NHẦM
Sáng tinh mơ, cánh cổng lạch cạch. Mẹ ở quê lên, tự mở, vội vàng ấn vào tay tôi, nói nhanh:
“Có mấy quả dưa bở mẹ trồng, mang cho các con đây”.
“Sao mẹ không gọi con về lấy, vất vả quá!” Tôi nói.
“Đằng nào mẹ cũng phải đi chợ bán. Ăn đi, mát ruột lắm đấy”.
“Tan chợ về đây, rồi con đưa mẹ về quê!”
Nói rồi mẹ tất tưởi đi.
Đại học xong, tôi lấy chồng thành phố. Nhà con một, muốn mời lên ở cùng để chăm sóc, mẹ gắt: “Đi, ai hương khói cho bố mày, lại ruộng nương, hoa màu nữa!”
Cánh đồng làng chuyển đổi, mẹ say mê, cắm biển VietGAP, canh tác kiểu mới. Lắp nhà màng để trồng dưa công nghệ cao đạt OCOP 4 sao. An toàn từ luống rau đến mâm cơm…
Cuối thành phố có chợ đầu mối nông sản, rau xanh, hoa quả. Họp rất sớm. Tàn rất nhanh. Người bán, cánh lái buôn về tận quê theo hợp đồng VietGAP cất lên. Người mua, cánh Síp phơ, mang đi bỏ cho các cửa hàng ở “chợ cóc”. Người sản xuất và người tiêu dùng hiếm thấy. Ngày hè nóng nực, lại rục rịch có đợt tăng lương, giá cả vùn vụt leo lên trước. Các loại hoa quả như dưa lê, dưa hấu, vải, nhãn… đắt lòi kèn.
Cả làng phá hợp đồng VietGAP, bón phân, phun hóa chất, thúc tăng trưởng, hoa quả nở tung, đẹp như mơ.
Đợi theo quy trình. Mất giá.
Mang đi bán, được giá gấp vài lần…
***
Trời nắng như đổ lửa, mồ hôi nhễ nhại, mẹ về, vui như hội. Chưa bao giờ kiếm được nhiều tiền thế. Mẹ kể vậy.
Tôi vội rót cho mẹ cốc nước, không uống, mẹ bảo ăn dưa bở mát hơn. Quả dưa to, tròn trĩnh, thơm lừng, vàng ươm và uốn lượn những vân xanh. Tôi cho thêm đường đánh nhuyễn như kem, mẹ chê mất hương vị, cứ thế ăn một lèo, ngon lành…
Lát sau, mẹ gọi, đang làm cơm dưới bếp, tôi chạy vội lên. Mẹ nôn mửa. Xe cấp cứu đưa nhanh vào bệnh viện. Bác sĩ nói:
“Bà bị ngộ độc thuốc trừ sâu”.
Mẹ tôi thều thào trong hơi thở:
“Chết rồi, nhầm, quả dưa ấy là để bán! Nhà có hai luống riêng”.
————————————
MUỘN
Chồng mất sớm, để lại hai con: chị gái, em trai, tôi tần tảo kiếm tiền cho chúng ăn học. Đủ mọi việc thượng vàng hạ cám, thu nhặt ve chai, dọn nhà, quyét chợ làm tất. Đi sớm về muộn, thật xa, che mặt hàng phố; con cái khỏi mủi lòng. Cuộc sống mẹ con tôi được cái “kén vàng” hào nhoáng che đậy, cũng tạm ổn.
Hai con tôi dần dần lớn lên.
Vào Phổ thông cơ sở, con chị nói:
“Mẹ ơi! con muốn có xe đạp, đi bộ mỏi chân lắm”.
“Ừ, để mẹ mua”.
Thấy vậy thằng em, vòi:
“Mẹ ơi! Sắp lên cấp con phải học thêm tiếng Anh”.
“Ừ, học đi, mẹ lo.”
Con chị lại xin:
“Mẹ ơi! Con muốn sắm một cái váy, sinh nhật bạn mặc váy đồng phục dầy như mo nang, xấu lắm”
“Ừ, con nghĩ phải.”
Hết ba cấp học, hai chị em đều vào Đại học, lại ở hai thành phố khác nhau, tôi vay mượn mua cho mỗi con một chiếc xe máy. Con chị đòi:
“Mẹ ơi! Con muốn ở nhà riêng. Nhà trọ bẩn và rắc rối lắm.”
“Ừ, để mẹ lo.”
Thằng em thấy vậy, cuống lên đòi:
“Mẹ ơi! Con muốn học thạc sỹ!”
“Ừ, cố lên! Cho bằng người.”
Bao nhiêu thứ dồn đập, nhưng tôi cố hết công sức lo cho các con ăn học.
Thời gian qua nhanh, mọi việc rồi cũng đến, các con trưởng thành. Con chị lấy chồng làm cán bộ to. Thằng em có bằng thạc sĩ, mở công ty giao hàng quốc tế. Chúng không còn xin tiền. Tôi thì gầy rộc, chân tay run rẩy, mắt mờ muốn đi thăm các con cũng không đủ sức. Thi thoảng gửi về cho mẹ dăm ba đồng và vài cuộc điện thoại. Tôi nói: “Tiền để làm gì, mẹ chỉ cần dăm bữa nửa tháng về ăn với mẹ một bữa cơm canh tập tành là vui”. Ước ao ấy xa vời quá.
Nghĩ mà tủi “ruột đau chín chiều”. Cái điều thứ 8 là Phục (xem tính nết mà uốn nắn) và thứ 9 là Phúc (bảo vệ) tôi đã làm ngược lại.
Sắp đến ngày giỗ, tôi gọi cho chúng: “Hôm ấy các con, thu xếp về giỗ bố nhé?”. Đầu dây phía con gái: “Mẹ gọi nhiều thế, con nhiều việc lắm không về được đâu!”. Cũng gọi vậy. Đầu dây con trai càu nhàu: “Ngày ấy con đang ở nước ngoài, bỏ hợp đồng này mất tiền tỷ”. Máy tắt bộp.
Tôi nằm liệt ba ngày, vàng vọt xanh xao, chỉ còn xương và da, thở hắt ra…
Chị hàng xóm nói với hai người con: “Đưa bà đi cấp cứu không kịp, bác sĩ bảo lao lực… Dưới gối, chỉ có tập giấy này”.
Những biên lai trả tiền bán máu.
Hai chị em gào khóc vang trời!
Xa xa vọng về: “Nợ mẹ các con không trả hết được đâu!”.
————————————
MỘT MÌNH
Năm ấy, chiến tranh chống Mỹ ác liệt lắm, toàn dân ra trận “xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước”. Bố tôi sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tình nguyện xông ra tiền tuyến.
Đám cưới tổ chức nhanh gọn, mẹ tôi cô gái làng bên.
Đêm tân hôn vội vã.
Sáng sớm, bố tức tốc hành quân, để tôi lại trong bụng mẹ.
Ông bà nội ngoại và dân làng chết hết. B52 giải thảm, bom cày nát nhà cửa, ruộng đồng mồ mả.
Mẹ, dắt tôi lánh nạn khắp nơi. May sống sót, nhưng vất vả, cô đơn.
Hòa bình. Bố không trở về. Mẹ khóc. Hằng đêm mong ngóng.
Ban Quân sự về trao Bằng Tổ Quốc ghi công và Giấy báo tử.
Mẹ đặt di ảnh bố lên bàn thờ rồi quỵ xuống ngất xỉu.
Gắng gượng dậy, một mình mẹ tần tảo nuôi tôi ăn học. Ít ngày sau, mảnh đạn B52 nằm trong phổi, quật ngã, mẹ qua đời, trong đêm giông bão.
Nuốt những giọt nước mắt vào tim, tôi run run đặt di ảnh mẹ lên bàn thờ bên cạnh bố. Làn khói hương thơm bay lên che phủ quá khứ.
Bất ngờ bố về.
Tất cả vỡ òa.
Chiến tranh là vậy.
Bức ảnh bố được hạ xuống.
Trên bàn thờ… mẹ lại một mình.
————————————
LỜI CẦU XIN MUỘN MÀNG
Đi học về, không chào ai, Tuấn chạy vội lên gác, hầm hầm, nằm vật ra giường, gào to. “Beaters Biên dốt nát”. Bỏ giờ học sử Tuấn trèo tường ra quán Game. Giải thưởng hai mươi triệu, chờ đợi mấy hôm nay. Chỉ bóp cò chậm trong tích tắc thằng Biên đã dành được ngôi Bá vương. “Phải trả thù”, Tuấn hồng hộc thở, thiếp đi…
Chị Sửu, lúi húi trong bếp, gọi với:
“Thay quần áo xuống ăn cơm con!”
Một câu, hai câu, rồi ba câu! Còn tâm chí đâu mà ăn, Tuấn lặng lẽ đến bàn. Loảng xoảng, cả mâm cơm tung tóe xuống đất. Hốt hoảng, chị Sửu thét lên:
“Con điên à?”
“Ai mà ăn được!”
“Đủ các món rồi, còn đòi gì nữa?”
“Đùi gà rán đâu?”
Chiều con chị Sửu dịu dàng:
– Ăn đỡ bữa nay đi, mai mẹ làm gà rán
cho con.
– Không ăn!…
***
Vợ chồng chị lấy nhau mấy năm mới đẻ được thằng Tuấn. Cháu đích tôn của dòng họ. Sinh ra đã “ngậm thìa vàng”. Ông, bà, cô, bác cưng chiều. Nhiều người gọi là cụ trẻ, ông trẻ, nâng lên đỉnh cao chót vót. Ông chú làm to, có nhiều nhà đất, tránh tên trong bản kê khai, Tuấn ngang nhiên mang tên một biệt thự to đùng trên thành phố. Nếu yên bình sau này cho Tuấn để lo việc hương hỏa. Nào ngờ chú dính vào tội “ăn đất” và nhận án tử hình.
Cơ quan điều tra yêu cầu thu hồi. Chồng chị không trả, bị kết tội tòng phạm chứa chấp tài sản bất chính. Ngẩn ngơ như kẻ mất hồn, ông nhồi máu cơ tim, chết gục trên bàn làm việc.
Cuộc sống của hai mẹ con lâm vào khó khăn. Họ hàng quay đi. Tuấn đã “ngậm thìa vàng” và đua đòi ăn chơi từ nhỏ, không thể thay đổi được. Chị cố hết sức gò lưng ra gánh mà không nổi…
***
Thôi đành, chị dịu dàng nói:
“Bữa nay thôi đấy nhé! Thời cuộc đã thay đổi rồi, con phải thích nghi với nó chứ”
“Kệ!”
Tuấn tỉnh bơ, cúi xuống mặt điện thoại không nhìn vào mặt mẹ.
Chị không thèm nói thêm, chạy vội ra phố mua gà rán cho con.
Tâm trạng rối bời, đường xe đông như mắc cửi.
Tiếng phanh ôtô kêu kít, chị nằm sõng soài trong thùng xe…
Tuấn ném mạnh Điện thoại, iPad xuống đất vỡ tan. Nhìn thẳng mặt mẹ, méo mó, máu me, Tuấn gào thét: “Tha tội cho con, mẹ ơi!… Mẹ!”.
Lời cần xin, bay trong gió.
————————————
MẸ
Bao nhiêu năm trời, tôi chăm sóc bé Tân, lo lắng từng bữa ăn, giấc ngủ cho con. Không có một đồng phụ cấp hay một lời ngó ngàng từ gia đình mẹ cháu. Chồng tôi thì vui nhưng ngượng ngùng, anh hiểu nó là giọt máu của anh, nhưng không phải tôi đẻ ra mà của cô gái khác sau một lần lẫm lỗi. Các con tôi thì không hay biết điều đó, chúng chơi đùa với nhau như hai chị em. Tôi chỉ muốn Tân có một tuổi thơ hạnh phúc, được yêu thương như bao đứa trẻ khác. Hàng ngày Tân gọi tôi bằng “mẹ”, lòng tôi trào dâng hạnh phúc…
***
Thời gian trôi qua, con lớn lên, học hành giỏi giang và đầy nghị lực. Đến năm 18 tuổi, con xuất sắc nhận được học bổng toàn phần đi du học Anh. Niềm vui và tự hào xen lẫn nỗi buồn chia xa, khiến lòng tôi vừa mừng vừa lo lắng. Ngày tiễn con đi, tôi dặn dò từng điều nhỏ nhặt, nước mắt không ngừng rơi. Con chỉ mỉm cười ôm tôi thật chặt: “Mẹ, con đi đây. Con sẽ cố gắng thật tốt để mẹ tự hào!”
***
Lòng ngổn ngang bao cảm xúc. Dọn dẹp lại căn phòng con đã ở từ bé. Bật lắp hộp đựng sách, tay run run tôi mở quyển Nhật ký, đọc từng dòng chữ nguệch ngoạc nhưng đầy cảm xúc: “Mẹ yêu quý! Bạn Hòa của con là bác sỹ, người đã mổ bụng bế con ra chào đời kể rằng: Mẹ không phải người sinh ra con. Mẹ con là Lan cùng làm kế toán trên mỏ than, cô ta và bố đã vụng trộm yêu nhau rồi có thai. Trước tình huống ấy cô ta đã kéo Bố ra sau hòn đá bên mép tầng than, hờn dỗi nói: “Em có thai”. Bố con hoảng sợ, từ chối kẻo ảnh hưởng đến công danh sự nghiệp. Cô Lan hét lên: “Định trốn hả?” rồi dơ thẳng tay định tát vào mặt bố, từ phía sau hòn đá, Mẹ nghe hết câu chuyện, xô ra cầm cánh tay cô Lan chặn lại, nhẹ nhàng nói: “Không được làm thế, bạn cứ đẻ đi, mình nuôi cho”. Cô Lan bối rối, không biết nói gì, làm gì giữa tình bạn và tình địch, rồi ôm chặt lấy bố khóc nức nở. Bố cuống quýt, chơi vơi bên vợ, bên người tình. Cứ thế quằn quại giằng co, giẫy đạp, hòn đá bên mép tầng lăn xuống, cuốn theo cả hai người vùi trong lớp đất đá và than…
Thế rồi bệnh viện chỉ cứu được con, cô Lan mất.
Từ ngày ấy con có Mẹ!”.
————————————
CỦA HỒI MÔN
Anh hẹn, tối nay ra mắt bố mẹ. Thật vui, tôi chuẩn bị suốt buổi chiều.
Anh vừa lái xe vừa kể chuyện. Tôi hồi hộp xem mặt bố mẹ chồng.
Xa thế, mãi ngoài đê, ngoại thành, toàn những ngôi nhà tạm bợ, tồi tàn. Tôi vội hỏi:
“Anh là kỹ sư xây dựng mà?”
“Em biết rồi còn gì”
“Đi xây dựng bao công trình chọc trời, mà lại ở như thế này, có tiền mua xe mà không mua nổi căn nhà sao?”
Đã thấy chán. Tôi sinh ra và lớn lên ở trong khu phố cổ, gia đình phong lưu nề nếp. Cha có cửa hàng, xa xưa gọi là “âu phục”, bây giờ “phục trang công sở” nổi tiếng cả vùng. Mẹ tôi khó tính, kén rể môn đăng hậu đối. Chị gái yêu anh bác sĩ, có em đang theo học bên Úc, nhưng bố làm nghề giết lợn ở chợ quê, vì thế chưa lấy được chồng. Sự thể này, tôi lại ăn đòn chết thôi. Quay sang anh tôi hét toáng:
“Dừng, dừng!”
“Gì thế em?”
“Quay xe!”
“Sắp đến nhà rồi mà”
“Chia tay thôi! Xoàng quá”
Anh hiểu ý, cười nói:
“Nhà của chúng ta ở khu đô thị thông minh cơ mà. Đây là nơi chôn nhau cắt rốn của anh”.
Ở nơi thế này lại có người tài như anh thật lạ. Tôi gượng gạo ngồi in.
***
Bên ngoài là vậy, trong nhà sáng sửa, nhiều đồ đắt tiền, tân tiến hơn cả nhà mình. Nghĩ vậy. Tôi giật mình, ông này quen quá, bà ngồi bên đon đả:
“Các con ngồi xuống đi”.
Tai tôi ù lên không nghe rõ lời bà mời. Cố nhớ xem ông là ai!..
***
Đúng rồi, chiều ấy khi tôi ở cửa hàng vàng bạc đi ra, vừa lúc đó ở dưới cửa cống trên hè phố hất lên một xô bùn đất đen ngòm, thối um, tất cả bám đầy vào váy trắng. Tôi hét ầm, người móc cống mặt mũi nhem nhuốc thò đầu lên, nói:
“Tôi nhỡ tay, xin cô tha lỗi!”
“Làm ăn thế à? Bộ váy mới của tôi ông biết bao tiền không?”
“Vâng rất đắt, tôi xin bồi thường.”
“Ông móc cống cả năm cũng không đủ đâu?”
“Biết là thế. Tôi vừa lĩnh lương xong. Gửi cô, còn mười một tháng nữa, tôi nợ.”
“Biết ông ở đâu mà tìm?”
“Hàng tháng, ngày này cô cứ đến đây, nắp cống số 2158!”
Nói rồi ông ta lấy trong túi áo một gói tiền bọc cẩn thận trong ni lông. Chùi tay vào thân cột điện, cầm đưa cho tôi. Người xem đông nghịt, xấu hổ, tôi chẳng đếm, chẳng hỏi, giằng gói tiền đi nhanh. Văng tục:
“Đồ vô học!”
***
Bây giờ đứng trước mặt ông, mình mới là người vô học. Giá tiền một cái váy bằng cả một năm lao động của người móc cống; có thể hơn thế nhưng không thể đánh đổi vô lý. Những kẻ tham nhũng chiếm hàng nghìn tỷ, có thể xây được hàng nghìn trường học. Đó là họ chứ không phải mình. Trong đầu tôi vang lên suy nghĩ ấy. Tôi quỳ xuống trước mặt ông bà, mặt hơi cúi, van xin:
“Thưa Bác! Cháu có lỗi xin bác tha tội!”.
Bà ngơ ngác không hiểu chuyện gì. Ông hiểu, ông nhớ, đỡ tôi dậy nói:
“Chuyện đã qua, cháu đừng để bụng.”
“Lúc ấy cháu cũng nông nổi, Xin gửi lại tiền lương tháng của bác, cháu vẫn chưa biết nó là bao nhiêu. bác cầm lại cho cháu vui”.
Ông giải thích cho mọi người. Cả nhà ồ lên, bà ôm tôi và anh.
“Con dâu hiền của mẹ đây rồi!”
“Giữ đứng lời hứa, tất cả mười hai tháng lương bố vẫn trả cho các con làm của hồi môn, nhưng không phải đến nắp cống 2158 lấy, mà tại Ngân hàng.”
Anh chấm những giọt nước mắt đang lăn trên má tôi.
————————————
THÌ RA THẾ
Ngửa cổ uống hết chén rượu phúng xì, phó ban Tổ chức ghé tai tôi thì thầm: “Cậu có lốt trong chân phó chủ tịch đấy!”. “Thế à anh?”. “Chứ còn ai nữa!”. “Em phải làm gì?”. “Ngố thế! Có hai cái chạy, chạy tiền và chạy bằng”. “Nhỏ như con thỏ, xong tuốt”. “Thế tốt”.
Hai người lại cành cạch, to nhỏ… bàn tiếp công việc quy hoặch cán bộ tỉnh trước ngày đại hội.
***
Ông Hoàng tỉnh rượu mới ngớ ra, đâu phải nhỏ như con thỏ, chuyện tày đình chứ bỡn à. Tiền, ba cái biệt thự, bán đi là thừa, chết có mang đi được đâu. Lỡ chết trước vợ rước giai về, ngồi trên bàn thờ mà uất. Mua danh muôn đời lưu lại. Điếu văn thật oai, chí ít cũng phải chủ tịch tỉnh đọc. Sướng rơn!
Khó khăn lại là cái bằng tiến sĩ. Ông Hoàng gọi cậu thư ký lên:
“Tớ lấy bằng tiến sĩ ở ngành nào dễ ăn nhất?”
Cậu thư ký:
“Tiến sĩ luật ngon nhất!”
“Thật chứ?”
“Nhiều ông như thế mà!”
“Nghe cậu”
“Anh cứ để em!”
“Giao hết cho cậu từ A đến Z!”
Bắt tay. Ôm hôn thắm thiết.
***
Việc gì đến sẽ đến, Đại Hội tỉnh ông Hoàng được tín nhiệm cao. Phó chủ tịch phụ trách xây dựng và công nghiệp. Mở cờ trong bụng.
Nhanh chóng ông có trong tay không phải ba biệt thự mà còn hơn hai nghìn mét vuông đất “vàng”.
Thế là lãi. Ông béo ra, bụng phệ kềnh càng, vui hơn hội.
***
Sáng nay vợ trang điểm lộng lẫy, đẹp, ông hỏi:
“Bà đi đâu mà diện thế?”
Vợ nhẹ nhàng:
“Hôm nay 20-11, Ngày Hiến chương các nhà giáo, Em đi chúc thầy cô! Anh không đi à?”
“Bằng Tiến sĩ mua, anh có biết ai là thầy, là cô mà chúc!”
“Thì ra thế?”…