Phan Tùng Ảnh
Không chỉ ở sức viết, bạn đọc yêu thơ Đặng Nguyệt Anh bởi sức tải của ngôn từ, hình ảnh và sức gợi của cảm xúc trong từng tác phẩm thơ đằm thắm, dịu dàng nhưng cũng rất mạnh bạo. Suốt một hành trình thơ kiên nhẫn và không biết mệt mỏi, tưởng như chị đang đi tìm những điểm dừng của chiêm nghiệm và bến đỗ của của con thuyền chữ nghĩa đầy khát vọng của cuộc đời. Tập cảm nhận văn chương Chấm phá chị vừa mới trình làng năm 2024 có thể được coi như một điểm dừng để trông lại quá khứ trước khi rẽ lối trên con đường thi phú. Cầm chiếc thẻ thư viện xuyên quốc gia trên tay, chị đến với kho tàng văn học thế giới bằng những cảm nhận riêng mình, làm cho người đọc bừng tỉnh tri thức nhân loại từ văn hóa đọc. Chấm phá đưa ta về với từng mảnh đất mà mình đã đi qua nhưng cũng lật giở được bao điều mà nhiều tác phẩm văn học từng để lại trầm tích quý báu từ hàng trăm năm trước. Điểm danh bằng sự tóm lược ngắn gọn nhưng đầy đủ, các tác phẩm văn học nước ngoài qua ngòi bút của chị lại lấp lánh thêm những vẻ đẹp về giá trị lịch sử và văn hóa. Trang viết của chị đã cho người đọc ngược dòng lịch sử để về miền văn hóa xa xăm tửng như bao lớp bụi thời gian đã phủ mờ. Chấm phá nhắc tới Chiến tranh và hòa bình, Sông Đông êm đềm, Pu skin, Lép tôn xtôi để người đọc nhìn lại được tính cách dân tộc Nga đau thương mà nhân hậu. Đến với văn học Đức ta bắt gặp được giá trị nhân văn sâu sắc mà không tẻ nhạt, tiêu biểu là thi sĩ Gớt với Phau xtơ. Văn học Pháp đem lại bức tranh màu xám cho cuộc đời nhưng lại rạng rỡ chủ nghĩa lãng mạn trong Những người khốn khổ. Thần thoại Hy Lạp để lại nhiều bi kịch như Ho – me và I – li –át hay Prô mê tê bị xiềng đều là tiếng nói yêu chuông công lý và hòa bình. Nếu văn học phương Tây rực rỡ như ánh mặt trời thì văn học Trung Quốc rạng ngời như ánh trăng dát bạc trên dòng Mịch La với Vương Duy, Đỗ Phủ, Thôi Hộ… Triết lý nhân sinh cũng được Chấm phá nhắc tới khi lật giở các trang Kinh Thánh, Đạo đức kinh, Luận ngữ của Khổng tử trong văn học cổ Trung Hoa. Việt Nam tự hào với những nhà văn và tác phẩm đã từng được ghi tên mình vào bản đồ văn chương thế giới như Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh… Không thể kể hết những cây bút của nhiều thời đại, Chấm phá chỉ chấm phá theo đúng nghĩa của từ những câu chuyện đã để lại ấn tượng sâu đậm nhất cho tác giả.
Theo mạch nguồn tinh hoa thế giới, một số câu chuyện về địa lý như núi, sông, rừng, biển đã tô điểm thêm sắc màu cho chiếc cầu vồng tri thức mà Đặng Nguyệt Anh tự vẽ trên bản đồ không có biên giới về văn hóa đọc. Càng quý trọng hơn khi có thêm cảm nhận của bạn bè, độc giả đáng giá về tập sách trước khi được ấn hành. Đó là cách làm việc chỉn chu và đầy tình thân ái của tác giả với đứa con tinh thần mới lạ của mình. Chấm phá thường chỉ là vài nét nhỏ điểm xuyết nhưng những cảm nhận từ văn hóa đọc của độc giả Đặng Nguyệt Anh lại là những nét lớn kỳ vĩ đối với nền văn chương địa cầu vĩnh cữu quay quanh trục thời gian đến nay và mãi mãi không hề xưa cũ.
Tân Phong 15/08/2024