Lê Văn Lạo
“DÌ TÔI
Năm tôi chập chững lên mười
Trẻ đâu đã thấu cơ giời nắng mưa
Gió bờ sông thổi ngược mùa
Khoác manh áo mỏng mẹ đưa sang Dì…
Dì tôi ở vậy từ khi
Chú tôi Nam tiến mãi đi chưa về
Mình Dì cơm lúc sống khê
Một chân kiềng gẫy, Dì kê lệch nồi
Thương Dì nhiều lúc mẹ tôi
Giục Dì tái giá – Dì cười… em không!
Phận em thôi đã có chồng
Chị đừng nhắc nữa em lòng ngổn ngang!
Mẹ tôi nước mắt hai hàng
Thôi
Dì ở vậy
con sang
đỡ Dì….!”
Lời bình:
Trong số bạn viết ở Quảng Ninh có một Bùi Hữu Thiềm, một vị quan chức và cũng là một nhà thơ. Chẳng biết với hai địa vị ấy trong anh, đồng nhất hay thiên lệch thế nào, nhưng thơ thì đằm thắm, dung dị…
Người ta hay nói là thơ và thiền có chung nguồn cội, nên người yêu thơ rất giàu lòng nhân ái, tự trọng. Vôn-te đã nói: “Thơ ca là âm nhạc của tâm hồn, nhất là tâm hồn của những người cao thượng và đa cảm”.
Đọc thơ Bùi Hữu Thiềm, có thể hiểu được anh là người rất đa cảm, đa tình, phong lưu và cũng rất tự chủ, chừng mực, kể cả khi trước cửa ải:
“Lúc buồn em đến tôi
Bờ đê khuất một nửa trời không trăng
Cỏ may đêm ấy mách rằng
Em nghèo, áo vá, đừng nằm, rách thêm“
Đó là một khía cạnh khá điển hình của lòng tử tế, thơ anh thấp thoáng điều ấy.
Còn về bài thơ “Dì tôi”, bài thơ đã được giải ba cuộc thi Lục bát của báo “Người cao tuổi”.
Bài thơ là câu chuyện về Dì của mình – người em của mẹ. Từ đầu, cảnh và tình, bằng một câu đã rờn rợn, khác thường về cảnh ngang trái. Cùng trong cảnh nghèo, bằng sự cảm thông sâu sắc, mẹ anh đã chủ động:
“Gió bờ sông thổi ngược mùa
Khoác manh áo mỏng mẹ đưa sang Dì“
Trong nỗi ngóng trông, chờ đợi, dài dằng dặc cả một thời trai trẻ, do cơ giới, vận nước, do chiến tranh. Dì nuốt nước mắt, giấu chặt trong lòng, mà người đàn bà Việt Nam hay thế :
“Dì tôi ở vậy từ khi
Chú tôi Nam tiến mãi đi chưa về“
Miệng con quái vật chiến tranh đã nuốt bao nhiêu mạng người, đẩy bao số phận, bao gia đình ly tán, tan nát. Dì không ngoại lệ. Toàn bộ thời gian, tâm trí Dì, qua năm này sang năm khác đặt vào sự lo lắng, chờ đợi đến mòn mỏi, tàn tạ, nên cuộc sống sinh hoạt kéo theo rất tạm bợ, sơ sài, khập khễnh:
“Mình Dì, cơm lúc sống khê
Một chân kiềng gẩy, Dì kê lệch nồi“
Cái “lệch” trong cuộc đời, “lệch” trong tình lứa đôi, “lệch” luôn vào bữa ăn, giấc ngủ. Thật thảm hại, xót thương cho bao gia đình, con người trên đất nước này… Chữ “lệch” – câu thơ “lệch” ấy xối vào lòng, neo vào lòng người, bật lên bao cung bậc cảm thương xót xa, khó cầm lòng, phẫn uất, căm hận cho chiến tranh, cho sự bạo tàn.
Ta ngạc nhiên, thán phục cái nhìn tử tế, sâu sắc của tác giả về cái góc khuất, đặc thù, rất riêng, rất điển hình của giới đàn bà; đó là việc “bếp núc”. Chiến tranh vào tận đấy. Tìm ra cái mất thăng bằng trong sâu thẳm tâm khảm đến xót xa: “một chân kiềng gẫy…”
Gần gũi cảm thông có lẽ là người chị gái: “thương nhau chị em gái” – Ngạn ngữ nói thế. Thương em hết lòng, ái ngại cho số phận người em, nên:
“Thương Dì nhiều lúc mẹ tôi
Giục Dì tái giá…“
Dù chị rất thương em, cảm thông hết lòng, đỡ đần, giúp đỡ, lo giúp, nghĩ giúp nhưng lòng Dì như đã đóng đá, đã sắt lại, khó có gì lay chuyển, đổi thay, nghĩ khác, đổi khác, dù biết là gần như vô vọng. Sự sẻ chia, lo đỡ ấy làm ta rơi lệ :
“Phận em nay đã có chồng
Chị đừng nhắc nữa, em lòng ngổn ngang“
Bà Dì, bằng cả cuộc đời, bằng sự hi sinh, chịu đựng, sống bằng tình yêu xưa, bằng kỉ niệm, hoài niệm với người đi xa. Tình yêu ấy tiếp tay cho sự sống, sự tồn tại, vững vàng. Thế mới hay sự bất tử, sự thiêng liêng, đáng tôn thờ, trân trọng, ngưỡng mộ của tình yêu!
Việc chị cảm thông, chia sẻ, yêu thương là vậy nhưng càng xối thêm vào nỗi đau của Dì – nỗi đau của bà Dì tác giả, xối vào người đọc; thật xót xa, đau đớn cho thân phận những người đàn bà. Lòng son sắt, thuỷ chung, hy sinh, chịu đựng ấy đến đá cũng phải mềm lòng, rớt lệ…
Lại chính người ấy – bà mẹ tác giả, rất thấu tình, lo nghĩ chỉn chu, dự liệu sẵn, chủ động sắp đặt đứa con mình sang bù đắp nỗi đơn lẻ, trống vắng cảnh nhà Dì.
“Mẹ tôi nước mắt hai hàng
Cảnh Dì ở vậy, con sang với Dì…“
Người chị ấy hết lòng, chu đáo, biết lo cho em, biết chia sẻ, khoả lấp cho em; đó là ánh sáng hy vọng, ánh sáng nhân văn, ánh sáng của cuộc đời lóe lên…
Cảm ơn dân tộc Việt Nam, tự hào cho dân tộc Việt đã cho chúng ta những bà mẹ, những người chị tuyệt vời, thuỷ chung, sâu sắc, trọn vẹn, chịu đựng, hy sinh, cảm thông, chia sẻ, chí tình, chí nghĩa – những bà Tiên, bà Phật trong nhà… Trước những người như thế, ở đâu, lúc nào, ai có thể vô tâm hay nghĩ khác về họ?
Bài thơ không chỉ là thơ mà đã nhảy ra, nhảy sang cuộc đời: lay động, thức tỉnh! Cảm ơn tác giả Bùi Hữu Thiềm…
Hạ Long 3/2012