Thủy Hương
Nhân ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025), Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã có những chia sẻ tâm huyết về việc học và làm theo Bác Hồ trong thời đại phát triển hiện nay.
Theo Thượng tướng, học tập Bác Hồ không có nghĩa là chỉ dừng lại ở khẩu hiệu hay lý thuyết. Học luôn đi đôi với hành, có học tập thì phải có noi theo. Học đạo đức, học phong cách, học lối sống, học cách Bác quan tâm đến dân, đến từng người cán bộ, chiến sĩ. Những điều tưởng chừng nhỏ nhặt đó chính là cái cốt lõi của đạo lý Hồ Chí Minh.
“Chúng ta nói nhiều rồi, bây giờ phải hành động và tạo ra kết quả. Bác Hồ không nói dài dòng, Bác luôn dùng lời lẽ giản dị, súc tích và dễ hiểu, dễ nhớ. Nhưng chính những lời giản dị ấy lại thấm sâu vào dòng máu, trái tim người Việt Nam. Và tính thuyết phục cao nhất là hành động gương mẫu và việc làm cụ thể, thực tiễn, mang lại kết quả hữu ích”, ông chia sẻ.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cũng nhìn nhận rằng trong thực tế hiện nay, đa số nhân dân ủng hộ và hết lòng xây dựng đất nước, nhưng bên cạnh đó, vẫn còn có trường hợp nhũng nhiễu, tiêu cực, ít nhiều ảnh hưởng tới sự phát triển chung của đất nước. Thậm chí, các cán bộ, đảng viên, có cả một vài vị lãnh đạo cấp cao vẫn thường nhắc đến, nói về tư tưởng, đạo đức của Bác, nhưng hành động thì đi ngược lại những gì họ nói. Một số trường hợp cán bộ còn bị xử lý kỷ luật, thậm chí xử lý hình sự, vì những vi phạm nghiêm trọng.
“Hiện tượng này khiến người dân mất đi niềm tin. Khi lãnh đạo có lời nói không đi đôi việc làm sẽ gây phản cảm và làm ảnh hưởng tới lòng tin của dân vào đội ngũ cán bộ. Nói nhiều nhưng không làm được, hoặc làm trái những gì nói ra, thì sao người dân có thể tin tưởng? Chính điều này thôi thúc chúng ta phải suy nghĩ lại, phải dám nhìn vào sự thật để thay đổi, và để đưa tấm gương Bác Hồ vào cuộc sống một cách đúng đắn.” – Tướng Hiệu nhấn mạnh.
Khi nói về giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh cho thế hệ trẻ, Thượng tướng nêu ý kiến: “Ta phải đưa vào trường học những gì? Dạy học sinh, sinh viên về Bác thì phải dạy những điều chân thật, những giá trị sống thiết thực. Tổ chức thi, trao giải để cộng đồng hiểu sâu thêm là tốt, nhưng quan trọng nhất là đưa kết quả thi chuyển hóa thành hành vi đạo đức thực tiễn.”
Theo ông, có những cuộc thi về học tập tư tưởng, đạo đức Bác Hồ, xây dựng Đảng, đạo đức cách mạng… đã được tổ chức trong nhiều năm qua. Nhưng điều đáng suy ngẫm là bao nhiêu trong số đó thực sự được đưa vào cuộc sống, bao nhiêu điều giá trị trở thành hành động cụ thể, tạo thành tác động thật?
“Chúng ta đã bỏ ra rất nhiều công sức, kinh phí, tổ chức các cuộc thi, phát động phong trào học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh,… nhưng cái quan trọng nhất là có áp dụng được vào thực tế hay không? Nếu không đưa được tư tưởng đó thành hành động thì tất cả chỉ dừng lại ở lý thuyết.”
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cũng cảnh báo về một thách thức rất lớn của thời đại: đó là sự nhiễu loạn thông tin và sự im lặng trước cái sai. Ông cho rằng, trong xã hội hiện đại, khi thông tin từ nhiều nguồn tràn ngập, thật giả lẫn lộn, thì điều cần thiết nhất là mỗi người dân phải có bản lĩnh đạo đức, biết phân biệt đúng sai, và dám lên tiếng vì sự thật.
“Nguy hiểm nhất không phải là cái sai, mà là việc không ai đứng lên để phản biện, và bảo vệ cái đúng.”
Nhân dịp sinh nhật Bác Hồ – vị lãnh tụ kính yêu, nhà tư tưởng lớn của dân tộc – Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu muốn nhắn nhủ người dân Việt Nam chúng ta một thông điệp: Học Bác không chỉ để thuộc lòng, để ngợi ca. Học Bác là để sống tốt hơn, sống có trách nhiệm, hành xử đúng đắn, để xã hội ngày một văn minh và đáng sống hơn.