Trần Bảo Hưng
LTS: Nhà văn, nhà báo Thái Duy, cây bút kỳ cựu của báo Cứu quốc – Giải phóng – Đại đoàn kết, tạ thế ngày 14-4-2024, thọ 99 tuổi. Thái Duy, tên thật là Trần Duy Tấn, sinh năm 1926 tại Bắc Giang, nguyên quán Hoài Đức, Hà Nội. Ông làm báo Cứu Quốc (cơ quan tuyên truyền của Tổng bộ Việt Minh) từ năm 1949. Sau đó, trở thành phóng viên chiến trường, tham gia đưa tin, viết bài về Chiến dịch Điện Biên Phủ. Năm 1960, nhà báo Thái Duy đã cùng một số nhà báo của báo Cứu Quốc vượt Trường Sơn vào Nam sáng lập báo Giải Phóng – cơ quan ngôn luận của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Sau năm 1975, ông tiếp tục làm báo Đại Đoàn kết (sáp nhập báo Cứu Quốc và Giải Phóng thành báo Đại Đoàn kết) cho đến khi nghỉ hưu. Cùng tác phẩm “Sống như Anh” với bút danh Trần Đình Vân viết năm 1965 về Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, ông còn có một số tác phẩm khác là: “Người tử tù Khám lớn”, “Hải Phòng anh dũng”, “Đổi mới ở Việt Nam – nhớ lại và suy ngẫm”, “Khoán chui hay là chết”…
Cuộc đời làm báo trường kỳ đầy gian nan của ông có một số điều nhiều người còn chưa biết,… tạp chí Nhà văn & Cuộc sống trân trọng giới thiệu bài viết của nhà phê bình văn học Trần Bảo Hưng, thêm một góc nhìn về nhà văn, nhà báo Thái Duy.
***
Trong bài viết “Một thế hệ gạo cội của báo Cứu Quốc”, chúng tôi có kể một số câu chuyện về nhà văn, nhà báo Thái Duy (Trần Đình Vân), nhưng do khuôn khổ của một bài báo, nhiều câu chuyện về ông chưa được đề cập.Trong bài viết này chúng tôi muốn được bổ sung những phần còn thiếu sót ấy…
Nhà văn, nhà báo Thái Duy vào công tác tại báo Cứu Quốc sau Cách mạng tháng Tám thành công, cùng thời với các nhà văn Nam Cao, Tô Hoài… liên tục cho đến khi nghỉ hưu (khoảng năm 1996). Trong đó có hơn 10 năm vào Nam công tác ở báo Giải phóng của Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam. Ông tham gia tất cả chiến dịch lớn trong kháng chiến chống Pháp, kể cả chiến dịch Điện Biên Phủ (có lẽ đến nay chỉ có ông là nhà báo tham gia chiến dịch này còn sống). Sau Hiệp định Giơ ne vơ (1954), ông và nhà văn, nhà báo Sao Mai (đã mất) kiên trì bám trụ tại Hải Phòng 300 ngày trước khi thành phố này được Pháp trao trả cho ta. Trong 300 ngày ấy ông viết tin, bài … rồi giao cho giao liên đặc biệt mang về Hà Nội in báo Cứu Quốc.
Năm 1964 ông cùng lãnh đạo báo Cứu Quốc vào miền Nam thành lập báo Giải phóng, Cơ quan ngôn luận của Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam. Thời gian này ông có gặp chị Phan Thị Quyên, vợ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi và viết “Những lần gặp gỡ cuối cùng”, kể lại những lần gặp của chị Quyên với anh Trỗi trước ngày anh ra pháp trường, gửi ra Bắc với mục đích in đăng tải nhiều kỳ trên báo Cứu Quốc. Tác phẩm này được gửi đến nhà thơ Tố Hữu, nhà thơ Tố Hữu lại gửi đến Thủ tướng Phạm Văn Đồng và ông đã đổi tên thành “Sống như Anh”. Cùng với “Từ tuyến đầu Tổ quốc”, “Sống như Anh” là tác phẩm được đọc nhiều nhất lúc bấy giờ. Sau khi “Sống như Anh” được xuất bản, ông được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, được gặp Bác Hồ và không chỉ nổi tiếng ở trong nước ông còn nổi tiếng ở nước ngoài, đã từng được mời đi thăm gần 30 nước trên thế giới. Sau này, nhiều lần trò chuyện với tôi, ông chỉ nhận mình là nhà báo, vì mình không chủ ý viết văn. Đấy là ông khiêm tốn, chứ thử hỏi nhiều nhà văn in hàng chục, hàng trăm tác phẩm, nhưng có tác phẩm nào được nhiều người đọc và nổi tiếng như “Sống như Anh” của ông chưa?
Sau giải phóng miền Nam, nhà báo Thái Duy trở về công các tại báo Cứu Quốc (sau này đổi tên thành Đại đoàn kết khi sáp nhập với báo Giải phóng). Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước Thái Duy nổi tiếng với 3 loạt bài (và cũng là những lần ông suýt bị kỷ luật). Loại bài thứ nhất là viết về khoán chui ở Đồ Sơn (Hải Phòng). Dịp ấy ông cùng Tổng biên tập Lê Điền (nguyên là Trưởng ban Nông nghiệp báo Nhân dân) đi Hải Phòng để viết về một vấn đề khác, nhưng phát hiện ra việc “khoán chui” ở Đồ Sơn, ông đã cùng Tổng biên tập dành 8 trang báo cho chủ đề này và báo Đại đoàn kết là một trong những tờ báo đầu tiên của cả nước đề cấp đến vấn đề đang rất nóng bỏng này (cùng với “Khoán chui” ở Vĩnh Phú” do bí thư Kim Ngọc chủ trương). Thành công của loạt bài này chứng tỏ sự sáng suốt và dũng cảm trước cái mới chưa được xã hội chấp nhận của nhà báo Thái Duy.
Loạt bài thứ hai viết về chị Quyên (Khi đó đã có gia đình mới) phải bỏ tiền túi để đưa hài cốt anh Trỗi về quê. Sau khi tìm hiểu Thái Duy được biết cả nước đều gọi anh Trỗi là anh hùng liệt sĩ, nhưng vẫn chẳng có ai, cơ quan nào đứng ra truy tặng cho Anh. Sau loạt bài này anh Nguyễn Văn Trỗi mới được chính thức truy tặng Anh hùng Liệt sỹ.
Loạt bài thứ 3 ông viết về nguyện vọng của rất nhiều tử tù dưới thời Mỹ – Thiệu (nhưng chúng chưa kịp thi hành án thì đất nước đã được giải phóng), nay đã trở về cuộc sống đời thường và nhìn chung nghèo khổ, chỉ có nguyện vọng được ra thăm Hà Nội vào lăng viếng Bác. Đây cũng là loạt bài khiến ông suýt bị kỷ luật cũng may Ban Bí thư đã kịp thời ra quyết định mời những tử tù ra thăm miền Bắc, và vào lăng viếng Bác… Sau những loạt bài này, ông còn có nhiều bài viết phản biện những chính sách của Đảng và Nhà nước được rất nhiều bạn đọc hoan nghênh, đến nỗi vì lý do nào đó Thái Duy ít viết là bạn đọc lại gọi điện, viết thư về toà soạn lo lắng: Hay là Thái Duy bị bắt rồi? Ông nổi tiếng đến nỗi, ông Tiến khi đó là Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tuyên bố: Thái Duy không có nghỉ hưu. Chỉ nghỉ khi nào yếu quá không viết được.
Cũng vì mải mê viết báo, Thái Duy không màng và không có thời gian lo chuyện cưới vợ. Tổ chức phải “làm mối” cho ông một cô công tác ở Thư viện Quốc gia là Nhâm Thị Hiển. Sau khi đã trở thành vợ của Thái Duy, bà Hiển được đưa về phụ trách thư viện của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam (bà đã mất cách nay mười mấy năm).
Chuyện về nhà văn, nhà báo Thái Duy có nhiều điều ly kỳ lắm. Mỗi năm ông đều vào công tác miền Nam khoảng nửa năm và lần nào cũng đi máy bay, nhưng không lần nào thanh toán công tác phí, hỏi ra mới biết ông có nhiều bạn bè, đàn em, đàn cháu công tác ở các tờ báo Sài Gòn giải phóng, Tuổi trẻ, Thanh niên, Phụ nữ Thành phố…. và nhiều lãnh đạo ở các cơ quan khác trong thành phố…. Họ mua vé máy bay cho ông và “nuôi” ông trong thời gian ông công tác ở miền Nam. Nhân nói chuyện về vé máy bay, có lần ông bảo tôi: Ta phải mang ơn Xi ha núc nhiều lắm, vì nhờ có ông ta mà hàng chục triệu đô la chúng ta đưa vào miền Nam để mua vũ khí đã được chuyển qua đường hàng không, không phải gùi hoặc thả trôi sông như trước đây nữa. Ông còn bảo: rất nhiều lần ông và các đồng chí lãnh đạo của ta đều ra Bắc bằng máy bay của Cam pu chia khi ta đã bình thường hoá quan hệ với Xi ha núc. Ông kể lần ấy ông đóng vai một điền chủ Cam pu chia, còn ông Lê Trọng Tấn đóng vai một chủ ngân hàng: gặp nhau ở sân bay, cả hai đều làm như không quen biết nhau, mãi khi xuống sân bay Gia Lâm hai người mới bắt tay nhau. Ông còn kể: cô tiếp viên hàng không chắc biết mình là Việt Cộng, nên khi máy bay hạ độ cao trước khi vào không phận nước ta, đã giả vờ kiểm tra hành lý, rồi nói nhỏ với mình bằng tiếng Việt: chú nhìn xuống dưới, đây là địa phận của Việt Nam. Có lẽ không nhiều người ở nước ta được nhìn thấy đất nước mình từ trên cao trong cuộc chiến tranh chống Mỹ.
Ông thường nói với tôi: Tao hơn mày hơn 20 tuổi, tao có thể đẻ ra mày. Nhưng là đồng nghiệp cứ gọi là anh em cho nó thân mật. Ông cũng là người duy nhất không có bàn làm việc ở cơ quan. Ông nói với lãnh đạo: tao chỉ làm việc ở nhà do đó đừng bố trí chỗ ngồi, bàn ghế cho tao làm gì. Có lần ông nói với tôi: ước gì tao sống được đến năm 2000 để chứng kiến một thiên niên kỷ mới, được xem Uôn cúp năm 2000. Thế mà bây giờ ông vẫn sống và sống khoẻ. Mấy mùa Uôn cúp đã qua, rất mong ông trường thọ để được chứng kiến nhiều Uôn cúp nữa.