Truyện ngắn Đỗ Hữu Tấn
Sau mùa gặt là đến mùa nhãn.
Năm nào cũng vậy, khoảng sau tết Đoan ngọ, ở Cao Xá, không khí mùa màng vừa trầm lắng xuống sau mùa gặt, lại sôi nổi, rộn ràng bước vào mùa nhãn chín. Nhãn có rất nhiều. Nhãn ở đình làng, ven đường làng. Nhãn ở bờ ao, bờ vòng. Nhãn ở ria giậu, quanh vườn nhà. Đâu đâu cũng có nhãn. Sau những trận mưa to và nắng to, quả nhãn bắt đầu to ra, hại sẫm lại, cùi mòng mọng nước, những chùm sai nung núc bắt đầu víu cành cây xuống, lả sát mặt ao; mặt giậu. Khoảng từ những ngày đầu tháng sáu âm lịch, những con chim đánh hơi nhãn chín kéo về ngày một đông; suốt ngày, trên cành nhãn, những điệu vũ và những bản hợp xướng của hàng chục loài chim biểu diễn không bao giờ ngừng. Ban đêm, giơi bay từng đàn chập choạng trên không và sà xuống những cành chín nhất. Người ta bắt đầu phải cử người trông nhãn, chủ yếu không phải canh người mà là đuổi dơi.
Những đêm trăng mùa nhãn thì tuyệt đẹp. Trăng trong, ánh vàng óng ả như tơ lụa, ngọt ngào như mật chảy, trải ra khắp bầu trời, cánh đồng xóm làng, trên nóc nhà, mặt sân, lùm cây, hồ ao, vạt cỏ… Những lúc ấy, thật là ý vị, say người, khi người ta đi dạo mát trong vườn nhãn hay ngồi ngắm bóng nhãn trĩu cành soi mình trên mặt nước lấp lánh sáng như gương.
Một trong những đêm trăng như thế, trước sân đình, ven bờ giếng, dưới tán nhãn cành quả loà xoà nhè nhẹ đu đưa theo chiều gió, có một đôi trai gái đang chuyện trò với nhau. Cô nàng đi gánh nước, nước đã múc đầy thùng nhưng còn đặt đấy, hình như cô nàng cần nghỉ một lát cho đỡ mệt, tay cầm đòn gánh, trong tư thế sẵn sàng đặt gánh lên vai. Anh chàng đứng ngay cạnh đó, tựa lưng vào thân cây nhãn, tay cầm một cái gậy nhỏ và dài, tay kia vắt lên chạc nhãn. Trăng đã lên khỏi ngọn tre xóm đông, rất tròn, rất trong, ánh trăng vàng óng chênh chếch xuyên qua kẽ lá, thấp thoáng trên mặt hai người.
– Anh Xuân này – Tiếng cô nàng nhỏ và thanh thanh – Anh đi trông nhãn thế này thì tổ thầu nhãn họ có trả công cho anh không?
– Công xá gì. Trong tổ ai rỗi thì đi thôi – Anh chàng tên là Xuân nói và cười, giọng trầm và hơi vỡ tiếng.
– Mấy người chung cơ?
– Bốn người.
– Sao chẳng thấy ai, chỉ thấy anh thôi.
– Tôi rỗi: Với lại tôi thích.
– Sao lại thích?
– Cũng như đi chơi mát ấy mà. Với lại năng đi đêm thì mới được… tiên!
– Có gặp ma thì có. Anh không sợ à?
– Sợ cái gì?
– Con ma ấy mà, anh không sợ à? – Cô nàng cười to, tiếng cười đến là trong trẻo, sáng và ngọt như ánh trăng – Bà em bảo mùa này có nhiều ma lắm, ma trèo lên ăn nhãn, thỉnh thoảng lại nhảy xuống ao tắm thùm thùm ấy.
– Thế mà tôi chửa gặp bao giờ. Hồi ở bộ đội, phải gác đêm luôn, giữa rừng núi hoang vắng, thế mà cũng chẳng gặp ma mãnh gì. Mà có gặp thì tôi cũng cóc sợ. Tôi cho một gậy này – Xuân giơ cao gậy và giáng dứ xuống đầu cô bạn. Cô bạn làm bộ sợ hãi, né tránh và rú lên cười – Chỉ một gậy này thôi, đến trăm ma cũng đi đời nhà ma!
– Chỉ nói thánh nói tướng… Kìa, có một con dơi sà xuống cây nhãn lồng kia kìa! – Cô nàng nói và chỉ tay về phía một cây nhãn to lả mình trên mặt nước. Xuân nhìn theo: một con dơi khá to chập choạng lượn một vòng nhỏ rồi sà xuống cây nhãn, ở một cành lả sát mặt nước.
Lập tức Xuân cúi xuống cầm lấy một sợi dây thừng và giật giật liên tiếp. Ở đây, vì có nhiều nhãn nên đuổi dơi bằng cách buộc dây từ cành nhãn cây này sang cành nhãn cây khác, buộc luôn cả những ống bơ, thau, chậu hỏng… người canh nhãn có thể đứng một chỗ đánh động đuổi dơi khắp khu vườn. Nếu vườn rộng hoặc các cây nhãn không tập trung thì có thể làm hai, ba hay nhiều trạm như thế. Cả vườn nhãn rung động, tiếng cành lá lào xào, tiếng ống bơ, xoong, chậu va chạm nhau lạch cạch leng keng, nghe đến vui tai!
– Nhẹ tay chứ ông tướng ạ, rụng hết nhãn bây giờ! – Cô gái kêu lên như ra lệnh.
Con dơi bay vụt lên không. Rải rác mấy cây nhãn gần đấy cũng có vài ba chú dơi khác bay ra. Một con trong số đó vừa bay đi được một đoạn ngắn, lại quay lại ngay, xem chừng đang rất khát mồi. Nó liệng một vòng, lại một vòng nữa và sà xuống cây nhãn lồng cô gái chỉ ban nãy, cũng ở ngay cành lả sát mặt nước. Xuân chạy nhanh lại phía ấy, dừng lại một lát xem thử con dơi đậu ở chỗ nào, đoạn dùng gậy chọc chọc lên mấy cành gần đấy nhất. Con dơi vẫn chưa chịu ra. Xuân cúi nhặt một hòn gạch vỡ, ném mạnh xuống nước đánh “ùm” một cái, hàng trăm tia nước lớn nhỏ lấp lánh ánh vàng bắn rào rào lên cành cây và rỏ giọt xuống như mưa. Ba con dơi vụt lên cùng một lúc. Xuân giơ gậy vụt luôn mấy cái nhưng không trúng con nào.
Một tiếng cười ròn rã cất lên bờ giếng. Không rõ vì tiếng cười ấy hay vì gậy vụt, ba con rơi sợ hãi bay tán loạn mỗi con một nơi.
Xuân trở lại chỗ cô bạn, hân hoan, kiêu hãnh như một chiến sỹ thắng trận trở về.
– Anh trông nhãn thế thì cũng hơn … – Cô gái nói, không rõ là nói cho có chuyện hay bản tính cô không muốn khen bọn con trai bao giờ – Mấy con cùng xuống ăn ở một cành mà cũng không biết. Thế mà cứ nói thánh nói trạng mãi.
Xuân tủm tìm cười:
– Vườn rộng thế này trông sao xuể được. Cô giỏi thử làm xem! – Anh nói thủng thẳng, như đùa – Với lại cũng phải cho chúng nó nếm náp chút ít chứ. Tôi hỏi cô: Cô đang ăn quà, giả dụ như ăn nhãn chẳng hạn, có mấy em nhỏ xúm lại gần, cô có nỡ đuổi chúng nó đi không?
– Thôi đừng vụng chèo khéo chống… À mà anh Xuân này, anh trông nhãn thế này thì phải thức suốt đêm à?
– Sao lại suốt đêm… Lát nữa dơi ngủ thì mình cũng phải về nhà ngủ chứ. Còn cô… cô còn phải gánh mấy gánh nước nữa?
Cô gái không trả lời. Cô đang mải lắng nghe những tiếng động lanh canh của thùng tôn và dây xích chạm vào nhau và tiếng cười nói mỗi lúc một gần. Như sực nhớ ra rằng mình đang đi gánh nước, cô nhanh nhẹn quảy gánh ra về. Cô bước nhanh như chạy, đòn gánh cong nhún nhảy trên vai, nước trong thùng sóng sánh, tràn ra, rỏ xuống những giọt trăng vàng óng. Mặt trăng soi chênh chếch, in bóng cô nhún nhảy trên đường, in cả bóng đôi thùng nước nhún nhảy, cái đòn gánh nhún nhảy như hình khiêu vũ trong phim.
Cô bạn vừa đi khỏi thì có hai cô gái khác quảy thùng đi tới, vừa đi vừa nói cười giòn giã. Xuân nhận ngay ra hai người: em gái anh tên là Thinh và cô bạn láng giềng tên là Tích. Anh nép mình sang một gốc nhãn gần giếng để lánh họ. Bỗng anh giật mình khi nhận biết họ đang nói chuyện về mình và cô bạn gái của mình.
– Thinh này, có phải anh Xuân cô sắp dạm hỏi cái Loan phải không? – Cô Tích xuống giếng trước, vừa vục nước vào thùng vừa nói, giọng rất tự nhiên.
– Loan nào cơ? – Thinh hỏi lại.
– Còn Loan nào nữa, cái Loan chúng mình vừa gặp ấy mà.
– Làm gì có. Chị nghe ai nói thế?
– Người ta đồn ầm lên, bọn con gái làng này biết hết, chỉ có cô là không biết thôi. Cô khéo vờ lắm.
– Em nói thật đấy. Em có biết thì em chết.
– Thế cái Loan có hay đến nhà cô chơi không?
– Cũng thỉnh thoảng.
– Cô thấy anh cô nói với nó những chuyện gì?
– Em cũng chẳng để ý. Xem ra toàn những chuyện vui nhộn cả, như chuyện làm ăn, họp hành, công tác… nhiều chuyện lắm. Cả chuyện tình hình thế giới, trong nước nữa nhé!
– Họ tìm hiểu nhau đấy! Thế cô có thấy họ nói chuyện với nhau là… là… không? – Tích không nói rõ câu và bật cười to.
– Em biết đâu đấy! – Thinh cũng bật cười theo và thế là hai cô gái đua nhau cười rũ rượi, cười mãi, cười mãi… vừa cười vừa quảy gánh ra về.
Tiếng cười đi theo họ, theo mãi họ vào xóm ngõ.
“Dư luận quái ác thật. Đã có gì đâu? Mà quả thật đã có gì đâu kia chứ?”– Xuân nghĩ và đứng dậy, cảm thấy mặt nóng bừng bừng. Một cảm giác vừa e ngại, vừa thèn thẹn, vừa sung sướng tràn ngập tâm hồn anh. Anh ngửa mặt nhìn trời và thấy rằng dưới bầu trời xanh sẫm và dịu mát lạ lùng, mặt trăng treo lơ lửng trên ngọn nhãn phía đông khu vườn hình như đang mỉm cười và nói nhỏ với anh: “Ta biết hết cả rồi, người làng này đã đồn ầm lên, đừng có mà giấu nhau nhé!”. Xuân thèn thẹn, lánh mặt trăng bằng cách cúi nhìn xuống đất, nhưng con mắt anh lại bắt gặp mặt trăng dưới đáy giếng, cũng treo lơ lửng đầu ngọn nhãn dưới ấy. Lúc ấy có làn gió nhẹ thoảng qua, mặt nước giếng hơi xao động, dưới đáy giếng mặt trăng lung linh, bóng nhãn cũng lung linh, như đùa giỡn nhau và đùa giỡn anh: “Ta biết hết cả rồi…”.
“Biết thì biết. Thằng này thì còn sợ gì ai!”. Xuân nghĩ và bỗng bật cười. Anh tiến sâu vào vườn nhãn, xuyên qua vườn sang bờ bên kia, đi dọc theo bờ một khu hồ ao rộng, trên đó mấy chục thân nhãn đội mũ đứng xếp hàng. Đó đây, theo làn gió nhẹ thoảng, phảng phất mùi thơm quen thuộc của mùa nhãn chín, mùi bùn đất bốc hơi, mùi cây cỏ mục, mùi đầm sen đến thời ra hoa. Anh đi nhanh, vừa đi vừa huýt sáo vang, thỉnh thoảng lại hít mạnh vào tận cùng khí quản luồng không khí thoáng mát với tất cả mùi vị của vườn nhãn, đầm sen tháng sáu, đoạn lại thở phào ra một cách khoái trá, kiểu như người nghiện hút thuốc lào! Anh đi, người bơi lao về phía trước, tay cầm ngang cái gậy như một chiến sĩ đi tuần, thỉnh thoảng dừng lại ở một trạm đuổi dơi, giật nhẹ dây mấy cái và cảm thấy vô cùng thú vị khi sợi dây chuyển động kéo theo hàng loạt cành lá rung động, lắc lư, hàng loạt âm thanh “lạch cạch” “leng keng” vang lên trong đêm tối yên tĩnh. Cứ thế, anh đi hết đầu vườn này đến góc vườn khác, những con giun con con dế in bặt khi nghe bước chân anh đặt tới để rồi lại ca hát to hơn sau gót anh, những con ếch con nhái ngồi hóng gió ven bờ hồ thoáng thấy anh, vội lẩn tránh, nhảy bòm bõm xuống nước, làm bắn lên biết bao chùm nước trăng vàng óng… Khi anh quay trở lại bờ giếng thì cũng vừa gặp Loan quảy thùng đi tới.
– Anh Xuân vẫn ở đây à! – Loan hỏi, làm ra vẻ ngạc nhiên, vừa cười – Anh trông nhãn thế cũng hơn…
Trong khi Xuân trả lời một câu vô nghĩa mà cả hai cùng thấy thú vị, Loan vén quần xuống giếng vục nước và gánh lên hai thùng nước đầy. Cô đỗ gánh nghỉ, đỗ quá mạnh làm cho nước trong thùng sóng sánh tràn ra ngoài, ánh trăng cũng theo đó mà chảy từ miệng thùng xuống đất, trông vàng quánh như mật chảy. Cô thở phào một cái, tháo đòn gánh cầm tay, tựa lưng vào thành cầu giếng, ngước nhìn Xuân, và mỉm cười. Trên người cô nàng, từ khuôn mặt non trẻ, khoé mắt ươn ướt, mái tóc đen huyền, hàm răng trắng bóng, đến chiếc áo trắng bó sát thân người tròn lẳn, chân tay trắng mập… đâu đâu cũng lấp lánh ánh trăng. Xuân nhìn cô bạn chằm chằm và thấy rằng chưa bao giờ cô đẹp và đáng yêu như bây giờ. Những khát vọng yêu đương vụt đến ào ạt như một ngọn lửa bùng lên và lan khắp người anh khiến toàn thân bừng bừng rạo rực. Anh muốn tiến lên một bước, nắm lấy cổ tay trắng mập kia mà nói những lời yêu thương. Nhưng nói như thế nào đây? Nói “Tôi yêu cô, cô có đồng ý lấy tôi không?” như bọn con trai làng này thường nói lúc tỏ tình, xem ra thô lậu mà lạc hậu rồi! Nói “Anh yêu em. Em có yêu anh không?” như người thành phố, như trong phim ảnh mới hợp thời, nhưng ngượng chết người, mà hai người đã xưng hô “anh em” bao giờ đâu! Đắn đo thế, Xuân cứ thuỗn ra đấy, mãi không nói được nên lời. Trong khi ấy, Loan cũng im lặng, trái với bản tính thông thường hay nói của cô, hết nhìn xuống giếng lại nhìn lên trời và luôn luôn mỉn cười, hình như lúc nào cô cũng cười. Khi cô ngước nhìn Xuân, chợt bắt gặp đôi mắt của anh: cô bỗng bối rối, mặt bỏ bừng, đánh rơi cái đòn gánh, vội cúi xuống nhặt và quay đi.
– Kìa, lại có mấy con dơi sà xuống cây nhãn lồng kia kìa! Vẫn cái cành ban nãy – Loan nói, giọng hơi lạc đi, và không hiểu sao, bỗng thở dài.
Xuân với tay, vớ sợi dây thừng và giật giật liên tiếp.
Cả vườn nhãn lay động mạnh như có người rung. Không gian lại vang lên tiếng nhạc hoà xủng xẻng thô vụng.
Ba bốn chú dơi bay vụt lên từ cây nhãn lồng quen thuộc nọ. Rải rác ở các cây khác cũng có dơi bay ra. Mới đầu chúng bay vút lên, sợ hãi, hốt hoảng, nhưng liền sau đó tất cả lại trở lại trạng thái quen thuộc của chúng, chậm chạp, nặng nề, mỗi con bay về một ngả.
– Anh Xuân này, nhãn cành ấy chắc ngon lắm nhỉ – Loan nói, trở lại vẻ tự nhiên như trước – Mà ngon hẳn đi chứ, nếu không sao bọn dơi lại hay mò xuống đấy nhỉ?
– Đúng, cây ấy nhãn ngon nhất làng đấy. Mà cái cành ấy, cành kia kia – Xuân nói và trỏ tay – cành ấy thì rất cực kỳ, quả to, cùi dày, nhiều nước và ngọt thiu thỉu – Dừng lại một lát, anh nhìn Loan trìu mến, mỉm cười và hỏi nhỏ – Cô có muốn ăn không?
– Còn phải hỏi.
– Chờ một tý nhé.
– Vâng.
Loan nói nhỏ, và bỗng bật cười, vẻ mặt hơn hớn hạnh phúc. Xuân vội chạy đi, nhưng Loan gọi giật lại:
– Anh Xuân! Thôi đừng! Để hôm khác. Khuya rồi, em về đây!
Hình như Xuân không nghe thấy những lời ấy. Vẻ chậm chạp, thô vụng vừa qua đột nhiên biến mất, vụt một cái đã chạy đến gốc cây, thoắt một cái đã trèo lên cây, leo lên cành cao, và từ cành cao truyền xuống cành lả sát mặt nước. Anh trườn người trên cành, bẻ được một chùm to, lại dướn người, vươn tay với một chùm to, lại dướn người, vươn tay với một chùm xa nằm sát mặt nước. Anh hiểu rõ ràng càng ở sát mặt nước quả nhãn cành mọng, ngọt. Anh nhoai người ra, lại một lần nữa, có một chút nữa… Và với được chùm nhãn. Cành nhãn uốn cong trên mặt nước. Bỗng nghe “Ra… ắc… Ra ắc… Rắc…ắc…”! Cành gẫy! Ùm…! Người Xuân lộn một vòng và lao xuống nước. Vô số những chùm, những sợi nước trăng vàng choé bắn lên tung tóe. Mấy chú dơi nhỏ đang trên đường lao xuống một cây nhãn cách đó dăm bước, bỗng hốt hoảng bay vụt lên cao.
Loan kêu lên một tiếng, chạy vội đến gốc cây.
Hai cô gái gánh nước, Thinh và Tích lúc ấy cũng vừa quảy thùng đi tới. Nghe tiếng động họ đứng sững lại.
– Ma! – Thinh kêu thất thanh và quăng thùng xuống đất, định bỏ chạy.
Tích giữ bạn lại, bảo nhỏ:
– Không phải đâu. Trộm. Có người ăn trộm nhãn.
Lập tức hai người cùng kêu to:
– Trộm! Trộm! Làng nước ơi, có trộm! Trộm nhãn!
Nghe tiếng kêu, ông Trưởng công an xã, cùng ở xóm này, là một trong những người chạy ra nhanh nhất. Tên kẻ trộm tự bơi vào bờ, tay còn cầm chùm nhãn. Những ta kéo Xuân lên và khi nhận ra anh tất cả cùng “Ồ” lên một tiếng. Xuân đứng ngây người, bất động, bộ quần áo ướt dính đét vào người làm nổi lên vóc dáng cường tráng của thân thể anh. Tóc ước sũng, nước chảy ròng trên má. Anh đưa hai tay vuốt ngược mái tóc, đoạn vuốt xuôi trên mặt, rồi đưa mắt nhìn quanh. Hình như đến lúc ấy anh mới hiểu rõ những gì đang diễn ra. Anh lại đứng thộn ra đấy, rồi đáng lẽ phải nói một câu gì đấy, lại toét miệng cười.
– Ra anh chị tìm hiểu nhau trẩy nhãn liên hoan đấy – Cô Tích nói to khiến mọi người cùng cười rộ.
– Ra thế! Ra thế! – Ông Trưởng công an xã cười khà khà và tát yêu vào má Xuân – Ta về thôi bà con, để cho anh chị được tự do! – Ông nói và quay đi. Nhưng đi được vài bước ông lại quay đầu lại, giơ một ngón tay, trỏ về phía Xuân như dứ doạ – Cẩn thận đấy! Đừng để chúng tôi phải ra lần nữa! – Ông lại cười khà khà rồi quay đi.
Mọi người tản ra về, vừa đi vừa nói cười rộn rã. Cả Loan cũng lẩn vào đám đông, về lúc nào không rõ.
Khu vườn rộng chỉ còn lại mình Xuân. Sự vắng lặng và đơn độc góp gió thổi bừng lên dữ dội trong anh những tình cảm hỗn tạp vừa buồn bực, vừa xấu hổ, vừa vui sướng, dào dạt yêu thương, khiến anh đứng ngồi không yên, vẫn mặc quần áo ướt, cứ thế anh tiến sâu vào vườn nhãn. Anh bước nhanh, như chạy, xuyên qua khu vườn rộng sau đình, vòng quanh khu hồ ao rộng, quay trở lại giếng đình, để rồi lại tiến sâu vào vườn nhãn, đi một vòng tiếp tục. Cứ thế, anh bước nhanh… Sau vòng thứ ba, trở lại giếng đình, cảm thấy thấm mệt, anh dừng lại nghỉ, tựa lưng vào thành giếng, đúng cái chỗ cô bạn tựa lưng ban nãy. Không hiểu sao tự nhiên anh cảm thấy cái giếng nước này, cái đình làng đây, vườn nhãn đây, và nói chung cả cái làng xóm chôn rau cắt rốn này của anh, cả con dơi bay chập choạng, cả ông trăng treo trên trời… Tất cả bỗng trở nên vô cùng thân thiết và anh cảm thấy yêu mến tất cả, vô cùng! Anh lấy tay xoa xoa và áp má vào chỗ Loan đã tựa lưng. Một cảm giác mát rượi truyền khắp người anh, và anh thiu thiu thiêm thiếp…
Bỗng Xuân nghe thấy tiếng lạch cạch của thùng tôn, dây xích và tiếng chân người bước đến gần. Một người con gái áo trắng, quần đen, quảy gánh nhanh nhẹn đi tới. Không phải? Đúng, chính là Loan! Sợ mình trông nhầm, Xuân dụi mắt: Đúng là Loan!
Có thế chứ! Anh mong đợi và đoán rằng thế nào Loan cũng quay trở lại. Không kìm lòng được, anh sung sướng đến nhảy cẫng lên. Và anh nhảy thật. Nhảy “Sếch”. Cũng bơi bơi tay. Cũng nhún nhảy chân. Cũng ngoáy ngoáy đít. Làm như vẫn nhìn thấy ở ti – vi, nhưng còn thô vụng lắm.
– Anh làm cái trò gì thế? – Loan cười rũ rượi và nhìn anh trìu mến – Thôi, anh Xuân, người ta cười chết!
Xuân thôi nhảy và bước đến trước mặt Loan. Anh kéo cô vào lòng và hôn cô thật thắm thiết như anh vẫn trông thấy người ta làm ở ti – vi.
Nhưng cái động tác ấy làm cho anh hoảng sợ, giật mình, choàng tỉnh. Hoá ra chỉ là một thoáng chiêm bao! Anh đưa mắt nhìn quanh. Xung quanh hoàn toàn vắng lặng. Ngoài anh ra, chỉ có nhãn và trăng! Nhãn dàn ra bạt ngàn, có chỗ quây quần, có chỗ xếp hàng, tất cả đứng yên, như ngủ. Trăng treo ngay giữa đỉnh đầu, rất tròn, rất trong, trông rõ hình chú cuội ngồi gốc cây đa như đang mỉm cười.