh hằng mà thi ca đem lại, chúng ta chẳng còn là gì khác ngoài những vật chất vô tri bị cuốn vào những vòng xoáy trùng lặp vô nghĩa, chỉ còn là những cái xác không hồn, những kẻ bị lưu đày đã suy sụp thành vụn vỡ, những sự tồn tại rất cần sự tiếp xúc với nhân loại, những sự tồn tại tách biệt khỏi tất cả những điều quan trọng trên đời, những kẻ không thể tiếp thu được bất kỳ điều gì và không còn hy vọng được cứu rỗi.
Điệp khúc này đang ngân vang rõ hơn mỗi ngày: Chúng ta chỉ muốn sinh tồn bằng bất cứ giá nào và bằng bất kỳ cách thức nào! Chúng ta đang đối mặt với một mối hiểm họa lớn nhưng lại ỷ lại rằng một người nào đó sẽ xử lý vấn đề đó sau. Nhưng đó lại là một sai lầm lớn! Bởi vì không có gì sẽ thay đổi nếu như chúng ta không chiêm nghiệm và bắt tay vào công cuộc gầy dựng lại nền móng của tâm linh từ chính lúc này đây. Ngay lúc này, chúng ta sẽ không thể sinh tồn nếu như không thể sống được một cuộc đời ý nghĩa do thi ca dẫn lối, không thể đối mặt với tất cả những vấn đề đã đưa đẩy chúng ta đến cục diện này, không thể ngừng việc liên tục lảng tránh và đổ thừa cho nhiều lý do này kia. Cứ như vậy thì chúng ta cũng không xứng đáng sinh tồn. Khi nào thi ca còn sống thì thế giới này vẫn còn hy vọng – hy vọng được khai sáng, hy vọng được hòa bình, hy vọng có được một sự tĩnh lặng đúng đắn và hy vọng được tồn tại. Một niềm hy vọng rằng sự diệt vong có thể được chấm dứt. Đó mới là lối đi đúng đắn hướng thẳng về tương lai. Đó là một con đường gồ ghề, chật hẹp và khó đi, nhưng đó lại là con đường giúp cho chúng ta tỉnh táo.
Thiên thần buông tay.
Bài thơ thì vẫn nắm chặt lấy.
Hungary [ngày 6 tháng 7 năm 2023]
*“Allegro Barbaro”, tác phẩm lớn sáng tác năm 1911 dành cho đàn dương cầm của Bartók Béla – nhà soạn nhạc người Hungary
Tiểu sử nhà thơ Sándor Halmosi
Quốc tịch Hungary. Năm sinh: 1971. Là nhà thơ, dịch giả văn học, biên tập viên văn học, nhà xuất bản, nhà toán học, diễn giả về tinh thần.
Tốt nghiệp phổ thông tại thành phố quê hương Szatmárnémeti (Satu Mare, Romania). Tiếp tục học đại học tại Kolozsvár (Romania). Từ năm1989 đến 2006 sống tại Cộng hòa liên bang Đức. Ông đã sống và làm việc tại Karlsruhe (thành phố lớn ở bang Baden Württemberg, CHLB Đức), Stuttgart (thủ phủ bang Baden Württemberg, CHLB Đức) và sau đó chuyển đến Budapest. Ông là nhà sáng lập Bàn tròn đối thoại Stuttgart, Hội Văn học và Mỹ thuật Stuttgart (2004) và Tổ chức Văn hóa “Xưởng vẽ và Phòng lưu niệm họa sĩ Csontvary Budapest” (2017). Hội viên Liên đoàn Nhà văn Hungary và Hội viên CLB Văn Bút Hungary. Năm 2003 nhận giải thưởng Prima Verba. Từ năm 2020 là Viện sĩ Viện Hàn lâm Văn học Nghệ thuật, Khoa học châu Âu, trụ sở tại Paris.
Năm 2016, ông trở thành biên tập viên tổ chức Hỗ trợ phát triển văn học Dokk.hu.
Năm 2018 cùng với nhà thơ Balázs F. Attilá thành lập Nhà xuất bản AB ART tại Budapest, và điều hành nhà xuất bản này đến năm 2021. Trong năm 2019 khởi động Trường thiên Văn học Thế giới mới, nhan đề Lyra omnis/Prosa omnis.
Tháng hai năm 2020 ông công bố Tuyên ngôn văn học Ora et labora (Cầu nguyện và lao động). Tuyên ngôn quan trọng này là “Lời kêu gọi vì nền Văn học Thuần khiết”, là một thử nghiệm soi sáng cho khủng hoảng tinh thần thế giới, thông qua niềm tin, lập trường nhà thơ, và trách nhiệm người cầm bút, độc lập với các quốc gia và truyền thông xã hội. Lời kêu gọi xuất bản bằng nhiều thứ tiếng và cũng đã xuất bản trên báo Văn nghệ của Việt Nam cùng năm 2020.
Từ 2021, ông là điều phối viên tại Hungary của Phong trào thơ ca thế giới, một trong những phong trào thơ ca quốc tế lớn nhất. Thường xuyên công bố và xuất bản tác phẩm thơ độc lập. Cho đến nay thơ của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng.
2.Tác phẩm tiếng Hungary
- Ma quỷ trưng diện. Budapest 2021 (MEK – Thư viện điện tử Hungary)
- Em đã là Nhật nữ (con gái mặt trời). Budapest 2002 (MEK – Thư viện điện tử Hungary)
- Rừng nguyệt quế. Budapest 2003 (MEK – Thư viện điện tử Hungary)
- Thuộc về Salomon. Budapest 2004 (MEK – Thư viện điện tử Hungary)
- Annapurna trên sườn dốc Phương Nam. 2006 (MEK – Thư viện điện tử Hungary)
- Gilead. Budapest 2009. (Nhà sách Noran)
- Ibrahim. Budapest 2011 (Nhà sách Noran)
- Đắm say của Lão Tử. Praga 2018 (Nhà xuất bản AB-ART)
- Xương của nắng. Budapest 2020 (Nhà xuất bản Gondolat)
- Neretva (Tan chảy). Budapest 2021 (Nhà xuất bản Gondolat)
- Katharok (Thuần khiết). Budapest, 2022 (Nhà xuất bản Gondolat)
3.Tác phẩm tiếng nước ngoài
1.Dệt những tâm hồn. (song ngữ Rumani-Anbani) Bukarest, 2018.
2.Vượt qua im lặng (tiếng Serbi) Belgrád, 2019.
3.Dệt những tâm hồn (tiếng Anbani) Pristina-Brüsszel, 2019.
4.Thiên đường ngày thường (tiếng Rumani) Iasi, 2019.
5.Mười ngày 57 Bản chất kép của tĩnh lặng (tiếng Việt) NXB Hội Nhà văn, Việt Nam, 2020
6.Mãi mãi (tiếng Anh) Budapest, 2020. Nhà xuất bản AB ART
7.Tự sự 57 (tiếng Ý) 2020. Edizioni IqdB
8.Izabrane pjesme (tiếng Montenegro) Podgorica, 2020.
9. Xương của nắng (tiếng Viêt) NXB Hội Nhà văn, Việt Nam, 2021.
10. Apokrif (Xương của nắng – tiếng Szerbi) Belgrád, 2021.
11. Hai mặt của tĩnh lặng (tiếng Anh) New York, USA, 2021.
12.Mãi mãi (tiếng Anh) Budapest, 2021. AB ART
13. Xương của nắng (tiếng Anh). Budapest, 2021.
14.Tan chảy (tiếng Anh) Budapest, 2021.
15. Xương của nắng và Tan chảy (tiếng Ý) Edizioni IQdB, 2022
16. Xương của nắng (tiếng Marathi), NXB Sahityakshar Prakashan, Ấn Độ, 2022
4.Tác phẩm dịch
1. Thứ ba xanh. Tác phẩm dịch chọn lọc của Franz Hodjak. Budapeat 2009
2.Jeton Kelmendi: Cà phê đắng. Lyra omnis 2. Budapest, 2019. AB ART (dịch chung với Balázs F. Attila)
3.Laura Garavaglia: Lượng tử tĩnh. Lyra omnis 10. Budapest, 2020. AB ART
4.Linda Maria Baros: nhà dao cạo râu. Lyra omnis 11 Budapest, 2020. AB ART
5. Phan Hoàng: Chất vấn thói quen, Budapest, 2023. AB ART
5.Giải thưởng
1.Giải thưởng Prima Verba của Nhà xuất bản Littera Nova (2003)
2.Giải thưởng thơ của Liên đoàn Nhà văn Quốc tế Pjeter Bogdani (Brüsszel-Pristina, 2018, 2019)
3.Giải thưởng Lukijan Mušicki (Belgrád, 2019)
4.Giải thưởng Văn học Quốc tế (Nigéria, 2020)
5.Giải thưởng quốc tế của Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Raskovnik 2020
6.Giải thưởng của Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Khoa học Hoàng gia Serbi 2020
7.Giải thưởng của Liên đoàn Dịch thuật Montenegro 2020
8.Giải thưởng hữu nghị do Hội nhà văn Việt Nam trao tặng năm 2023