Truyện ngắn của LÊ HÀ NGÂN
Con đường dài thẳng tắp. Khói sương ảo mờ đùng đục màu
nước hến. Không gian như vón cục, khùa tay cảm giác như bốc được từng bụm khói. Khí lạnh bao phủ như từ đáy vực sâu thẳm tỏa ra ớn lạnh khiến kẻ yếu bóng vía phải rùng mình. Sông Nại Hà dài thăm thẳm đen ngòm, tiếng hú thét của quái thú dưới sông rú lên thê thiết. Thuồng luồng cá sấu đang ngoi trên mặt nước đợi đớp những vong hồn sắp sa chân xuống dòng nước đen ngòm và tanh hôi đó. Cầu Nại Hà bắc ngang sông Hoàng Tuyền oằn mình như sắp gẫy run lên bần bật trong trận gió từ âm tào thổi lại. Dòng sông chia hai nửa, bên tử và bên sinh. Một nửa tăm tối, một nửa bừng sáng như có hào quang tỏa rạng từ chiếc mũ của vị Long Thần Hộ Pháp đang chờ đón những linh hồn thánh thiện đưa qua cầu Nại Hà một cách nhẹ nhàng.
Tòa Thập Điện Minh Vương đèn nến sáng choang cả một góc trời. Mười vị Diêm Vương đang trầm tư ngồi trước bàn phán xử. Khí lạnh tỏa ra rợn ngợp. Ba bóng trắng vẫn lởn vởn bên bờ sông, chưa chịu bước vào âm giới.
Bỗng một kẻ trong số họ chợt kêu lên: Trời ơi! Hoa bỉ ngạn đỏ rực như màu máu, yêu dị diễm lệ biểu tượng của tình yêu đây hay sao? Các ông hãy nhìn đi, tôi thấy tim mình như run lên khi nhìn thấy loài hoa này. Ôi sao lòng tôi lại thương nhớ và sầu khổ thế cơ chứ? Chả hiểu lúc này, nàng đã thôi khóc chưa? Người thiếu phụ từ xứ sở xa xôi mà ánh mắt lúc nào cũng đẫm lệ làm tan nát tim tôi.
Người đàn ông cao lớn có bộ râu quai nón, sống mũi thẳng tóc hung vàng, ánh mắt biếc xanh, rầu rầu khoác tấm áo màu trắng vải liệm bay phất phới trong gió lạnh. Ông ta chống chân trụ lại để thân hình to lớn như khỏi bay xuống dòng sông đen ngòm. Nhìn thấy người đàn ông gầy yếu mỏng như chiếc lá đang dật dờ trước mặt mình, liền đưa bàn tay ra nắm lấy bàn tay xương xẩu của người gầy yếu kia.
Giọng nói khàn đục thân tình như nói với người bạn lâu ngày gặp lại: – Ồ xin chào ông bạn? Ông từ xứ sở nào mà cũng đi cùng đường với tôi ư?
Người ấy xòe bàn tay lạnh giá ra cho kẻ to lớn kia nắm lấy. Bàn tay to bè lắc lắc đôi bàn tay xương xẩu. Bỗng người đàn ông to lớn kia khựng lại, như nhìn thấy một cái gì rất thân quen.
Ông có phải là người đội mũ tai bèo mặc quân phục mà tôi đã gặp trong tấm ảnh mà Trầm thường bỏ ra nhìn ngắm mỗi buổi chiều không?
Nhìn khuôn mặt có bộ râu quai nón, ánh mắt biếc xanh đang ngước lên dò hỏi, người đàn ông gầy gò chợt rùng mình: Ồ! Sao ông biết vợ tôi? Mà sao còn biết cả tấm hình tôi chụp trong những ngày chiến tranh khốc liệt nơi thành cổ Quảng Trị nữa? Chẳng lẽ ông là…
Câu nói buông lửng nghi ngại đầy dò hỏi khiến cho kẻ kia bối rối. Đôi bàn tay vung lên trong gió lạnh như phân bua và cũng như để lấy thêm can đảm: Tôi không xấu hổ mà thú nhận với ông rằng tôi là người tình của vợ ông. Tôi yêu và kính trọng Trầm, sẽ mang bóng hình của cô ấy suốt kiếp này. Tôi tôn thờ vợ ông cũng như những người phụ nữ Việt Nam mà tôi đã gặp trong chiến tranh. Tôi là một người Mỹ bị tổng động viên đẩy vào cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Trong làn khói sương ảo mờ, người đàn ông nước Mỹ lặng buồn khi nhớ về quá khứ của mình. Ngày ấy Bơ-men là sinh viên năm cuối của một trường đại học danh tiếng ở Caliphoóclia, bỗng một ngày anh được lệnh tổng động viên xung vào đội quân đánh thuê xâm lược đất nước ở bên kia bán cầu có cái tên xa lạ Việt Nam. Chàng sinh viên mơ mộng, chỉ quen chơi vĩ cầm, đôi bàn tay mềm mại như tay con gái giờ bị cưỡng bức cầm súng. Mảnh đất xa lạ, có bóng dừa thơ mộng, có những người con dịu dàng với khăn rằn và áo bà ba hiền lành khiến anh thường dâng lên nỗi nhớ nhà không thể nào chịu nổi. Khác với đồng đội mình Bơ-men thường âu sầu nghĩ vẩn vơ đi đâu. Anh không muốn cầm súng, nhưng cái ngày anh phải thực sự hòa vào chiến sự thì cũng là lúc chiếc xe tăng của quân giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc lập. Bơ-men thở phào nhẹ nhõm nhập vào hàng binh. Một thời gian sau anh cũng được lên máy bay trao trả về nước. Tám tháng ở cái xứ sở nhiệt đới khói lửa nhưng vẫn thấp thoáng bóng dừa đã đi vào tiềm thức của anh. Cũng may anh chưa kịp xả một viên đạn nào xuống mảnh đất hiền lành ấy để lương tâm khỏi cắn rứt. Ngày trở về, Bơ-men sống trong ánh nhìn lạnh lẽo của nước Mỹ dành cho những kẻ thất trận. Anh lại trở về trường đại học xưa nhưng cô bạn gái của anh đã nhanh chóng nhận lời cầu hôn của kẻ khác mà không hề chờ đợi anh về. Anh lặng lẽ sống. Nỗi buồn gặm nhấm những ngày dài lê thê như mùa đông băng giá. Bơ-men học thêm chứng chỉ sư phạm và bắt đầu vào nghề dạy học.
Đêm ngoại ô buồn hiu hắt. Anh bỗng gặp người đàn bà châu Á lang thang trên đường. Cái dáng nhỏ gầy gò đến tội nghiệp, khiến anh không cưỡng lại được cảm xúc. Bơ men tiến lại gần, anh ngỡ ngàng khi nhận thấy cô ta là người Việt Nam. Bờ vai nhỏ đang run lên sợ hãi, tiếng nức nở sũng nước ném vào đêm. Anh cất tiếng hỏi nhưng chỉ thấy cô ấy lắc đầu. Vốn tiếng Anh ít ỏi người đàn bà lặp đi lặp lại hai tiếng: bị đuổi.
Nhìn thiếu phụ, Bơ-men không thể đành lòng để cô ta lang thang trên đại lộ đêm khuya, anh nhẹ nhàng dắt cô về nhà mẹ đẻ của mình. Để cô ở lại đấy chăm sóc bà và tạo điều kiện trả tiền lương cô như người giúp việc. Cái buổi sáng định mệnh ấy đã khiến anh không bao giờ quên được. Tiếng gõ cửa phòng dè dặt cất lên. Bơ-men mệt mỏi cố lê bước chân mở cửa. Người đàn bà nhỏ bé hiện ra trước mắt: Ông bị ốm ư? Hoa trong vườn nở nhiều quá! Bà cụ bảo tôi tới thay hoa trong phòng cho ông.
Trên tay nàng là những bông hồng đỏ thắm, hương ngào ngạt, đôi mắt to đen láy nhìn Bơ-men thật dịu dàng khiến tim anh xốn xang. Anh gượng dậy cầm lấy tay cô: Cảm ơn cô.
Đôi bàn tay bỏng rát của người sốt khiến cô lo lắng: Ồng bị sốt rồi. Để tôi nấu chút gì cho ông ăn giải cảm nhé! Còn đang ngỡ ngàng thì suối tóc dài mềm mại và dáng hình thon thả ấy đã bước đi. Chỉ ít lâu sau cô quay lại với cái liễn bốc hơi nghi ngút. Cô nấu cháo hành, một món ăn Việt Nam mà anh chưa bao giờ thưởng thức. Chỉ biết là một hương vị thật đặc biệt hấp dẫn khiến Bơ men cảm động. Thìa cháo đặt lên môi mới ấm áp, quyến luyến làm sao. Anh mạnh dạn ăn hết bát cháo, nhìn giọt mồ hôi lấm tấm trên trán anh, người đàn bà ấy mỉm cười. Nụ cười hiền hậu khiến anh ấm lòng, mọi mệt mỏi dường như tan biến.
Minh họa của Hà Bắc
Thời gian nhanh như tuần lộc chạy về miền gió tuyết, nhà nhà đã chuẩn bị trang hoàng cây thông Noel chào đón một mùa Giáng sinh rộn rã tươi vui. Chuông điện thoại đổ dồn. Trầm hối hả bắt di động. Tiếng người mẹ già buồn bã cất lên: Con ơi! Thật là tai họa, con thì đi xứ người kiếm ăn, còn chồng con thì dẫn gái về nhà. Con liệu mà suy tính ở lại xứ người hay trở về con nhé!
Điện thoại tắt mà Trầm vẫn bàng hoàng tê tái, nỗi đau xót nghẹn ngào dâng lên quặn thắt lòng cô. Về thì bây giờ sẽ lấy tiền ở đâu mà trả nợ cho cái nhà mới xây? Về thì đâm đầu vào đâu để đủ tiền đập vào khoản vay chạy xuất khẩu nước ngoài đây? Trầm đau đớn, lấy tấm ảnh chồng từ trong chiếc ví mà cô luôn mang theo bên mình. Cô không ngờ mới chỉ hai năm trời cô đi vắng mà anh đã thay lòng đổi dạ. Cô òa khóc tức tưởi, nước mắt ướt đẫm tấm ảnh người đàn ông đội mũ tai bèo giải phóng. Trầm đau đớn lịm đi trong cơn đau khi ngẩng lên thì đã thấy đôi mắt biếc xanh đang nhìn mình dò hỏi đầy bối rối. Chiếc khăn tay được đặt vào tay cô: Trầm sao lại khóc, có gì từ từ giải quyết mà, không phải mọi cánh cửa đều có thể đóng trước mắt ta đâu.
Lời nói vừa dứt, Bơ-Men đã cầm tay Trầm kéo đứng lên và mở cửa xe ấn cô vào ghế ngồi. Anh kéo dây bảo hiểm buộc cẩn thận cho cô rồi chiếc xe lao đi trong gió lạnh. Trầm còn đang buồn bã ngơ ngác thì xe dừng lại trước một cánh đồng hoa oải hương tím biếc. Màu hoa tím như đang tỏa khói trong mưa bụi mùa đông. Hương thơm man mát như mùi nước hoa mà Bơ- Men thường dùng khiến lòng Trầm nao nao một cách khó tả. Người đàn ông xứ lạ dường như không còn xa cách nữa mà có chút gì thật gần gụi thân quen. Đôi bàn tay ấm áp đó đã kéo cô vào giữa biển hoa tím mùa đông. Loài hoa bắt đầu nở từ cuối đông rồi kéo dài suốt một mùa xuân tỏa hương thơm dịu dàng nhưng có chút gì trễ nải như bàn tay mời gọi. Trầm lặng lẽ, bàn chân gần như vô thức bước theo sự dìu dắt của Bơ-men. Anh ân cần chăm sóc cô chu đáo. Cái cảm giác nhìn nước mắt cô rơi khiến tim anh nhói đau. Anh không muốn người đàn bà này phải khóc, chẳng hiểu sao cái ý nghĩ yêu thương bảo bọc cô đã trỗi dậy trong anh tự lúc nào. Cuộc rong chơi trên cánh đồng oải hương làm Trầm bối rối nhưng hình như lòng cô cũng dịu đi nỗi đau.
Mùa Giáng sinh năm ấy bạn bè của Bơ-men ngạc nhiên khi anh đi đâu cũng đem theo người phụ nữ châu Á xinh đẹp. Cô dịu dàng trong chiếc khăn choàng tím có thêu những bông hoa oải hương. Nhìn Bơ-men hạnh phúc, họ cất tiếng hỏi nhỏ nhưng chỉ bắt gặp cái lắc đầu của anh và nụ cười rạng ngời.
Gió lạnh từ âm giới thổi mạnh. Từng luồng buốt giá. Khuôn mặt của Bơ-men xanh xao đẫm buồn. Tên lính đội mũ đầu trâu từ biệt điện của U Minh phủ chạy ra thét một giọng âm quái: Còn đứng đây làm gì nữa, hãy mau bước qua cầu Nại Hà để ta đưa các ngươi vào gặp Diêm Vương.
Nếu không, ta sẽ đẩy các ngươi vào vùng u tối không bao giờ được giải thoát. Cửa luân hồi đang đợi giờ lành.
Người đàn ông gầy yếu hốt hoảng xua tay van nài: Xin ngài cho phép chúng tôi được giãi bày hết những uẩn tình của cõi nhân gian rồi đưa chúng tôi đi đâu cũng chưa muộn mà.
Người đàn ông van vỉ khiến cho gã lính ngục của U Minh điện thoáng mủi lòng. Hắn sốt ruột khua khua tay rồi cất giọng rợn lạnh: Nhanh lên, nhanh lên. Ta chỉ có thể cho các ngươi thời gian là tàn nửa cây hương mà thôi. Giới luật nơi này rất nghiêm cẩn nếu không nhanh thì các ngươi sẽ phải hối hận tới muôn kiếp.
Người đàn ông gầy gò nhìn Bơ men chăm chú, khuôn mặt khổ sở tiều tụy cất lên tiếng nói gầy buồn: Tôi cũng là người có nỗi khổ tâm ông ạ! Tôi có tội với Trầm nhiều lắm. Gặp gỡ đây tôi đã phần nào hiểu hơn về cô ấy. Tôi thương Trầm và càng thương Thụy nhiều hơn. Chẳng biết khi tôi rời xa dương thế nàng sẽ sống như thế nào? Người đàn bà tội nghiệp dang dở mà tôi không thể nào quên được.
Đôi mắt ông ta đẫm nước, giọng nói tắc nghẹn buốt giá. Kí ức mờ sương sống lại rõ ràng trước mắt ông.
Chiều trung du heo hút buốt giá. Mặt đất cằn sắt lại, đồi cỏ may xơ xác bạc phếch những khóm lau đang ngửa mặt nhìn trời. Con bò già còm cỗi chúi mõm ủi cả đất đá ong bòn cỏ. Người đàn bà áo đen chít khăn xô trắng dáng vẻ gầy yếu chon von trong chiều gió bấc đang gò lưng lôi dây thừng kéo con bò đi. Dáng vẻ tội nghiệp như đóng đinh vào chiều khiến người ta không khỏi se lòng. Người đàn bà kéo dây thật mạnh. Con bò giật dây bỏ chạy. Chị đuổi theo ngã sấp xuống mặt đất không gượng dậy dược. Đôi môi người đàn bà tái xám, khuôn mặt trắng bệch như không còn sự sống.
Cũng may ông vừa đi qua đó, vội dừng xe vực người đàn bà vào cái lán giữa đồng. Ông ra sức lay gọi:
Cô gì ơi! Mau tỉnh lại đi. Trời lạnh thế này ra đồng làm gì để ngất lịm cho khổ?
Ông ra sức gọi, người đàn bà vẫn không tỉnh, nhớ tới hộp cao sao vàng trong túi áo, ông vội vàng xoa lên thái dương cho cô. Chẳng ngại ngùng, ông giật tóc mai người đàn bà một lúc lâu cô mới lờ đờ hé mắt. Nhanh tay người đàn ông vơ vội nắm cỏ và ít lá thông ven lán, xòe bật lửa đốt lên. Có hơi lửa căn lán nhỏ giữa đồng dường như ấm lên, người đàn bà tỉnh hơn: Con bò…con bò đâu rồi… Nó đi đâu mất thì chết nhà cháu. Tiếng gọi thất thần sợ hãi, khiến người đàn ông chợt hiểu ra người ấy đang đi tìm bò. Cô cố gượng đứng lên, ông ấn vai xuống: Cô không được ra ngoài kẻo gió lại lăn ra đấy thì khốn. Tôi sẽ giúp cô…
Nói rồi ông tất tả dắt xe đạp bỏ đi, để lại người đàn bà xanh xao trong cái lán nhỏ giữa đồng heo hút. Con bò đói ăn tuột dây bỏ chạy vào tận nương sắn xa tít, thấy bóng người nó lại bỏ chạy. Phải gần hai tiếng sau, trời sẫm tối ông mới nắm được sợi dây, lùa nó về cái lán nhỏ giữa đồng. Người đàn ông thương cảm nhìn vành khăn tang trắng trên mái đầu người đàn bà đang xoan. Từng đợt gió lạnh khiến cô run rẩy. Chẳng nói rằng ông liền dắt con bò đi thẳng trong sự ngơ ngác sợ hãi của người đàn bà. Một lúc sau ông trở lại với chiếc áo bông bộ đội to sù sụ khoác vào người cô: Trời lạnh lắm lại tối rồi. Có lẽ cô sẽ về xa, cô sẽ không thể đủ sức dắt con bò đi trong đêm lạnh được đâu. Tôi đã cọc bò chắc chắn vào vườn nhà tôi rồi, cô lên xe tôi đưa về rồi mai tính tiếp.
Người đàn bà ngần ngại lí nhí cảm ơn, rồi đưa tay vào cánh tay áo bông. Nhìn thấy chiếc áo lính chị chợt yên lòng, bẽn lẽn ngồi lên yên xe cho người đàn ông đạp về xóm nhỏ.
Đưa người đàn bà vào bếp đốt lửa, hơ ấm, ông hối hả ra vườn hái nắm lá tía tô, lại vào chuồng gà nhặt được hai quả trứng, nấu vội bát cháo nóng hổi đặt vào tay cô: Cô thông cảm ăn tạm, nhà không có đàn bà nên tôi ăn uống tùng tiệm có gì dùng vậy.
Ngước đôi mắt biết ơn, người đàn bà bối rối cầm bát cháo và òa khóc. Cô chợt nghẹn ngào vì đã lâu lắm rồi cô đâu được cử chỉ chăm sóc ân cần này. Chiến tranh đã lấy đi của Thụy người đàn ông mà nàng thương yêu. Anh trở về với hình hài không còn nguyên vẹn, họ sống với nhau trong nước mắt và ngậm ngùi. Người ấy đã sớm ra đi vì nhiễm chất độc màu da cam. Thụy đợi người ấy hơn mười năm biền biệt. Ngày trở về cô mặc áo cô dâu chưa đầy ba tháng thì chồng Thụy đã vĩnh viễn nằm trong đất lạnh. Hạnh phúc của cô héo úa.
Biết là mình có lỗi với người vợ tha hương vì gia đình nhưng ông vẫn không thể đành lòng nhìn dáng người đàn bà sáng sớm tinh mơ đã phải lùa bò ra đi trong màn sương lạnh giá. Cũng chả hiểu thế nào từ buổi chiều đông giá đó bóng người đàn bà côi cút trên nẻo đồng hoang luôn là nỗi ám ảnh trong lòng ông. Định mệnh trớ trêu đã xui khiến ông thường lén lút tới căn nhà hoang lạnh có người góa phụ đó. Thụy héo úa giờ tươi tắn hơn trong sự bảo bọc và thương cảm của ông. Mặc điều ong tiếng ve, ông vẫn âm thầm quan tâm tới người phụ nữ có đôi mắt như hai hồ nước thăm thẳm nỗi buồn. Nhìn vào đấy như gặp cánh vạc chiều về muộn, khắc khoải và thê lương cần sự bảo bọc chở che.
Gió âm tào vẫn lồng lộng buốt giá, người đàn ông rùng mình nhớ lại. Buổi chiều hôm ấy Thụy đang ngồi bên thềm cửa vá áo cho ông thì chiếc xe hơi dừng lại ngoài ngõ. Trầm bước xuống lộng lẫy như một bà hoàng. Chiếc va li được kéo vào sân. Ánh mắt sắc lạnh của Trầm quét lên người đàn bà đang chới với trong tay chiếc áo của chồng mình. Giọng nói Trầm rợn lạnh cất lên: Cô đi đâu thế? Ở lại ăn bữa cơm đoàn tụ với vợ chồng tôi chứ? Giọng nói lạnh khiến Thụy luống cuống: Chị mới về ạ! Em xin phép ạ… Thụy bỏ chạy ra ngõ trong tiếng hừ lạnh đầy uất ức của người đàn bà ngát hương nước hoa oải hương
đang ngồi phịch xuống thềm. Nỗi đau đớn hờn ghen cố dằn lại giờ mới kịp bung ra.
Mặc ông giải thích, Trầm vẫn nín lặng không một lời oán thán. Vẻ cam chịu của cô khiến ông buốt ruột. Thà cô cứ gào lên như bao người đàn bà khác có chồng đi ngoại tình có phải ông nhẹ lòng hơn. Đêm hoang hoải và tuyệt vọng, Trầm quay mặt vào vách rã rời chỉ có thạch sùng ném lưỡi vào đêm. Ôm Trầm trong tay mà ông vẫn nhớ Thụy đến thắt lòng. Kể từ buổi Trầm trở về Thụy đã bỏ nhà ra đi mất dạng.
Thương nhớ khiến ông đổ bệnh, Trầm vẫn âm thầm chăm sóc ông không một lời oán trách. Cầm phiếu xét nghiệm căn bệnh ung thư trên tay ông biết phận số của mình đã an bài. Ông ứa nước mắt nhìn vợ. Người đàn bà nhìn giọt nước mắt chồng mà đau đớn. Và càng đau đớn hơn khi cô nhận được tin nhắn của Bơ-men đêm qua là anh cũng vừa phải vào bệnh viện điều trị gấp. Ôi hai người đàn ông đi qua đời Trầm, khiến lòng cô tê tái. Nhìn chồng xanh xao trên giường bệnh mà mắt vẫn nhìn ra ngõ khắc khoải cô chẳng thể cầm lòng. Cô vụt bỏ chạy…
Bóng người đàn bà xiêu vẹo trên bờ ruộng, vừa lạ vừa quen khiến Thụy rảo bước. Người đàn bà thấy Trầm tới gần thì sợ hãi lấy nón che mặt. Trầm vội vàng lên tiếng: – Cô đừng ở đây nữa, anh ấy bị bệnh nặng lắm. Lúc này anh ấy rất cần có cô ở bên.
Thụy òa khóc, sợ hãi ném cái nón xuống bờ ruộng rồi bước thấp bước cao chạy theo Trầm về con ngõ quen thuộc ngày nào cô vẫn đi qua.
Người đàn ông giàn giụa nước mắt khi thấy Thụy bước vào. Trầm vụt bước qua khoảng sân mà nước mắt tuôn rơi. Hai người đàn bà luôn túc trực bên giường bệnh với bao ân tình dành cho kẻ sắp lên chuyến tàu cuối về thế giới bên kia.
Rét nàng Bân buốt giá. Hoa gạo rụng đỏ hố vôi thì người đàn ông ra đi trong tiếng khóc nghẹn ngào của hai người đàn bà bất hạnh.
Hoa oải hương đã lụi trên cánh đồng xứ Mỹ xa xôi. Mùi thơm của oải hương vẫn còn vướng vít bao kỷ niệm về người thiếu phụ Việt Nam. Bơ-men tội nghiệp thương nhớ cũng mang bóng hình nàng về lòng đất lạnh.
Nén hương trên tay thuộc hạ của U Minh điện đã cháy đúng nửa. Đôi bàn tay của hắn khua khua giọng nói đầy uy lực và âm khí cất lên: Các ngươi than vãn thế là đủ rồi. Thời khắc đã điểm. Các ngươi hãy bước lên cầu Nại Hà mau.
Nhìn hoa bỉ ngạn chợt rực thắm bên bờ sông. Bơ-men chợt nghẹn ngào: Chúng ta không có lỗi, tất cả là do phận số và chiến tranh. Hai người đàn bà của ông và tôi cũng đều không có tội, vì hoàn cảnh đẩy đưa. Họ đáng yêu thương hơn là hờn giận.
Người đàn ông gầy gò chợt ôm lấy Bơ-men. Hai cái bóng phất phơ với áo liệm trắng nắm tay nhau bước lên cầu Nại Hà. U Minh điện chợt sáng lên. Làn khói trắng ngát sen cuốn lấy hai cái bóng rồi biến mất.
Chiều trung du hoang lạnh trong màu xanh của khoai sắn. Xa xa nơi cánh đồng trên nấm mộ người đàn ông có di ảnh mặc áo lính đội mũ tai bèo, bóng hai người đàn bà đang gục xuống. Nước mắt của họ thấm xuống cỏ biếc của tiết thanh minh. Trầm chợt nắm tay Thụy đứng lên.
Mình về thôi em. Anh ấy sẽ chẳng yên lòng nếu chị em mình cứ ngồi mãi thế này.
Mưa trung du chợt xối xả, lúa đang nghén đòng đang khao khát chờ đợi những cơn mưa chớm hạ.
L.H.N