Trần Quỳnh Hoa
Ngày 04/10/2024, tại trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế “Viết về đề tài chiến tranh cách mạng và hình tượng bộ đội cụ Hồ”. Hội thảo được tổ chức bởi trường ĐH Sư phạm Hà Nội và tạp chí Văn nghệ Quân đội nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 80 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị, 73 năm thành lập trường ĐH Sư phạm Hà Nội, 67 năm ra đời số báo đầu tiên của tạp chí Văn nghệ Quân đội, và hướng tới kỷ niệm 20 năm thành lập Khoa Việt Nam Học của trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Tham dự hội thảo có rất nhiều học giả, nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ, những người lính đã trải qua chiến tranh… cùng nhau thảo luận về một đề tài có ý nghĩa sâu sắc đối với dân tộc.
Theo nhà văn Nguyễn Bình Phương, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, viết về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính là lương tri và trách nhiệm của những người sáng tạo văn học nghệ thuật. Chúng ta không thể tiến lên những bước đi vững vàng nếu phía sau lưng không có sự vững chắc của quá khứ. Viết về đề tài chiến tranh cách mạng chính là một cách để củng cố, làm vững chắc quá khứ ấy.
GS. TS. Lê Huy Bắc, Trưởng Khoa Việt Nam Học trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho biết hội thảo lần này đã nhận được 200 bản tóm tắt và 114 tham luận toàn văn của các học giả trong nước và quốc tế. Theo ông, dù tiếng súng đã lặng yên trên mọi miền Tổ quốc, chủ đề chiến tranh cách mạng và anh bộ đội cụ Hồ vẫn cần được nghiên cứu để hiểu về căn tính dân tộc. Đặc biệt, chủ đề này càng trở nên cấp thiết hơn trong bối cảnh chiến sự đang leo thang ở nhiều nơi trên thế giới.
Mở đầu hội thảo là tham luận “Vị trí toàn cầu của đế chế Mông Cổ và cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông của các dân tộc Đông Á”. Tham luận đã lý giải cuộc kháng chiến từ góc nhìn toàn cầu và phân tích các yếu tố nội tại – như địa lý, văn hóa, khả năng lãnh đạo quân sự – của Đại Việt dẫn đến chiến thắng quân Nguyên Mông. Qua đó, ông đưa ra khái niệm lịch sử toàn cầu – dùng góc nhìn toàn cầu để soi rọi các sự kiện địa phương và nhìn nhận tính liên kết của các cuộc kháng chiến từ nhiều quốc gia trong khu vực.
Hội thảo tiếp tục với các tham luận thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như hội họa, văn học, văn hóa, giáo dục… Đặc biệt, trong tham luận “Những khuynh hướng sáng tác trong tiểu thuyết viết về người lính và chiến tranh ở Việt Nam những năm đầu thế kỷ XXI”, PGS. TS. Nguyễn Thanh Tú nhấn mạnh sự chuyển mình từ xu hướng tái hiện lịch sử trong văn học đến xu hướng văn hóa nhân bản, có tính hòa giải. Các tác phẩm trước đây thường chỉ phân loại nhân vật vào bên “ta” hoặc “địch”, nhưng hiện nay đã xuất hiện một cách xây dựng nhân vật mới: hình tượng người lính trên đường biên, không là ta cũng không là địch mà ở vùng trung gian tiếp xúc văn hóa. Xu hướng văn hóa nhân bản này là tính mới trong nghệ thuật, nhưng cũng cần được đánh giá thận trọng. Điển hình cho xu hướng này là tác phẩm “Từ giờ thứ 6 đến giờ thứ 9” của Nguyễn Một (giành giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2023), được hội thảo thân tặng khách mời tham gia.
Cùng lĩnh vực văn học, nhưng tham luận “Thơ viết về đề tài người lính biển từ năm 1975 đến nay qua góc nhìn ký hiệu văn hóa” lại phân tích hình tượng biển đảo và người lính hải quân trong thơ dưới góc nhìn lịch sử và ký hiệu văn hóa. Theo ThS. Phạm Khánh Duy, thơ là hành trình từ ký hiệu đến biểu tượng: bộ quân phục, cây súng, ánh mắt can trường, tiếng hát lạc quan… đã làm nên hình ảnh người lính biển. Các nhà thơ đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao ý thức về đề tài này, thể hiện niềm tự hào về biển đảo Việt Nam và nỗi đau, sự mất mát của người chiến sĩ bảo vệ biển đảo quê hương:
“Cờ Tổ quốc phất lên trong mưa đạn
Phút cuối cùng đảo đá hóa biên cương
Anh đã lấy thân mình làm cột mốc
Chặn quân thù trên biển đảo quê hương.”
(Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra – Nguyễn Việt Chiến)
Tham luận “Chiến tranh tác động đến đời sống cá nhân và cộng đồng: trường hợp ‘Gánh gánh… gồng gồng’ của Xuân Phượng” của PGS. TS. Nguyễn Bích Thu lại mang đến cái nhìn về vai trò và sự gắn bó giữa cái tôi cá nhân và cộng đồng trước lằn ranh chiến tranh và hòa bình. “Gánh gánh… gồng gồng” là tập hồi ký của Xuân Phượng, bà năm nay đã 95 tuổi, là người chứng kiến nhiều thăng trầm trong lịch sử đất nước. Những ký ức của bà cho thấy hình ảnh người phụ nữ luôn phải đấu tranh nhưng đủ bản lĩnh để vượt thoát và làm chủ cuộc đời mình giữa những biến động thời cuộc. Đây cũng là tham luận cuối cùng được trình bày.
Kho tàng văn học nghệ thuật về đề tài chiến tranh của nước ta vô cùng giàu có. Để nghiên cứu sâu sắc và trọn vẹn kho tàng ấy, cần sự góp sức của rất nhiều học giả với góc nhìn đa chiều, tri thức liên ngành và liên khu vực. Đề tài chiến tranh cách mạng và hình tượng người lính nói về căn tính dân tộc ta, về lòng yêu nước cháy bỏng, khát khao được sống trong hòa bình và tinh thần bất khuất kiên trung – “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Hiện nay, khi chiến tranh khốc liệt đang diễn ra ở nhiều khu vực trên thế giới, đề tài này càng trở nên thiết thực hơn bao giờ hết. Chắc chắn các tác phẩm về chiến tranh sẽ mang lại nhận thức quý giá và cái nhìn đúng đắn hơn cho mỗi chúng ta.