Đôi nét về tác giả:
YOULIANA MURATA là người Đức, chuyên gia tâm lý học, nhà ngoại giao và tình nguyện viên. Youliana Murata dạy tiếng Đức tại trường Đại học Y ở Sofia đến năm 1989. Sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, bà bắt đầu sự nghiệp ngoại giao trong nhiều năm. Bà đã sống và làm việc ở nhiều nước – Đức, Anh, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Croatia – và đã qua ba nhiệm kỳ tại Đại sứ quán ở Nhật Bản với chức vụ Tùy viên Văn hóa và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền. Youliana Murata sống với người chồng Nhật ở Tokyo trong 22 năm. Bà là bạn thân của Issey Miyake.
Những câu chuyện ngắn của bà về đời thực làm cho độc giả khôi phục lòng tin vào tình yêu và văn học. Tài năng của bà trong việc tìm ra cảm hứng qua những tình huống dường như nhỏ nhặt, khả năng đối thoại của bà với mọi người theo cách khơi dậy những gì sâu thẳm nhất trong trái tim họ và tài miêu tả chúng một cách tuyệt vời như một bức tranh khắc về Nhật Bản đã làm cho “Moshi Moshi, Japan”, “Uki uki, Japan” và “San san, Japan” trở thành các tác phẩm ưa thích nhất của nhiều người từ các thế hệ khác nhau.
UKI UKI, NHẬT BẢN – LÒNG TIN
Một buổi nắng sớm mai yên ả.
Một ngày đầy hứa hẹn.
Có điều gì đó kỳ lạ.
Tôi nhớ đến câu nói của Malraux: “Thế kỷ XXI sẽ là thế kỷ tâm linh, hoặc là không.” Rồi mặt trời khuất đi. Tôi cảm thấy đó như một điềm báo. Một sự bất an của ngày hôm ấy.
Nếu bạn có lòng tin, hãy để các quan điểm và lời khuyên sang một bên. Những điều đó chỉ gây rắc rối cho bạn thôi.
Đúng vậy, nỗi sợ hãi và sự lo lắng làm cho chúng ta kiệt sức. Chúng làm cho ta bị kẹt ở hiện tại và tương lai. Hàng ngày, chúng ta bị sự lo lắng xâm chiếm. Đôi khi chúng ta chuyển từ trạng thái ngủ sang trạng thái mê, từ thờ ơ phút chốc thành kiêu ngạo. Chúng ta rơi vào trạng thái phi trọng lực.
Có thực sự chúng ta được tạo ra như thế?
Nỗi lo lắng, sự sợ hãi và niềm vui không thể chung sống với nhau trong trái tim của chúng ta. Chúng ta phải tự quyết định nên giữ lại cái gì trong tim. Tôi tin vào sức mạnh của tính Thiện.
Đối với nhiều người thì các từ là sự kết hợp của hai hay nhiều chữ cái, đối với những người khác thì chúng là kim chỉ nam. Đối với tôi – Tính Thiện và niềm hân hoan là những từ mang lại lòng tin. Tôi tin vào sức mạnh của chúng.
Đấy là lý do vì sao nhan đề của cuốn sách xuất hiện nhẹ nhàng như cái nhón chân với ánh sáng và năng lượng của nó.
“Uki Uki, Nhật Bản”.
Uki uki.
Mỗi từ được viết ra đây, mỗi dòng làm trái tim tôi đầy ắp cảm giác nhẹ nhàng và hy vọng. Tôi nhận ra rằng tôi muốn chia sẻ cảm giác này với bất kỳ ai muốn đọc những câu chuyện thực tế. Không phải bởi vì tôi thông thái hơn, cũng không phải bởi vì tôi trải đời hơn mà vì Uki, Uki đã đến theo cách khác hẳn những gì tôi từng biết hoặc mong muốn. Nó đơn giản chỉ là do định mệnh mà tồn tại.
Và chắc là nó tới đúng lúc này để cho tôi ngừng suy nghĩ về tương lai, con cái, gia đình, bạn bè, quê hương; những suy nghĩ chỉ tổ làm tôi lo lắng. Khi chia sẻ cảm giác nhẹ nhàng và hân hoan mới này cho người khác, tôi đã khám phá ra thứ khác nữa. “Kế hoạch” của tôi, như tôi gọi, chứa đựng điều gì đó có giá trị to lớn và vô cùng quý báu với trái tim tôi: phản ứng cảm xúc của mỗi người trong số các bạn cảm động bởi bất kỳ câu chuyện nào của tôi. Theo cách này thì niềm hân hoan trong tâm hồn các bạn lại thong dong và quay lại với tôi một cách tuyệt vời, bất kể khoảng cách hay năm tháng chia cắt chúng ta. “Uki, uki” của chúng ta – giữa bạn và tôi – là một phản ứng cảm xúc của suy nghĩ chung khi chúng làm ta xúc động và cảm giác quyến rũ khi chúng ta vui sướng.
Con đường tắm trong ánh sáng hào quang, sự nhẹ nhàng và những nụ cười.
Cảm giác sẻ chia với một trái tim tràn đầy sự tốt đẹp.
Niềm hân hoan kết nối chúng ta trong sự chia sẻ hoàn hảo.
Tất cả đều là Uki, uki.
Tình yêu chính là …
Khi ta thấy trong một khoảnh khắc tất cả sự chân thành và lòng tốt của thế gian hội tụ qua đôi mắt của một cô bé Nhật Bản 5 tuổi.
“ĐÔI MẮT LÀ CỬA SỔ CỦA TÂM HỒN”
Ở đồn cảnh sát gần các giao lộ chính của quận Roppongi của Tokyo, trong lúc chờ viên cảnh sát lịch sự vẽ ra đường đi nhanh nhất tới vịnh Tokyo, tôi tình cờ quay ra phía cửa và bắt gặp ánh mắt của cô bé nhỏ 4 hay 5 tuổi.
Cô bé đang xếp hàng đằng sau tôi, chờ đến lượt. Đôi mắt đẹp của cô bé long lanh dưới hàng mi dày và tóc mái thẳng tắp. Biểu cảm trên khuôn mặt cô bé thể hiện rõ ràng rằng cô bé sẵn sàng chinh phục thế giới bằng lòng tốt và sự dịu dàng. Tôi tự nhủ, đây chính là minh chứng cho câu thành ngữ Nhật Bản: “Me wa kokoro no kagami” (Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn).
Cô bé đội chiếc mũ màu hồng sẫm, mặc một chiếc áo sơ mi trắng và một chiếc váy xếp nếp – rõ ràng là đồng phục của vườn trẻ. Cô bé nhìn tôi, mỉm cười và bình thản tiếp tục chờ đến lượt.
Đúng lúc đó, một phụ nữ mặc đồng phục lại gần cô bé. Đương nhiên là người phụ nữ đã nhìn thấy cô bé qua cửa kính quầy. Người phụ nữ tốt bụng quỳ xuống gần cô bé và lịch sự hỏi:
“Xin lỗi, cô có thể giúp gì được cháu nào?”
Cô bé chìa tay ra và mở lòng bàn tay để lộ ra một đồng 10 yen[1] đang được ấp ủ.
“Cháu tìm thấy nó ở trạm xe buýt” Một giọng nói trẻ thơ trả lời. “Cháu đem nó đến đây, ai đó có thể tới tìm nó”.
Ôi chao đúng là không cần gì to tát để làm một phụ nữ trưởng thành òa khóc nức nở…
MỘT CHÙM HOA ANH ĐÀO NGỌT NGÀO
Cứ vào tháng Ba và tháng Tư ở Nhật người ta lại được nghe thường xuyên trên đài phát thanh bài hát Sakura nhẹ nhàng. Trên truyền hình và báo chí cũng cập nhật vị trí những nơi hoa đang nở trên bản đồ mà theo lời bài hát, “hoa nở trên khắp cánh đồng, núi non và làng mạc tới xa cả tầm mắt”. Bạn thấy tràn ngập khát vọng, đắm chìm vào khoảnh khắc đầy quyến rũ và bạn đặt niềm tin vào đó. Khát vọng xua tan đi những mệt mỏi và trải nghiệm cái đẹp ẩn chứa sâu thẳm trong trái tim bạn từ rất lâu, trước khi bạn sinh ra đời, và bây giờ thì thầm một lần nữa qua những cánh hoa anh đào rơi rụng. Trước hầu hết các cửa hàng gần những chậu hoa cơ man những hoa anh đào nở rộ, các cô gái mặc đồng phục trắng, đeo cà vạt trắng cùng những cành hoa anh đào chào đón từng khách bằng cái cúi đầu và lời chào ngân nga: “Irashya imasseee” (Chào mừng). Nội thất bên trong có màu phớt hồng. Các gian hàng mỹ phẩm thường nằm ở tầng đầu tiên – thứ gì cũng có từ những chai dưỡng ẩm đến hàng trăm loại kem cho da, từ các loại giấy gói đến bất cứ thứ gì khác. Hai tháng ngày đơn giản là một chùm hoa anh đào dịu dàng.
Các gia đình đều háo hức chờ Mùa Hoa Anh Đào vì đây là thời điểm duy nhất mà họ có thể thưởng thức món “sakura mochi monjya”, một loại tráng miệng ngon tuyệt vời: một dạng bánh giầy làm từ bột trộn với hoa anh đào. Buổi tối dành cho người yêu thích shoju hay saké – món dầm hấp dẫn hơi mặn và chua được làm từ hoa Sakura.
Món ăn được phục vụ tinh tế đến nỗi bạn không biết nên bắt đầu ăn từ đâu trong cái đĩa nhỏ xíu, bạn không muốn làm hỏng điều kỳ diệu màu hồng ngay trước mặt.
… Năm nay, những ngày cuối tháng Ba được đánh dấu bởi những trận mưa. “Bản dự báo” hoa anh đào nở ngàn ngập bởi nỗi u sầu và nét duyên dáng của chúng có chút lu mờ. Những tấm bản đồ có phần mờ nhạt và chán nản trên bảng thông tin lẻ loi. Chúng không còn khả năng thu hút sự chú ý của những người Nhật buồn rầu và hàng nghìn du khách nước ngoài như chúng đã làm trong những năm trước kia. Trời mưa liên tục nhiều ngày.
…Vì vậy hôm qua, ngày mùng một tháng Tư, Bridget gọi điện cho chúng tôi. Cô ấy là người Bỉ, bạn của gia đình. Cô ấy sinh ra ở Congo sau đó sống và học tập ở New York tới 30 tuổi. Một ngày nọ, ngay trước hôm thi tốt nghiệp, cô ấy đã rất ấn tượng bởi một bản tin truyền hình về Sakura tới nỗi mà cô ấy đã mua vé đi Nhật một tuần. Cô ấy bị vẻ đẹp của loại cây độc đáo này hút hồn tới mức không thể buông Tấm Bản Đồ Hoa Anh Đào xuống. Vì vậy, cô đã kéo dài thời gian lưu trú ở Nhật thêm vài ngày nữa. Và thời gian ở thêm tại Nhật đã thay đổi vận mệnh của cô ấy.
Trước hôm phải quay về, cô ấy đã ra Công viên Thành phố Yoyogi, dựa vào một cây Sakura đầy hoa sau đó ngồi xuống để nói lời vĩnh biệt và ngắm nghía những cành cây nặng trĩu hoa anh đào. Cô ấy vui vẻ đón nhận một ly saké do đôi trẻ người Nhật trông rất hạnh phúc ngồi ngay bên cạnh tặng, một ly rồi lại một ly… Và chẳng vì lý do gì khác, cô ấy đã ngà ngà say do hương thơm dịu ngọt, rồi vô tình để túi lên tấm thảm ngay bên cạnh, chỉ định nhắm mắt một chút nhưng lại ngủ luôn một giấc.
Vào lúc tối muộn, một người đàn ông trẻ lịch thiệp với vẻ vụng về qua đôi kính đeo lệch đứng trước mặt đã nhẹ nhàng đánh thức cô ấy dậy. Anh ấy xin lỗi và tế nhị giải thích rằng cô ấy nên đi khỏi đây. Bridget tự hỏi nhiều lần về những gì John Lennon đang nói với mình – cô ấy chắc chắn rằng người đàn ông chúi người về phía mình chính là thần tượng âm nhạc của mình. Tuy nhiên cô ấy còn ngạc nhiên hơn khi hướng mắt về phía túi xách của mình và nhận ra người đàn ông đang đi mỗi tất chân! Làm thế nào mà anh ấy có thể từ Anh tới đây mà không mang giày?! Cô ấy cũng tìm cây ghi ta của anh và đứng dậy. Đôi trẻ có chai saké đã đi khỏi, hầu hết mọi người khác cũng đã đi về. Cô quyết định đứng dậy, chỉ sau đó mới nhận ra là cô đã ngồi ra mép khăn trải và ngồi lên… túi của người đàn ông trẻ. John Lennon Nhật Bản đã kiên nhẫn chờ đợi cô ngủ cho tới lúc trời trở lạnh và cô chỉ mặc áo cộc tay.
Bridget đã kết hôn với anh Yoshi từ nhiều năm nay. Tất cả mọi người đều tự hỏi tại sao cô lại gọi anh là John. Kể từ cái ngày vào tháng Ba ấy, Bridget biết rất rõ là người ta không bao giờ ngồi trên chăn hay trên tấm khăn trải dưới cây Sakura với giày còn xỏ vào chân.
…
Hôm nay Bridget và John đã tổ chức một cuộc họp “tối khẩn” gồm 40 người để thưởng thức các món ăn ngon của Nhật và Pháp với cả một hầm rượu đầy đủ các loại đồ uống tinh tế.
Cây anh đào 48 tuổi của họ dự kiến sẽ nở hoa đúng vào lúc 14g50 ngày mùng hai tháng Tư. Cô ấy đã nói với tôi qua điện thoại như thế.
…
Hai con chó lông vàng giống Golden Retriever đã đích thân tiếp đón từng khách mời. Chúng đã xếp thẳng hàng đợi dưới gốc cây Sakura.
Những vị khách mời lần lượt chạm cốc để chúc mừng bằng ngôn ngữ của mình – tiếng Pháp, tiếng Moldova, tiếng Nhật, tiếng Anh, tiếng Bulgaria. Rượu vào nụ cười ra, những lời đùa vui làm tất cả đều phá lên cười. Một vị khách Bỉ đã nhiệt tình chia sẻ tài nghệ nấu ăn của anh ta và mời những người khác tới nhà để thưởng thức các món tủ. Anh ta tự hào về kỹ năng nấu ăn xuất sắc, được khảng định bởi vợ anh ta.
Trong buổi tụ họp quốc tế đa sắc này, tuy mỗi người một điều kiện sống nhưng cũng đã tới chiêm ngưỡng cây hoa anh đào của Bridget và John. Nhóm ồn ào và đa sắc này vì chia quá một chén rượu suýt nữa đã bỏ lỡ khoảnh khắc đẹp khi hoa của cây anh đào gần 50 tuổi nở nếu không có Hiroko, một trong hai con Golden Retriever! May mà nó đã làm cho trình tự đâu ra đấy trong khi nhắc chúng tôi nhớ ra là tại sao lại tụ họp ở đây. Nó vẫy đuôi mừng rỡ trong lòng chồng tôi và quay đầu về phía cây Sakura. Chúng tôi lấy đó làm dấu hiệu để chuẩn bị máy ảnh và sẵn sàng biến khoảnh khắc hoa anh đào nở thành mãi mãi.
Trong một phần tư giây, chúng tôi đã lấy điện thoại, máy tính bảng và máy quay ra.
Đúng 14g50
Sakura nở hoa ngay trước mặt tôi.
Ý TƯỞNG CỦA ÔNG THỊ TRƯỞNG
Ngay lúc nhìn ra cửa sổ thầy giáo trẻ của lớp “ionen ichi kumi” (lớp 4 A) thấy cảnh như sau: học sinh được tan học sớm vì một trận mưa to và cơn bão lớn đang di chuyển từ phía Nam sắp đổ xuống thủ đô. Chúng vội vã đi về nhà. Tuy nhiên một nhóm nhỏ còn la cà trước cổng trường đã làm thầy giáo chú ý. Một số cậu bé cười đùa và chỉ tay vào vũng nước gần sân vận động. Chiếc mũ đồng phục của Ito san, một trong những học sinh của thầy, bị hất tung lên và nổi lềnh phềnh trên vũng nước trông rất khôi hài. Chúng càng phá lên cười to hơn khi thấy Ito san đi chưa đầy được 3, 4 bước đã bị trượt trong khi với tay về phía chiếc mũ. Ito san xấu hổ bị ngã chổng ngược trong vũng nước.
“Chắc có ai đó ném mũ vào vũng nước rồi !” Thầy giáo nghĩ bụng, rồi nói to lên một mình, “Ijime[2]!”
Tim thầy giáo như ngừng đập một nhịp ! Anh bị cơn tức giận choáng ngợp!
Anh nhớ lại cách đây không lâu cũng có một “cảnh” tương tự xảy đến với mình. Anh đã phải chịu đựng hành vi nhạo báng đầy ác ý của hai người cùng lớp trong một khoảng thời gian.
“Mình phải giúp trò Ito san. Ngay lập tức !”, thầy giáo trẻ nói và nhanh chóng đi về phía hành lang. Anh sẽ yêu cầu kẻ đầu têu và thủ phạm phải bị trừng phạt cho hành động xấu xa của mình.
Anh tí nữa thì va vào một đồng nghiệp nữ, nhưng chỉ ngừng lại một giây để chào hỏi cô mà không giải thích nổi tại sao mình lại chạy vội như vậy, anh đang rất gấp.
Thực ra có một chi tiết quan trọng mà thầy giáo trẻ không hay biết (cũng khó biết vì hành lang không có cửa sổ nhìn ra phía sân). Thầy giáo chỉ muốn đi xuống từ tầng hai nhanh nhất có thể. Thầy đã không nhận ra là Ren Okada, cậu bé tí hon có mái tóc ngắn và dầy cộm với đôi kính gọng rộng đã một hai nhảy vào vũng nước để vớt chiếc mũ với lòng quyết tâm cao độ không chớp mắt, mặc những lời nhạo báng và tiếng la hét của ba học sinh khác ở lớp trên. Sau đó Okada chỉnh lại kính rồi giúp học sinh Ito đang sợ hãi đứng dậy – Ito có một chân ngắn hơn chân kia nên rất khó tự đứng dậy được.
Ngay lúc thầy giáo trẻ xuất hiện từ phía cửa ra vào, Ren Okada vừa hoàn thành một cử chỉ hào hiệp nữa đó là dùng quần len để cẩn thận lau chiếc mũ ướt nước mưa.
Thầy giáo trẻ đã hiểu nhầm cử chỉ này.
“Trời ạ! Sao em lại chế giễu bạn như thế! Em còn vò nhàu chiếc mũ của bạn ra! Em phải cảm thấy xấu hổ! Em có thể thấy là bạn không có mẹ (đúng, Ito san chỉ được bố nuôi dạy mà thôi)!
Thầy giáo đứng gần cậu bé và buông ra một tràng những lời giận dữ. Thầy giáo không khách khí mà túm lấy ve áo của cậu và kéo thẳng tới văn phòng hiệu trưởng.
Cậu ta không thể như thế mà thoát được!
Cậu ta phải chịu trách nhiệm cho hành động bỉ ổi của mình!
“Trường học này không chứa chấp những học sinh như cậu”, thầy giáo trẻ gần như hét lên. Những học sinh khác bàng hoàng nhanh chân tránh đi chỗ khác.
Ito san còn đứng núp sau hàng rào cổng trường. Cậu hoảng loạn và thấy bơ vơ, cậu tự hỏi làm gì đây. Cậu bị thương khi ngã và chân bị chảy máu rất nhiều.
Ai sẽ là vị cứu tinh của cậu bây giờ ? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu cậu ta bị phạt thậm chí là bị đánh đập?
Không những Ren Kun bé nhỏ không vứt mũ của cậu vào vũng nước như những học sinh khác mà cậu ấy còn quay lại phía cổng trường học để giúp cậu. Những suy nghĩ quay cuồng trong đầu nhỏ bé của cậu học sinh lớp 4 Ito Kobayashi, và nước mưa lạnh dội xuống trán ướt của cậu. Cậu bé luồn chiếc mũ nhàu vào túi quần và cảm thấy lạnh hơn. Người cậu bắt đầu run hết lên. Cậu nhìn xung quanh xem có ai giúp đỡ nhưng không có lấy một bóng người. Chỉ có mưa rơi không ngớt.
10 phút sau có người qua đường tình cờ thấy cậu nằm chèo queo dưới đất và bị ướt như chuột lột. Cậu đã bị ngã qụy bên cạnh hàng rào.
…
Câu chuyện này diễn ra cách đây khoảng 20 năm trước sự chứng kiến của một thầy giáo trẻ tuy có thấy mà không hiểu, và ba, bốn cậu học sinh nghịch ngợm của lớp trên. Hồi ức về sự can thiệp của cậu bé Ren Okada, đã cứu mình thoát khỏi bọn bắt nạt thực sự vẫn còn đọng lại trong tâm trí của Ito Kobayashi. Tuy nhiên khoảng một thời gian dài sau đó, cảm giác hối hận vẫn còn đọng lại trong tâm hồn ông. Ông cảm thấy có lỗi vì đã không nói ra sự thật với bất kì ai, cũng không xin lỗi Ren và cũng không tìm gặp hiệu trưởng để nói ra những gì đã thực sự xảy ra. Có một lí do khác khiến Ito giữ im lặng mà không đề cập đến là bởi vì Ito không coi đó là lỗi. Vào hôm ướt như chuột lột vì mưa đó, cậu đã bị ngã vào vũng nước và bị bong gân bên chân ngắn hơn còn chân kia thì không may bị gẫy vì một hòn đá và phải vào viện. Cậu đã phải nằm viện khá lâu. Cậu được các bác sĩ chăm sóc sau đó phải qua trị liệu.
Phần tiếp theo của câu chuyện có vẻ sáng lạn hơn: gần giường bệnh của cậu ở Phòng khám Chỉnh hình của Quận có một sinh viên khoa toán. Cậu ấy đi trượt tuyết ở Nagano và đã không lường trước được khả năng của mình để dừng lại trước khi lao thẳng vào một cái cây. Cũng may là cậu ấy không trượt tuyết với vận tốc táo bạo. Cậu ấy thoát chết, chỉ bị gẫy hai chân và mỉm cười chấp nhận “bi kịch”. Cậu ấy thậm chí còn trấn an Ito San: “Thôi nào, Ito San, có thể còn tệ hơn cơ! Thế này cũng đã là nhẹ hơn rồi …”
Cũng bởi tính tình vui vẻ và hớn hở, sinh viên đã trở thành bệnh nhân ưa thích của tất cả các bác sĩ và nhân viên y tế. Đương nhiên là Ito cũng rất quý cậu. Nghe nói là cậu sống ở thành phố gần bên và khoảng cách giữa hai nhà không xa. Họ bắt đầu gặp nhau vào chủ nhật và dần dần trở thành bạn bè. Người trượt tuyết đã đi lại được nhanh chóng. Thực ra cậu bị khập khiễng một chút nhưng cậu đi khắp thành phố với Ito bằng khí thế hân hoan và liên tục nói với Ito rằng : “Ito, giờ cậu để chân phải đằng trước còn tôi để chân trái và thế là ổn cho cậu… một sự cân bằng thực sự. Điều này không phải những gì thường thấy đâu, biết không”.
Cậu có một mơ ước và đã chia sẻ cho Ito San trong một lần đi dạo vào chủ nhật.
Cậu muốn có tấm bằng toán học sau đó sẽ trở thành chính trị gia. Ito San không nghi ngờ gì về chuyện đó – chàng trai trẻ này có quá nhiều sự năng động, vẻ quyến rũ và tính lạc quan!
Và cậu đã đạt được ước mơ.
Điều đó cũng kì lạ như cách các sự việc có thể xảy ra: không ai dám chắc chắn tại sao, ví dụ sau khi học phổ thông xong Ito lại quyết định học đúng chuyên ngành như người bạn của mình. Có thể là bởi vì “trong máu cậu có toán”.
Những trùng hợp kì lạ xảy ra tiếp theo. Khi trưởng thành, Ito San đạt được tấm bằng hạng ưu và bắt đầu làm việc cho tòa thị chính. Thỉnh thoảng lại có chiếc xe toyota “Crown” màu đen còn mới dừng trước tòa nhà và một chàng trai trẻ lịch lãm bước xuống xe. Anh ta tới đưa Kobayashi đi ăn trưa. Những người đồng nghiệp của anh đã cùng nhau tìm ra sự thật. Chàng trai trẻ đi xe Limousine đen không chỉ là bạn thân nhất thời thơ ấu của Ito San mà còn là ủy viên trẻ nhất của Quốc hội. Liệu anh ta có nâng đỡ Ito San khiêm nhường này hay chính là do đức tính hiền từ và sự nghiêm túc, việc cân nhắc đúng đắn trong mọi quyết định đã nâng bước cuộc đời anh, không ai thật sự biết được. Trên thực tế, thì Ito San cũng được bầu làm thị trưởng. Sự lựa chọn này là tốt nhất cho tất cả mọi người trong thị trấn. Chúng ta sẽ xem và nhanh chóng hiểu ra!
…
Tối nay ông Ito Kobayashi trở về nhà. Ông vừa điều hành xong một cuộc họp “theo yêu cầu của chính quyền” cùng với một đồng nghiệp và một ủy viên Quốc hội rất bận rộn. Mục tiêu của cuộc họp này là để chia sẻ nỗi lo lắng đã có từ lâu rằng thị trấn của họ đang suy tàn. Có thể đó chính là lỗi của ông vì ông Kobayashi càng ngày càng có xu hướng tự trách mình nhiều hơn. Ngôi trường mà ông đã từng đi học dường như không còn vang tiếng cười rộn rã của học sinh nữa. Số học sinh đã giảm vì từng gia đình một đã chuyển tới các thành phố lớn hơn. Người ta thậm chí còn cho rằng đấy không còn là thị trấn nữa – nó chỉ còn giống như một ngôi làng to. Tối nay, khi họ rời đi, người bạn và ủy viên Quốc hội đã vỗ vai ông mà nói rằng không có lý do gì để mà lo lắng cả, họ tin là sẽ có giải pháp. “Với trang bị học thuật đúng đắn, trí tuệ và sự sẵn sàng hành động. Ý tưởng sẽ nảy sinh trong đầu ông và mọi việc sẽ được thực hiện”. Thị trấn này sẽ sống lại ! Họ đảm bảo với ông tỉnh trưởng chán nản như vậy.
Ito San lắc đầu suy tư. Ông chắc rằng đó chỉ là những lời an ủi của một người bạn để ông “thoát khỏi” sự lo lắng đã làm ông trăn trở từ tháng này sang tháng khác.
“Nếu không có cách nào làm thị trấn hồi sinh thì tôi sẽ từ chức”, ông đã nói như vậy trong một cuộc họp vào tuần trước. Tuy nhiên các đồng nghiệp đã bãi bỏ ý định này một cách nghiêm túc: ai sẽ thay thế ông, ông Kobayaschi? Không có nhiều người ở đây. Cứ theo đà này thì trường trung học sẽ phải đóng cửa.”
Khi nghĩ lại ông thấy họ có lý. Ông nhận ra một sự thực là: ông rất yêu thích công việc của mình, cũng y như là ông yêu thích thị trấn và con người sống ở đây. Ông có thể làm được gì cho họ? Ông có thể làm được gì để người dân trở lại thị trấn chứ không bỏ đi?
Mải suy nghĩ ông đi qua một nhóm học sinh vừa tập thể thao về và lễ phép chào ông. Ông rất lấy làm tiếc cho họ. Họ có thể kiếm tìm thành công ở đâu?
“Nơi của họ là đây”, ông thị trưởng thở dài suy nghĩ.
Một lần nữa ông lại cam chịu với sự biện hộ: “Thôi, với ít người như vậy, không biết chúng tôi có thể đạt được gì. Thậm chí tôi còn không biết ai có thể giúp tôi làm gì. Thị trấn lại không có trung tâm giải trí gì hấp dẫn người tới.”
Nhưng ngay lập tức ông bác bỏ suy nghĩ của mình: Không, không, thị trấn quê hương tôi không đáng bị như vậy.”
Trời bắt đầu mưa phùn. Rất nhanh, thực sự chỉ trong khoảng một hoặc hai phút sau trời đổ mưa to hơn. Hôm qua trời cũng mưa vào giờ này.
Thị trấn thật đẹp với một công viên rộng lớn và không gian xanh ngắt.
Ito San vội vã đi về phía công viên, nhanh trong phạm vi có thể với một bên chân đau nhói. Dưới trời mưa lạnh ông lại còn đau hơn. Nhà ông ở bên kia công viên nên ông phải đi qua đây mới về đến nhà được. Trong khi khập khiễng đi dưới trời mưa lạnh giá ảm đạm một lần nữa ông lại nghĩ đến bao người dân đã sống ở đây và cuộc sống u ám sắp tới của họ. Khi những lời của ủy viên Quốc hội lại hiện lên trong đầu ông, tiếp theo là những nghi ngờ hằn sâu khá mạnh, một cơn đau nhói làm gián đoạn suy nghĩ của ông. Ông đi từng bậc một trên phiến đá vuông cuối vỉa hè bỗng dưng “nhảy múa” dưới chân ông. Trong một tích tắc chiếc giày của ông bị gập lại và cong queo ở khoảng trống giữa viên đá rời ra và viên bên cạnh gần vũng nước mưa. Một thác nước trên không vô tình dội xuống người ông ướt đẫm cả vào quần và chiếc giày còn lại. Kobayashi cúi nhanh xuống để nhìn nó gần hơn. Ông lặng lẽ quỳ gối như vậy, ướt đẫm dưới trời mưa, nhăn mặt vì một cơn đau nhói bên chân, những lời độc thoại đầy lo lắng và khôn nguôi, ngắm nghía một viên đá bị vỡ dưới ánh sáng đường lờ mờ, ông có cảm giác như một sức mạnh nào đó đang ghìm ông xuống và ông không nhấc được chân lên.
Đó chính là “khoảnh khắc nhận thức”. Đó cũng chính là những gì mà Ito San muốn gọi thành lời sau này.
Chính tại đây ý tưởng mà ông mong chờ mòn mỏi đã lóe lên, một cách cụ thể và rõ ràng – phiến đá vỉa hè này! Trái tim của thị trưởng tràn đầy lòng biết ơn và khoan dung.
…
Sáng hôm sau, thầy hiệu trưởng hoan hỉ chấp nhận lời mời gặp mặt của ông thị trưởng. Cuộc gặp gỡ đầy thiết thực và theo đúng nghĩa chỉ kéo dài vài phút. Ông Kobayashi nhận được sự cho phép để thi hành và như thế là đủ. Ông bắt tay ngay vào công việc. Những ghi chép giải thích ngắn với cùng nội dung được nhanh chóng in ra. Ghi chú rằng rất cả các học sinh nào yêu thích vẽ có thể tham gia chương trình chuyển hóa thành phố và nộp bản phác thảo vẽ với kích thước 30 cm x 30 cm, đúng khổ phiến đá vỉa hè. Trong vòng hai ngày, ban tổ chức sẽ phê chuẩn phác thảo của trẻ em. Tiếp theo, những học sinh nào mà có phác thảo được chọn sẽ nhận được sơn và có thể bắt đầu vẽ phiến đá của mình trên các con đường của Công viên Thành phố.
“Hãy chan chứa niềm hân hoan và tinh thần tươi sáng!” Đó chính là thông điệp của hiệu trưởng gửi tới các học sinh có mặt vào ngày hôm sau trước sân trường.
Văn phòng tòa thị chính nhận được ngay sau đó các đề xuất từ những nghệ sỹ trẻ. Tất cả các bức họa của các trẻ em đều được phê chuẩn – bức nào cũng thú vị như bức nào.
“Rõ ràng là trong thành phố nhỏ của chúng ta có rất nhiều trẻ em có năng khiếu!” Ông thị trưởng không che giấu nổi niềm phấn khích. Chúng đã vẽ tranh với trí tưởng tượng, niềm vui thảnh thơi và trong sáng chỉ có thể tồn tại trong tâm trí trẻ thơ.
…
Vào mùa hè cùng năm đó, Festival đầu tiên về những phiến đá vẽ của trẻ em được khai mạc bởi người đàn ông trong bộ com lê xanh đậm – kiểu com lê thường được các Ủy viên Quốc hội mặc. Ông xuống từ chiếc xe Toyota “Crown” của mình, cúi chào thị trưởng để chúc mừng ông về ý tưởng xuất sắc và có vài lời thăm hỏi ngắn gọn đầy ý nghĩa tới các học sinh đã tham gia vào việc thực hiện ý tưởng tuyệt vời nhằm tôn vinh thành phố bằng kiểu có một không hai này.
Đó là thời điểm ban đầu của Festival và ngày càng thu hút du khách năm này sang năm khác. Thị trưởng của các thành phố khác cũng tỏ ra quan tâm, họ tới xem và ngưỡng mộ. Ngọn đuốc đã truyền lửa. Các phiến đá vẽ của trẻ em đã xuất hiện ở các thị trấn khác trên hòn đảo. Nhưng không thị trấn nào ngay cả sau nhiều năm vượt quá con số hàng trăm du khách tới thăm như thị trấn nhỏ của Ito san.
…
Ý tưởng tiếp theo cũng không phải do sự cố mà ra. Nó xuất hiện như một điều kỳ diệu được dẫn dắt theo con đường của chân lý.
Một buổi sáng đầu tháng Tư, ông thị trưởng vô tình nhìn ra cửa sổ nhà mình về phía toà nhà của ngôi trường mới gần đó.
Ngày hôm nay là ngày đầu tiên của những học sinh yêu thích hội họa và đã thi đỗ vào trường. Chỉ còn vài phút nữa là ông Kobayashi sẽ có bài phát biểu chào đón trường trung học phổ thông nghệ thuật đầu tiên của hòn đảo.
Ông chỉnh lại cà vạt, gấp sách lại trên bàn và đi ra ngoài. Điều cuối cùng ông đọc từ Anatole France – “Cơ hội sau tất cả chính là do Trời sắp đặt”. Với ý nghĩ này trong lòng, ông bước qua ngưỡng cửa sân trường trung học mới.
Một chiếc xe công vụ màu đen với biển số Tokyo dừng lại trước trường.
…
Thị trấn nổi tiếng vì có các thầy cô giáo xuất chúng và quy chế tuyển sinh công bằng trong cuộc thi đầy khó khăn vào trường trung học nghệ thuật đầu tiên. Càng ngày càng có nhiều gia đình tới định cư nơi ông Ito Kobayashi sinh ra.
Vào năm tiếp theo, giải thưởng cho bức tranh thú vị nhất và đầy màu sắc nhất được trao vào dịp kỷ niệm chính thức cho một nữ sinh năng khiếu và xuất sắc, Aya Okada. Khi trình bày về giải thưởng và tấm bằng danh dự của thị trấn, ông thị trưởng hạ thấp mình xuống gần cô bé đeo kính cận. Ông nhìn vào mắt cô bé qua cặp kính dày của nó, sau đó ông ôm chầm lấy cô bé và nói nhỏ: “Tôi xin lỗi, Okada San, tha lỗi cho tôi !”
Thầy hiệu trưởng đứng gần đó tự hỏi là liệu ông ta có nghe nhầm không và tại sao vị thị trưởng nghiêm túc và đáng kính Kobayashi lại muốn xin lỗi một nữ sinh bé nhỏ như vậy …
Tuy nhiên ông ta sẽ không bao giờ tìm ra câu trả lời.
Người duy nhất biết được ấy là người đàn ông điềm đạm đeo kính to đứng im lặng và tràn đầy hạnh phúc trong phòng gym đang ngắm nhìn con gái tài năng của mình trên sân khấu. Ren Okada…
“LÝ DO CHUYẾN TÀU NHẬT BẢN BỊ DELAY NGỌT NGÀO CHƯA TỪNG THẤY”
“Lý do chuyến tàu Nhật Bản bị delay ngọt ngào chưa từng thấy!” Đó là cách mà những hành khách của Hanshin Sen[3] đồng lòng định nghĩa “sự cố” mà chuyến tàu tới từ ga Mukogawa, một cách khác thường và lần đầu tiên tới ga tiếp theo muộn gần 15 phút.
“Thật là một lý do ngọt ngào!” tất cả mọi người đứng chờ trên sân ga đều thốt lên.
Thật là một “câu chuyện” ngọt ngào và ký ức trỗi dậy trong tâm trí tôi với câu chuyện về chuyến tàu nhanh khởi hành sớm hơn thời gian dự kiến 20 giây, đó là những gì mà các phương tiện thông tin Nhật Bản, đất nước của sự chuẩn xác, cũng như tất cả các phương tiện truyền thông quốc tế ồ ạt đưa tin…
Kịch bản của sự “delay” cần sự tham gia của “ba diễn viên chính”: người lái tàu nhanh, một con chó và một chiếc bánh quy. Tôi không nên bỏ qua người chứng kiến – một bạn cùng lớp trung học cơ sở của con trai tôi đi cùng chuyến tàu. Ước mơ hồi bé là: “khi lớn lên tôi sẽ làm phim.” Và thế là ước mơ của cậu ta đã trở thành sự thật và hiện giờ cậu là đạo diễn. Cậu tên là Nakajima và cậu ấy đang đến thăm chúng tôi. Giá mà bạn có thể nhìn thấy đôi mắt của cậu ấy và sự phấn khích trong đó khi cậu ấy vừa kể cho chúng tôi nghe về sự kiện vừa uống từng ngụm nhỏ rượu Bourgogne!
Khi thấy một chú chó nhỏ vẻ ngây ngô đứng trên đường ray trước mặt người lái tàu, anh thì thầm điều gì đó rất nhanh chóng với người đồng nghiệp rồi xuống tàu. Khi ở trên sân ga anh ta hỏi xin một chiếc bánh quy để dụ con chó ra khỏi đường ray để nó đi khỏi sân ga. Nhưng một chiếc không đủ. Ba chiếc cũng không đủ. Anh ấy thậm chí còn phải đi mua thêm. Anh ấy cần phải thể hiện thêm sự kiên nhẫn. Thêm khoảng 15 phút. Cuối cùng người lái tàu đã thành công trong việc nắm bắt chú chó Akita bé nhỏ không chút nghi ngờ trong vòng tay với sự hò reo phấn khích và hài lòng của hành khách, anh ấy tiếp tục hành trình bình thường với chuyến tàu của mình.
Đương nhiên là có lời cáo lỗi – đừng quên chúng ta đang ở trên đất nước Nhật Bản.
Tuy nhiên thì tất cả mọi người – từ nhân viên nhà ga đến hành khách – đều đồng lòng chấp thuận rằng lý do ngọt ngào nhất mà chuyến tàu bị delay là một chú chó nhỏ bị đói trên đường ray. Và câu chuyện tiếp tục được truyền miệng, tập trung thành động lực mới để ủng hộ giải pháp nhân văn của người lái tàu.
Vị khách mời của chúng tôi, Nakajima san nhấp từng ngụm rượu vang đỏ và rút ra kết luận: “Một chú chó Akita sẽ không bao giờ làm mất danh dự chủ của nó bằng cách lạc chủ hay bỏ rơi chủ. Thật không may là có những người sẵn lòng bỏ quên Akita của mình. Và chính vì sự sơ suất mà họ đã làm mất danh dự và phẩm cách của loài chó trung thành và tốt nhất này! Người lái tàu này thật sự nhân đạo! Tôi sẽ viết cho anh ấy và cảm ơn!”
Tôi nói thêm và mỉm cười để động viên cậu ấy: “Đây sẽ là chủ đề tuyệt vời cho một bộ phim, cậu nghĩ sao? Nakajima san!”
FUKU CHAN VÀ MÓN QUÀ
Vào những năm 50, ở phía Nam của đảo Shikoku, Fuku chan được mong chờ từ lâu, cô bé sinh ra trong gia đình thương gia giàu có Suzuki. Cô bé cất tiếng khóc chào đời ngày 22 tháng 12, ngày Đông Chí, khi ngôi nhà của thương gia giàu có thơm phức mùi rượu ngon và bí ngô luộc. Theo truyền thống, người ta thưởng thức các món này vào ngày ngắn nhất trong năm cũng được biết tới với tên gọi «tougi». Tuy nhiên, hương thơm thực sự tràn ngập tất cả các căn phòng bắt nguồn từ những chiếc hũ gốm sâu đựng đầy những quả dữu tử thơm ngon nhất – được mệnh danh là kim cương vàng của hòn đảo. “Mỗi một bát dữu tử to luôn được đổ vào nước nóng trong bồn tắm đến nỗi mà trong đêm Đông Chí đó những ai tắm trong thứ nước kỳ diệu có ngâm dữu tử đều được bảo vệ khỏi cái lạnh trong suốt mùa đông”, Fuku[4] chan nhớ lại.
Fuku chan – chúng tôi vẫn gọi cô ấy như thế, bởi vì giọng nói nhỏ nhẹ và dịu dàng của cô ấy như một bé gái nhỏ. Thêm vào đó, cô ấy có đôi mắt quyến rũ nhất mà tôi từng thấy. Đó không chỉ là hình dáng và kích cỡ, đôi mắt có màu rất đặc biệt. Hãy tưởng tượng chúng rất đậm với những đốm vàng như quả dữu tử trong các bát đựng của gia đình Sukuki lâu đời.
Căn nhà của họ nằm ở một trong những khu tốt nhất của thủ đô được thừa kế bởi chồng cô, một nhà sản xuất và thương gia nổi tiếng về dầu thơm. Từ sân thượng tầng ba, bạn có thể thấy đầu của con phố «Ginza». Khu vườn của họ đúng là thứ để mà ước mơ! Vườn rộng bát ngát gồm một cặp thông trồng hai bên góc phía Nam của ngôi nhà khang trang, phần còn lại để trồng cây dữu tử.
Fuku chan luôn nói đùa rằng 12 cây của hồi môn này luôn chiếm được cảm tình của người chồng chung thủy và luôn yêu cô, cũng như tài năng sử dụng trái cây theo “12 công thức đặc biệt của cô cho chồng”.
Theo năm tháng, anh chồng còn tiếp tục mua thêm cây trồng trong vườn sau nhà. Fuku chan liên tục làm chồng say đắm bằng những bất ngờ vì những thứ cô làm bằng loại quả qúy này. Vào những đêm đông lạnh giá, cô sẽ pha trà cho chồng với những mẩu dữu tử thơm nhất được hái bằng tay vào buổi sáng (bà cô dạy rằng kim loại không bao giờ được chạm vào quả khi sử dụng để pha trà). Vào mùa hè nóng bức, sẽ luôn luôn có một bình trà mát – những mẩu dữu tử nhỏ nổi lên trên trà như những cánh buồm vàng mời gọi người khát thưởng thức thứ nước kỳ diệu làm cho khoan khoái này. Fuku chan dùng vỏ trái cây để làm ra thứ bột mà cô rắc lên cá chín. Nó tạo ra một mùi vị đặc biệt. Còn một nắm quả tươi ngâm trong nước nóng thì tạo ra một thứ dầu thơm để chồng cô tắm bồn vào buổi tối. Trên các kệ ở dưới tầng trệt có bày một dãy các hũ mứt dữu tử vàng ngọt ngào được bảo quản cẩn thận. Một hũ hấp dẫn và ngọt ngào là một trong những món quà bắt buộc khi khách ra về.
Thỉnh thoảng, tôi cũng ra về với một hũ giấm dữu tử đặt biệt do Fuku chan làm. Ngày xưa, các chiến binh Nhật Bản đã uống giấm này để duy trì được sức mạnh.
Truyền thống “uống giấm dữu tử điều độ” ngày nay đang trở nên phổ biến. Điều này được chứng nhận với công hiệu là kéo dài tuổi thọ – vì nó có chứa vitamin C nhiều gấp ba lần chanh.
Bây giờ, tôi tưởng tượng rằng người ta sẽ chẳng lấy gì làm lạ khi năm ngoái tôi chuyển đến nhà mới và Fuku chan đã tặng tôi một cây dữu tử nhỏ. Do không gian hạn chế nên nó được tận dụng chút đất gần một cây bầu nâu, một cây việt quất và một cây mimosa tuyệt diệu. Giữa chúng còn có một bụi nhài. Cây dữu tử có vị trí ngay cạnh cửa nên mỗi lần ra vào tôi nhìn thấy nó đầu tiên. Người ta sẽ tưởng tượng ra tôi ngạc nhiên thế nào khi chỉ với không gian nhỏ mà trong vòng 3 hay 4 tháng, cây đã phát triển và tạo thành hình vương miện rất thú vị với các lá xanh dầy hình ô van! Sau đó, chỉ một năm nó đã ra quả. Một sự kiện đáng nhớ, cây được trang trí với 13 quả dữu tử màu vàng sáng tròn hệt như nhau.
“Tôi cần phải hái chúng để chuẩn bị cho Giáng Sinh”, tôi nghĩ vậy trong khi gọi điện cho Fuku chan. Tôi chắc chắn là khả năng cô ấy sẽ dạy tôi một là làm giấm có lợi cho sức khỏe, hai là làm gia vị, ba là làm mứt trái cây… Cô ấy đã “khởi xướng” rất nhiều bí quyết từ loại hoa quả tuyệt vời này. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu cô bạn gái Fuku chan của tôi không phải là người phát minh ra viên pha lê lộng lẫy “ngọc trai dữu tử” của Christine Le Tennier[5], được bọc trong một lớp aginate mỏng. Những viên ngọc này khi rắc trên các món khai vị, cocktail và đồ tráng miệng sẽ mang lại hương vị kỳ diệu và hấp dẫn. Và giờ đây chúng ở ngay trước mắt tôi.
Sáng nay, Fuku chan đến với một chiếc túi to. Tôi nói đùa:
“Chị có vẻ đã sẵn sàng để thu hoạch toàn bộ trang trại dữu tử!”
Cô bạn của tôi hái cẩn thận từng trái một. Cô bày các quả như hình vòng hoa vàng lên trên phía đầu bàn có trải khăn; các quả cách đều nhau một khoảng cách hoàn hảo.
Đó là nghi thức tuyệt đối.
Sau đó cô bỏ từ trong túi ra một cuộn giấy bóng, dây ruy băng bằng lụa và giấy gói quà. Cô gói cẩn thận quả đầu tiên. Và cám ơn nó. Sau đó, cô nhẹ nhàng chạm vào quả thứ hai. Cô chỉ cho tôi làm theo trình tự – đó là một kỹ thuật đặc biệt phải áp dụng.
Cô khuyên tôi – quả dữu tử phải đưa trước tiên cho gia đình của con trai, sau đó cho ba người bạn thân nhất rồi phần còn lại cho hàng xóm.
Đây là phong tục – những quả đầu tiên của cây dữu tử mới trồng sẽ được tặng vào Ngày Đông Chí.
Chủ của cây sẽ không giữ lại quả nào. “Khi bạn tặng chúng, bạn không cần nói gì cả, Julie ạ. Họ biết tại sao họ lại nhận được. Chúng như lời chúc sức khỏe và trường thọ.”
[1] Giá vé buýt đi một trạm – từ nhà tôi đến đồn cảnh sát – là 210 yen
[2] Ijime – một hành vi hung bạo với người trẻ và yếu hơn mình.
[3] Sen – chuyến tàu
[4] Fuku là tên gọi nữ có nghĩa là hạnh phúc, may mắn.
[5] Christine Le Tennier là một công ty Pháp chuyên sản xuất các viên ngọc nhỏ với nhiều hương vị đa dạng sử dụng trong nghệ thuật ẩm thực.