James Borton
Ngày 30 tháng 4 năm 2025 đánh dấu 50 năm kể từ sự kiện Sài Gòn thất thủ – một ngày không chỉ tượng trưng cho sự kết thúc của Chiến tranh Việt Nam mà còn là sự sụp đổ của tham vọng Mỹ ở Đông Nam Á. Tháng 8 năm 2021, những hình ảnh tương tự đầy ám ảnh từ Kabul, Afghanistan lại xuất hiện, làm nổi bật những khuôn mẫu bất ổn vẫn đang định hình chính sách đối ngoại của Washington. Chúng vừa là lời cảnh báo vừa là thời khắc để suy ngẫm.
Lực lượng Taliban tràn vào thủ đô Kabul sau khi quân đội Mỹ bất ngờ rút quân và chấm dứt Chiến tranh Afghanistan. Dân thường đổ xô đến sân bay, bám vào những chiếc máy bay đang cất cánh. Thế giới một lần nữa chứng kiến cảnh can thiệp của Mỹ kết thúc trong hỗn loạn. Dù cách nhau hàng thập kỷ, sự sụp đổ của Sài Gòn và Kabul đều bắt nguồn từ việc Mỹ quá tự tin, đánh giá sai lầm và gặp khó khăn dai dẳng trong việc áp đặt các mô hình quản trị ngoại lai. Những sự kiện này – với những điểm tương đồng – không phải là những thất bại riêng lẻ, mà là những thách thức kéo dài, ảnh hưởng đến hướng đi và uy tín của Mỹ trên trường quốc tế.
Chiến tranh Lạnh – được thúc đẩy bởi quyết tâm của Mỹ nhằm ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản và hiệu ứng “domino” ở Đông Nam Á – đã dẫn tới Chiến tranh Việt Nam, một cuộc xung đột dai dẳng và không được ủng hộ, khiến hơn 58.000 binh sĩ Mỹ thiệt mạng và vô số người Việt Nam thương vong. Bất chấp nhiều năm triển khai quân, các chiến dịch ném bom và ủng hộ chính trị cho chính phủ Nam Việt Nam, cuộc chiến kết thúc với việc quân đội Bắc Việt giải phóng Sài Gòn vào ngày 30 tháng 4 năm 1975. Đó là một sự thừa nhận rõ ràng về giới hạn quân sự, chính trị và ý thức hệ của Washington.
Mục tiêu ban đầu của cuộc xâm lược Afghanistan là tiêu diệt Al-Qaeda và lật đổ Taliban sau các cuộc tấn công khủng bố 11/9. Nhưng cuộc chiến nhanh chóng mở rộng thành một chiến dịch chống nổi dậy kéo dài và nỗ lực xây dựng quốc gia của Mỹ, bao gồm đầu tư lớn vào việc đào tạo lực lượng an ninh Afghanistan và thúc đẩy một chính phủ dân chủ. Dù đã chi tiêu ước tính 2 nghìn tỷ USD, chính phủ Afghanistan nhanh chóng sụp đổ vào tháng 8 năm 2021. Việc Taliban trở lại nắm quyền càng cho thấy khoảng cách giữa kỳ vọng của Mỹ và thực tế tại hiện trường.
Cả Sài Gòn và Kabul không sụp đổ chỉ vì thất bại quân sự mà còn vì sự tan rã của các chính phủ được Mỹ chống lưng. Các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã đánh giá thấp sự yếu kém nội tại của các chính phủ này và đánh giá quá cao ý chí cũng như năng lực của lực lượng vũ trang bản địa trong việc bảo vệ các cấu trúc nhà nước khi Mỹ rút hỗ trợ.
Chính phủ Nam Việt Nam chao đảo dưới sức nặng của tham nhũng, làm xói mòn tính chính danh chính trị và khiến người dân ngày càng mất niềm tin vì những lời hứa suông. Lãnh đạo Afghanistan được phương Tây hậu thuẫn thì chia rẽ theo phe phái, bộ lạc, đầy rẫy tham nhũng và phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài. Bất chấp những dự báo lạc quan từ Washington, cả hai chế độ đều nhanh chóng bộc lộ nền tảng mong manh của mình.

Bên trái: Hình ảnh trực thăng của quân đội Mỹ đón dòng người trên nóc một tòa nhà ở Sài Gòn, ngày Sài Gòn thất thủ năm 1975 (Getty Image);
Bên phải: Hình ảnh chiếc trực thăng đang hạ cánh trên nóc đại sứ quán Mỹ ở Kabul khi Kabul bị Taliban chiếm lại (AFP)
Hình ảnh mang tính biểu tượng về những chiếc trực thăng bốc người di tản tuyệt vọng từ nóc Đại sứ quán Mỹ đã khắc sâu vào ký ức quốc gia – một lời nhắc nhở đầy sức mạnh về thất bại sau nhiều năm xung đột. Sự tuyệt vọng của những người dân tìm đường thoát thân và sự đổ vỡ nhanh chóng của hàng thập kỷ can thiệp càng củng cố một câu chuyện mang tính văn hóa về thất bại. Những người chỉ trích chính sách đối ngoại Mỹ cho rằng những nỗ lực này tượng trưng cho các “cuộc chiến vĩnh viễn” – các cuộc can thiệp quân sự với mục tiêu mơ hồ, chiến lược thay đổi và định nghĩa chiến thắng khó nắm bắt. Sự sụp đổ của Kabul đặt ra những câu hỏi khó chịu về việc liệu nước Mỹ có thực sự rút ra được bài học từ quá khứ.
Sau Việt Nam, Mỹ đã có lập trường thận trọng hơn đối với việc can thiệp quân sự trực tiếp ở nước ngoài – một sự do dự thường được gọi là “Hội chứng Việt Nam”. Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991 là lần đầu tiên kể từ Việt Nam, Mỹ tự tin khẳng định sức mạnh quân sự quy mô lớn. Thất bại ở Afghanistan có thể dẫn đến một “hội chứng” hiện đại, khi sự hoài nghi của công chúng, chia rẽ chính trị và giám sát toàn cầu đặt ra những hạn chế chính trị lớn hơn đối với các can thiệp trong tương lai. Thất bại của các nỗ lực chiếm đóng kéo dài và xây dựng quốc gia đã thúc đẩy các đánh giá chiến lược mới, nhấn mạnh vai trò của ngoại giao, đa phương và chống khủng bố có mục tiêu thay vì triển khai quân quy mô lớn.
Khát vọng đầy tham vọng nhằm thúc đẩy dân chủ và ổn định ở nước ngoài liên tục đối mặt với thách thức khó nhằn trong việc đạt được mục tiêu này thông qua can thiệp quân sự. Cả hai cuộc xung đột đều cho thấy giới hạn của “sức mạnh mềm” Mỹ khi gắn liền với sự cưỡng ép, vì những hiểu lầm văn hóa, lợi ích không đồng nhất và kỳ vọng phi thực tế liên tục làm suy yếu tiến trình. Xây dựng quốc gia không thể được “xuất khẩu” nguyên xi nếu không có sự thấu hiểu sâu sắc và sự đồng thuận thực sự từ người dân địa phương.
Thách thức kéo dài này càng trầm trọng hơn bởi các chính sách theo chủ nghĩa biệt lập của cựu Tổng thống Trump, vốn ngày càng kêu gọi rút lui khỏi các can thiệp toàn cầu. Chính quyền này phát đi tín hiệu về một sự thay đổi rõ rệt, từ nỗ lực xây dựng quốc gia sang một cách tiếp cận khép kín hơn trong đối ngoại.

Dù có những điểm tương đồng, bối cảnh toàn cầu của hai cuộc chiến lại khác nhau. Việt Nam diễn ra trong căng thẳng lưỡng cực của Chiến tranh Lạnh, trong khi Afghanistan chịu ảnh hưởng từ học thuyết an ninh hậu 11/9. Hai cuộc chiến khác nhau về quy mô, ý thức hệ và sự ủng hộ quốc tế. Tuy nhiên, chính những khác biệt này càng làm nổi bật việc Mỹ liên tục phải vật lộn với những nan đề chiến lược và đạo đức tương tự.
Đây không chỉ là những thất bại về mặt vận hành hay sai sót tình báo. Chúng bắt nguồn từ những vấn đề sâu xa hơn – đánh giá sai động lực địa phương, giả định sai lầm về quản trị và niềm tin thái quá vào khả năng của chính phủ Mỹ trong việc định hình các xã hội nước ngoài. Bài học cần rút ra là chính sách đối ngoại phải đạt được sự cân bằng tinh tế giữa tham vọng và khiêm tốn, giữa sức mạnh và sự thận trọng – những phẩm chất ngày càng trở nên xa lạ với nghệ thuật lãnh đạo của nước Mỹ.
(Tác giả James Borton là Nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Chính sách Đối ngoại, Trường Nghiên cứu Quốc tế Tiên tiến Johns Hopkins (SAIS)).