Xuân Thảo
Ông và bà yêu nhau từ thời trẻ, lập gia đình chung sống bên nhau, gây dựng sự nghiệp từ hai bàn tay trắng rồi cùng nhau già đi. Điều làm ông bà nội tự hào nhất đó là sáu người con của mình. Ông bà làm lụng vất vả cả đời để có được ruộng đất, nhà cửa như ngày hôm nay cũng chỉ để dành cho các con an cư lạc nghiệp về sau. Một nền đất, một căn nhà nhỏ vừa đủ để che mưa che nắng là những gì ông bà có thể cho các con của mình.
Riêng vợ chồng chú thím Út và các con của chú thím ở chung nhà với ông bà nội để tiện có người chăm sóc cho ông bà tuổi xế chiều. Nhưng vì hai vợ chồng chú thím phải đi buôn bán rau cải ở chợ cả ngày đến chiều tối mới về nên không có nhiều thời gian dành cho ông bà, cháu trai thì đang đi học đại học ở tỉnh khác còn đứa cháu gái vừa mới cưới chồng được một năm đang mang thai đứa con đầu lòng nên nhà giờ chỉ có ông với bà nói chuyện thủ thỉ với nhau hằng ngày.
Một năm gần đây sức khỏe của ông nội không còn như trước, bệnh ngày càng nhiều. Ông ghét nhất là vào bệnh viện nhưng vì bệnh tình ông trở nặng phải nhập viện để điều trị trong một thời gian dài. Đúng như người xưa thường hay nói cha mẹ có thể nuôi chín mười người con nhưng chín mười người con lại không nuôi nổi cha mẹ. Ông nội bệnh, con cái mỗi người thay nhau ở bệnh viện chăm sóc ông được vài ngày rồi bắt đầu than phiền dẫn đến cự cãi. Cô Ba Lợi tính tình vốn hay bốc đồng, miệng thường nói những lời khó nghe. Không biết cô Ba nghe ai kể chuyện thấy nội ở nhà lén lấy đưa tiền cho cô Tư Ngoan và cha tôi. Cô Ba ấm ức tự cho rằng người bỏ công sức, tiền bạc đi nuôi bệnh chỉ có cô và chú Út Khá mà nội lại đem tiền cho cô Tư với cha nên cô cảm thấy bất công. Vốn dĩ từ trước đến giờ trong mắt cô Ba cha tôi và cô Tư có làm việc gì để phụ giúp gia đình đi nữa thì cô cũng không vừa lòng.
Đi bán khô ngoài chợ về cô Ba chạy xe máy qua nhà nội vẻ mặt hằn học buông lời trách móc, nói nặng nói nhẹ bà nội đủ điều. Trùng hợp ngày hôm đó cha chở má về quê ngoại ăn đám cưới, tôi ở nhà một mình nên qua nhà nội rủ bà đổ bánh xèo ăn. Ở bên nhà nội cả ngày nên tôi nghe hết những gì cô Ba nói với nội:
– Má à, con nghe thằng Út nói thấy má lại đem tiền cho con Tư với thằng Sáu nữa hả? Tiền đó để dành trị bệnh cho cha còn không đủ mà má còn đem cho. Lớn hết rồi, cha cũng là cha chung, ai cũng làm ra tiền thì tiền đi nuôi bệnh tự lo đi sao bắt má đưa hoài. Chừng nào hết tiền tui kêu thằng Út bán luôn cái nhà để trị bệnh cho cha rồi má ra đường mà ở.
Nghe những lời mắng nhiếc ấy bà nội tức giận đỏ mặt tía tai:
– Ai nói với bay là má cho tiền cho con Tư với thằng Sáu. Hôm đó có thằng Út ở nhà, tiền đó tao đưa cho em mày để tụi nó đóng tiền trị bệnh cho cha mày chứ má không có cho tụi nó. Nhà này nhà của má, tao già rồi bây muốn đuổi tao là đuổi. Tao mà có đi ra khỏi nhà này thì tao cũng sẽ đốt thành tro bụi chứ không để cho đứa nào ở.
– Từ đây sắp tới bà với cha có chuyện gì thì tự mà lo.
Nói vừa dứt câu cô Ba Lợi một mạch bỏ ra xe về. “Tao sẽ đốt cái nhà này” bà nội cứ mãi nói như vậy cả ngày, bà đi đâu là cứ nói đi nói lại câu nói đó. Có lẽ đó là tiếng lòng, là sự gào thét và là sự thất vọng đến tận cùng của bà.
Chú Út Khá đi vào bệnh viện thăm ông nội, chú về đến nhà thì trời vừa sập tối.
Vừa thấy chú Út về, bà kêu chú ngồi lại nói chuyện:
– Út à, hồi chiều chị Ba mày có qua nói nó nghe mày kể thấy má lấy tiền đem cho chị Tư với anh Sáu bay rồi cự nự với má mà tiền đó má đưa để anh chị mày đóng tiền trị bệnh cho cha. Nó còn đòi kêu mày bán nhà cho má ra ngoài đường ở. Nhà này má và cha mày phải làm đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có được. Tao mà có ra đi thì tao cũng sẽ đốt cái nhà này không để cho tụi bay ở.
Chú Út không nghe lời nội nói, xông tới hét lớn trước mặt bà:
– Mai mốt bà đừng có lại gần chị Ba. Ai kêu bà sáp lại chi rồi gây lộn. Ai đuổi bà? Người ta đi thăm bệnh về mệt bà muốn la thì đi ra ngoài trước ngồi mà la. Bà nói ở đây ai nghe?
Cuộc tranh cãi càng lớn, bà nội ấm ức gào thét:
– Má nói vậy đó cho ai nghe thì nghe. Má không đi đâu hết. Tao ngồi đây tao chờ mày ra đánh tao một cái tao nằm vạ ở đây cho bà con hàng xóm người biết một chút. Con tao nó đánh tao.
– Bà qua nhà chị Tư hay anh Sáu kìa, kêu anh chị ngồi nghe bà nói.
Tôi ở bên trong nhà nên nghe hết những gì chú Út nói, tôi có khuyên chú Út nên kiềm chế lại kẻo sau này chú sẽ hối hận nhưng chú không nghe còn đuổi tôi về.
– Mày thì biết cái gì mà nói, đi về bển lo cho nhà mày đi.
Tôi giận chú lắm nhưng sợ về kể với cha rồi lại có chuyện xào xáo trong gia đình vì cha tôi tính tình cũng hay nóng nảy như Trương Phi.
Tôi không tưởng tượng nổi sao chú Út có thể nói ra được những lời như vậy với bà. Nếu tôi là nội chắc tôi sẽ đau lòng lắm khi nghe những câu nói đầy cay đắng ấy.
Cả đêm hôm đó bà nội trăn trở không ngủ, đôi mắt đượm buồn ngồi một mình chỗ bộ bàn ghế được đặt sát bên cạnh giường của ông bà. Nội ngồi đó trò chuyện cùng với màn đêm để giãi bày nỗi uất ức mà bà đang phải chịu đựng. Bà đang cần được lắng nghe.
Tôi an ủi bà:
– Có gì để sáng mai rồi nội nói chuyện với chú Út sau chứ bà cứ giận như vậy lớn tuổi rồi lỡ sinh bệnh nữa thì khổ.
Nội tâm sự với tôi:
– Trời ơi, chú thím Út con có mua gì cho bà nội đâu Ngọc. Bánh trái, đồ ăn trong nhà bà nội tự mua sẵn để dành ăn mà hở chút là đòi đuổi bà. Con về kể lại cho cha mày nghe, nói nội buồn lắm.
– Nhà của bà không ai dám đuổi bà đâu. Thôi nội ngủ sớm đi, nào ông về bà kể lại cho ông nghe.
– Già rồi nên nhà của nội ai muốn đuổi là đuổi.
Tôi về nhà giữa đêm khuya, nội vẫn ngồi một mình chỗ bộ bàn ghế. Chắc hẳn bà đang cảm thấy cô đơn và lạc lõng lắm khi những người con mà bà đã mang nặng đẻ đau, dốc hết tâm can để yêu thương bây giờ lại đối xử cạn tàu ráo máng với bà như thế. Vật chất lại là thứ có thể lấy đem ra để làm thước đo cho tình mẫu tử hay sao?
Giá như có ông ở nhà thì hay biết mấy. Ông nội sẽ bảo vệ bà, không để bà tổn thương bởi những câu nói của cô với chú như lời hứa mấy chục năm về trước ông đã hứa với bà khi cưới bà về làm vợ mà nội từng kể tôi nghe.
Tiếc thay cuộc sống quá vô thường khi nói ra hai từ giá như thì đã muộn mất rồi. Trưa ngày hôm sau, tôi với má đang trên đường đến bệnh viện thăm ông nội thì bàng hoàng nhận được tin dữ từ cha. Ông nội vừa mất sau những ngày dài chống chọi với căn bệnh ung thư phổi. Bà nội nghe tin ông mất bà như mất đi niềm hy vọng cuối cùng của mình. Hôm ấy chú thím Út đến bệnh viện đưa thi thể ông về. Bà nội ở nhà lặng lẽ mua xăng đổ xung quanh, bật lửa, đốt cháy căn nhà và có cả bà trong ngọn lửa đang cháy hừng hực.
Cùng lúc gánh chịu hai nỗi đau mất cha lẫn mẹ khiến chú Út trở nên điên dại khi nhớ lại những gì chú đã nói với nội. Chú quỳ bên di ảnh ông bà bật khóc như một đứa trẻ, đôi khi lại cười thật to trong cơn say.