• Đọc theo cách của bạn
  • Bàn tròn & Chuyên đề
  • Không Gian Văn Học Số
Tạp chí Nhà Văn & Cuộc sống - Hội Nhà văn Việt nam
Sign In
  • TRANG CHỦ
  • NHÀ VĂN & CUỘC SỐNG
    • Chân Dung Cuộc Sống
    • Đối Thoại Với Cuộc Sống
    • Nhà Văn Với Nhà Trường
  • NHÀ VĂN
    • Góc Nhìn Nhà Văn
    • Tác Giả Mới
    • Không Gian Văn Học Số
  • VĂN THƠ TRĂM MIỀN
    VĂN THƠ TRĂM MIỀN
    Show More
    Top News
    HỢP ĐỒNG HÔN NHÂN
    1 Tháng 8, 2024
    Thơ Tô Ngọc Thạch
    17 Tháng 8, 2024
    Thơ thiếu nhi Duy Dương
    13 Tháng 2, 2025
    Latest News
    Thơ thiếu nhi Huyền Nhung
    28 Tháng 5, 2025
    Thơ Lý Hữu Lương
    28 Tháng 5, 2025
    Thơ Nguyễn Đức Toàn
    28 Tháng 5, 2025
    Truyện ngắn Viên Nguyệt Ái
    12 Tháng 5, 2025
  • TIN VẮN HỘI NHÀ VĂN
    TIN VẮN HỘI NHÀ VĂNShow More
    Nhà văn Khuất Quang Thụy qua đời

    Nhà văn Khuất Quang Thụy qua đời chiều 5/3, sau thời gian…

    3 Min Read
    Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 23: “Tổ quốc bay lên” tổ chức ở Hoa Lư – Ninh Bình

    Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 23 mang chủ đề “Tổ quốc…

    7 Min Read
    Nhìn lại quá trình công tác văn học của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2024

    Ngày 12/12/2024, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam đã diễn…

    12 Min Read
    Khai mạc Kỳ họp thứ IX Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam

    Tagline

    3 Min Read
    Tiểu thuyết Việt Nam
    Toạ đàm thảo luận sách: TIỂU THUYẾT VIỆT NAM HIỆN ĐẠI 1925 – 1945: KHAI SINH VÀ TIẾN TRÌNH

    Viện Pháp tại Hà Nội và Nhà xuất bản Tri thức xin…

    9 Min Read
  • BẠN ĐỌC & LIÊN HỆ
Reading: NGƯỜI ĐÀN BÀ XỨ CHÙA THÁP
Share
Tạp chí Nhà Văn & Cuộc sống - Hội Nhà văn Việt namTạp chí Nhà Văn & Cuộc sống - Hội Nhà văn Việt nam
Font ResizerAa
Tìm kiếm
  • TRANG CHỦ
  • NHÀ VĂN & CUỘC SỐNG
    • Chân Dung Cuộc Sống
    • Đối Thoại Với Cuộc Sống
    • Nhà Văn Với Nhà Trường
  • NHÀ VĂN
    • Góc Nhìn Nhà Văn
    • Tác Giả Mới
    • Không Gian Văn Học Số
  • VĂN THƠ TRĂM MIỀN
  • TIN VẮN HỘI NHÀ VĂN
  • BẠN ĐỌC & LIÊN HỆ
Have an existing account? Sign In
Follow US
© 2024 Hội nhà Văn Việt nam I✦I Hợp tác & phát triển bởi VietNet Ltd
Tạp chí Nhà Văn & Cuộc sống - Hội Nhà văn Việt nam > Blog > VĂN HỌC > Văn > NGƯỜI ĐÀN BÀ XỨ CHÙA THÁP
Văn

NGƯỜI ĐÀN BÀ XỨ CHÙA THÁP

Kiều Bích Hậu
Last updated: 19 Tháng 12, 2023 6:00 sáng
Kiều Bích Hậu
Share
SHARE

Truyện ngắn của TRỊNH TUYÊN

“Hôm nay mày phải ngủ lại chơi với vợ chồng tao! Mười mấy năm rồi, mãi giờ mới gặp. Đời  mày thế là sướng, chỉ có tao, khổ,  hết chiến trường nọ lại đến chiến trường kia. Nhưng mà con người ta, từ xưa các cụ nói, sinh ra, mỗi người đều có số má thật mày ạ!  Số tao vất vả nhưng lại có quý nhân phù trợ. Mày thấy đấy, mấy lần tao thoát chết trong gang tấc, kết thúc chiến tranh, vẫn giữ toàn mạng sống, lại kiếm được  vợ hiền từ chiến trường theo về. Vợ tao cũng xinh đó chứ! Quốc tịch Cam Pu Chia đấy!”

Nghe hắn nói thế, tôi mới để ý đến người đàn bà ngoại quốc, vợ hắn. Cô ta có nước da ngăm đen, mắt mở to, hàng lông mày rậm,  mi dài, đen nhánh, trẻ hơn hắn đến mười tuổi. Đúng là một cô gái gốc Cam Pu Chia với những đường nét khá đặc trưng. Làm sao mà hắn là lính trận, lại lấy vợ ngoại quốc? Mà lại là cô gái xứ chùa tháp?  Chắc chắn phải là một thiên tình sử bí ẩn, chan chứa lệ sầu bi đây!

Ực một chén rượu, mắt hắn nhấp nhánh nhìn sang tôi, vẫn y nguyên cái vẻ láu cá ngày xưa.

“Nếu mày ngủ lại với tao đêm nay, tao sẽ kể cho nghe chuyện tình của vợ chồng tao, còn ly kỳ  hơn bất cứ bộ phim tâm  lý nào”.

 Khi ấy, tôi còn chưa vợ, ngủ lại chơi với hắn một đêm chứ có vài đêm thì cũng có làm sao! Thôi thì ở lại với hắn một đêm, uống rượu ngô do chính tay vợ hắn chưng cất,  nghe tình sử của vợ chồng hắn giữa mênh mông núi đồi, gió trăng lồng lộng , kể cũng thú vị. Trong chếnh choáng hơi men, tôi gật đầu với hắn…

***

Tôi với Hùng thân nhau từ ngày còn học phổ thông. Nhưng hắn chỉ học hết lớp bảy rồi đi lính. Cả tuổi thanh xuân của hắn gửi lại chiến trường. Mùa hè năm ấy, tôi đang công tác tại công trình thủy điện Hòa Bình, về phép, nghe tin hắn đã xuất ngũ, đưa vợ về quê, nhận thầu  khu đồi rừng Ngọc Môn, liền tranh thủ lên thăm  vợ chồng hắn. Sau bao nhiêu năm xa cách, gặp tôi, hắn mừng lắm.

Tranh thủ lúc cô vợ sửa soạn mâm cơm đãi bạn, tôi với hắn cùng đi ra phía chân đồi thăm thú. Cả một vùng non xanh nước biếc, sơn thủy hữu tình. Hai quả đồi  gần nhau, sườn thoải  đổ xuống, tạo thành một thung lũng lớn. Phần còn lại thon dần, trải dài, trông xa như cặp đùi của một vũ nữ khổng lồ đang nằm ngủ duỗi ra. Phía lưng chừng đồi kia, nơi tiếp điểm của hai quả đồi, có một mạch nước ngầm trong vắt chảy ra, đêm ngày không dứt, tạo thành những ao đầm kế tiếp, có sen mọc. Mùa thu, các ao đầm chỉ còn xăm xắp nước, nhiều người đi mò cua bắt ốc, vớ được những con trai to bằng bàn tay úp, mổ ra, có viên ngọc sáng lấp lánh. Có lẽ vì thế mà nơi đây có tên là Ngọc Môn chăng?

Buổi chiều, hắn dẫn tôi lên thăm thú Ngọc Môn, mà như hắn nói, từ ngày vợ chồng hắn về ở, cũng nhờ sự phò trợ của đôi rắn thần cho nên làm ăn mới suôn sẻ và không bị  bệnh “ngã nước”. Hắn tin như đinh đóng cột rằng, đôi rắn ấy chính là Sơn Thần.

 -Ở đâu mà chẳng có Thần thánh! “Đất có thổ công, sông có Hà Bá”, các cụ xưa đã dạy, mày đừng có mà coi thường! Vợ chồng tao mà ăn ở thất đức, trụ sao nổi vùng đất linh thiêng này?

Tôi chợt nhớ ra, hắn vốn là thằng sống có tình có nghĩa từ ngày còn đi học. Lần ấy, dì ruột hắn bị tai nạn mất máu nhiều lắm, cần tiếp máu gấp mà cả nhà chẳng ai nhóm máu O. Hắn thương dì nên chạy theo đến tận bệnh viện. Cấp bách quá, bệnh viện xét nghiệm cả máu của hắn. Số của dì hắn thật may mắn, nhóm máu của hắn là  nhóm máu O . Nhờ đó mà dì hắn thoát chết. Sau vụ hiến máu đó, hắn sinh bệnh mất ngủ mấy năm trời, may có ông lang Mường lấy thuốc lá cho uống, hắn ngủ được, sức vóc trở lại. Khám nghĩa vụ đợt đầu, hắn trúng luôn.

Tôi với hắn đã leo đến bậc cuối cùng của Ngọc Môn. Đúng là “cửa ngọc”. Một dòng nước trong vắt chảy xối ra như có một sức ép khủng khiếp nào từ trong lòng đất. Tôi giơ hai bàn tay hứng và đưa lên miệng uống liền mấy vục. Mát lạnh mà nước lại có vị hơi ngòn ngọt. Hắn chỉ tay lên bãi cỏ nhỏ trước mặt, kể chuyện ngày đầu vợ chồng hắn mới đến Ngọc Môn.

-Chiều hôm ấy, trời bổng nhiên  nổi mưa phùn gió bấc. Tao vừa bước qua Ngọc Môn khoảng dăm bảy bước thì nghe tiếng phì phì như rắn hổ phù. Tao ngoái lại nhìn, sởn cả tóc gáy. Ôi trời ơi! Có một đôi rắn hổ mang chúa vàng óng như tơ đang nằm phơi mình trên đám cỏ. Một con, chắc là con cái, bụng chửa to đùng, tao nhìn rõ những quả trứng đang chuyển động dưới lớp da mỏng của nó. Con rắn cái quằn quại đau đớn trong cơn trở dạ. Con rắn đực ngóc cổ lên, bộ tua vàng rực bung ra bằng bàn tay xoè, thở phì phì,  hai mắt hung dữ quán xuyến địa hình, ý chừng canh gác cho vợ đẻ, sẵn sàng lao tới mổ vào bất kể kẻ nào dám đụng đến sinh mệnh của vợ nó. Giống như người ấy mà, mày biết không? – Hắn kể tiếp, giọng hào hứng: Chắc là hai vợ chồng đi du ngoạn, giữa đường, vợ bỗng nhiên chuyển dạ, nhưng thằng chồng chả biết xử trí làm sao. Tao nhìn thấy mắt con rắn đực có vẻ như cầu cứu chứ không hung dữ và có ý định lao tới mổ vào tao. Người khác, nếu yếu bóng vía thì co chân lên cổ mà chạy. Còn dũng khí, chắc vác gậy phang cho mấy chưởng đem về ngâm rượu rồi. Nhưng mà tao, như có linh tính mày ạ, tao chạy vội về nhà, ôm luôn chiếc chăn chiên quân đội cũ mang theo từ ngày ở chiến trường Cam Pu Chia đã sờn rách lên, quẳng xuống bên cạnh. Kỳ lạ thật! Hai con rắn từ từ bò vào tấm chăn chiên rồi quấn lấy nhau. Tao bỏ về nhà. Sáng hôm sau lên,  thấy ở giữa tấm chăn, có hai quả trứng xinh xắn, màu xanh da trời. Tao mang cả chăn và trứng đặt vào chỗ lõm của một gốc cây lớn, đề phòng mưa gió phả vào. Thế mà thiêng thật mày ạ! Hai tháng sau, vợ tao mang thai rồi sinh đôi, bằng đúng số trứng rắn hôm ấy. Mà trước đó, bốn năm rồi, vợ tao vẫn im như thóc, đâu dám nghĩ có người kế nghiệp. Như thế, không phải nhờ thánh thần phù trợ là gì? 

Thì ra là thế! Thảo nào, khi tôi mới đến nhà, thấy hai đứa bé trai con hắn đang chơi đùa ngoài sân, giống nhau như hai giọt nước.

Đêm xuống,  Hùng ôm chăn chiếu, điếu cày, rượu ngô và cả đồ nhậu ra tảng đá phẳng lì, rộng bằng chiếc chiếu trải giường, ngay cạnh Ngọc Môn. Hắn đóng cọc rồi chăng tấm tăng bộ đội cũ lên trên, bảo tôi ra đó ngủ. Cái khoản ngủ rừng thì rõ hắn phải là điêu luyện từ ngày chiến tranh. Cũng được! Ra đó, hai thằng có kể chuyện trời chuyện đất cũng không ảnh hưởng đến mẹ con cô Sinh. Hắn uống rượu cũng khá, cứ khà khà như là ngây ngất lắm. Tôi cứ sợ hắn say rồi quên mất lời hứa với tôi ban chiều. Nhưng không! Tôi thấy mặt hắn bỗng rượi buồn, hai con mắt thẫm sâu như chất chứa nhiều tâm sự lắm. Trăng lên muộn. Cả khu đồi rừng rộng mênh mông mờ trắng như ông trời vừa phun sữa. Gió từ bãi sông thổi lên, mát rượi. Hắn bảo, những đêm như đêm nay, lại gợi nhớ những ngày chiến đấu dọc biên giới Cam Pu Chia, tiễu trừ Pôn Pốt. Ở tỉnh gì ấy nhỉ, lâu ngày quên mất rồi! Hắn vỗ trán, À, tỉnh SvayRiêng – Nơi hắn may mắn gặp người vợ ngoại quốc trong những ngày chiến tranh tàn khốc…

-Đó là một buổi chiều sắp tàn bên kia biên giới Việt Nam- Cam Pu Chia – Hắn nằm gác đùi sang tôi rồi vào chuyện. Đã vào 28 tết âm lịch rồi, trời rét như cắt da cắt thịt. Trung đoàn tao diệt đến ổ kháng cự cuối cùng của đám tàn quân Pôn Pốt. Nghĩ đến quê nhà, tao ứa nước mắt. Có lẽ giờ này, bố mẹ và em gái tao đang sửa soạn gói bánh chưng tết đây . Tao ngửi thấy cả mùi lá dong với mùi đậu xanh, thịt lợn làm nhân bánh mẹ tao vừa bưng dưới bếp lên. Lòng buồn, ngao ngán, mong sao cho cuộc chiến sớm kết thúc để về nhà. Tao với thằng Khuê, quê Hương Sơn, Hà Tĩnh, nó nói giọng trọ trẹ, nhẹ như tiếng chim, dễ thương lắm. Buồn.  Hai thằng xách hai khẩu AK lững thững dạo trong rừng vì tưởng rằng chả còn mống Pôn Pốt nào dám bén mảng ở đây thì bỗng nghe một tràng liên thanh “tạch tạch tạch” bên tai. Tiếng súng nổ rất gần nên mới nghe như thế. Phản xạ rất nhanh, tao ôm súng lăn mấy vòng vào bụi cây gần đấy rồi chồm dậy, ngóc đầu, căng mắt quan sát. Nhìn sang bên, thằng Khuê ngã gục, máu phun ra nhuộm đỏ cả đám cỏ. Có một bóng người mặc quần áo đen, cổ quàng khăn rằn đang di chuyển phía trước. Một tên Pôn Pốt! Tao căm hờn nghiến răng lia một tràng về phía ấy rồi lao lên. Tên Pon Pol nằm giẫy dụa trong vũng máu. Tao lật người nó lên. Mày có tin không? Một con Pôn Pốt cái đang lên cơn co giật. Đôi mắt có bờ mi đen rất  chớp của nó chớp cái nhìn cuối cùng. Tao còn kịp nhận ra có cả khoảng trời vụt tắt trong mắt nó. Khẩu AK47 nhuốm đầy máu đổ xuống bên cạnh. Đồng đội nghe tiếng súng lao đến hỗ trợ, lùng sục khắp nơi xem có còn đứa nào lẩn trốn không? Bọn tao nghe đâu đây  có tiếng trẻ khóc thét. Lập tức triển khai đội hình lùng xục, thì phát hiện ra một cái miệng  hang dưới chân núi gần đó. Chắc chắn đây là hang ổ của đám Pôn Pốt thất trận lẩn trốn. Có khi con Pôn Pốt cái vừa bị bắn chết từ đó chui ra?  Đang điên tiết, bọn tao  định phụt một quả B40 vào thiêu sống lũ chúng đi thì bất ngờ có một người đàn ông xuất hiện ở cửa hang, hai tay giơ cao, khua khua, khoắng khoắng,  hô lớn bằng tiếng Việt: Xin các anh bộ đội Việt Nam đừng bắn, hãy cứu chúng tôi!

Bọn tao tiếp cận cửa hang. Thì ra đây là nơi có bốn gia đình người dân bản địa và hai gia đình người Việt trốn chạy khỏi trại tập trung của Pôn Pốt đang trú ngụ. Họ gầy gò ốm yếu, đi lại vật vưỡng như thể những bóng ma vì nhịn đói đã lâu ngày, sống bằng hoa quả và rau rừng. Trong tình cảnh ấy, mày bảo, thì giúp họ được gì? Bọn tao đành phát cho họ ít lương khô, nước uống, bớt ra từ nguồn lương thực sắp cạn, rồi chỉ cho họ hướng đi về phía vùng đất đã được ta giải phóng, an toàn. Có một đứa bé gái chừng  tám chín tuổi, nó đã yếu lắm rồi, da xanh mướt. Hỏi mọi người thì mới biết, nó là đứa con gái duy nhất trong một gia đình Bác sỹ người Khơ Me đã bị Pôn Pốt sát hại. Bỏ lại thì thương đứa trẻ mồ côi, mà mang theo thì trong hoàn cảnh chiến trường lúc đó, nuôi dưỡng nó ra làm sao? Nhìn nó yếu lắm, chỉ còn có đôi mắt, to đen mà ngơ ngác như mắt nai con mất mẹ. Chả biết linh tính hay giác quan thứ sáu gì đó, mà cũng có thể  linh hồn ba mẹ nó xui khiến mà nó cứ đòi đi theo các chú bộ đội Việt Nam. Chắc nó biết, nếu bị bỏ lại, trong điều kiện đói rét, đơn độc, không người thân thiết, sẽ chết. Mà chả biết làm sao, nó cứ nhìn tao chăm chăm như người thân của nó. Như có sức hút bí ẩn nào đó, mà cũng không hiểu làm sao  nữa, thấy thương nó quá,  tao đi lại ôm lấy nó, nó cũng  run rẩy áp sát vào tao như nhờ che chở. Mày bảo, như thế thì làm sao mà bỏ mặc nó được? Bọn tao đành phải báo cáo lên Trung đoàn. Chính ủy  Trung đoàn đồng ý,  lệnh đưa nó về trạm xá đơn vị để chăm sóc.  Khâm liệm cho thằng Khuê xong, khi hạ huyệt, bọn tao đứa nào cũng khóc. Trời ơi! Đất nước vừa trải qua cơn binh lửa, hơn hai  mươi  năm trời đổ xương đổ máu. Tưởng hòa bình rồi thì được về với bố mẹ, anh chị em chứ có biết đâu,  lại bỏ xác nơi chiến trường nước bạn vì con Pôn Pốt cái một cách vô lý như thế này!

Chôn cất thằng Khuê xong rồi, bọn tao lại phải nhặt củi, xếp thành một đống to thiêu xác con ranh. Ở bên đó, người ta có tục người chết phải hỏa thiêu. Lệnh rồi! Sang nước bạn thì mọi hoạt động, đều phải tuân theo phong tục, tập quán sinh hoạt… tóm lại là văn hóa của nước bạn. Khi ngọn lửa bùng lên, xác đứa con gái nhập nhòa trong lửa, mùi thịt cháy khét lẹt. Trên các ngọn cây, đàn quạ đen ngửi thấy hơi xác chết, kéo đến đậu trĩu cả cành, mắt hau háu nhìn xuống, cất tiếng kêu  vang loạn cả cánh rừng. Cảnh chiều cuối năm thật kinh khủng. Ba ngày sau, bọn tao được lệnh rút về nước, mang theo cả con bé con có đôi mắt ngơ ngác ấy. Trung đoàn trưởng nhận nó làm con nuôi. Con bé càng lớn càng xinh đẹp. Có thứ gì ngon, các chú bộ đội đều dành cho nó. Mày thừa biết, cái thời đó cực khổ lắm. Bộ đội chỉ ăn toàn sắn khô, ngô, hạt bo bo, mà trong gian phòng nhỏ dành riêng cho nó, đường sữa, lương khô, thịt hộp, không bao giờ thiếu. Con bé ấy, sau này là vợ tao đấy!

– Thế làm sao mà nó lại trở thành vợ mày được? – Tôi sốt ruột ngắt lời hắn. “Thì mày cứ từ từ”. Hắn trở dậy, dáng trầm ngâm, lặng lẽ như một ông cụ, nạp thuốc lào, bắn một điếu. Trong ánh sáng chập chờn của ngọn lửa đầu que diêm, soi rõ cái mũi thẳng nhọn, lạnh lùng và khổ hạnh của hắn. Da và nét mặt hắn rắn đanh lại như được tạc bằng gỗ sến. Trong đêm khuya yên ắng, tiếng rít của cái điếu cày vang động cả một vùng đồi. Tôi chợt rùng mình thấy ớn lạnh, có cảm giác đó là loạt đạn AK47 của con Pôn Pốt cái trong câu chuyện hắn vừa kể, bắn vào ngực thằng Khuê, bạn hắn. Không biết bây giờ, người ta đã tìm thấy hài cốt của thằng Khuê bạn hắn chưa hay vẫn còn cô đơn dưới đất lạnh nơi đất khách quê người?

Thằng Hùng quay trở lại hạ lưng đánh ịch xuống bên cạnh tôi. Tôi có cảm giác như hắn đang khóc. Chắc hắn cũng như tôi, nhớ lại ngày cảnh thằng Khuê bạn hắn bị bắn chết và  con  Pôn Pốt cái mặc áo đen, cổ quàng khăn rằn trên giàn hỏa thiêu ngày ấy.

-Trong một lần vào rừng đốn củi cho bếp ăn Trung đoàn, vướng mìn lá, thằng Thái, bạn tao đi trước đứt phăng chân. Tao đi sau, chỉ bị thương phần mềm. Sau gần tháng trời nằm bệnh xá điều trị, tao được điều lên làm cần vụ cho Trung đoàn trưởng. Đúng là trong cái họa có cái may! Trung đoàn trưởng lúc đó là đại tá Đinh Hữu Tấn, người huyện ta đây này! Đại tá giao cho tao kèm cặp, dạy văn hóa và tiếng Việt cho nó.

-Nó đang tuổi vị thành niên mà mày đã dẫn dắt nó vào tình yêu rồi à? Thằng khốn!

 -Đâu có! Lúc ấy tao mà có thái độ cử chỉ thiếu nghiêm túc thôi, Trung đoàn trưởng cắt cổ tức khắc! Nhưng tao cũng chỉ được làm cần vụ cho thủ trưởng 5 tháng thôi. Thời gian đó cũng đủ cho chú chú cháu quen hơi bén tiếng nhau. Hôm tao bị điều xuống đại đội, nó khóc dữ lắm, cứ đòi đi theo…

-Thế rồi sao nữa? – Tôi cựa mình, lật nghiêng quay về phía hắn.

-Phải đi chứ còn sao? Dám chống lệnh Trung đoàn à? Hùng lại ngồi dậy. Hắn bảo, có mùi thơm lạ lắm. Chắc là “xạ” của con cày hương  ăn đêm vừa đi qua. Mai tao phải dò tìm đường đi của nó đặt bẫy mới được! Bữa kia mày lại lên nhé! Tao đãi món chả thịt cày hương bóp riềng mẻ mắm tôm nướng. Ngon hết sảy!

-Bữa kia tao đi rồi! Công trình thủy điện đang giai đoạn lấp sông.  Hẹn dịp khác vậy! Nói rồi tôi cố hít căng lồng ngực xem có mùi lạ như hắn nói không. Đúng là có mùi thơm thật. Mùi thơm tôi chưa từng ngửi thấy bao giờ. Cũng như câu chuyện hắn kể, khiến tôi càng hiểu thêm những mất mát hy sinh và khổ đau mà dân tộc ta đã trải qua và càng trân trọng những người lính chiến lão luyện như hắn hơn. Giữa mênh mông núi đồi, nơi chốn linh thiêng Ngọc Môn, nghe hắn kể chuyện, đêm nay với tôi, có lẽ là kỷ niệm đầy ấn tượng nhất trong cuộc đời.

 -Cuối năm 1978, tình hình chiến sự ở Cam Pu Chia còn chưa thật bình yên, thì tháng 2 năm 79, Trung Quốc lại phát động cuộc chiến tranh xâm lược ở biên giới phía Bắc Tổ quốc. Tức là 3 năm sau, kể từ ngày tao xa con bé ngoại quốc đó. Tao nghe nói nó được đưa đi học y tá hay văn công Trung đoàn gì đấy. Ngay trong đêm, nhiều trung đoàn thiện chiến của ta, trong đó có trung đoàn tao được điều động. Một cuộc chuyển quân lịch sử! Đất nước gặp nguy biến, những người lính lại lặng lẽ lần lượt lên máy bay vận tải, bay đêm, thẳng ra Hà Nội. Rồi từ Thủ đô ngàn năm Văn vật, hành binh lên biên giới phía Bắc, đối mặt với kẻ thù!

Hình như Trung Quốc nắm được thông tin, hoảng, nên mấy ngày sau tuyên bố rút quân nhưng chúng vẫn gài quân cố thủ ở nhiều điểm dọc tuyến biên giới. Bọn tao quần nhau với chúng ở mặt trận Vị Xuyên ròng rã năm năm trời. Tao bị thương mấy lần, đến khi không gượng được nữa, mới phải đưa về tuyến sau. Trong một đêm xem văn công Trung đoàn biểu diễn phục vụ thương bệnh binh, tao đã nhận ra con bé ấy. Trời ơi! Dưới ánh đèn lấp lánh trên sân khấu, trông nó dịu dàng như cô Tấm, giọng ca uyển chuyển, mượt mà, luyến láy trong bài “làng lúa làng hoa”. Sau đêm biểu diễn, tao đã chủ động đi gặp em. Gặp tao, nàng nhận ra ngay, để nguyên cả phấn son, nhảy bổ vào ôm chặt lấy như sợ tao biến mất. Nằm Quân Y viện 9 hơn nửa năm trời, nàng thường lên thăm tao, cứ khóc thút thít. Sợ tao chết. Nhưng còn lâu tao mới chết! Vết thương tạm ổn, tao được xuất ngũ hưởng chế độ bệnh binh. Tao đưa nàng lên trung đoàn báo cáo, chính ủy thương hoàn cảnh của hai đứa, cho cô nàng xuất ngũ luôn. Thế là dắt díu nhau về đây…

Sáng hôm sau, tôi từ biệt vợ chồng hắn, hẹn ngày tái ngộ. Vợ hắn dúi vào tay tôi một gói nhỏ hạt dổi rừng, bảo, thứ này khi nào bị đau bụng, hay ợ chua, anh nhai một hạt khỏi luôn. Quý lắm đó…

***

Phải lâu lắm, trong một chuyến đi cùng nhóm kỹ sư địa chất của Viện thiết kế thủy điện toàn quốc, khảo sát thuỷ điện miền Trung, tôi ghé qua nhà và lại lên với hắn. Tôi cứ tưởng cơ ngơi của hắn giờ này chắc là khang trang và giàu có lắm rồi, nhưng lại hoàn toàn trái ngược. Vẫn ngôi nhà cũ không hề sửa sang lại, từ xa, tôi nhìn thấy duy nhất nột dáng người tóc bạc phơ đang ngồi câu cá. Tiết trời đang là mùa thu, cả cái đầm nước ngày xưa sen nhiều đến thế mà nay đã lụi. Những cọng lá sen tàn khẳng khiu nhô cao khỏi mặt nước hồ như thể muôn ngàn cái tăm nhang vừa cháy hết. Ngước lên đồi cao, rừng cây đang vào mùa rụng lá, cả một vùng xao xác lá vàng bay. Tôi gọi, và hắn nhận ra tôi, vội bỏ cần câu tất tả đi lên. Hắn ôm chầm lấy tôi, nước mắt rơi lã chã. Trời ơi! Có chuyện gì xảy ra với thằng bạn vàng của tôi mà sao hắn phải khóc? Chiến tranh trận mạc, bom đạn như trấu rắc, bao lần cận kề với cái chết, tự mình mấy lần đào huyệt chôn đồng đội mà hắn có khóc đâu? Vậy mà hôm nay…

Khi đã ngồi bên mâm cơm, rót rượu, thằng Hùng mới thong thả kể cho tôi nghe tường tận khúc nhôi “cuộc chia ly đẫm nước mắt” của vợ chồng hắn.

-Năm ấy, cũng vào mùa thu, trên đỉnh Ngọc Môn, từng dải mây trắng xốp như như những cánh hạc đang sà xuống. Cô ấy tự nhiên nói với tao, giọng thầm thì như nói vào quá khứ, mắt mở to, ngấn nước: “Anh Hùng! Em đã đi với anh quá nửa cuộc đời rồi. Em đã trao cho anh tất cả, tuổi thanh xuân, những đứa con em sinh ra và cả những của cải mà chúng ta do cần cù lao lực mà có được. Giờ em phải đi đây! Em phải tìm về nguồn cội của em. Đêm qua em mơ thấy ba mẹ em, các anh chị của em. Họ vẫn chờ em tìm về. Em nhìn thấy ngôi nhà xưa của gia đình em, dưới tán những hàng cây thốt nốt bên con đường lớn, nối với Thủ đô Pnom pênh… Nhà em ở cánh rừng, gần con đường ấy. Anh đừng cản em và cũng đừng đi tìm em. Em van anh!”

Nghe cô ấy nói thế, tao như rụng hết tim gan. Linh tính, tao biết, giờ phút chia xa đã đến. Từ khi lấy nhau, do hoàn cảnh chiến tranh, vợ tao vẫn giữ quốc tịch Cam Pu Chia đấy chứ! Đã đổi sang quốc tịch Việt đâu? Cô ấy không muốn đổi! Thì ra đó là ý tưởng của cô ta đã có từ khi lấy tao! Và cái ngày định mệnh ấy đã đến. Tao chỉ biết ôm lấy cô ấy và nói trong nước mắt: Sinh ơi! Chúng mình đã cùng vượt qua cái chết, chung sống với nhau từ lúc hai bàn tay trắng, nay cũng có của ăn của để, các con đã trưởng thành. Con chim có tổ, con người có tông, em tìm về nguồn cội, anh không dám cản em. Em cứ đi đi, tìm về nơi  nguồn cội sinh ra em đi! Nhưng anh vẫn mong có một ngày nào đó, suy nghĩ lại, em sẽ quay về. Em còn nhớ ngày xưa chỗ chúng mình gặp nhau không? Nơi ấy là một cánh rừng thưa, có  hang đá lớn dưới chân núi, phía bờ trái con sông Mê Kông đó. Khi ấy em còn bé lắm, các anh đã cưu mang em như là lệnh của ông trời. Chắc nhà em cách đó cũng không xa đâu. Hay anh đưa em về? Nàng lắc đầu.

-Không cần đâu anh! Em muốn về một mình. Quê hương của em mà, sao em không nhớ?  Khi cô ấy nói câu đó, ánh mắt long lanh, lòng đầy kiêu hãnh. Cái bản sắc và dòng máu dân tộc, qua thời gian chừng ấy năm, tưởng như đã chìm sâu trong quên lãng, giờ bỗng nhiên bùng lên mãnh liệt. Màu da, mái tóc, ánh mắt, môi cười của cô ấy như nói lên điều đó. Thì ra bao nhiêu chuyện cũ, tuy còn bé, nhưng nàng có quên đâu? Sáng hôm sau, còn bao nhiêu tiền mặt thu nhập từ bán cây bán cá, tao gói ghém đưa hết cho cô ấy. Ngoài tiền mặt, còn có 27 viên ngọc trai tao mò được dưới hồ, nhờ trai uống nước từ Ngọc Môn mà tạo thành chất ngọc sáng long lanh quý giá. Những viên ngọc trai chạm vào nhau, phát ra âm thanh trong văn vắt. Cô ấy nhận, nhét vào ba lô rồi  giơ ngang tay quyệt nước mắt, quả quyết đi ra đường Quốc lộ, đón xe khách, thẳng tiến hướng Nam, nơi hai dân tộc, hai đất nước chỉ cách nhau một lằn ranh giới…

T.T

TAGGED:Truyện ngắn
Share This Article
Twitter Email Copy Link Print
Previous Article NGHĨA TRANG CỦA HƠN 14.000 HÀI NHI BỊ GIẾT BỎ VÀ NHỮNG CÂU CHUYỆN LẠNH NGƯỜI
Next Article Trinh sát không quân hàm, không cảnh phục
Leave a comment

Để lại một bình luận Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài nổi bật

Thơ Lý Hữu Lương

Lý Hữu Lương sinh năm 1988 tại Kiên Thành – Trấn Yên – Yên Bái, dân tộc Dao. Hiện anh…

By Đường Uyên 6 Min Read
Tác phẩm của Maria Filipova-Hadzhi, Bulgaria

Nữ tác giả Maria Filipova-Hadzhi sinh năm 1954 tại làng Sitovo…

17 Min Read
Xét tặng danh hiệu Nghệ nhân tại Hà Nội lần 4: Dấu hỏi về tính minh bạch

Trong lần thứ tư xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú…

11 Min Read

Tác giả

Võ Thị Xuân Hà 1 Article
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà sinh tại Hà Nội.…
Sao Khuê 3 Articles
Chia sẻ một chút thông tin về bạn. Những thông…

Ý kiến

Thơ Nguyễn Khang

Ta vẫn viết mỗi ngày trên sỏi đá…

29 Tháng 5, 2025

Thơ Đào Hồng Tử

Con không biết/ có một mảnh…

29 Tháng 5, 2025

Thơ thiếu nhi Huyền Nhung

Tác giả Huyền Nhung tên thật…

28 Tháng 5, 2025

Thơ Lý Hữu Lương

Lý Hữu Lương sinh năm 1988…

28 Tháng 5, 2025

Thơ Nguyễn Đức Toàn

Nguyễn Đức Toàn sinh năm 1978…

28 Tháng 5, 2025

You Might Also Like

Chân Dung Cuộc SốngVăn

Mẹ tôi vất vả cả đời

Chỉ mới đấy thôi vậy mà cái thời gian khó, nghèo khổ của tôi cùng gia đình…

7 Min Read
Chân Dung Cuộc SốngVăn

Hà Nội vào mùa cây sấu nở hoa

Cứ đến hẹn lại tới, khi tiết trời bắt đầu chuyển giao từ mùa xuân…

9 Min Read
VĂN HỌCTruyện ngắnVănVĂN THƠ TRĂM MIỀN

Truyện ngắn Viên Nguyệt Ái

Viên Nguyệt Ái tên thật là Nguyễn Phương Thúy sinh năm 1985 tại phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì,…

35 Min Read
Chân Dung Cuộc SốngVăn

HƯƠNG MƯA ĐẦU HẠ

Chiều nay, khi những đám mây xám bạc trôi chậm rãi qua đỉnh đồi…

5 Min Read
Tạp chí Nhà Văn & Cuộc sống - Hội Nhà văn Việt nam

TỔNG BIÊN TẬP: TRẦN ĐĂNG KHOA

Phó tổng biên tập: Nhà văn VŨ ĐẢM
Đặc trách website: Nhà văn KIỀU BÍCH HẬU

Ban biên tập: NGUYỄN CHU NHẠC, NGUYỄN HỮU HÀ, BÙI HOÀNG TÁM, HOÀNG ANH SƯỚNG, LÊ VĂN VỴ
Giấy phép xuất bản: 232/GP-BTTT ngày 27/4/2021

Tòa soạn: Số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hai Bà Trưng, Hà Nội
✦Email: [email protected]
✦Tel: 094 735 8999

Văn phòng đại diện tại Bắc miền Trung: LÊ VĂN VỴ
Địa chỉ: Đông Tiến – Thạch Trung – Tp. Hà Tĩnh – Tỉnh Hà Tĩnh   Tel: 0964981345 

Văn phòng đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh: PHẠM HÙNG PHONG
Địa chỉ: Golden King Tower, 15 Nguyễn Lương Bằng – PMH – Q. 7 – Tp. Hồ Chí Minh Tel: 028 710 88879

Văn phòng đại diện tại Tiền Giang: TRẦN ĐỖ LIÊM
Địa chỉ: Số 744 Lý Thường Kiệt – Phường 5 – Tp. Mỹ Tho – Tiền Giang  Tel: 0913962863

Văn phòng đại diện tại Bạc Liêu: LÊ THANH QUANG
Địa chỉ: 44 Phạm Ngọc Thạch- P.1 – Tp. Bạc Liêu  Tel: 0939269779

News

  • BÀI NỔI BẬT
  • NHÀ VĂN & CUỘC SỐNG
  • TIN VẮN HỘI NHÀ VĂN
Tạp chí Nhà Văn & Cuộc sống - Hội Nhà văn Việt nam © 2024 I✦I Hợp tác & phát triển bởi VietNet Ltd
Welcome Back!

Sign in to your account

Lost your password?