PGS. TS. TÔN PHƯƠNG LAN
LTS: Nhà thơ Kim Yong-Jae, nguyên Chủ tịch Hiệp hội các nhà thơ Hiện đại Hàn Quốc, đã dẫn đầu một đoàn các nhà thơ Hàn Quốc sang giao lưu với các nhà thơ Việt Nam và kí biên bản ghi nhớ Hợp tác giao lưu văn học với Hội Nhà văn Việt Nam (tháng 3 năm 2019).
Ông là nhà thơ hiện đại có uy tín ở Hàn Quốc, rất yêu Việt Nam và có nhiều đóng góp cho sự giao lưu văn học Việt Nam-Hàn Quốc.
Dịch giả văn học Hàn Quốc Lê Đăng Hoan đã dịch và NXB Hội Nhà văn Việt Nam đã cho ra mắt tập thơ “Dù bị cán dưới bánh xe ánh nắng vẫn không tắt” bằng tiếng Hàn và tiếng Việt. Nhà phê bình văn học Tôn Phương Lan đã có bài giới thiệu về tập thơ này.
Xin giới thiệu cùng bạn đọc Tạp chí Nhà văn và cuộc sống.
1.Dù bị cán dưới bánh xe, ánh nắng vẫn không tắt; cũng như số phận dù có nghiệt ngã đến đâu nếu biết chấp nhận với thái độ sống tích cực vẫn rất có thể kéo dài sự sống, hơn thế, sau khi vượt qua được những cheo leo trên bờ vực thẳm, con người càng thẩm thấu sâu sắc hơn ý nghĩa của cuộc sống để đi tiếp chặng đường mới của cuộc đời mình.
Nhà thơ Kim Yong-jae – Nguyên Chủ tịch Hội các nhà thơ hiện đại Hàn Quốc, hiện Chủ tịch PEN Hàn Quốc – tác giả của 10 tập thơ riêng, một tập văn xuôi và đồng tác giả nhiều tác phẩm khác – GS.TS từng thỉnh giảng ở nhiều trường Đại học trong – ngoài nước… là một người như thế. Ông sinh năm 1944. Năm 1991, khi mà tuổi đời và tuổi nghề bước vào độ chín, ông đã trải qua một cuộc đại phẫu thuật: phải cắt một bên phổi, hy vọng sống chỉ còn 6-40%.
Người ta thường hay nói đến số phận, nhưng liệu có ai nói trước được số phận mình sẽ như thế nào khi người ấy đang ở trên lằn ranh giữa sự sống và cái chết? Với Kim Yong-jae, hơn thế, là ở vào thời điểm trước khi lên bàn mổ, ông đã tiên lượng được bệnh tình của mình, rồi từ cảm nhận về sự bất lực của cơ thể trong các động thái sinh hoạt tối thiểu, qua nỗi đau tận cùng của thể xác… sau khi phẫu thuật, là sự cận kề của cái chết mà nếu nó đến cũng coi như một sự đương nhiên… Vậy mà ông không hề có thái độ buông bỏ: lặng lẽ chịu đựng, lặng lẽ quan sát, lắng nghe những chuyển động trong cơ thể để tự tin, từng bước vượt qua những đau đớn, đặc biệt trong ông luôn trào dâng lòng khát khao được sống cả khi tưởng chừng tuyệt vọng. Và cũng từng bước một, ông đã chiến thắng bản thân, chiến thắng định mệnh. Tập thơ “Dù bị cán dưới bánh xe ánh nắng vẫn không tắt” của Kim Yong Jae đã thể hiện rất rõ điều này.
Dịch giả văn học tiếng Hàn – Lê Đăng Hoan, đã nhận ra trong tập thơ này những cung bậc khác nhau về cảm xúc trước tình thế hiểm nghèo của nhà thơ Kim Yong-jae, một con người có tri thức, bản lĩnh và tâm hồn đẹp đẽ, tinh thần dũng cảm. Ông đã nghiên cứu kĩ lưỡng tập thơ, dịch ra tiếng Việt để giới thiệu cho độc giả Việt Nam.
Trong tập thơ chân dung một con người mà tác giả của nó – Kim Yong – jae – đã vượt qua được nốt trầm của số phận để viết tiếp những trang đời ấn tượng sau này. Đặt Kim Yong – jae trong bối cảnh nền thơ hiện đại Hàn Quốc, với nhiều tên tuổi lớn, từ một góc nhìn nhỏ qua thấu kính, người đọc sẽ nhận rõ hơn sự đa dạng, phong phú của cái tôi trữ tình trong thơ.
2. Chúng ta đã được đọc được nghe nhiều về diễn biến tâm lý và ý thức tha thiết được sống của con người, nhất là các nhân vật trong các tác phẩm văn học viết về chiến tranh. Chúng ta cũng đã được thấy nhiều tấm gương nhà văn vượt qua số phận nghiệt ngã để sống với niềm đam mê văn chương. Còn với Kim Yong – jae tập thơ này chủ yếu viết về cuộc hành trình của những trạng thái cảm xúc khác nhau trước biến cố mang tính bước ngoặt của sự sống: ở đấy có nỗi lo, có sự chịu đựng, có cảm nhận về người thân, về cuộc sống, có những suy nghĩ về cuộc đời mà xuyên suốt qua các trạng thái cảm xúc đó là sự khát khao được giao cảm, được sống.
Mở đầu, thơ ông ghi lại những u buồn lo lắng của bản thân khi đối mặt với bệnh tình và dự cảm những nguy hiểm có thể xảy ra, đó cũng là khi ông nhận được sự sẻ chia từ người bạn đời và thiên nhiên: “Trên con đường mơ xa / Phải chăng vì xót xa / Mà vợ tôi? Khóc buồn man mác? Mà mùa hè / Khóc hoài không ngớt, và hiểu rằng “giấc mơ trong ông” – những giấc mơ đẹp về sự nghiệp, những dự định về cuộc sống gia đình – đang bị định mệnh “giật lấy” một cách phũ phàng. Trong căn phòng bệnh, nơi chủ yếu chỉ có mầu trắng, sự tĩnh lặng và những giọt dịch đang rơi trong những ống truyền, bất chợt từ trong sâu thẳm ký ức của ông dậy lên nỗi nhớ về người mẹ và một thế giới đầy sinh động bên ngoài hiện ra: đó là nơi có bầu trời mượt mà, nơi trên cành cây có những con chim xanh đang chuyền biểu trưng cho sự tự do khoáng đạt cùng những bông hoa đồng nội đang xòe nở như những vạt váy thanh tao của cô thiếu nữ. Tất nhiên, thế giới đó đối lập với chính thực tại của bản thân ông: một cơ thể tả tơi, không thể nằm ở bất kì tư thế nào, thậm chí chỉ ngồi để mong một chợp mắt, đến cả những việc thường ngày như ho, đi tiểu lúc này cũng trở nên quá khó khăn. Thế giới đó đối lập với những gì đang diễn ra trong phòng bệnh nơi thỉnh thoảng lại có tiếng khóc giã biệt đau đớn vì sự ra đi của người bệnh cùng phòng (Trong phòng bệnh nhân nặng.)
3. Có những khi ông hoang mang, cảm giác sức sống của cánh đồng mơ sụp đổ, mình như một kẻ vô gia cư vì trải một mùa hè rồi mà kết quả điều trị chưa đưa lại điều ông mong muốn. Nhưng, như ông nghĩ “tôi không thể chuẩn bị đi du lịch bằng cái chết” vì biết đâu “vật tế lễ của đau đớn không phải là tuyệt vọng/ Mà là sức mạnh của hy vọng” và ông tin “chắc chắn sẽ gặp hy vọng”. Một lập trình được đặt ra: trong những cơn đau vật vã đến tận cùng, “tầm soát” lại bản thân, ông nhận ra sự vô thường của đời người và nghiệm ra mọi lỗi lầm của con người, suy từ bản thân, có khởi nguyên từ dục vọng (Trong phòng bệnh nhân nặng.)
4. Vào thời điểm đó ông thấm thía: Con người nhờ con người mà nhận tình yêu /Con người nhờ tình yêu mà nhận ra sự an ủi: không chỉ cái đẹp cứu rỗi thế giới mà giữa mong manh của sự sống, tình yêu thương, sự chia sẻ giữa con người với nhau thực sự là một nguồn năng lượng lớn để con người vượt qua được những rào cản của định mệnh, thiết tha hơn với cuộc sống mỗi ngày. Một nhà thơ lớn của Việt Nam – Tố Hữu – cũng từng viết: Còn gì đẹp trên đời hơn thế/ Người yêu người, sống để yêu nhau. Vả chăng cảm thức nhân văn là nơi gặp gỡ của những trái tim coi tình yêu thương con người là lẽ sống!
Trước cuộc đại phẫu, Kim Yong – jae đã chuẩn bị cho mình một thái độ tích cực từ cả những điều bình dị mà ngày thường có thể ít khi để ý. Ông đã nhìn thấy trên con đường đến nhà xác “ánh sáng và bóng tối gặp nhau”, “gió và lá cây hòa hợp lẫn nhau”, “hồi ức và cửa kính phản xạ cho nhau”, mà cũng trên con đường ấy “chúng ta đã tập nở nụ cười”; nghĩa là ông tập cho mình một tâm thế chấp nhận với những khó khăn, rủi ro có thể đến. Vậy nhưng khi nỗi đau ập đến cơ thể không phương chống đỡ thì ông nhận ra mình hoàn toàn là một lữ hành cô đơn, nhất là về đêm: Đêm đau đớn thời gian nằm yên quá /Ánh đèn chập chờn/ cũng nằm im, và ông như cây cột đèn ngoài phố “đơn độc một mình” với nỗi đau hành xác. Trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê, hình ảnh người vợ với “mái tóc rối bù” và “Đôi mắt đầy lo âu” luôn có mặt bên ông trong những cơn đau vật vã thực sự đã đem về cho ông ngọn lửa ấm áp để hồi sinh. Hình ảnh bà đã giúp ông xua đi nỗi tuyệt vọng đơn côi và nhận về một “tình yêu đầy ánh sao” và họ như “một đôi nai rừng” – “một đôi ấm áp” trên sườn núi của thời gian đang âm thầm tiến đến. Cùng với hình ảnh mẹ từng chập chờn hiện lên trong ký ức đen kịt lúc đầu và gương mặt người vợ với bao vất vả âu lo, ông như thấy mình được tiếp thêm nguồn sống và phải sống.
Cũng trong trạng thái đó, ông nhận ra những giới hạn nhận thức trước đó của mình về cuộc sống, về con người, về bản thân. Phải chăng anh chưa bao giờ nhìn con mắt mở của tình yêu/ Phải chăng anh chưa nhìn con mắt phát sáng của bóng tối/ Phải chăng anh chưa nhìn tình yêu ôm ấp trong ánh trăng/ Phải chăng anh chưa nhìn bóng tối chìm trong sự bình yên… Bao lâu nay, ông mải mê đi tìm cái đẹp, đi tìm những triết lý cao xa về cuộc sống; đến thời điểm này, ông nghiệm ra rằng: “cuộc sống của tôi, cái đó là cái đẹp/ Tôi còn sống / đó là điều tràn đầy sinh lực”. Có một mùa hè đã bị đánh mất nhưng cũng từ mùa hè đó, cùng với những bước đi chập chững đầu tiên từ sự hồi sinh cơ thể, một chân trời mới của nhận thức đang bắt đầu mở ra trước mắt ông. “Quyết đứng dậy lần theo/ ánh lửa đang đi/ Vào phía trong rừng của tư duy./ Nếu rẽ ra khỏi bóng tối của đêm dài/ đang co ro/ sẽ có thể thấy cái sáng chói/ gương mặt hồng hào của những ngôi sao”. Với nghị lực của một con người thiết tha với sự sống, của một tâm hồn lãng mạn, một tư duy ưa quan sát, trong đầu ông bất chợt hiện về: “Dù bị cán dưới bánh xe, tia nắng cũng không tắt/ Nếu bóng tối đến gần thì nắng chỉ bị đẩy đi / Dù bị cán dưới bánh xe, bóng tối cũng không chết/ Khi ánh nắng lại gần bóng tối chỉ bị đẩy đi”. Bóng tối và ánh sáng vốn là một cặp phạm trù luôn tồn tại như vòng quay của trái đất – có đêm và ngày, một trong hai cái chỉ có thể “đẩy đi” khi cái kia thay thế. Đối diện với những rủi ro, Kim Yong – jae đã nhận ra tính tất yếu trong quy luật để tìm ra cách sống tích cực, tạo được cho tâm hồn mình hoàn toàn thanh thản khi trước mắt luôn luôn là một tinh thần lạc quan, một khát vọng sống đồng hành qua hình ảnh của ánh sáng, cũng như: nụ cười của ánh sáng/ in dấu say sưa. Ánh sáng đó là niềm xác tín về con người, cuộc đời và ý chí quyết sống đã đưa lại nguồn năng lượng tuyệt vời để ông vượt lên quyết không để những giấc mơ của mình bị tử thần cướp mất.
“Một ngày tù bằng nghìn thu ở ngoài”. Và bảy tháng của người luôn phải thường trực với cuộc chiến sinh tử trong nỗi đau thể xác, nỗi lo về tương lai của sức khỏe và sự biến dạng về hình thể mà Kim Yong – jae đã trải qua cũng là dằng dặc và quá đỗi nặng nề bởi cuộc chiến đấu đó cụ thể và chi tiết từ những cái nhỏ nhất. Bạn tôi, trước ngày truyền hóa chất, theo lời khuyên của những người đồng bệnh, chị đến hiệu làm tóc, xin cho được húi trọc. Rồi sau đó, nhìn thấy mình trong gương, chị đã lặng đi và những giọt nước mắt đã chảy tràn… dù trước đó, khi nhận tin dữ bị ung thư, chị không những không khóc mà còn bình tĩnh tự mình xử lý các bước tiếp theo để chuẩn bị phẫu thuật. Cũng người bạn đó, bảy năm sau bị tái phát, chị đã chọn hóa chất uống chứ không truyền dù phải tự túc một món tiền lớn trong điều kiện không hề dư giả, để hy vọng không phải chịu đựng một lần nữa sự biến dạng về hình thể. Có ai đã từng đi vào những bệnh viện điều trị ung thư mới thông cảm hết cho những người mang trong mình nỗi niềm đó, bởi xưa nay “cái răng, cái tóc” vẫn được coi “là vóc con người”. Con người sợ chết nhưng con người cũng không ai muốn xấu – đó hẳn là rất bình thường mà trong tập thơ này, Kim Yong – jae không là ngoại lệ (Độc thoại.1, Độc thoại 2).
Toàn bộ tập thơ toát lên tâm thế bình tĩnh với điểm tựa tình cảm: đó là tình yêu đối với vợ và mẹ, là tình yêu đối với thiên nhiên, với cuộc sống tự nhiên xung quanh. Ngày thường, ông cũng như nhiều người mải mê với biết bao công việc, ít khi lắng nghe hết âm thanh của cuộc sống, giờ đây những âm thanh đó trở thành một thứ giao hưởng tuyệt diệu “Ở ngoài kia / tiếng chim cu gáy vọng đến/ Còn có tiếng hót chích chòe/ và tiếng côn trùng rả rích/ Tiếng đánh bóng sân ten nit/ cùng tiếng máy của công trường xây dựng/ ùa vào dưới âm giai của ngày xuân này” và đặc biệt giữa sự tịch mịch của núi rừng, “tiếng chim trĩ đực kêu” như là tiếng gọi của phồn sinh. Trong bối cảnh đó, ông cảm thấy thế giới này và thế giới bên kia hình như không tách ra riêng rẽ “trên bức tường đen” vẫn có “ánh sáng trắng lập lòe”: giữa mong manh, hy vọng vẫn không bị tuyệt vọng lấn át. Con người ta là thế. Muốn sống là một bản năng. Sợ chết cũng là một bản năng. Kim Yong – jae ham sống nhưng đối mặt với tuyệt vọng và hư vô, có những lúc đau đớn tưởng chừng không chịu được, hoặc nhiều lúc cảm giác mình đơn độc, chơi vơi ông tự trào về khiếm khuyết của bản thân nhưng ông luôn nhất quán như khi mượn lời của Diêm vương để trấn an mình: hãy cứ sống như thế, đừng sợ đi đến âm ty, hãy đừng để “linh hồn kêu van trong gió”.
Tập thơ cho thấy con người thật của Kim Yong – jae giữa lằn ranh của sự sống và cái chết có cả hỷ nộ ái ố nhưng niềm lạc quan yêu đời là điểm nhấn của cảm xúc và thực sự là cứu rỗi. Tôi thích những bài thơ được viết ra khi quay lại nhìn quãng thời gian từ khi mình bị lâm bệnh “Ôm sự hiểm nguy không lời mà đi” cho đến khi “trút bỏ cái ách bất an” và nhìn thấy mình trong “một gương mặt khác: nhìn lại phía sau – như tên một bài thơ – ông vẫn không thể hình dung ra những gì mình đã trải.
Bản lĩnh con người trước bất cứ một biến cố nào của cuộc đời đều hết sức quan trọng, nhất là khi con người đó có kiến thức, sự từng trải… Kim Yong – jae là một nhà khoa học, một thi sĩ. Khoa học cho ông tư duy trong phân tích các dữ liệu để đưa ra quyết định đúng và cùng với tâm hồn thi sĩ ông biết tạo cho mình tiếng cười, niềm vui, tình thương và sự chia sẻ. Xuyên suốt tập thơ là một thái độ chừng mực, không quá sợ hãi âu lo khi đứng trên bờ vực của hiểm nguy và chính trong cuộc chạy đua này ông luôn tìm thấy xung quanh mình những nguồn năng lượng mới. Từ sau sự kiện lớn đó của cuộc đời, ông tiếp tục khẳng định năng lực và bản lĩnh của mình với những thành quả rất khả quan. Những chức sắc được giao phó, những thành tựu trong khoa học và văn chương, những giải thưởng cao quý, trong đó có bằng khen của Tổng thống năm 2018 đã nói lên năng lực sáng tạo của một con người sau khi vượt thoát bàn tay của tử thần. Hiện Kim Yong – jae còn là Chủ tịch Liên hiệp Hội Nhà thơ Nguyệt quế Hàn quốc. Ông đã từng dẫn đầu đoàn đại biểu Hội các nhà thơ Hiện đại Hàn Quốc với tư cách là Chủ tịch Hội sang Việt Nam, và kí văn bản hợp tác giao lưu văn thơ hai nước với Hội Nhà văn Việt Nam.
Tập thơ chắc chắn là một phần nhỏ trong sự nghiệp của Kim Yong – jae, ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt, dù lúc này ông mới bước vào độ chín của năng lực sáng tạo trong một đời người. Tuy nhiên, qua những trạng thái cảm xúc với cách cảm, cách nghĩ, những quan niệm về đời người, về mối quan hệ giữa bản thân và gia đình, cuộc sống… đặt vào sự nghiệp của ông cũng như vào nền thơ hiện đại Hàn Quốc người đọc vẫn nhận ra ở đây một bản lĩnh, một nghị lực sống và hơn thế, một trái tim với tâm hồn đa cảm. Đấy là cơ sở để sau biến cố, trở lại với đời thường và công việc, năng lực sáng tạo được hồi sinh cùng với sức khỏe, ông đã thực hiện được những giấc mơ đẹp của mình.
Xin cảm ơn tác giả và dịch giả Lê Đăng Hoan – người đã góp vào việc bắc nhịp cầu hữu nghị giữa hai dân tộc và hai nền thơ vốn có nhiều tương đồng trong sự hợp tác và phát triển.