Trần Quỳnh Hoa
Ngày 5/4/2025, tại NXB Hội Nhà văn đã tổ chức lễ ra mắt tập thơ “Nhặt dọc đường” của Thuận Hữu và cuốn bút ký “Xa và Gần” của Phan Đức Nhạn. Đây là lần đầu tiên hai cuốn sách của hai tác giả khác nhau được ra mắt cùng một lúc; Thuận Hữu và Phan Đức Nhạn vốn là chiến hữu thân thiết với nhau qua bốn thập kỷ và cùng là những người con của mảnh đất miền Trung gian lao mà kiên cường.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận thấy Thuận Hữu và Phan Đức Nhạn là hai tác giả có đời sống ẩn giấu, đặc biệt chính Nguyễn Quang Thiều đã nhiều lần thuyết phục nhà báo Thuận Hữu tham gia Hội Nhà văn Việt Nam để tác giả phát triển hơn nữa trên con đường thi ca, nhưng Thuận Hữu vẫn e dè. Cho đến ngày hôm nay, Nguyễn Quang Thiều rất vui mừng khi thấy Thuận Hữu và Phan Đức Nhạn, như hai nhà chính khách và hai chứng nhân lịch sử, đã quyết định bước ra để kể lại câu chuyện của mình và của thời đại họ sống. Nếu như “Nhặt dọc đường” cho thấy một Thuận Hữu đa cảm, như quả chuông được kéo trên đời sống này và mỗi khi va vào đâu đều vang lên thành tiếng thơ; “Xa và Gần” lại kể về xứ cát trắng nóng bỏng mà khi thọc tay xuống đó Nguyễn Quang Thiều cảm thấy máu từ thời chiến tranh vẫn còn chảy trong cát.


Tác giả Thuận Hữu tên thật là Nguyễn Hữu Thuận, sinh ra tại Xuân Liên, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Ông nguyên là Tổng Biên tập Báo Nhân Dân (2011-2021), Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương (2011-2021) và Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. Các tác phẩm của ông trước đó gồm “Những phút xao lòng” (tập thơ, Hội VHNT Quảng Nam – Đà Nẵng, 1987), “Ngọn đèn ban ngày” (tập truyện, NXB Đà Nẵng, 1988), “Biển gọi” (tập thơ, NXB Đà Nẵng, 2000). Giao lưu với khách mời tại sự kiện, Thuận Hữu chia sẻ rằng khi nhìn lại, ông thấy cuộc đời mình gặp rất nhiều may mắn. Sinh ra ở miền quê ví giặm, ông lớn lên trong nắng gió núi đồi và sóng nước đại dương, cha ông là người ngư dân làng chài “con sóng nào cứ vỗ suốt đời anh”. Từ làng quê nghèo ấy, ông may mắn được đi theo nghề báo, tuy nhọc nhằn nhưng được đi nhiều, biết nhiều và sống ở khắp mọi miền Tổ quốc. Với “Nhặt dọc đường”, ông chỉ mong mình được “Ngồi nhặt lại những mảnh hồn rơi vãi/ Góp cho đời tiếng nói một tình nhân”. Tập thơ gồm hơn 100 bài được chia làm ba phần: Quê hương – Đất nước, Người thân – Ký ức và Tình biển – Tình em. Là một người từng thổn thức “Thương nhớ à đừng giày vò ta nữa”, Thuận Hữu tâm niệm: “Được làm người, được sống, được yêu thương/ Điều kỳ diệu hơn mọi điều kỳ diệu”.


Tác giả Phan Đức Nhạn, sinh ra tại Bình Dương, Thăng Bình, Quảng Nam. Ông nguyên là Giám đốc Sở Giao thông Quảng Nam và Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh. Tác phẩm đã xuất bản trước đây của ông là cuốn tự truyện “Ong rừng” (NXB Hội Nhà văn, 2023). Quảng Nam là tỉnh có nhiều anh hùng liệt sĩ hy sinh nhất cả nước, và cũng là tỉnh có nhiều Mẹ Việt Nam Anh hùng nhất cả nước. Đặc biệt, tại xã Bình Dương, quê hương của Phan Đức Nhạn, hơn một nửa số dân của Bình Dương đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, thể hiện tinh thần cách mạng bất khuất của con người nơi đây, quyết không lùi bước dù phải đánh đổi sinh mạng mình để bảo vệ mảnh đất quê hương. Chia sẻ tại sự kiện, Phan Đức Nhạn nói rằng bản thân ông cũng trải qua nhiều vất vả nhọc nhằn, nhưng cái gánh nặng đau thương nhất đời ông lại thuộc về gia đình mình, có tới ba Mẹ Việt Nam Anh hùng và 22 liệt sĩ. Người ta từng nói rằng “chỉ cần sống ở Bình Dương là thành anh hùng rồi”; những người trong gia đình Phan Đức Nhạn đều tham gia kháng chiến và lần lượt hy sinh: cha ra miền Bắc tập kết, mẹ hy sinh khi đang cấy lúa nuôi giấu cán bộ, anh chị tiếp tục chiến đấu… Bản thân ông sau nhiều năm làm thiếu sinh quân canh giữ quê hương, cậu út Phan Đức Nhạn ra miền Bắc học tập và trở thành người duy nhất trong gia đình còn sống. “Xa và Gần” với hơn 40 bài viết, là những câu chuyện người thực, việc thực về xứ cát Bình Dương và cách những người anh hùng nơi đây sống và chiến đấu trong lửa đạn chiến tranh.
“Năm 1970 chính quyền Sài Gòn đẩy mạnh chiến dịch dồn dân vào các khu tập trung với nhiều lớp rào kẽm gai vây quanh, đày ải người dân sống như ngục tù. Lửa căm thù uất hận trong lòng người dân Bình Dương, chỉ chực chờ thời cơ bùng cháy. Không chịu được cảnh cả làng bị giam lỏng, cơ sở cách mạng tồn tại trong khu dồn đã nối kết với cán bộ, du kích, vận động bà con bung khỏi khu dồn, trở về làng tổ chức sản xuất và lập phòng tuyến chống giặc… Căn cứ lõm Bàu Bính những ngày đầu là vậy, với diện tích chừng hai cây số vuông, địa hình chính là ruộng thổ bờ mương bãi cát, như một ốc đảo, tứ bề thọ địch…”
(Trích “Căn cứ lõm trong lòng dân”, bút ký “Xa và Gần”, Phan Đức Nhạn)
Về “Xa và Gần”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã viết rằng: “Chiến tranh đã tắt tiếng bom đạn quá lâu rồi, lâu đến mức có những người không còn mang cảm giác về chiến tranh dù chỉ là một tiếng vọng mơ hồ… Và chính trong những năm tháng hòa bình, tôi lại mang nỗi lo sợ khi nhận ra những dấu hiệu lãng quên quá khứ của con người… Mỗi một trang viết của ‘Xa và Gần’ như từng lớp cát trắng của Bình Dương giấu vùi trong đó bao câu chuyện kỳ vĩ. Nếu không có những cuốn sách như ‘Xa và Gần’ thì đến một ngày con người sẽ không còn thấy được những gì đang ẩn chứa trong cát im lặng, kể cả những con người sẽ sinh ra và lớn lên trên vùng cát trắng này trong tương lai…”