Trần Quỳnh Hoa
Ngày 19/10/2024, tại Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã tổ chức lễ ra mắt hai tác phẩm mới: tạp bút “Thương những xa xôi” và tập thơ “Sự im lặng biếc xanh” cùng trưng bày tranh của nhà văn Như Bình. Vốn là một cây bút truyện ngắn dày dạn kinh nghiệm, việc Như Bình ra mắt tập thơ hiếm hoi lần này được những người bạn văn nghệ sĩ và độc giả của chị đón nhận nhiệt tình.
Nhà văn Như Bình là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, chị đã xuất bản nhiều tập truyện ngắn như “Giông biển”, “Đêm vô thường”, “Bùa yêu”… và giành được các giải thưởng như giải Văn học Nguyễn Du, giải truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội, giải tác phẩm truyện ngắn xuất sắc Văn nghệ trẻ… Như Bình cũng là một nhà báo gạo cội, chị đã gắn bó hơn 30 năm với nghề tại báo Công an Nhân dân. Nhận xét về phong cách nghệ thuật của chị, nhà thơ Phạm Khải – Tổng Biên tập báo Công an Nhân dân – thấy rằng loại hình nghệ thuật đúng nhất với “chất Như Bình” phải là thơ ca, dù bao năm qua chị chủ yếu viết văn. Thơ giàu hình ảnh và âm thanh, hợp với lối viết và cách thể hiện của chị, thấy rõ nét ngay từ tên gọi “Thương những xa xôi” và “Sự im lặng biếc xanh” với bìa sách chính là tranh do chị vẽ.
Nhà phê bình văn học, PGS. TS. Phùng Gia Thế cho rằng Như Bình đã can đảm để lộ ra con người thơ của mình, dám bộc lộ tâm can của mình với mọi người, bước đi trên hành trình thơ mới mẻ, dù đã là nhà báo thành danh và cây bút văn xuôi được nhiều người biết đến. Đọc thơ chị, Phùng Gia Thế không cảm thấy “Sự im lặng biếc xanh” mà trái ngược lại, đó là một khu vườn giông bão: người đàn bà trong thơ Như Bình đang bước đi trong vực gió. Phần lớn tập là thơ tình nhưng là về tâm bệnh khi yêu, yêu đến ảo giác, mộng du, trầm cảm. Tuy vậy, vang lên trong đó là giọng thơ của một cá tính nữ nghị lực, bản lĩnh nhưng không lên gân, đa cảm nhưng không yếu đuối: “em đâu rồi xiêm áo rách như trăng/ dưới trời rộng thịt da ngời khóc/ heo may buồn chết lặng/ ướt đầm, cuống quýt sương em”.
Đồng tình với những ý kiến trước đó, họa sĩ Lê Thiết Cương thấy mình đã biết Như Bình được 20 năm nhưng hóa ra bây giờ mới được “gặp” thực sự, sau khi đọc thơ Như Bình. Dũng cảm đưa hết buồn vui vào thơ, Như Bình đã làm thơ để làm bạn với chính mình, để trò chuyện và hiểu mình hơn. Việc Như Bình đến với hội họa có lẽ cũng cùng lý do như vậy. Họa sĩ Lê Thiết Cương mong Như Bình tiếp tục vẽ và sáng tác để làm dài rộng hơn không gian tinh thần của mình.
Về cuốn tạp bút “Thương những xa xôi”, nhà văn Tống Phước Bảo nhận ra giọng văn quen thuộc của người phụ nữ từng trải, vượt qua nhiều thác ghềnh cheo leo trong cuộc đời. Cuốn “Thương những xa xôi” gồm 21 bài tản văn chia làm hai phần “Ký ức” và “Trong gió bụi”. Tống Phước Bảo thấy rằng phần “Ký ức” là “câu chuyện của quê xứ”, về mẹ, cậu, các o, về làng quê tại Hà Tĩnh của Như Bình. Phần “Trong gió bụi” lại là “câu chuyện của nhà mình”, ở nơi phồn hoa phố thị. Đọc cả hai phần đều thấy được tình cảm da diết, sâu đậm với quê hương và gia đình của chị.
Văn và thơ của Như Bình trong hai tác phẩm ra mắt lần này đều dạt dào ký ức và thấm đẫm nhớ nhung, hoài niệm: “đến Đà Lạt ngắm chiều rơi chầm chậm/ những hàng thông lủi thủi gọi gió trời/ sương thẫm quá mà gió trời trốn biệt/ kim thông đau buôn buốt nỗi niềm”. Chất lãng mạn, u buồn mà tha thiết làm người đọc cảm thấy gần gụi với tác giả, được trầm lắng trong ký ức buồn nhưng không bi lụy và luôn mang nặng tình cảm. Sự dũng cảm và chân thật trải lòng của Như Bình đã kết trái, mong rằng nhà văn – nhà thơ Như Bình sẽ tiếp tục vững bước trên con đường sáng tác văn học.