Trần Quỳnh Hoa
Vào mỗi tối thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, không gian sân khấu trải nghiệm tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam lại thắp sáng ánh đèn để vở diễn “Huyền thoại tuổi thanh xuân” được bắt đầu. Vở diễn kể câu chuyện về 10 nữ anh hùng thanh niên xung phong đã cùng nhau sống, chiến đấu và hy sinh ở Ngã ba Đồng Lộc.
Sân khấu đã tái hiện lại khu hầm chữ A tại Ngã ba Đồng Lộc, nay thuộc tỉnh Hà Tĩnh, nằm trên con đường Hồ Chí Minh, khi đó là giao điểm của nhiều tuyến đường huyết mạch nhằm vận chuyển tiếp tế từ hậu phương miền Bắc ra tiền tuyến miền Nam. Nơi đây bị địch đánh phá liên tục và ác liệt nhằm cắt đứt mọi nguồn chi viện. Ước tính bình quân mỗi mét vuông ở Ngã ba Đồng Lộc hứng chịu trên 3 quả bom tấn nên được gọi là “tọa độ chết”. Trong số hàng nghìn chiến sĩ đã anh dũng hy sinh để nối mạch, thông đường cho nút giao thông tại đây, có 10 cô gái thanh niên xung phong đã ra đi vào ngày 24/7/1968, khi tuổi đời còn rất trẻ. Khi đó các chị đang ra mặt đường để san lấp hố bom sau đợt mưa bom vừa trút xuống, vội vã đào xới bằng cuốc xẻng, dù chưa kịp ăn cơm trưa… miễn sao cho tuyến đường 15A thông suốt để đoàn xe chi viện đi qua an toàn vào đêm đó. Bỗng máy bay Mỹ lao tới ném hàng loạt bom vào nơi các chị đang làm đường; các chị nhanh chóng núp vào một căn hầm gần đó. Ác nghiệt thay, bom đã đánh sập hầm, vùi lấp tất cả.
Lê Quý Dương, đạo diễn vở kịch “Huyền thoại tuổi thanh xuân”, đã kết hợp với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và Ban Quản lý khu di tích Ngã ba Đồng Lộc để vận chuyển hơn 5 tấn đất lấy trực tiếp từ chiến trường xưa, đóng vào các bao tải trên sân khấu. Một vỏ bom hoen gỉ, chứng tích chiến tranh máy bay Mỹ đã ném xuống chiến trường Ngã ba Đồng Lộc, cũng được mang về đây (vỏ bom dựa vào gốc cây trong hình). Thêm vào đó, một vài quả thông và quả bồ kết rụng xuống ở nghĩa trang Ngã ba Đồng Lộc cũng được chuyển về để treo lên mái lều tại sân khấu. Đây là sự dàn dựng vô cùng công phu, tạo nên không khí trầm mặc và thiêng liêng cho vở diễn.
Các diễn viên trong “Huyền thoại tuổi thanh xuân” cũng từng đến viếng và ngồi trước ngôi mộ của 10 nữ anh hùng liệt sĩ, trước khi đứng trên sân khấu tái hiện lại hình ảnh của các chị. Tuổi đời các em cũng bằng đúng tuổi của các nữ anh hùng đã hy sinh năm ấy. Qua sự hóa thân của các diễn viên, khán giả được nhìn thấy cuộc sống của các nữ thanh niên xung phong khi đó: sự hồn nhiên trong sáng của tình bạn – tình chị em – tình đồng chí; sự kiên cường khi đứng trước tình thế khốc liệt của cuộc chiến và điều kiện sống thiếu thốn; sự lạc quan tin tưởng vào đồng đội và cuộc kháng chiến sẽ thành công. Những ước mơ được lập gia đình, lấy chồng và có con, vẫn đang rực cháy trong trái tim họ. Nỗi nhớ da diết, mong ngóng khôn nguôi tin tức về người thương và gia đình, luôn thường trực cảm giác bất an lo sợ rằng điều chẳng lành đã xảy ra cho người thân ở quê hương, tiền tuyến… Tất cả đều dang dở khi các chị ra đi, chỉ còn lưu lại trong vài dòng viết ngắn ngủi trước lúc ra chiến trường.
Vở diễn giúp ta đặt bản thân mình vào vị trí của các chị. Làm thế nào để sống khi luôn biết rằng mình có thể hy sinh ngay vào giây phút tiếp theo? Làm thế nào để cống hiến khi luôn lo sợ giấc mơ của mình bị cướp mất bởi chiến tranh? Làm thế nào để ngủ khi cơn ác mộng về máu xương tan nát trong đạn bom lại trở về ám ảnh?
Nhiều khán giả vừa theo dõi vở kịch vừa lau những giọt nước mắt. Các nữ diễn viên vẫn tiếp tục khóc sau khi vở kịch đã kết thúc, đôi mắt các em sưng đỏ dù đang ngồi giao lưu cùng khán giả.
Vở “Huyền thoại tuổi thanh xuân” được công diễn lần đầu vào ngày 20/10/2023, cho đến nay đã tròn một năm. Trong một năm đó có khoảng 30 đêm diễn, phục vụ 3000 khách trong nước và quốc tế. Thành công của vở diễn đến từ một kịch bản hay; sự đầu tư công phu và chu đáo về sân khấu; những diễn viên tâm huyết, nhập vai và nhập tâm vào vai diễn; các kỹ thuật viên thực hiện tốt phần âm thanh và ánh sáng; và nhiều người âm thầm đóng góp phía sau sân khấu. Đặc biệt, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã luôn đồng hành với những người làm chương trình, ưu ái dành riêng cho vở diễn một hội trường làm sân khấu cố định. Để gửi lời tri ân đến Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và tất cả những người đồng đội đã góp phần tạo nên “Huyền thoại tuổi thanh xuân”, đạo diễn Lê Quý Dương đã cho ra mắt cuốn sách song ngữ “Huyền thoại tuổi thanh xuân”. Cuốn sách lưu giữ toàn bộ thông tin và hình ảnh về vở diễn, nhằm góp phần lan tỏa câu chuyện đến khán giả trong và ngoài nước, cũng là dữ liệu tham khảo cho diễn viên và người làm sân khấu.
Mong rằng ánh đèn sân khấu vở diễn “Huyền thoại tuổi thanh xuân” sẽ tiếp tục được thắp sáng mỗi cuối tuần, để những ký ức về các cô gái mở đường cũng được thắp sáng trong lòng người Việt Nam và bạn bè quốc tế. Các chị đã hy sinh, nguyện quên mình vì đất nước. Nhưng hình ảnh các chị sẽ mãi mãi khắc ghi trong lòng những người con của Tổ quốc: “Đêm đã về khuya sương rơi ướt áo/ Tiếng hát em vẫn vọng núi rừng/ Mặc bom rơi pháo sáng mịt mùng/ Em vẫn mở đường để xe đi tới”.