Trần Quỳnh Hoa
Ngày 27/11/2024, tại Trung tâm Hội nghị Công đoàn đã diễn ra hội nghị “Lý luận phê bình văn học lần thứ V – 50 năm văn học Việt Nam từ 1975: Thành tựu và Xu thế”. Đây là hội nghị văn học thường kỳ được Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp cùng Hội đồng Lý luận văn học nghệ Trung ương tổ chức.
Phát biểu khai mạc hội nghị, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam tóm tắt lại ba bước ngoặt sâu sắc cho dòng chảy văn học. Đầu tiên là ngày Giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước – 30/4/1975. Sau khi cuộc chiến tranh kết thúc là giai đoạn văn học được viết trong hòa bình, trên mảnh đất từng bị chia cắt, nay đã được đoàn tụ. Có thể các nhà văn khi ấy vẫn chưa bắt kịp được với nhịp lịch sử, nhưng sự kiện này đã đóng dấu mốc quan trọng trong lịch sử đất nước và trong tâm khảm người cầm bút. Bước ngoặt thứ hai là công cuộc Đổi Mới của Đảng, tiến hành trên mọi lĩnh vực: đời sống, kinh tế, xã hội, văn học nghệ thuật… Nhờ vậy mở ra biên độ rộng về đề tài, thi pháp, tư tưởng thời đại… đóng góp và nâng nền văn học lên tầm cao mới. Bước ngoặt thứ ba là khi đời sống chính trị Việt Nam hòa nhập vào đời sống chính trị thế giới. Lúc bấy giờ văn học Việt Nam có cơ hội trở lại bản chất nguyên vẹn của văn học và có bước đi chung với dòng chảy văn học quốc tế. Nhìn chung, mục đích của hội nghị lần này là tổng kết, tôn vinh giá trị đã có trong năm mươi năm qua, và chào đón thời đại mới của văn học Việt Nam như chúng ta từng mong đợi.
Theo PGS. TS. Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, nhà lý luận phê bình là người đồng hành, cổ vũ cho sáng tác; cần có năng lực, làm việc theo tính khoa học; thể hiện được tính nhân văn, dân chủ, hiện đại, bản sắc văn hóa của đất nước; và đủ bản lĩnh để ủng hộ cái mới, đẩy lùi những điều thấp kém, tầm thường, đi ngược lại với lợi ích dân tộc. Trong những năm qua, nhiều hội nghị về lý luận phê bình đã được tổ chức trên tinh thần đổi mới, cởi mở, phân tích một cách khoa học các vấn đề căn cốt, công bằng chỉ ra mặt đóng góp và mặt hạn chế. Phạm vi nghiên cứu văn học cũng được đổi mới, mở rộng, gắn liền với xu hướng giao lưu quốc tế sau năm 1975, rồi đến sự xuất hiện của internet và tương tác toàn cầu. Trong khi nhiều nhà nghiên cứu đã mài giũa ngòi bút để phù hợp với thời đại, nhiều người còn giữ lối viết khuôn sáo, rời rạc, mang tính lý thuyết. Cần tránh các xu hướng: xem nhẹ tính chuyên nghiệp; cảm tính, thiếu tiêu chí cụ thể; lực lượng viết phân bổ không đều; xu hướng tự phát, thiếu đồng bộ; viết phê bình như hình thức quảng cáo, PR theo hợp đồng, gây nhiễu loạn xã hội. Một số giải pháp bao gồm tăng cường đổi mới nhận thức về đặc trưng văn học nghệ thuật; kết hợp hài hòa giữa kế thừa tinh hoa văn hóa dân tộc và tiếp thu tinh hoa thế giới; chú trọng phát triển tài năng, bồi dưỡng đội ngũ, tôn trọng nhu cầu tự do sáng tạo.
Trình bày tham luận “Khát vọng đổi mới sau năm mươi năm thống nhất đất nước” của mình, TS. Đỗ Hải Ninh trình bày về sự vận động của tiểu thuyết sau năm 1975. Cụ thể, từ năm 1986 đến năm 1991, văn học có xu hướng không chỉ nhìn thẳng vào sự thật mà còn nhìn sâu vào bản chất con người; kích thích sự đối thoại, tra vấn về quá khứ, lịch sử và thân phận con người. Tử năm 1992 đến năm 1999, do chịu sự tác động của quốc tế và xu hướng thị trường, có rất nhiều tác phẩm thuộc thể loại tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết kỳ ảo, giả tưởng… nhưng đa phần cách kể chuyện đều tuân theo lối truyền thống, không có nhiều đột phá. Từ năm 2000 đến nay, sự phát triển của internet thúc đẩy giao lưu văn hóa và hội nhập sôi động, tạo nên nhiều bước tiến trong văn học. Nhiều tác phẩm của người Việt ở nước ngoài đã đến tay bạn đọc trong nước. Xu hướng chung là đào sâu vào cái tôi cá nhân, cái tôi bản thể và nỗi bất an của con người.
Hội nghị tiếp tục với nhiều bài tham luận và ý kiến đóng góp. Theo PGS. TS. Nguyễn Đăng Điệp, vai trò của lý luận phê bình văn học là rất quan trọng, vì chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật để tiếp tục phát triển. Ông ví phê bình văn học giống như việc kê đơn bệnh, nếu làm không chuẩn sẽ rất khó chọn thuốc, đặc biệt là trong bối cảnh phức tạp của tương tác đa chiều thời đại hiện nay.