Tản bút – Y NGUYÊN
Hàn nho ư? Vậy là lại… chuyện xưa? Ờ, đúng; nói chuyện xưa chơi. Cả năm, không có dịp nào tốt bằng dịp Tết nhất để thong thả gật gù bên chung trà, cốc rượu mà lan man, mà nhàn tản chuyện xưa, mà tự hỏi (hay hỏi nhau xem) Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ (Vũ Đình Liên)…
Và người muôn năm cũ tôi muốn quấy rầy hôm nay là một bậc đại nho công nghiệp lẫy lừng, kiêm toàn văn võ. Mà chưa hết đâu, sẵn tiện ngài còn “kiêm” thêm ít thứ (mà hàng “cõi dưới” như ta nếu vớ được 1 thôi cũng đà đủ sướng…) – nhỏ nhỏ thôi – như… nhà thơ hay nhà soạn nhạc chẳng hạn!
Ngài là Uy Viễn Tướng Công Nguyễn Công Trứ… mà không, tôi đang muốn nói đến một Nguyễn Công Trứ của “Hàn nho phong vị phú”, tức thị anh (xin hương linh cụ xá cho con cái tội… hỗn hào!) hàn sĩ Nguyễn Công Trứ. Xin chớ thắc mắc rằng sao tôi lúc bảo hàn sĩ khi nói hàn… nho? Gọi “hàn” gì thì cũng đúng thôi; bởi ngày ấy cụ chưa đậu đạt; tháng tháng “ăn lương vợ” mà lo xôi kinh nấu sử. Rảnh rỗi ra còn đi… hát cô đầu thử hỏi làm sao gia cảnh không hàn? Nói vui chớ không phải trách cụ. Ấy là do hạn chế lịch sử. Nhưng ngẫm cho cùng lí, cái sự ham chơi nhác làm của cụ có khi lại là điều may. Thử tưởng tượng ngày ấy – nếu cụ Nguyễn sốt sắng lo đi băm bèo nấu cám, cuốc đất trồng rau, cùng vợ làm VAC thì e rằng lịch sử danh nhân Việt Nam có khi… khuyết mất một rồi!
Thế nhưng, chớ tưởng rằng cụ “vô tư” khi đối mặt cùng cái đói nghèo. Ai từng đọc một “Hàn nho phong vị phú” vừa hay vừa “thảm” hẳn đã đủ cám cảnh cho gia sự ngày thường của anh hàn sĩ Nguyễn Công Trứ lắm; nhưng khoan! Gia sự ấy, Tết đến, hãy còn cười ra nước mắt hơn kia! Hãy nghe:
“Chiều ba mươi, công nợ rối Canh Thân, ước những mười năm dồn lại một.
Sáng mồng một rượu chè tràn Quí Tị, trông cho ba bữa hóa ra mười”
Tôi đọc đôi câu đối ấy. Mới đọc – phá lên cười. Nhưng ngẫm nghĩ một hồi, bỗng dưng… muốn khóc!
Sao khóc?
Phần đầu hai vế đối không có gì đặc biệt. “Chiều ba mươi nợ nần, sáng mồng một chè rượu”, ờ, thì đúng là sự thật;một kiểu sự thật được người cầm bút đưa vào văn chương nhiều quá hóa ra nhàm, ra sáo! Nhưng đó chỉ là chiêu phục bút; hóa ra, cái phần vĩ thanh (ước những mười năm dồn lại một và trông cho ba bữa hóa ra mười) kia mới đích thực là Nguyễn Công Trứ. Phần vĩ thanh đó là những tích chứa, dồn nén ẩn sâu của thực tại và tâm trạng. Cái cảnh nợ đòi chiều ba mươi ấy, nhà thơ mới chứng kiến… lần đầu (năm Canh Thân) chăng? Không đâu! Vẻ như cảnh ấy đã được “bình thường hóa” từ lâu, không còn đủ đô gây sốc. Chưa đến mười năm thì chắc nó cũng đã diễn ra đâu từ năm hay… bảy năm trước – và chưa có dấu hiệu nào hứa hẹn sẽ chấm dứt trước cái hạn mười năm! Đó là một thực tại không thể ngoảnh mặt trốn chạy, hay đùng đùng giải quyết kiểu oai phong nhưng phi thực tế (…co cẳng đạp thằng Bần ra cửa) của cụ Nguyễn Khuyến! Không trốn được, đương nhiên là phải “sống chung với lũ”. Làm sao sống chung? Thì đấy; thân nghèo ta phải biết thân, chuyện manh áo miếng cơm không đùa được đâu; chớ có anh hùng rơm, nóng nảy thiếu xét suy mà… toi mạng! Vậy nên “gặp thời thế thế thời…”, phải biết nhẫn, phải biết chịu đựng mà chờ cho qua ải. Bóng dáng thái độ nhẫn nhịn, biết nhìn thẳng thực tế để hành xử cho đúng mực hiện lên sau cái điều ước mười năm dồn lại một kia. Ừ, ta không dám mơ thân kẻ sĩ này hoàn toàn thoát nhục; chỉ mong sao nỗi nhục đằng đẵng mười năm được gom dồn lại, chỉ phải chịu… một năm thôi! Khiêm hạ đến thế là cùng! Vậy mà cũng còn khó, còn lâu mới thành hiện thực, nói chi…
Rõ ràng, đây không phải cái nghèo mang tính… sách vở, nặng-mùi-líthuyết-và-hư-cấu của giai tầng kẻ sĩ lớp trên. Đây đích thị cái nghèo bằng thịt bằng xương, thấm đẫm vị khét, nồng, chua của những áo vá, nón cời một nắng hai sương, được nói hộ bởi một ông nhà nho (cũng nghèo, nhưng)… biết chữ!
Chuyện điều ước ba mươi là thế. Ước cho bớt khổ. Còn mồng một thì sao? Lại cũng là một điều ước; nhưng khác hơn, lần này là điều ước bắt nguồn từ… cái sướng! Ờ, chẳng phong lưu cũng ba ngày Tết… (Trần Tế Xương), sơ kĩ gì thì ngày đầu năm cũng phải xoay xở mà lo có mâm cỗ Tết, có trà có rượu; lại còn có thể tạm quên đi những chuyện đau đầu suốt năm đeo bám. Nội bao nhiêu đó đà thấy sướng! Mà sướng thì – chao ôi – ngày vui ngắn chẳng tày gang (Nguyễn Du). Có 3 ngày là quá ít. Giá mà được thêm lên…, không, không dám quá tham đâu, chỉ trông cho ba bữa hóa ra… mười, nhân ba thôi đã đủ thỏa lòng mong mỏi!
Hỡi ơi, con chim Hồng chim Hộc ấy, bậc trượng phu đội trời đạp đất ấy khi đã đủ can đảm mà hạ bút (tự thân) thốt lên một điều ước nhân văn (cho dù cái nhân văn ấy khiến ta xót ruột) dường ấy thì quả cụ là bậc đại dũng! Phải; chỉ có đại dũng mới dám thẳng thắn thừa nhận rằng: ta đây quanh năm đói nghèo, cơ cực lắm, cái sự “người quân tử ăn chẳng cầu no” (Hàn nho phong vị phú) là… nói giỡn cho vui chớ ta nào có dám xem thường miếng ăn, miếng uống, nào có dám đại ngôn nói dóc kiểu “quân tử thực bất tri kì vị” đâu? Mà cái sự ước ba hóa ra mười ấy cũng là cái ước ao chừng mực, nào phải ta quá tham lam hay quá viễn vông???
Đúng! Kẻ hậu sinh (là tôi) quả cũng thấy thế. Mà không! Hơn thế; bởi tôi còn thấy nơi cụ một bậc đại trí. Cái trí thể hiện ở chỗ cụ biết sống và hành xử uyển chuyển tùy thời, tùy lúc; thể hiện ở chỗ cụ sáng suốt nhìn nhận và phản ảnh vấn đề hết sức chừng mực, thực tế chứ không mang bệnh khoa trương lớn lối, đại ngôn một cách thiếu suy xét như nhiều kẻ sĩ cùng thời… Trí có, Dũng có; vậy còn Nhân? Có không???
Xin thưa rằng: có!
Có điều, cái đức Nhân hơi bị ẩn chìm, khuất lấp nên khó thấy. Thế nhưng, cứ chịu khó xới đào đôi câu đối kia lên là khắc có. Thứ nhất, cái đức Nhân thể hiện bằng chính thái độ của nhà thơ thản nhiên đứng xếp hàng chung cùng nón cời, áo vá. Một động thái gián tiếp khẳng định rằng: người dân lao động hiền lương không có gì phải xấu hổ, hay mặc cảm về cái tội nghèo. Và hơn thế, càng không việc gì phải xấu hổ vì cái ước ao nhân bản ba bữa hóa ra mười, mặc cho những kẻ no cơm thừa cá, chưa biết thế nào là đói rách cứ việc mà làm cao! Nói Lý thì thế; nhưng xét cái Tình, hai điều ước ấy vẫn hàm chứa bên trong nỗi xót xa. Ừ, thì cụ xót cho thân mình; nhưng cũng chính là xót chung cho những kiếp người cơ cực; những kiếp người có nguy cơ sẽ phải làm chứng nhân cho cảnh chiều ba mươi công nợ rối Canh Thân đến lúc già, lúc chết! Đức Nhân như thế, chả trách con người tài hoa, lãng mạn, hào sảng, thậm chí “ham chơi”, như cụ Thượng Trứ đến cuối đời lại đi nhận chức quan “Dinh Điền Sứ” – tức thị lo đắp đê, lấn biển, khẩn hoang để dân cùng đinh tứ xứ có chỗ tụ về, có đất làm ăn…
Thấy đủ Nhân, Trí, Dũng trong một con người – đương nhiên người đó phải thuộc vào hàng Nhân Cách Lớn!
…Mà Nhân Cách ấy đã bộc lộ ngay từ đôi câu đối Tết viết thuở hàn vi!
Y.N