Truyện ngắn Đoàn Ngọc Hà
Nó đấy! Rõ ràng là nó, chứ còn gì! Mặt nước khẽ dềnh lên, nghiêng đi rồi phẳng lì như gương. Kinh nghiệm cho thấy, hễ cá to vào vùng phao thì mặt nước đang tĩnh bỗng giãn ra một chút. Ở lều bên này, Thái đánh mắt sang vùng phao của ông mũ phớt đen ở lều bên kia và biết một điều chắc chắn là con cá ấy đang lừ lừ vào vùng phao của ông ấy. Có điều, ông ta vẫn không hề biết. Thì một người đi câu cá mà đi xe hơi, lồ lộ vương giả đến đầm câu thì biết qué gì về cá. Ông ơi, Thái gọi lớn, gọi dồn dập, ông cẩn thận đấy, “B52” đang tiếp cận mục tiêu, nó đi về phía Đông 1150 so với bờ đầm. Đấy nhé, nó lùi lại một chút, nghiêng đuôi lái rà sát hơn trung tâm phòng ngự. Sẵn sàng! Cơ hội vàng! Chuẩn bị điểm hỏa. – Hừm! Cái gì? Ông mũ phớt đen vẫn bình thản, miệng lắt lẻo điếu cô – táp dài như cái bút chì. Ông ơi, Thái lại gọi, nó liệng sang phía Bắc, chỗ cây ngái và sắp vào mồi! Cảnh giác! Cảnh giác! Ông bảo bà đừng liệng vỏ dưa xuống đầm nữa. Như điện giật, ông này nhướng cổ lên, điếu cô – táp rơi xuống mặt nước đánh sèo. Toàn thân ông ta rung lên. Cái phao tròn đỏ ối trao đi một cách đĩ điếm và mặt nước bung ra một chút khi có một nguồn xoáy khá mạnh từ đáy nước đùn lên…
Hôm vợ chồng ông này đến đây câu, Thái đã gặp đúng lúc vợ chồng ông ta cắn cẳu với tay lái cẩu, thì Thái cũng vừa phóng xe máy tới đầm Trích. Thái cứ ngỡ người này là một ông sếp to nào đó. Mũ phớt đen, bụng sệ, đạp cửa xe chỉ trỏ, gắt gỏng về việc cánh máy xúc, máy cẩu làm ăn mất trật tự, đá đổ ngổn ngang làm nghẽn tắc giao thông. Quả nhiên, bọn cẩu làm ẩu. Đường men theo một cái chuôm nước sâu chênh vênh còn có vài mét mặt để tránh. Rợn gáy, nếu cái xe vấp phải đống đá mà lăn vèo xuống chuôm như một cái vực thẳm hun hút.
Khi Thái đã vào lều câu của mình thì cũng vừa lúc vợ chồng người kia lục tục kéo đến. Ông gửi xe rồi cùng vợ khiêng một cái bao tải tổ bố đựng toàn thức ăn, đồ hộp, đồ uống dùng cho cuộc câu. May mắn! Hôm nay, Thái có bạn câu mới. Lều câu của Thái và lều của ông kia cách có vài mét. Lều cắm trên mặt nước. Người câu có thể thưởng thức làn gió mát từ mặt đầm gội hơi nước lên. Cách vài tháng, Thái đã đến đây câu. Cũng do tăm tiếng của đầm Trích lại đang lúc quẫn bách mất việc ở công ti chế phẩm Péc tanh.
Hôm đến đầu tiên chỉ có dăm bẩy tay câu. Toàn dân phờ phạc đi kiếm vui. Rồi đông dần. Mặt đầm ô ố tiếng gọi nhau chia điếu thuốc lào. Vỏng vót, có anh thả một chuỗi vọng cổ. Có anh hứng, vừa câu vừa nảy đàn. Hễ lều nào giật được con cá thì các lều kia đều roãi cổ ngó sang. Hệt những tổ chim đựng người. Đầm rộng lì lì một thứ nước xanh nhạt. Sau dần, khách câu từ những đâu về, quần xắn móng lợn, vai đeo ba lô, cắm cần câu i – nốc sáng nhoáng, hăm hở như anh đi đào thổ. Giật được con cá nào là thả vào thạ đính nơi gốc cây. Con cá mang về còn tươi sống đành đạch. Mang chợ bán hoặc làm quà biếu. Cá đầm Trích có giá và hiếm. Ăn được miếng cá đầm Trích là của lạ, làm gì có, được một miếng nhớ đời. Ấy, cái sự đồn đại cứ nối nhau mà phồng lên. Trên bàn tiệc, khách sạn, nhà hàng nhao nhao lên rằng cá đầm Trích đấy! Miếng ngon rỏ tong tong nước bọt đầu lưỡi. Quả là một thứ cá ngon. Muôn đời rồi vẫn có cái thứ ngon bơi trong nước đầm Trích. Và. Còn một thứ ngon rất mơ hồ mà thiêng liêng đưa cá đầm Trích lên thứ hạng thượng phẩm.
Đó là một cái ao thiên nhiên. Rộng đến vài ngàn mẫu mà nằm trong một khu công giáo lớn, có nhà thờ nhất nhì Đông Dương, gần sông Đáy hay có những xoáy nước. Ngôi nhà thờ cổ cao ngất dầm chân trên những khối gỗ lim trong một cái vụng xoáy nước. Đầm Trích là một trong những vụng xoáy nước lớn. Nước vỡ đê vun vút, cuộn dâng, nổ bục ra cái đầm mênh mông. Một cái bọc nước ùng ục, cổ kính không biết sâu đến đâu. Chẳng bao giờ người ta chạm đến đáy. Tự cổ, chưa bao giờ thấy đầm cạn. Ném quả bưởi hôm nay, ngày mai đã thấy quả bưởi lập lờ ngoài sông Đáy rồi! Thế ắt có một con sông ngầm trong lòng đất chăng? Một anh công sứ người Pháp cho vợ về đây tắm. Bơi ra, bơi vào, lúc lên bờ mất tiệt vợ. Ba ngày sau, dân bản xứ đánh được con cá bằng cái thuyền bơi, mổ ra thấy hai bắp đùi trắng hếu của bà đầm còn tươi nguyên, khiếp không! Đồn rằng đầm Trích có Nam Nam, thuồng luồng, thỉnh thoảng thấy nổi lên cái đầu ngáp to bằng cái gầu dây. Chẳng biết thế nào, người đến lễ ở đền Bà bên kia bờ đầm, lễ xong quăng tọt cả gà xôi xuống mặt nước lì thì, lừ đừ như lúc nào cũng buồn ngủ sau những đại hồng thủy nước sông cuồn cuộn, mặt đầm nổi những vây cá trong ánh chớp gầm nhoang nhoáng, vần vũ những con cá hoá rồng, từ sóng nước cuộn mình leo lên giời…
Kìa đằng ấy, chú mình đấy à, trẻ nhỉ, đến từ bao giờ, tay câu cũ hay mới nhỉ? Ông mũ phớt đen đon đả. Bác! Chào cả hai bác không thiếu một bác nào! Em tay câu cũ rích! Chẳng phải dân đi hóng mát, giải sầu với cái phao đâu. Đây câu kiếm đồng. Đây câu bỏ vào xoong. Đây câu bỏ vào miệng… Thuận đà, Thái lau lảu rõ một tràng. Ông kia cười phịch một cái, bảo vợ, chú ấy nói duyên gớm, ta gặp may rồi, ngồi bên một anh bạn câu, vui! Cô vợ mủm mỉm cười, trông khá xinh. Ông mũ phớt dễ hơn vợ tới đôi chục? Chào ông chủ! Ông mũ phớt quay ra trịnh trọng xoa tay. “Khách câu giữ vệ sinh chung. Không quăng rác, đi tiểu xuống đầm!” Ông chủ nói xong thì nhìn chòng chọc vào vợ ông mũ phớt. Thế tất, ông mũ phớt phải khẩn khoản: “Ông ạ, đấy là cô vợ tôi. Cô ấy đòi cùng được đi câu. Được không ạ!” Ông chủ vẻ ngần ngại: “Để tôi còn hỏi cụ!” Là vì sự linh thiêng của chốn câu không phải là cái buồng the trần tục. Cả khu đầm chìm trong cảnh âm u, huyền bí. Ngày trở giời, người ta thấy từng chùm rắn mào, cuộn thành từng bối trên cây, thò cổ xuống mặt nước đầm đu đưa. Với người câu cá, cái phao câu là vị cứu tinh, là nguồn hy vọng. Phao của ông mũ phớt màu đỏ ớt. Ông tra thính xong thì ngồi theo kiểu toạ thiền nhưng con mắt thì dính vào cái phao câu. Phải đến tiếng đồng hồ cái phao vẫn lặng phắc. Thỉnh thoảng ông è lên một cái ra chiều sốt ruột. Cô vợ đang thoa phấn để hoàn thành nốt cái má đi du lịch. Với cô, đi câu cũng là một cách du lịch, thế thôi, chứ không như ông chồng tốc tốc, tả tả, đi câu mà như đi đánh giậm đuổi. “Này này. Uých!” Tiếng anh trẻ lều bên cứ hô “uých” liên tục. Mỗi lần hô, anh ấy lại giựt lên một con… Nhìn con cá lúc bị tách khỏi mặt nước mới thú làm sao! Sự cuống cuồng sa bẫy của con vật tạo thành một vũ điệu kỳ khôi. Trong khi cái cần câu trĩu xuống, đoạn cước căng dây đàn thì con cá lấp lánh sáng, giãy tung những vẩy vàng, lũng lẵng cái thoi bạc treo trên mây trắng mặt đầm. “Này này. Uých!” Cái thằng ranh con ấy lại hô. Hình như nó cố tình chọc tức ông mũ phớt? Gớm ghiếc, đi câu đủ lệ bộ, cả xe hơi, cả đồ hộp, cả cô vợ trẻ rờn rờn thế mà thua thằng nhãi! “Này này. Uých!” Lại một con cá vàng choé dễ đến vài cân chung chiêng, nhúng nhính thụt vào cửa lều của thằng nhãi. Cha bố mày! Mày được thì có sao đâu! Nhưng vì cớ gì mày cứ phải hét rầm lên như chửi tao thế? Mà thôi, có lẽ thằng kia vô tư mà mình thì cả nghĩ. Mặc nó, ở đời, ai được giời thưởng cho thì kệ thây người ấy, lồng lộn lên làm gì. Ghen tức tài hoa là cái ghen tức cực kỳ khốn nạn!… Nghĩ vậy nên ông mũ phớt vẫn kiên trì dán mắt vào cái phao đỏ lúc này đã nhuốm nắng, chói gắt hẳn lên. Quái, hay hôm nay ta bị đứa nào ếm? Hay thính thơm quá làm bọn cá khôn ngoan cứ thập thò lao vào vùng không có thính của thằng nhãi để hít hà và để đề phòng, xem xét? “Uých!”. “Uých!”. “Uých!”… không thể chịu được nữa, ông mũ phớt đứng phắt dậy, ông toan roãi cổ để chửi thằng kia một trận nhưng thụt cổ vào lều ngay vì thấy mình vô lý. Bây giờ mà ta chửi nó thì nó cho ta là kẻ ghen của, là kẻ lật lọng, là kẻ xôi thịt, chỉ biết trọng miếng ăn. Trong khi đó, đám khách câu lại thích thú, mỗi lần nó giật lên một con cá là bọn chúng lại hét váng. “Háp pi! Niu Niu!”…
Khi hô “uých” đến lần thứ mấy mươi thì nó lại kéo lên một con cá đen nhờ bằng cái ống mạ. Cái ống mạ đu đưa trên mặt đầm làm cho các lều nhảy bổ chới lên chạy đến lều của nhãi. Chúng xúm lại cùng nhãi kéo con cá, nói cách khác là chúng mừng hú đến vuốt bộ vẩy bóng nhờ của con cá rồng để lấy vận hên. Chính là con cá rồng đầm Trích đấy! Cá mang vương niệm trời đất đấy!
Nói thật là ông mũ phớt lúc này cuồng lên đến phát điên. Ông lồng lộn trong căn lều. Ông muốn đập vỡ cái đầu chứa đầy sự hằn học, muốn chửi toáng lên cho hả. Để giải toả, ông chạy tới vạch vú vợ và cứ thế, ông lau lưỡi vào cái quả dâu chín hực. Hình như cô vợ biết tình thế của ông chồng nên cứ để mặc lại còn ngửa mặt lên thưởng thức và an ủi: “Nợ lắm! Nợ ơi nợ, nợ đặt ngày hay đặt giờ, nếu đặt ngày thì thế nào chả được một vẩy! Đi chơi í mà!” Chính lúc ấy, lúc ông đang mê mẩn với trái đào thần thì tiếng thằng nhãi gọi váng lên một cách dồn dập: “Ông ơi ông, ông cẩn thận B52 đang tiếp cận mục tiêu…
Bây giờ thì chúng ta tiếp tục xem cuộc “truy kích” B52 ở phần đầu nhé! Sau đấy, con cá đã ra khỏi vùng thính của ông mũ phớt. Một lát thấy khu vực của Thái bỗng rùng động. Lại vẫn những hiện tượng dềnh nước, đùn nước nhưng bây giờ kèm theo đám tăm sủi. Đám tăm nước chỉ nhỏ li ti như hạt tấm nở xoè ra từng chùm. Kinh nghiệm cho thấy đấy là lúc cá đói mồi. Lúc nãy, ở bên lều ông mũ phớt, nó chỉ thăm dò chút đỉnh. Bây giờ mới là lúc cu cậu cần vào cuộc nhậu! Y như rằng, miếng phao dài trắng của Thái bắt đầu nhấp nhính. A ra cu cậu tinh quái gớm, cảnh giác và cơ mật ra phết. Đấy là sự bảo toàn nòi giống hoàn hảo. Bỗng thút một cái, chiếc phao biến mất rồi lại nổi phềnh lên. Cu cậu xem xét đối phương đấy! Với lại cu cậu muốn nắn gân tớ một tí? Đây là một thứ cá thâm trầm muốn tìm hiểu đích xác miếng mồi ngon hay là một cái bẫy? Ối anh mắc cái bả vinh hoa rồi đấy. Ngon thì ngon thật nhưng toi đời. Cu cậu rất cần độ an toàn và thận trọng. Ông No bel khi phát sinh ra chất nổ dinamít cũng thử độ an toàn chán ra thế mà vẫn mắc phải thứ tài hoa đem lại hạnh phúc cho nhân loại nhưng lại hủy diệt nhân loại!
Lại lần nữa, lần này cái phao chìm nghỉm khá lâu nhưng tớ dại gì mắc lừa cậu kia chứ!
Lần thứ ba là một sự kiện, cái phao chìm khá lâu, kèm nước cuộn lên những bông xoáy. Cu cậu đang ngon miệng đây! Ừ ừ, mời cậu xơi, bình yên lắm, vô vi lắm, thiên hạ thái bình ấy mà, làm đếch gì có sự phản trắc. Bây giờ lại cuồn lên mấy cái giẻ quạt. Điểm hỏa? Chưa được! Phải thận trọng hơn nữa. Chiếc cần câu đã nhích lên một chút. Chín muồi rồi! Thái nhâng ngực lên, há to miệng hét rầm trời đất:
– Uých!!!…
Cảm thấy như dây cước mắc phải một cục gỗ ngầm, cảm thấy cái nặng bồng bềnh, trĩu trịt. Con cá rõ thật oách đây! Một con cá rồng đích thực. Khi cái đầu của con cá bị kéo trồi khỏi mặt nước thì mặt đầm rung lên tiếng hét kinh dị của bọn ham chơi chúc mừng. Chúng bật cả Napôlêông để cổ vũ.
Nhưng nào có dễ!
Giời đất! Con cá to mốc đầu khỏe như một vị thần, thì hẳn là một vị thần rồi. Vị kéo tuột cần câu của Thái xuống nước và lôi đi. Thái dùng cách nhảy của một vận động viên. Chun người lại, rơi đánh tòm. Khi cướp được chiếc cần câu thì lập tức Thái trở thành cái phao câu của con cá, bị lôi đi vun vút! Được! Thái bỗng thấy cái êm dịu đầy phấn chấn của kẻ thắng trận. Cứ để mi dòng cước chạy cho mệt, cước của ta chấp bảy lần, dai như chão. Sự hô ứng của cánh trẻ làm nổi bềnh lên một cái thuyền câu. Thái nhoài lên. Cái thuyền bị kéo đi xoay tít như một trò chơi. Tiếng vỗ tay đôm đốp. Ông mũ phớt đứng trong lều cũng thò cổ ra hô lên rất to:
– Nó đấy! Nó đấy! Bắt! Bắt! Nó chính là con cá có tầm vĩ mô của tôi!…
Đúng như nhận định, con cá mệt dần, cái thuyền lừ đừ, rồi lúc lắc, rồi đứng yên dập dềnh. Người ta kéo lên con cá chính danh là một chú cá rồng mang bản sắc 100% cá rồng tự cổ.
Nó đấy! A không, vị cá rồng chứ! Vị nằm trên một bãi cỏ ven bờ đầm. Nằm thư thái, vô tư lự, toát lên sự hào hoa ở những cái ngáp khoan thai. Người xem đa phần là dân câu đông đúc, dân bản xứ đi lễ vây quanh. Máy ảnh thi nhau xói vào từng cái vẩy để chụp. Để chứng tỏ dấu bụi phong trần, lâu năm sống trong một xứ sở thâm nghiêm, cao cả, vị nở trên quá nửa phần đầu nhệch nhạc những đốm mốc hoa cau. Cặp mắt vị nhờ nhờ chứa đầy sự u uẩn. Ôi trời, bộ vẩy mới tuyệt tác, đó là thứ vỏ nạm vàng nhầy nhẫy những khía mỏng, xếp tầng tầng nguy nga. Đẹp một cách kỳ dị. Tạ thịt là cái chắc!
– Thế này nhé. Chia nửa!
Đám người quây chật ních xung quanh con cá rùng lên ngơ ngác. Thì ra ông mũ phớt vừa ném ra câu ấy.
– Ông nói lạ. Cháu chưa hiểu!?
Cũng ngạc nhiên như đám người xem cá, Thái giật cái mảnh thân dài ẻo, quần áo dính đét bùn nước lên hỏi lại.
– Chia nửa!
Ông mũ phớt chém tay hét một lần nữa làm cả đám ồ lên một tiếng. Rõ ràng, Thái vừa bị một nhát búa tạ bổ xuống đầu. Anh nhợt đi. Hai tay run run rỏ nước:
– Cá của cháu câu được. Ai cũng biết!
– Đồ lật lọng! Thế thính của ai? Vết lưỡi câu của ai vẫn còn rành rành ở miệng con cá kia?
Đám đông thầm thào. “Chấp chiếm!” “Một vụ mưu đoạt”. “Một vụ tiếm vương!” Có vài tiếng nhờ nhờ nghe không rõ. “Thì thính dử cá là của lão ấy, với lại con cá ấy, lão đã vồ trượt!” “Vô lý. Đời thế mà đểu!”…
Cuộc cãi vã. Thái nhỏ nhẹ đượm chút vấn vỉ, oan khốc. Còn ông kia thì mức độ hùng hổ, chửi bới mỗi lúc một tăng. Thế tất, người ta phải tìm đến chủ đầm. Người chủ đầm nói vọng từ đám đông: “Nhà đầm tôn trọng mọi khách câu. Hai bên tự thỏa thuận!” Đám đông càng ùn lên. Người ta thấy một sự thật. Nhưng đám đông bao giờ cũng nhiễm nặng chất a dua và sự bảo thủ. Căng thẳng đến mức làm mặt ai cũng nhàu đi thương hại anh câu cá trẻ tuổi. Lúc ấy một vị trong đám đông dang hai tay: “Tất cả im lặng! Xin ông chủ mời cụ ra!” “Cụ nào?” “Cụ nào?” Đám đông sồn lên. “Ông cụ là cha đẻ của chủ đầm!” Thì ra ông cụ là Thái Thượng Hoàng, quyền bính trao lại cho con nhưng vẫn nắm sự điều hành về mặt linh hồn.
Một cảnh tượng.
Tiếng lóc bóc như nhạc ngựa dội lên mỗi lúc một rõ hơn. Một cái đầu thò ra trên cái khung xe lăn. Cứ gọi là cái đầu vì nó còn sót lại vài đám rêu úa bám quanh một cái cục tròn bọc một lớp da tía mà lại thò ra thụt vào như đầu rắn. Cái đầu leo lét buộc vào cái cổ dặt dẹo như một thứ dây nối xuống một cái lưng dài đến nỗi nó có thể cuộn lên từng khúc. Tất cả đảo đi đảo lại trên hai ống xương ruỗi ra chọc vào một miếng vải màn.
Người ta cúi xuống thay cho lời chào kính cẩn.
Một cái xác vừa được bóc ra từ một ngôi mộ cổ. Tưởng đó là một đấng rồng cổ quái. Đấng rồng cất cao cổ rồi thụp xuống nhìn con cá. Im lặng. Bỗng tất cả giật mình khi ông cụ ngoặt tay trỏ sang trái:
– Chỗ kia, chính là chỗ ấy, ngài từ đầm lên.
Trông ngài rờn rờn, nõn nà như ngọc! Sùy sùy… Tiếng ông cụ nghe rắn giỏi không ngờ. Cụ hay đệm chữ “sùy sùy” để biểu lộ sự kinh dị, sợ hãi.
– Thưa, ngài là đàn ông hay đàn bà cơ? Có tiếng hỏi ấp úng như muốn bật cười.
– Đàn bà chứ lị! Sùy sùy… Thế này, ông thuở hàn vi là một chàng trai kiếm củi nuôi thân. Ở ngay trên bờ đầm này. Hễ đi rừng về, chàng lại thấy một đàn bà giặt rũ bên bờ đầm. Một lát lại thấy biến đâu mất. Sùy sùy… Một lần, chàng trai liền nép vào một bụi cây để ý. Kia kìa, chàng trai thấy một con rắn to có mào bơi vào bờ. Từ thân rắn chui ra một đàn bà đẹp. Người đàn bà vùi xác rắn rồi ra giặt rũ. Khi có tiếng động người đàn bà lại biến mất. Nhìn kỹ thấy con rắn lớn rẽ nước ngoi ra mặt đầm. Thì ra, người đàn bà vừa trốn vào xác rắn để biến đi. Để ý nhiều lần như thế, chàng trai cho rằng đấy là một thứ quỉ thần liền bỏ đi, không rình mò làm gì nữa. Nhưng một hôm, sùy sùy… chàng trai thấy người đàn bà chổng mông giặt giũ thì nhìn thấy rõ “cái đồ chơi của thế gian” nó rập rờn, thây lẩy như múi khế chín!…
– Ế giời, cụ mách qué, rắn mà cũng có cái í!?…
Tiếng một phụ nữ lảnh lót buột ra. Liền có tiếng gắt nghiêm ngẳn: “Im mồm! Để cụ nói nào! Đừng vô lễ!” Vẫn còn tiếng cười rinh rích, tiếng nghiến răng cố nhịn cười.
– Rồi sao nữa, cụ?
– Rồi thì bụng dạ anh này nôn nao không yên!
– Yêu chứ gì, cụ? Một người hỏi vẻ khôi hài kèm tiếng cười của cả đám vỡ ra ùng ục. Có người ngã lăn ra đất cười bằng cả chân tay.
– Yêu quái gì, lấy thật! – Cụ gắt nhẹ – Anh ấy nghĩ rắn cũng lấy vì rắn là đàn bà, rắn có cái chơi để đẻ con! Anh vơ xác rắn xé tan tành. Người đàn bà về làm vợ đẻ ra năm người con khỏe như thần. Một hôm có vị khách Tàu đến chơi nhìn thấy năm đứa trẻ thì quắc mắt lên bảo: “Nhà này nuôi ngũ vương!” Sùy sùy!… Nên đất này là đất đế vương đấy, đất có huyệt rồng của muôn đời. Sau vị khách Tàu cố tìm cách trị huyệt Đế vương mà không được. Đế vương vẫn là Đế vương! Đất Rồng vẫn là đất Rồng! Sùy sùy…
Sau năm người con đi cứu thế. Một cơn đại hồng thủy, xác người trôi đầy trời đất. Năm người mải miết cứu nạn cho thiên hạ đến khi về nhà thì cha đã mất do già yếu, còn người mẹ sau khi gặp các con, sùy sùy, tự nhiên cũng biến mất. Các con tìm khắp nơi đều không thấy mẹ đâu, vừa khóc ròng rã vừa trách mình là những đứa con bất hiếu. Mãi sau, những người con mới nhớ ra mẹ họ vốn là rắn từ đầm nước ngoi lên. Đau đớn và nhớ thương, năm người con đã nhảy xuống đầm bơi lặn tìm mẹ. Thảm thương, họ tìm mãi không thấy xác mẹ đâu. Nước mắt họ hoà vào nước đầm làm nước đầm dâng lên mênh mông. Rồi thì đến một ngày, tội thân, người ta không còn thấy năm người con kia nữa! Họ đã hoá thành những con cá, chính là cá rồng đây để dễ đường tìm mẹ dưới đáy sâu của cái đầm mênh mông này. Vậy nên, mỗi khi có đại hồng thủy thì nơi đây là dịp cá hoá rồng, rồng con lên mây tìm rồng mẹ đấy, khổ thân, tìm dưới nước không thấy mẹ, tìm cả trên mây cũng không thấy mẹ, vừa tìm vừa khóc tầm tã, đi khắp thiên hạ lấy nước mắt tưới mùa màng cứu thế gian như ngày xưa năm vị đã cứu nhân độ thế.
Các ông, các bà bây giờ, dù xa dù gần, đâu đâu cũng là giọt máu của các thần, các vương đế. Này sùy sùy… Các ngài thiêng lắm đấy, lơ mơ là phạt liền. Các ngài dạy phải thương người, cứu người, đừng tham lam, lật lọng. Có no ăn no, có đói ăn đói, thương nhau… Đám đông chìm xuống. Họ vừa nghe một ông già cổ quái nói chuyện như thần. Mặt đầm khẽ rùng những vầng cổ thụ, kiều lên một lớp sương lụa bạch rồi tự nhiên biến mất, mặt đầm sáng rực như có đuốc soi. Kinh hoàng!
Cụ ơi, có tiếng nói đầy vẻ nôn nóng, xin cụ giải quyết cho cái việc tranh chấp giữa hai người này! Ông cụ không nói gì, phất tay cho hai đứa cháu đẩy cái xe lăn. Tiếng một ai đó đầy vẻ khó chịu với người vừa nói: “Điếc! Cụ vừa nói rồi đấy!”
Thái cởi cái áo ướt. Những dẻ xương sườn lộ ra dưới làn da xanh tái có mấy vệt bùn:
– Ông cho cá lên xe đi!
Bộ mặt ông mũ phớt phưỡn ra đầy vẻ khó hiểu:
– Chia nửa chứ gì?
Ném cái áo nhàu bùn xuống cỏ, Thái:
– Cháu biếu ông!
– Tất cả?
– Chứ còn gì! Chỉ mong ông hiểu cho sự thật đó là con cá của cháu!
– Đừng làm thế! Tôi ra vốn cho chú đây!
Ông mũ phớt rút ví.
– Thôi ông ơi. Ông cho cá lên xe đi!
Đám người tan như một cơn mộng. Con cá biếu cấp trên trong dịp tết Rồng của một anh nhân viên thương mại nằm gọn trong xe. Anh nhân viên nhìn rõ cái thứ vị lung linh tỏa sáng trên đầu con cá. Mừng hộc lên, anh quăng mông vào ca bin. Chiếc xe rú phực lên một chút rồi liều mạng xông vào những đám khói bụi đường mù mịt, múa may những cái đầu ngất nghểu của đám máy cẩu:
– Ủm. Két két…
Người ta nhìn rõ cái xe lúc mới rơi nổi bềnh một chút trên mặt nước trước khi chìm. Cấp tốc, một cái đầu ngỗng phóng tới ngoạm vào cái xe quắp vào bờ với tốc độ thần thông! Trong xe giật lên tiếng đập cửa. Tinh tai sẽ nghe tiếng eo éo thảm thiết. Bộ tự động cửa xe hỏng. Sẽ là một chiếc quan tài! Mấy cái đầu ngỗng cấp tập vung tới, đập xuống. Cửa xe mở toang. Ông mũ phớt ló cái mặt nhợt nhạt ra hô cấp cứu! Có hai nhân mạng: Con cá và bà ấy mắc kẹt! Đầu ngỗng hỏi cứu ai trước? Ông mũ phớt: Con cá!
Xuân Giáp Thìn 2024