Truyện ngắn Đỗ Hữu Tấn
Tôi học phổ thông trung học giữa thời chiến tranh ác liệt. Trường chúng tôi phải sơ tán về vùng nông thôn Yên Xá. Chúng tôi được học một thầy giáo dạy văn rất đặc biệt, về tài năng cũng như về cá tính. Thầy tên là Thành, mọi người gọi thầy là Thành Văn, để phân biệt với một thầy nữa cũng tên là Thành dạy toán. Thầy có một cây đàn vĩ cầm rất tuyệt và thầy chơi đàn vĩ cầm lại càng tuyệt hơn. Đó là một cây đàn vĩ cầm xưa cũ, có lẽ có từ thế kỷ trước, cụ thân sinh truyền lại cho thầy. Với thời gian cây đàn như đen bóng thêm. Chỗ để tỳ cằm như mòn đi, sâu thêm. Bụi phấn bám đầy các ổ khoá, dọc cần dây, những chỗ ít chạm tới. Có lần tôi định lấy vải lau, thầy ngăn lại, bảo: “Có bụi phấn tiếng đàn càng rung vang”.
Tiếng đàn của thầy rất lạ. Khi nó cao vút tận chín tầng mây. Khi nó mêng mông như nỗi buồn xa vắng. Khi nó réo rắt như suối đầu nguồn đập vào đá bắn vọt lên. Khi nó ấm áp như ngọn lửa lò ngày giá rét. Khi thầy đàn, thôn xóm đang ầm ào, bỗng lặng đi. Con chim đang bay, bay chậm lại. Con cá ngóc đầu lên mặt nước. Nói chuyện có người không tin, nhưng chính mắt tôi trông thấy có lần, vào một buổi hoàng hôn chập choạng, một con rắn khoanh mình ở khoảng vườn giáp sân nhà, cất cổ lên nghe; tôi định lấy gậy đánh, nhưng thầy ngăn lại, bảo: “Nó thích nghe đàn, mặc nó! Âm nhạc có thể biến rắn độc thành nhà sư”. Tôi dốt âm nhạc, mới đầu nghe tiếng đàn của thầy chẳng hiểu cài gì ra cái gì, sau được thầy giảng giảng, cũng vỡ vạc dần. Thầy thích chơi nhạc cổ điển, dân ca các nước, các vùng. Thầy chơi đàn say mê, như quên hết xung quanh. Thỉnh thoảng mới như sực nhớ ra, thầy dừng tay, bảo tôi, rồi lại tiếp tục ngay: “Đấy, em có nghe thấy không, tiếng vó ngựa… Đấy, tiếng chân lạc đà… Đấy, tiếng lào xào phiên chợ… Còn đây là cuộc huyết chiến thời Trung cổ… Đây là dòng sông cuồn cuộn trôi…”. Trước tôi chỉ lơ mơ, sau tôi nghe thấy và tôi hình dung ra được cái gì đang diễn ra từ sợi dây kỳ diệu kia và từ trong tâm tưởng thầy.
Như tất cả mọi người, chúng tôi mê tiếng đàn của thầy. Chúng tôi không lấy làm lạ khi được biết thầy đã đoạt giải trong kỳ thi quốc gia về chơi đàn vĩ cầm. Nhưng chúng tôi hết sức ngạc nhiên và không thể hiểu được điều này: Thầy chỉ chơi đàn vào lúc chiều tối, và khi đàn, thầy ăn mặc chỉnh tề, com-lê, ca -vát, đi giày, đứng trước ban thờ, và thắp hương. Hỏi, thầy quắc mắt, không nói. Trẻ con biết gì, ý thấy bảo thế. Lúc đó chúng tôi chỉ đoán lơ mơ là thầy cần làm thế để tăng thêm không khí ý vị và niềm hứng khởi của người nghệ sĩ, cũng như thi sĩ khi làm thơ thường thích có rượu và hoa. Mãi về sau chúng tôi mới được biết, do thầy Thành toán, bạn thân của thầy kể lại, rằng trước đây thầy đã có vợ và hai con, thầy đã luyện cho vợ con say mê âm nhạc và hiểu được tiếng đàn của thầy, hàng ngày cứ vào lúc chiều tà thầy lại đàn cho cả nhà nghe; một hôm đến trường dạy học như thường lệ, nghe tin máy bay giặc ném bom khu nhà thầy, thầy vội vã đạp xe về nhà, tất cả chỉ còn lại một đóng gạch đổ vỡ ngổn ngang… Từ đó, lòng thầy cũng tan nát như ngôi nhà. Cũng từ đó, thầy thay đổi hẳn tính nết, ít nói, ít cười, hay cáu bẳn, suốt ngày đọc sách, chơi đàn, hầu như không quan hệ với ai.
Người ta bảo thầy hâm. Quả có những dấu hiệu ấy. Nhưng dạy học thì khó có ai bằng thầy. Không phải chỉ riêng tôi, các bạn đều có nhận định tổng kết rằng, trong suốt thời kỳ học phổ thông không có thầy nào dạy hay hơn thầy. Khi giảng bài, thầy có thói quen thọc tay vào túi quần, và thế là thầy nói, nói chững chạc và say mê như là có một vị thần nào nhập vào, cũng kỳ diệu, thiêng liêng như tiếng đàn của thầy, thâu tóm, cuốn toàn bộ tâm trí chúng tôi, khiến cả lớp im phăng phắc, tất cả khoanh tay trên bàn nghe, nhìn, mê mải đến quên cả ghi bài. Trong những giờ phút ấy, thầy chinh phục, chỉ huy chúng tôi như nhạc trưởng trong dàn nhạc, đến mức chúng tôi tưởng tượng rằng, giả dụ có một lúc nào đó thầy hô đứng dậy thì lập tức chúng tôi cùng đứng dậy, thầy hô xung phong thì lập tức tất cả chúng tôi cùng tiến lên, chiến đấu, hy sinh.
Chúng tôi yêu quý và cảm phục thầy như thế, nên không thể yên lòng khi thấy thầy quá cô đơn. Được suy tôn xếp thứ ba trên thế giới chỉ sau quỷ và ma, tức là thứ nhất ở cuộc đời thực này, chúng tôi thầy cần phải làm một cái gì đấy. Cái gì đấy… cuối cùng được nghĩ ra và thống nhất là… hỏi vợ cho thầy! Lúc ấy chúng tôi chỉ nghĩ là làm tốt cho thầy, có biết đâu là làm hại thầy! Một kế hoạch chi tiết được vạch ra. Chúng tôi đã cẩn thận xin phép và duyệt kế hoạch ấy với thầy Thành Toán. Thầy Thành Toán tham gia thêm ý kiến và bảo cứ như thế, như thế…
Chiều tính thầy Thành Văn, nhà trường và địa phương sắp xếp cho thầy ở một mình tại ngôi nhà thờ của một dòng họ ở Yên Xá. Ngôi nhà xây, lợp ngói ta, ba gian, gian giữa có bệ thờ, một gian kê giường nằm, một gian kê bàn làm việc, nói tóm lại, trong điều kiện sơ tán cũng có thể coi là khang trang, mát mẻ. Ngay cạnh ngôi nhà đó, chỉ cách một hàng giậu duối là nhà cô giáo Loan, dạy tiểu học Yên Xá, chồng là liệt sỹ, ở với một cậu con trai chừng mươi tuổi. Hồi ấy cô Loan chừng ba mươi tuổi, người son sẻ, dong dỏng cao, khuôn mặt thanh tú, đôi mắt bồ câu trong và cực hiền, hàm răng rất trắng và đều, mái tóc dài thường tết bện thành hai bím bỏ lắt lẻo sau lưng. Một phụ nữ đẹp có tiếng ở vùng này. Hồi còn con gái, khỏi phải nói. Ở thời điểm đó vẫn có nhiều người đeo đuối, đánh tiếng hỏi, nhưng cô đều từ chối, bảo ở vậy nuôi con. Chúng tôi gán ghép hai người ấy với nhau. Cùng là nhà giáo, trai tài gái sắc, cùng cảnh ngộ, ở ngay cạnh nhau, sao không đến với nhau, lại quay lưng vào nhau? Chính thầy Thành Toán đã nói như vậy, và thầy tin là thành công. Ban đầu bọn tôi rất sợ. Sợ thầy Thành Văn mắng. Sợ cô Loan kiêu. Thằng Tân lớp trưởng của chúng tôi nói: “Không thành công cũng thành nhân”. Tôi đọc câu thơ Bác: “Không có việc gì khó – Chỉ sợ lòng không bền…”. Dẫu sao cũng phải tiến lên! Thằng Tân được phân công tấn công cô Loan còn tôi, thầy Thành.
Thằng Tân đến nhà cô Loan vào một buổi chiều tà, giữa lúc thầy Thành đang chơi đàn. Nó nhìn quanh quẩn, bảo cô đừng đi ra ngoài khi thầy Thành chơi đàn, và kể câu chuyện con rắn nằm khoanh, dựng đầu lên nghe thầy đàn như thế nào, đoạn giảng giải cho cô về tiếng đàn của thầy, đại để cũng là những lời thầy giảng cho chúng tôi: “Đấy, cô thấy không, tiếng vó ngựa… Đấy, tiếng chân lạc đà… Còn đây là tiếng chim hoạ mi hót… Đây là tiếng lòng của người con gái đang yêu…”. Cô chăm chú nghe, nhưng không có một lời bình luận nào. Lần khác, Tân tranh thủ kể cho cô nghe về gia cảnh của thầy. Nó để ý thấy cô rơm rớm nước mắt. Nó tấn công luôn: “Thầy Thành khen cô lắm”, nó nói. “Khen thế nào?”, cô bắt chuyện ngay: “Thầy bảo cô hiền như cô Tấm. Thầy bảo cô đẹp như tiếng đàn”. “Đẹp như tiếng đàn là thế nào?” “Thầy bảo, trong thế giới có vô vàn vẻ đẹp, nhưng thường chỉ là tương đối, nghĩa là không hoàn thiện và không bền vững, chỉ có nghệ thuật là đẹp nhất, bởi nghệ thuật tập trung và nâng cao hơn cái đẹp trong cuộc sống. Mà trong nghệ thuật thì âm nhạc là nhất. Thầy nói cô đẹp như tiếng đàn có nghĩa là thầy khen cô là người đẹp nhất trên đời!”. Nó toàn bịa, chứ chúng tôi chưa bao giờ nghe thầy nói thế. Cô Loan cũng không tin, cô bảo: “Mày chỉ được cái tán hươu tán vượn, chứ thầy giáo mày có bao giờ nói thế. Mà có nói thế thì có nghĩa là thầy nói ngược đấy, ý thầy muốn nói cô là người xấu nhất trên đời”. Đương nhiên là Tân phải thề sống thề chết là nó nói thật. Lần sau, loanh quanh một hồi, rồi nó hỏi thẳng: “Cô thấy thầy giáo em thế nào?” Cô cười, không nói gì. Nó gặng mãi, cô mới nói: “Thầy giáo mày như anh Trương Chi, người thì thực xấu, hát thì thực hay”. Nó tự ái, vặc lại: “Người thế mà cô bảo là xấu à? Đẹp hơn năm mươi phần trăm đàn ông khác là cái chắc. Còn tài thì vô địch. Ối cô mê đấy, nhưng thầy chửa chấm cô nào”. Nó còn nói thêm: “Vợ chồng thầy Thành Toán bảo là ai lấy được thầy Thành Văn là người hạnh phúc nhất trên đời. Cô Liên (vợ thầy Thành Toán, cũng dạy toán ở trường chúng tôi) bảo: ai được làm vợ ông Thành Văn, chỉ cần ăn rau muống mà nghe ông đàn cũng sướng một đời”. Điều này thì nó nói thực. Cô Loan chỉ cười. Nó kể lại với chúng tôi và tỏ ý thất vọng. Riêng tôi, tôi lại cho là công việc đang tiến triển tốt và động viên nó tiếp tục tiến công.
Còn tôi, tôi được phân công “đánh” thầy Thành. Một hôm, tôi nói với thầy: “Ở thôn xóm này bà con mê tiếng đàn của thầy lắm”. Thầy bảo: “Thế à?” Tôi thêm: “Cả cô Loan cũng mê tiếng đàn của thầy lắm”. Sợ thầy mắng là sỗ sàng, tôi nói luôn: “Tiếng đàn của thầy đến rắn cũng mê, huống chi là con người”. Thầy bảo: “Thế à?”, đoạn hỏi cô Loan là ai. Tôi tranh thủ giới thiệu về cô, tất nhiên là phải nhấn mạnh cô đẹp, cô tốt như thế nào, và gia cảnh của cô. Thầy chăm chú nghe, nhưng không thể hiện thái độ, chỉ bảo: “Thế à?”.
Mấy hôm sau, tôi xin được một tấm ảnh của cô Loan và một tấm ảnh cô chụp chung với thằng Toàn, con cô, đưa cho thầy Thành xem, tất nhiên là tôi phải để lẫn trong những tấm ảnh của chúng tôi và một số thầy cô của trường. Thầy cầm tấm ảnh cô Loan, bảo: “Người thế này mà…”, “Sao cơ ạ?” – tôi hỏi. Thầy ngắm thằng Toàn trong ảnh, bảo: “Khốn khổ cho thằng bé”. Đoạn đưa trả ảnh cho tôi, không tỏ thái độ gì khác.
Tôi suy nghĩ mãi tìm cách tổ chức cho thầy Toàn và cô Loan gặp nhau. Một hôm, tôi sang nhà cô Loan mượn bao diêm để đun nước cho thầy Thành, cố ý không mang trả để cô phải sang đòi. Quả nhiên, cô sang thật. Lúc ấy thầy Thành đang đọc sách. Hai người chào nhau. Cô Loan xin bao diêm về rồi, tôi mời, cô cũng không ở lại. Lần khác, thoáng thấy bóng cô Loan đi từ trường về, tôi tìm cách dụ được thầy Thành ra cổng. Hai người gặp nhau, chào nhau, đoạn ai về nhà nấy, không thấy đứng lại nói với nhau được một câu nào. Đúng là hai ông sư, bà sư, tôi nghĩ. Làm được hai nhà sư này có tình với nhau thật là khó!
Cuối cùng tôi nghĩ ra được một mẹo. Tôi nói với thầy Thành: “Cô Loan nhờ thầy dạy nhạc cho con cô ấy”. Đấy là tôi bịa ra. Thầy bảo: “Thế à?” Lát sau thầy lại bảo: “Không phải ai cũng học được nhạc. Học nhạc phải có cái tâm tốt và có cái tai tinh tế”. Đoạn thầy bảo cứ dẫn nó đến để thầy xem thử. Tôi mừng rơn, chạy ngang sang nhà cô Loan, bảo cô có thích cho thằng Toàn học nhạc thì thầy Thành sẵn sàng dạy cho. Đương nhiên là cô rất phấn khởi, còn thằng Toàn thì nhảy cẫng lên.
Thằng Toàn học đàn thầy Thành. Thầy vui dạy, trò vui học, tiến bộ rất nhanh. Thằng Toàn trở thành cầu nối giữa thầy Thành và cô Loan. Thỉnh thoảng cô Loan sang nhà thầy chơi, nghe đàn hoặc xem con học. Cũng có lần thầy sang nhà cô, để kiểm tra xem thằng bé học ở nhà thế nào. Hai người có vẻ thân nhau, nhưng rất ít nói chuyện với nhau, và nếu có thì nói cũng rời rạc và tẻ nhạt. Có lần tôi được chứng kiến cô Loan sang chơi, thầy mời nước, lúc đó tiện tay đang cầm quyển sách, thầy để mắt vào trang sách, rồi cứ thế giở hết trang này sang trang khác quên cả người đẹp ngồi phía trước, đến khi thầy ngẩng đầu lên thì người đẹp đã đi từ lúc nào. Lâu lâu hai người cứ nhạt nhạt, xa xa với nhau như thế. Chúng tôi đã có ý nản. Thế nhưng để ý sẽ thấy ở thầy Thành và ở cô Loan đã có cái gì khang khác, và đã có cái gì khang khác trong quan hệ giữa hai người. Thầy có vẻ vui hơn và chơi đàn nhiều hơn, tiếng đàn cũng vui hơn. Cô thì cứ chiều chiều thu xếp sớm mọi việc, ngồi bên cửa sổ đan len. Cô giữ vẻ thanh thảnh, nhưng thật ra cô sốt ruột chờ đợi tiếng đàn của thầy. Trong suốt thời gian thầy chơi đàn, cô cứ ngồi đan như vậy, có lúc quên đan.
Câu chuyện cứ diễn biến dềnh dàng như thế. Bỗng một hôm thầy Thành gọi tôi đến nhà. “Sáng nay em đến đây à?” Thầy hỏi. Tôi ngạc nhiên, thưa không. “Có chuyện gì thế ạ?”. Tôi hỏi lại. Thầy bảo không. Một lát thầy nói:“Nhà này như có ma, hay là có tiên thì cũng thế. Thầy đi dạy về tự nhiên thấy nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng, rõ là có người quét dọn”. Thầy bảo tôi theo dõi hộ thầy, nhưng bí mật không được nói với ai. Hồi đó tôi còn ít tuổi, có tính sợ ma, nghe thầy nói thì cũng chờn, nhưng được thầy tin giao thì phải cố gắng, rất thích thú nữa là khác. Điều lạ lùng là những hôm thầy và tôi để ý thì chẳng có việc gì xảy ra, nhưng khi thầy trò đến lớp thì thường ở nhà có những sự việc bất thường. Hôm thì quần áo của thầy vắt ở thành giường được gấp lại, xếp ngay ngắn ở đầu giường. Hôm lọ hoa có hoa tươi. Thỉnh thoảng có cơm nước tươm tất. Thầy lẩm nhẩm: “Chẳng lẽ lại có một cô Tấm thứ hai”. Thầy đã để ý xem trong nhà có một quả thị, quả cam, quả chanh nào không. Tịnh không. Thầy đã mang cây đàn xuống, xem kỹ, soi đèn pin nhìn vào phía trong hộp đàn. Chẳng có gì lạ. Thầy cũng đã lập mẹo, mấy lần đóng bộ, cắp cặp đến trường, giữa đường quay trở lại. Cũng chẳng phát hiện được gì. Lâu lâu thầy nghiệm ra rằng sự cố ở nhà chỉ xảy ra những hôm thầy có tiết dạy trên lớp. Như vậy là đối tượng đã nắm được lịch công tác của thầy để kết hợp hoạt động. Điều này có thể nhận biết dễ dàng bởi thời khoá biểu giảng dạy của thầy vẫn treo trên tường, phía trên bàn làm việc. Lần đầu tiên trong đời thầy nghĩ ra và làm một việc giả dối: Thay một thời khoá biểu giả. Mấy hôm sau, không có giờ lên lớp, nhưng ở trong thời khoá biểu giả thì có, thầy ăn mặc chỉnh tề, cắp cặp đi, chừng nửa giờ sau đột ngột quay về. Quả nhiên, bắt gặp tiên. Nàng tiên đang quét dọn trong nhà. Thấy động, nàng tiên dừng tay, vụt chạy ra. Nhưng thầy đã đứng chắn ở cửa. Không phải ai xa lạ, chính là cô Loan. Cô đứng sững, mặt tái đi, đoạn ửng hồng, đôi mắt đen hiền mở to nhìn thầy, long lanh, trìu mến. Chợt cô phá lên cười, né người để tránh thầy và chạy vụt về nhà. Thầy không dám giữ lại. Về sau thầy tâm sự với thầy Thành toán là trong đời thầy chưa bao giờ trông thấy một người phụ nữ đẹp như cô lúc ấy. Lập tức thầy với cây đàn và hối hả chơi đàn. Thầy làm một ngoại lệ: Không chơi đàn lúc hoàng hôn mà ngay giữa buổi sáng, không com-lê, ca-vát, không thắp hương. Không chơi đàn theo các bản nhạc của các nhạc sỹ nổi tiếng, mà theo tiếng lòng của thầy lúc đó, nó xao xuyến, réo rắt, quấn quýt, vội vã… khó diễn đạt thành lời. Khi như tiếng vó ngựa phi nước đại trên đường dài, cát bụi tung bay. Khi như tiếng cánh chim ưng rẽ gió bay vút lên trời xanh. Khi như thác đổ ào ạt. Khi như bão tố ầm ầm. Một bản trường ca kỳ lạ, không có bố cục, không chuẩn giai điệu, không có khúc mở đầu, và hầu như không có hồi kết thúc.
Sau đó những gì cần xảy ra thì đã xảy ra. Bọn tôi liên hoan mừng thắng lợi và chuẩn bị đám cưới. Thế nhưng đám cưới đã không xảy ra. Vì có một người thứ ba chen vào. Hắn tên là Tâm, cái tên hay thế mà thoạt nghe chúng tôi đã thấy ghét và lợm giọng. Mặc dù vậy phải công nhận hắn đẹp trai. Người dong dỏng cao, nước da trắng bóng, hàm răng cũng trắng bóng với cụ cười rất tươi có phần hơi ngồ ngộ bởi hai chiếc răng nanh to và dài hơi khểnh lên. Con mắt lá dăm lúc nào đuôi mắt cũng nheo nheo hoà hợp với nụ cười để sẵn, trên đó là bộ lông mày dài và đen, và dưới là bộ ria cũng đen luôn tỉa tót gọn gàng và cắt ngắn chừng một mi-li-mét. Thời đó người ta ăn mặc đại khái, nhưng hắn bao giờ cũng diện đồ si-vin chỉnh tề, là nếp phẳng lì, lúc nào cũng kè kè cái máy ảnh tổ bố bên hông. Hắn thuộc loại cánh đàn ông mới trong đã phát ghét, nhưng cánh phụ nữ lại cảm tình. Tâm là cán bộ văn hoá tỉnh, làm nhiếp ảnh. Có người bảo rằng hắn là nghệ sỹ nhiếp ảnh tầm cỡ, nổi tiếng miền Bắc. Hắn đã có vợ và hai con, nhưng bản tính “máu mê”, đi đến đâu là có “bồ” đến đấy.
Về Yên Xá công tác, thoáng thấy cô Loan là hắn mê ngay: “Tớ là người săn lùng cái đẹp, thấy người đẹp tất nhiên là tớ mê say và tớ quyết tâm chinh phục cho bằng được”. Hắn công khai nói với bạn bè như vậy. Trong cánh bạn bè của hắn có người bảo làm thế là dã man, hắn trợn mắt: “Tớ yêu, chứ tớ có ghét đâu. Tớ thương, chứ tớ có thù đâu! Tớ là nghệ sỹ, các cậu có hiểu không?”. Hắn lấy cớ có nhiệm vụ nghiên cứu và phản ánh về tình hình các thương binh và gia đình liệt sỹ ở địa phương để đến làm quen và “làm việc” với cô Loan. Mới đến lần đầu hắn đã chụp cho cô và cậu con rất nhiều kiểu ảnh và luôn mồm khen hai mẹ con là đẹp, đẹp chưa từng thấy ở vùng này. Đương nhiên là cô phổng mũi. Nhác thấy ảnh người chồng liệt sỹ trên ban thờ, hắn xuýt xoa: “Người đẹp thế kia mà…”. Đoạn hắn ngắm nhìn cô, tủm tỉm: “Đẹp đôi như thế mà… chỉ tiếc…”. Không rõ ý hắn nói thế là thế nào, dẫu sao cô cũng thấy hài lòng. Lần khác hắn đến khi cô đang ngồi bên cửa sổ nghe thầy Thành đàn, hắn hất hàm bảo: “Trương Chi thời nay đấy. Đàn hay thật, chỉ phải cái xấu người, lại xấu tính”. Cô tỏ vẻ khó chịu: “Không nên nói xấu vắng mặt người khác”. Hắn cười: “Tôi khen đấy chứ. Đàn như thế, ai chẳng mê. Tôi cũng mê. Nhưng mê đàn, chứ không mê người được”. Nói thế, chứ hắn biết rõ cô Loan đã mê cả người, bắt đầu từ cây đàn. Hắn nghĩ cách đánh vào cây đàn. Hắn thuê một thằng bé mất dạy trong xóm lấy cứt bôi vào cây đàn, ngay chỗ tỳ cằm và xung quanh khu vực đó. Quả nhiên thầy Thành mắc hợm. Thầy nổi nóng đùng đùng, như điên như dại. Thầy cho gọi bọn tôi đến. Thầy gầm lên: “Thằng nào? Thằng nào?” Thầy trỏ mặt từng đứa một: “Mày phải?” “Mày phải?”. Thầy giậm chân thình thịch: “Nghịch ngợm thế hử? Hay là chủ tâm làm hại? Phản thầy, đời chúng mày sẽ không ra gì? Trời ơi là trời!”. Thầy giơ tay với cây đàn, định đập vào tường. Tôi và thằng Tân cùng lao vào đỡ được. Chúng tôi mang cây đàn đi lau rửa, mãi chẳng sạch mùi. Xin nước hoa rảy vào, cũng chẳng ăn thua. Chúng tôi mang cây đàn về nhà, rẩy nước hoa liên tục vài ba ngày, treo tường vài ba tuần, lại rẩy nước hoa tiếp và treo tường vài ba tuần nữa, cuối cùng cái xấu phải thua thời gian, như thầy từng dạy chúng tôi. Chúng tôi vui sướng mang cây đàn đến trao trả thầy. Thầy cám ơn và xin lỗi chúng tôi, vui vẻ lắm. Thế nhưng từ đấy thầy ít chơi đàn, và thật lạ lùng, tiếng đàn của thầy cũng không hay bằng trước. Điều tai hại là thầy cũng nhận ra điều đó và càng ít chơi đàn hơn.
Dẫu sao còn tiếng đàn thì còn tình yêu của cô đối với thầy. Tay Tâm biết rõ điều đó. Hắn lại thuê thẳng nhỏ mất dạy tiến lên một bước nữa, đánh cắp cây đàn của thầy. Lần này khác với lần trước, khi phát hiện cây đàn bị mất, thầy ngồi im như tượng gỗ. Đoạn thầy nằm vật ra giường, không nói không rằng, không ăn không uống. Thầy ốm, cô Loan đến thăm, thầy chỉ nhìn chằm chằm, không nói. Cô gặng mãi, thầy mới nói, như gắt: “Mất rồi”. “Cái gì mất?”, cô hỏi. “Mất tất! Mất tất!”, thầy nói và lắc đầu. Cô chẳng hiểu thế nào, chỉ nghĩ cái bệnh trái tính trái nết của thầy bắt đầu phát triển, và từ ấy cái sự tình cảm của cô đối với thầy dần dần giảm đi.
Trước tình hình ấy, thằng Tân cho họp lớp, phân công mỗi đứa mỗi ngả đi tìm đàn cho thầy, cả tháng trời vẫn chẳng thấy tăm hơi. Cuối cùng chúng tôi bàn nhau góp tiền mua một cây đàn vĩ cầm mới tinh tặng thầy. Thầy cám ơn, bảo treo trên trường, chỗ cây đàn cũ, đoạn nói, thân mật, nhưng rất buồn: “Thầy chỉ chơi được chung thuỷ với một cây đàn thôi”. Quả nhiên, thầy không hề đụng đến cây đàn ấy.
Trong khi ấy tay Tâm tiếp tục tấn công cô Loan. Hắn hết lời tuyên truyền cho cái nghề nhiếp ảnh của hắn. “Trong tất cả các loại hình nghệ thuật, nhiếp ảnh mới xứng đáng là một nghệ thuật đích thực, đứng hàng đầu.” – Hắn nói – “Các nghệ thuật khác chỉ miêu tả được cái bóng của cuộc sống, của con người, còn nhiếp ảnh phản ảnh được bản thân cuộc sống, như là nó đang tồn tại”. Cô Loan im lặng ngồi nghe, không hiểu hết những điều hắn nói, nhưng tỏ ra chăm chú. Hắn đưa cho cô xem hàng tập ảnh, giảng giải cho cô hiểu vẻ đẹp của từng tấm, từng chi tiết trong đó. Dần dần cô tỏ ra có cảm tình với con người này, từ ngoại hình đến lời nói, cử chỉ, phong độ, tài hoa của hắn.
“Một trong những nhiệm vụ trọng đại của nhiếp ảnh là săn đuổi vẻ đẹp hình hài của con người. Mà con người càng ở dạng nguyên thuỷ thì càng đẹp”. Một hôm hắn nói với cô như vậy và đưa cho cô xem vô số các tấm ảnh chụp về vẻ đẹp hình hài của con người cả nam lẫn nữ, trong đó có những tấm ảnh biểu diễn thời trang, những tấm ảnh nam nữ ăn mặc hở hang, thậm chí khoả thân. Cô thẹn đỏ mặt, nhưng vẫn tò mò xem. Nắm chắc những diễn biến tâm sinh lý trong cô, tiến lên một bước, hắn đưa cô xem những tấm ảnh trai gái tỏ tình, ôm hôn nhau, cuối cùng hắn liều lĩnh đưa cô xem những tấm ảnh loã lồ trai gái làm tình với nhau. Cô nhắm mắt, đẩy trả lại hắn, nhưng cũng không có phản ứng gì khác.
Hắn chụp cho cô rất nhiều kiểu ảnh. Nào toàn thân. Nào bán thân. Nào thẳng. Nào nghiêng. Nào đứng. Nào ngồi. Nào làm dáng… Hắn tán: “Em là một pho tuyệt mỹ mà Thượng đế đã ban phát cho loài người. Đẹp tuyệt vời trong tổng thể cũng như từng chi tiết”. Về sau cô kể chuyện với cô Liên là những lúc ấy cô cũng cảm biết là hắn tâng bốc quá mức, nhưng cô vẫn thích nghe. Hắn nói: “Trong nghệ thuật phải nửa kín nửa hở mới đẹp” và bảo cô mở cúc áo ngực ra để chụp ảnh. Cô ngần ngừ, rồi nghe theo. Thừa thắng xông tới, hắn liều lĩnh bảo cô để cho hắn chụp cả bộ ngực trần “bảo ngọc của thế giới”, như lời hắn nói. Hắn nài nỉ mãi, cô đành nghe theo. Hắn mừng rơn.
Sau đó hắn còn đến nhà cô nhiều lần. Cô dần dần cảm nhận được vẻ giả tạo và sự ranh ma của hắn, nhưng vẫn không chống đỡ được. Cô cảm thấy hổ thẹn, không dám gặp thầy Thành, thậm chí lẩn tránh thầy. Hình như thầy Thành cũng biết rõ những sự việc ấy, thầy chủ động cắt đứt quan hệ với cô. Về sau, giữa hồi thầy Thành ốm nặng, cô Loan đã kể tất cả những chuyện này với cô Liên, vợ thầy Thành Toán, cô vừa khóc, vừa lăn lộn trên giường: “Chị ơi, chị hãy đánh em đi, đánh em đi, cho em bớt khổ! Làm sao có những lúc em dại dột đến như thế! Em đã làm khổ đời em, lại làm khổ thầy Thành. Làm thế nào bây giờ, chị ơi!”
Cô kể rằng có một cuộc đối mặt giữa bộ ba ấy. Có lần tay Tâm đến nhà, đang chuyện trò thân mật, thì thầy Thành xuất hiện. Cô thì lúng túng, nhưng tay Tâm tự nhiên như không. Hắn chủ động mời thầy ngồi và rót nước đẩy về phía thầy.
– Lâu nay không thấy bác chơi đàn. – Hắn bắt chuyện.
– Hỏi làm gì, chính anh đã giết nó. – Thầy Thành đốp thẳng.
Hắn cười nhạt:
– Bác nói gì lạ, em không hiểu.
Thầy Thành đứng dậy:
– Không hiểu. Anh không hiểu thì ai hiểu? Đừng đóng kịch! Hãy hỏi lương tâm của anh, nếu anh còn lương tâm!
Tay Tâm định nói gì, nhưng thầy giơ tay ra hiệu bảo im.
– Mọi việc anh đã làm là có thể hiểu được. Chỉ có một việc không thể hiểu được là anh đã công nhiên lấy cái cao đẹp nhất là nghệ thuật để làm cái việc xấu xa hèn hạ nhất là lừa gạt tình yêu! Hoá ra anh chỉ là một thằng nghệ sỹ rởm!
– Em xin hai bác! Hai bác hãy bình tĩnh! – Cô Loan vừa nói, vừa kéo thầy Thành ngồi xuống.
Thầy Thành đã ngồi xuống lại đứng lên ngay:
– Bình tĩnh làm sao được. – Thầy nói. – Chính nó đã giết chết cây đàn của tôi! Đã giết chết tôi! Đã giết chết cả cô nữa! – Thầy vừa nói to, vừa sấn sổ trỏ tay vào tận mặt thằng Tâm. – Chính nó, con quỷ dữ, tên giết người!
Thầy quát lớn đến cả xóm nghe tiếng. Thật lạ lùng, xưa nay thầy Thành vốn ít nói, vừa thường nói nhỏ, vừa nghe. Có lẽ cái sự uất hận quá lớn của thầy bị nén lại quá lâu, quá mức, bây giờ nó bùng lên chăng? Ngoài cổng đã có một số người nấp nom. Người ta thấy thằng Tâm cũng đứng lên, tiếng thằng Tâm gay gắt:
– Đừng có mà vu khống. Mày bảo ai giết người?
– Tao bảo mày đấy!
Thầy Thành nói, đoạn giơ tay tát đánh đốp vào mặt thằng Tâm. Thằng Tâm giơ tay đỡ, vừa hất ngược mái tóc do bị cái tát làm xù ra, vừa sấn sổ tiến lên, một tay túm ngực áo thầy Thành. Không thể biết chuyện gì sẽ xảy ra, nếu cô Loan không nhanh tay kéo hắn lại, đoạn nhảy vào giữa hai người tình địch và dang tay ra:
– Tôi xin các người! Các người hãy giết tôi đi còn hơn!
Cô nói, đoạn chạy bổ đến bức tường trước mặt và lao đầu vào. Hai người đàn ông đồng thời giữ cô lại và xốc cô ra giữa nhà. Thầy Thành bỏ ra về.
Sau lần ấy, thầy ốm liệt giường. Ít hôm sau thầy bị thổ ra huyết. Người ta bảo bệnh cũ của thầy tái phát. Các bác sỹ ở bệnh viện tỉnh về tận nhà chữa bệnh cho thầy, rất tận tình, một phần bởi hầu hết đều là học sinh cũ của thẩy. Nhưng bệnh ấy chưa xong thì lại xuất hiện một bệnh khác nữa, nghiêm trọng hơn, các bác sỹ nói là không có khả năng chạy chữa, bởi đã có một cái gì đó kết lại và lan ra từ tâm can thầy. Hầu như thầy không ăn uống được và xuống sức rất nhanh. Các thầy giáo, cô giáo trong trường, cùng với học sinh lớp tôi, phân công nhau trực suốt ngày đêm trông nom thầy. Khi đã yếu lắm, thầy gọi chúng tôi đến bên giường, xoa đầu, véo tai từng đứa một, đoạn nói:
– Người ta tưởng thầy là người cô đơn nhất trên đời. Nhưng không, thầy đã có các con, và có cây đàn. Cây đàn mất rồi, nhưng nó sẽ về tay một người khác, biết đâu lại xứng đáng hơn thầy, và nghệ thuật, cái đẹp, âm nhạc, cuộc sống nói chung, cứ tồn tại. Các con phải rèn luyện để trở thành người tốt, học giỏi, và đứa nào cũng phải biết âm nhạc. Âm nhạc là điều hạnh phúc lớn ở trên đời này, và có lẽ ở nhiều cõi khác nữa. Vĩnh biệt các con! Đừng khóc!
Nói thế, nhưng nước mắt thầy cứ trào ra, chảy ròng xuống má. Chúng tôi cùng oà lên, có đứa nức nở rất lâu, thầy dỗ cũng không được.
Phút lâm chung của thầy diễn ra hồi quá nửa đêm một ngày hè oi bức, có đông đủ các thầy giáo, cô giáo trong trường, tất cả học sinh lớp tôi và nhiều lớp khác, một số người bà con thân thích của thầy, bà con xóm giềng, chen chúc nhau vòng trong vòng ngoài, trong nhà ngoài sân. Cả cô Loan và thằng Toàn cũng sang, hai mẹ con quỳ ngay chân giường thầy. Giữa lúc ấy, không hiểu vì sao và từ đâu người ta chuyển đến một cây đàn vĩ cầm, nhìn kỹ thì đúng là cây đàn của thầy. Về sau mới biết là chính thằng Tâm chuyển trả thầy. Hắn vẫn còn chút lương tâm? Hắn hối hận? Dẫu sao cũng là tốt. Nhưng đã quá muộn rồi. Thầy lấy sức, cố cầm lấy cây đàn, con mắt long lanh, miệng mỉm cười, ngón tay bật bật dây đàn. Đoạn thầy bảo đưa đàn cho thằng Toàn chơi, những bài thầy yêu thích. Bài “Phiên chợ Ba Tư”. Bài “Sông Đa-nuýp xanh”. Bài “Hồng Hà”. Bài “Người Hà Nội”… Thầy gật gật đầu. Một lát thầy bảo nâng thầy ngồi dậy. Thầy cố sức cầm lấy cây đàn và nâng cây đàn lên. Gương mặt thầy bừng sáng. Con mắt thầy long lanh. Tay trái thầy vuốt dây và rung ngón. Tay phải thầy kéo cần đuôi ngựa. Thầy lại chơi đàn. Nhanh nhẹn, chuẩn xác như một người khoẻ mạnh. Lại chơi đàn phóng tác. Lần thứ hai tôi được nghe thầy đàn kiểu này, không có bài bản, không chuẩn giai điệu, như không có mở đầu và không hồi kết thúc. Tiếng đàn lúc mau, lúc khoan, lúc cao vút, lúc trầm lắng, réo rắt, quần quýt, gấp vội, tha thiết… như muốn ôm lấy, níu lấy trời đất, quê hương, cuộc sống. Tiếng đàn kêu gọi lòng yêu thuong cuộc sống, yêu thương con người, kêu gọi con người hãy sống chân, thiện, mỹ, và hãy biết tha thứ cho nhau những lỗi lầm. Trong nhà ngoài sân im phăng phắc, chí có tiếng đàn bay bổng, âm vang. Đêm hè oi bức là thế, trong ngoài chen chúc là thế, mà mọi người đều không có cảm giác bức bối, mặc dù lưng áo ai cũng đẫm mồ hôi. Trong phúc chốc tất cả như quên đi cuộc sống thực tại. Trước kia tôi từng được nghe thầy đàn, nhưng điểm lại đến giờ tôi chưa bao giờ được nghe tiếng đàn hay, kỳ diệu, thần thánh đến như thế. Khi tiếng đàn dừng thì thầy liền ngã ra và “đi” luôn. Cô Loan đưa bàn tay xinh đẹp vuốt mắt cho thầy, và bàn tay ấy còn để lâu trên khuôn mặt thầy như không muốn rời xa. Chúng tôi oà khóc. Hầu như tất cả mọi người cùng khóc. Khi tôi lau nước mắt nhìn ra ngoài thì thấy trời đã hửng sáng, vừng đông ửng hồng và từ phía ấy mặt trời phóng lên vũ trụ những tia sáng đỏ hồng hình rẻ quạt. Cuộc sống vẫn tiếp diễn, đẹp khác nào tiếng nhạc, mà thầy đã đi thực rồi ư?
Đám tang thầy đông chưa từng có ở vùng này, người người chen chúc nhau chật đường, kéo dài hàng cây số từ nhà thầy đến nghĩa trang Yên Xá. Chúng tôi xếp không phải những vòng hoa theo di chúc của thầy mà là những bó hoa tươi thắm chật ngôi mộ mới và trồng ở đó một khóm cúc vạn thọ đến nay vẫn còn xanh tốt và nở hoa tươi (có lẽ bọn bạn tôi ở gần đấy vẫn chăm nom mộ thầy chăng?). Cây đàn vĩ cầm của thầy được trao cho thằng Toàn, con cô Loan, nó chơi đàn tốt, có thể nối gót được thầy, lại sáng tác được, đến nay đã trở thành một nhạc sỹ nổi tiếng. Cây đàn vĩ cầm lớp tôi mua hồi ấy tặng thầy thì nhà trường trao tặng cho tôi. Tôi đã không theo được nghiệp nhạc của thầy, lại đeo đòi công việc văn chương mà cũng chủ yếu do tác động dạy dỗ của thầy hồi đó, một người thầy lớn lao, gần gũi và chịu thiệt thòi.
Thầy ơi, con viết những dòng này để một phần tạ tội và trả nghĩa thầy!