Trần Quỳnh Hoa
Sáng ngày 20/9/2024, tại Hà Nội đã diễn ra buổi giới thiệu tập thơ “Phượng hoàng lửa” của Nghệ nhân Ưu tú Trần Ngọc Ánh. Rất nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân ưu tú, nhà nghiên cứu khoa học, nhà thơ, nhà văn, đại diện các tổ chức văn hóa và tín ngưỡng… đã đến tham dự và chung vui cùng tác giả trong không khí đậm chất văn hóa dân gian.
Tác giả Trần Ngọc Ánh, tên thật là Trần Thị Liễu, sinh ra tại Nho Quan, Ninh Bình. Hiện nay chị đang sống và làm việc tại Hà Nội. Chị là nhà ngoại cảm; đã nhiều lần tổ chức thành công các đại lễ tri ân các anh hùng liệt sĩ và người có công với đất nước qua mọi thời kỳ; là người sáng lập ra CLB Diễn xướng chầu văn Thiên Phú. Năm 2022, chị được trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú vì đã có cống hiến xuất sắc trong việc gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc. Trần Ngọc Ánh tự nhận mình không quá hiểu về thơ, nhưng thơ lại tự nhiên đến với chị. Tập thơ đầu tiên của chị “Cảm tác ngày thường” (NXB Hội Nhà văn) xuất bản vào năm 2023, được biết đến bởi tính thiền và tính triết lý. Năm nay, Trần Ngọc Ánh tiếp tục cho ra mắt tập thơ “Phượng hoàng lửa” (NXB Hội Nhà văn). Tập thơ gồm hơn 50 bài thơ xen lẫn nhiều bức ảnh minh họa sinh động, kể về những cảm thức trong đời sống thường ngày của chị.
Với nhà thơ Đặng Huy Giang, người đầu tiên được đọc “Phượng hoàng lửa”, ông thấy rằng Trần Ngọc Ánh có một cảnh giới thơ rất đặc biệt. Đó là một thế giới quan huyền bí, nhấn mạnh yếu tố chữa lành về mặt tâm linh. Nhiều câu thơ mang vẻ đẹp thuần khiết và trong trẻo. Theo ông, “nếu gọi sự vật với đúng tên gọi của nó thì ‘Phượng hoàng lửa’ là những câu thơ được hạ sinh theo lối ‘nhập-đồng-thơ’, ‘lên-đồng-thơ’, được bùng phát từ cõi vô thức, cõi tàng thức… Nói một cách khác thì đó là những câu thơ trời cho.”
Với nhà thơ Lê Anh Phong, “Phượng hoàng lửa” lại giống như một cuốn nhật ký ghi lại những suy tư, nỗi niềm của tác giả trên muôn dặm đường đời. Đọc tập thơ, có thể thấy được cách diễn ngôn dạt dào, cảnh thiên nhiên và con người gắn liền với phong vị lịch sử, cảm thức về lòng tự tôn dân tộc, sự đan xen giữa mơ và thực… Đó là vẻ đẹp hài hòa của tâm linh và cuộc sống. Bằng sự nhạy cảm của mình, Trần Ngọc Ánh như đi giữa đời và đạo.
Đâu đó trong “Phượng hoàng lửa” vẫn phảng phất chất thiền, chất triết lý qua những câu thơ như: “Ôi chữ lương y thành lương thiện/ Đau hết nỗi đau của bao người”, hay “Mấy khi thắm được chữ Duyên/ Thoảng mờ khói sóng phủ miền nước mây”. Thế nhưng, phần lớn lời thơ trong “Phượng hoàng lửa” là những điều dung dị, đời thường, là những xúc cảm tự đáy lòng của Trần Ngọc Ánh mà có lẽ bạn đọc sẽ dễ dàng đồng cảm. Ví dụ như bài thơ “Tiếng đàn”:
Tiếng đàn
Tiếng đàn hay tiếng gió lùa
Nghe như lá rụng sân chùa lao xao
Nghe như tiếng nấc năm nào
Miền trung bão lũ chìm bao mái nhà…
Thương người như thể thương ta
Quặn đau khúc ruột xót xa hỡi mình.
Thêm vào đó, cảnh giới tâm linh trong thơ Trần Ngọc Ánh, đôi khi mơ hồ ám ảnh, đôi khi vỗ về gần gụi, làm cho lòng ta trở nên trong trẻo và nhẹ nhàng hơn. Một tập thơ hết sức đặc biệt, chắc chắn sẽ mang đến một chiều không gian khác cùng nhiều cảm nhận mới mẻ, sâu lắng đến bạn đọc!