Tác giả: Kiều Bích Hậu
Tôi có dịp gặp lại Giáo sư Lê Văn Lan trong một sự kiện đặc biệt tháng năm 2025 – lễ tôn vinh Cao trà Mục Nhan, một báu vật của núi rừng Việt Nam. Năm nay, giáo sư đã 92 tuổi. Dáng đi của ông chậm rãi hơn so với trước, nhưng ánh mắt vẫn sâu thẳm, tập trung, và từng lời ông thốt ra vẫn mang vẻ sắc sảo, trí tuệ vượt thời gian. Ở ông có sự minh triết khiến người đối diện phải lắng nghe bằng cả sự tôn kính.

Trong lúc trò chuyện bên lề sự kiện, một vị doanh nhân trẻ tuổi đã tiến lại gần và hỏi: “Thưa giáo sư, ông nhận xét thế nào về Cao trà Mục Nhan?” Không cần quá một nhịp thở, ông đáp gọn gàng nhưng vang dội: “Đó là báu vật quốc gia!”
Câu nói của ông như một mũi tên ghim thẳng vào tâm trí tôi. Trong một tích tắc, ông đã định nghĩa giá trị của trà và nâng nó lên tầm biểu tượng văn hóa, tầm quốc gia. Câu trả lời ấy hàm chứa cả lịch sử, địa lý, văn hóa và tâm hồn Việt. Đó là phong cách rất riêng của giáo sư Lê Văn Lan – một học giả uyên bác, người mang trong mình kho tàng tri thức của nhiều thế hệ.
Được mời phát biểu trong buổi lễ, giáo sư đã trình bày ngắn gọn nhưng đầy thuyết phục. Ông nói về trà với sự thấu hiểu sâu sắc cả về lịch sử lẫn tâm linh. Theo ông, Việt Nam là quê hương của trà – nơi có ngàn ngàn cây trà cổ thụ mọc trên các sườn núi cao, nơi đất trời nhiệt đới bốn mùa mưa nắng giao thoa để sản sinh ra loại thảo mộc quý giá này. “Trà là tinh hoa của đất trời, là kết tinh của khí hậu, thổ nhưỡng, và bàn tay con người Việt,” ông nhấn mạnh.
Không chỉ dừng lại ở giá trị ẩm thực hay dược liệu, giáo sư nhìn nhận trà còn là biểu tượng của văn hóa sống. “Trà là một phần trong bản sắc dân tộc Việt. Từ bữa cơm gia đình, đến lễ hội làng, từ bàn thờ tổ tiên đến những cuộc gặp gỡ trí thức – trà luôn hiện diện, gắn kết con người với nhau trong sự thanh nhã, tĩnh tại và sâu lắng. Cao trà Mục Nhan là thứ trà tinh khiết thành cao, công phu chế tác, hữu ích cho sức khỏe và tinh thần con người…”
Với tầm nhìn của một nhà sử học, giáo sư Lê Văn Lan không chỉ nâng cao giá trị của trà Việt bằng lời lẽ, mà còn truyền cảm hứng hành động. Ông khuyến khích các doanh nhân Việt cần thổi hồn vào trà, dùng trí tuệ sáng láng, sự sáng tạo không ngừng để xây dựng thương hiệu trà Việt trên trường quốc tế. “Trà Việt hoàn toàn xứng đáng có vị trí cao trong bản đồ trà thế giới. Điều đó không phải là mơ ước xa vời, mà là trách nhiệm của những người Việt Nam hôm nay,” ông khẳng định.
Đặc biệt, giáo sư đã chỉ ra một cách tinh tế rằng các doanh nhân Việt đang sống trong một giai đoạn đầy thuận lợi, hội tụ đủ bốn chữ “T”: Thời cuộc, Thời thế, Thời vận, Thời cơ. “Đó là thời điểm vàng mà lịch sử hiếm khi lặp lại. Các bạn cần tận dụng để phát triển tận lực, đưa Việt Nam thành một quốc gia thịnh vượng, hùng cường,” ông nói, giọng đầy tâm huyết và niềm tin.
Nghe ông nói, tôi cảm nhận như đang được uống một tách trà cổ – trầm mặc, sâu xa, nhưng thấm đẫm hương đời. Ở tuổi 92, ông không chỉ là một nhà sử học, một trí thức uyên bác, mà còn là một biểu tượng sống về lòng yêu nước, về sự bền bỉ của tri thức và lý tưởng dân tộc.
Trong thời đại nhiều biến động hôm nay, những người như giáo sư Lê Văn Lan chính là những cột mốc tinh thần – nhắc ta nhớ về cội nguồn, về bản sắc, và thôi thúc ta hành động có trách nhiệm với quê hương. Trí tuệ của ông không bị thời gian bào mòn, mà ngược lại, càng trở nên sáng rõ, sắc bén, và có giá trị định hướng lâu dài.
Giáo sư Lê Văn Lan – một con người tầm thước về dáng hình, nhưng vĩ đại trong tư tưởng, chính là thể hiện của chân lý: trí tuệ chân chính luôn vượt lên mọi giới hạn thời gian. Và trong nhịp sống hối hả hôm nay, sự hiện diện của ông như một tiếng chuông chậm rãi nhưng ngân vang, đánh thức lòng tự hào, thức tỉnh khát vọng vươn lên của cả một dân tộc.