(Truyện ngắn của Trần Thiên Hương)
– Anh Tám ơi, có nhà không vậy? Tết nhứt chuẩn bị đến đâu rồi mà sao nhà cửa vắng hoe vậy trời?
Ông Tân mới bước vô ngõ đã nói oang oang. Ông Tám đang ngồi chống cằm, mặt cúi gằm xuống cái bàn trong góc nhà, nghe tiếng liền ngước nhìn ra ngoài sân. Thì ra là ông bạn nối khố từ thuở thiếu thời, vô Sài Gòn sống với con mấy năm nay, mới về quê ăn Tết.
– Anh Ba mới về hả, mời anh vô nhà chơi!
Bà Hiền từ nhà dưới cũng vừa lên, đon đả chào. Ông Tám đứng dậy đón bạn, cố gượng cười nhưng vẫn không giấu được vẻ buồn bã trên nét mặt.
– Sao ngó bộ ỉu xìu vậy, sắp nhỏ có về Tết không?
– Tụi hắn khó khăn quá Tết năm nay không về, nhưng tui buồn chuyện khác.
– Còn chuyện chi nữa?
Ông Tám hất hàm về phía vợ:
– Mới bị bả la đó…
Ông Tám chưa kịp giãi bày thì bà Hiền đã vừa mếu máo vừa kể lể:
– Anh Ba coi có được không? Ai đời Ba mươi Tết, tui dặn ổng ra chợ mua gói mứt, chai rượu với vài gói thuốc về tiếp khách, ổng đi mua một đống khoai lang, đem về đổ dưới gầm bàn đó kìa…
– Thiệt hả?
– Thiệt chứ sao anh! Mà anh biết hông, nói tiếp khách là tiếp mấy ông bạn nhà thơ của ổng, chứ tui thì tiếp ai. Chừ thì rứa đó, ổng làm chi làm, chớ tiền hết trơn rồi lấy chi mua sắm đây, tui hỏi anh tui không la sao được!
Bà Hiền nói xong lấy tay áo quệt nước mắt, xuống bếp bưng lên một ấm trà nóng rồi đi ra cầm chổi quét những chiếc lá vàng mới rụng xuống bên thềm…
Còn lại hai người ngồi với nhau, trầm ngâm một hồi, ông Tám kể…
* * *
Sáng nay vợ ông bảo ra chợ sắm ít đồ Tết, con cái đi làm xa khó khăn không về được, có hai vợ chồng già thì Tết nhứt cũng đơn giản. Chợ quê Ba mươi Tết đông nườm nượp, người mua kẻ bán chen chúc như nêm cối. Ông chưa vội mua sắm mà dạo quanh một vòng, ngắm nghía. Thôi thì đủ thứ hàng hoá, nào áo quần giày dép cho đến gà qué, rau thịt ê chề. Lại có cả những thứ đồ chơi trẻ con ngộ nghĩnh, khiến ông rưng rưng nhớ về thời thơ trẻ…Thời gian trôi nhanh thật, thảo nào người xưa ví như bóng câu qua cửa sổ, mới ngày nào háo hức chờ đến Tết để đốt pháo và tranh nhau đi nhặt những viên pháo xịt của nhà hàng xóm, thế mà thoắt cái đã là một ông giáo về hưu…
Từ ngày về hưu rảnh rỗi, ông làm thơ, mà nói như vợ ông là “suốt ngày chỉ thơ với thẩn, ngơ ngẩn như người cõi trên”, nhưng ông mặc kệ, bà ấy thì biết cái gì, thơ của ông mấy lần được đăng báo, đám bạn hưu trí nể ra mặt chứ có phải đùa đâu. Tiền nhuận bút được mười đồng thì ông tốn đến ba mươi đồng để khao. Nhưng không sao, đời người đâu chỉ biết mỗi đồng tiền, phải có chút niềm vui nho nhỏ nữa chứ.
Gần trưa, chợ đã vãn. Ông Tám mới sực nhớ là phải mua đồ đem về.
Định bước vào gian hàng tạp hoá để chọn gói mứt, chai rượu và bao thuốc thì vấp ngay phải rổ khoai, suýt nữa thì té sấp mặt.
Một bà lão ốm nhom đội cái nón cời che hết nửa khuôn mặt, ngước lên nhìn ông, nhưng không nói gì, dường như trong ánh mắt chất chứa cả sự mặc cảm và niềm tủi phận. Có lẽ bà ấy biết món hàng của mình lạc lõng trong cái chợ này. “Có ai lại đi mua khoai vào ngày Ba mươi Tết chứ”. Ông Tám ngỡ ngàng vài giây, ông nhìn bà lão, rồi nhìn xuống rổ khoai lang… Bỗng ông thấy nhói trong lòng… Ngày xưa hình như cũng nhiều lần ông đi mót khoai, rồi để vào rổ bưng ra chợ cho mẹ bán…, hình như cũng có năm giáp Tết mẹ ông bảo “hồi này khó khăn quá, Tết đến nơi rồi mà khoai bán chẳng ai mua, chưa có tiền sắm sửa chi cả…”.
Ông Tám thoáng thấy cánh tay gầy guộc nhăn nheo của bà nhô ra, ngay chỗ tay áo len cũ kỹ đã sờn rách. Ông buột miệng hỏi:
– Chỗ khoai này bà định bán bao nhiêu?
Bà lão nhìn ông có phần ngạc nhiên, rồi ánh mắt bỗng sáng lên:
– Dạ, một trăm ngàn ông ạ.
Ông Tám mở ví, đếm đi đếm lại còn đúng một trăm lẻ sáu ngàn. Tiền dành dụm được hơn hai chục triệu, vợ chồng ông định lấy ra sửa lại căn nhà cho mới mẻ để đón Tết, không ngờ đứa con gái Út ở Sài Gòn mấy năm nay làm ăn thua lỗ cuối năm nợ đòi quá vừa về hỏi mượn, ông bà đành đưa hết cho con. Giờ chỉ còn mỗi lương hưu tháng cuối năm, ông cũng vừa mới đưa cho vợ để trả tiền công ruộng…
Ông Tám ngần ngừ một chút rồi nói:
– Để tôi mua cho bà nhé, còn mấy ngàn lẻ tôi biếu bà mua trầu cau…
– Cảm ơn ông, đội ơn ông, chúc ông năm mới phát tài ạ!
Bà lão mừng quá cảm ơn rối rít, trút rổ khoai vào cái bao tời đưa cho ông Tám. Loay hoay buộc bao khoai vào yên cái xe cà tàng, ông nghĩ: “Thôi, mình sao cũng được, nhưng bà ấy có thêm ít đồng mua bánh mứt cho có hương vị Tết thì cũng quí. Thời buổi khó khăn thế này…”
* * *
Đôi bạn già hàn huyên đủ thứ chuyện cũng đã hết ba tuần trà. Ông Tân sực nhớ phải về để kịp sửa soạn mâm cỗ cúng, bèn đứng dậy từ biệt bạn.
Trên đường về, tâm trí ông cứ ám ảnh mãi cảnh ông Tám ngồi buồn hiu bên đống khoai lang, một niềm thương cảm xót xa thấm đẫm tận đáy lòng… “Chẳng ai thương người như hắn, vét đến đồng bạc cuối cùng để mua rổ khoai cho người ta, còn mình thì trớt quớt Tết nhứt chẳng có chi trơn, khiến mụ Hiền cũng bực, mụ vất vả nhiều rồi nên chỉ biết xót đồng tiền làm ra mà không thấy được tấm lòng lượng cả của hắn. Mụ cũng đáng thương mà! Ừ, còn bà lão bán khoai cũng đáng nể, bả nghèo thì nghèo nhưng vẫn giữ lòng tự trọng, chẳng ngửa tay đi xin xỏ ai, cũng không kể lể mời mọc để người ra rủ lòng. Giữa cái chợ xô bồ với bao thứ quà Tết đắt đỏ, bả vẫn biết rổ khoai của mình vô duyên, có mấy ai thèm để ý, nhưng vẫn nhẫn nại và hy vọng, may mắn là cuối cùng gặp lão Tám!
Chao ôi! Giữa khi thói đời đen bạc, không hiếm kẻ luôn tìm cách lọc lừa, giẫm đạp lên đồng loại để giành phần có lợi cho mình thì vẫn còn đó những tấm lòng lương thiện, nhân ái và bao dung. Thật đáng trân quí biết chừng nào!…”
Nắng chiều đã tắt, sương bắt đầu giăng trên mặt sông, hơi gió lạnh luồn vào tay áo. Đây đó, từng làn khói lam bay lên từ trong căn bếp, vấn vương trên những ngọn cây ven đường; lác đác vài đoá hoa mai chớm nở thấp thoáng ánh vàng trong mấy khu vườn, nhìn yên bình đến lạ.
Ông Tân bỗng thấy lòng rộn ràng, ấm áp: một mùa Xuân mới đang đến gần!