Kiều Bích Hậu
Nếu không đến Đài Nam hai lần để dự sự kiện Ngày thơ Đài Loan và Liên hoan văn thơ Việt Nam – Đài Loan (năm 2024-2025), có lẽ tôi cũng chỉ biết đến Đài Loan trong giới hạn của một người du lịch mà thôi. Để hiểu sâu một đất nước hay con người, ta cần thấu nỗi đau của họ, và dám để chính nỗi đau ấy thấm trong hồn mình.
Trước đó, vào năm 2018, tôi cùng hai con gái du lịch sang Đài Loan, ghé thăm Đài Bắc, Đài Trung, tham quan bảo tàng Tưởng Giới Thạch, gặp gỡ một gia đình có vợ Việt, chồng Đài Loan. Chúng tôi lướt qua những mảng văn hóa nơi đây, rồi trở về với những ấn tượng đẹp nhưng chưa đủ sâu sắc. Chuyến đi ấy ý nghĩa với ba mẹ con, nhưng tôi chưa hề chạm đến một điều đặc biệt: nỗi đau sâu thẳm của những nhân sĩ trên mảnh đất này.
Hai lần dự sự kiện văn học tại Đài Nam 2024, 2025, tôi đều được Ban tổ chức dẫn tới thăm Bảo tàng Vương Dục Đức tại thành phố Đài Nam. Đó là nơi lưu giữ cuộc đời và di sản của một nhân sĩ Đài Loan sống lưu vong suốt phần lớn cuộc đời tại Nhật Bản. Khi bước vào bảo tàng, tôi không chỉ thấy một không gian trưng bày tư liệu, mà còn cảm nhận được một nỗi đau dai dẳng, sâu thẳm của người Đài Loan – nỗi đau tiếng mẹ đẻ dần bị đẩy ra khỏi đời sống, nỗi đau bị thôn tính văn hóa, xóa đi căn cước tâm hồn.
Dù không có cơ hội đặt chân trở về quê hương, Vương Dục Đức vẫn là một người Đài trong mọi nghĩa. Ông dành trọn đời mình để bảo vệ, gìn giữ và phát triển tiếng Đài, bất chấp mọi hoàn cảnh khắc nghiệt. Trong bối cảnh lịch sử ngặt nghèo, ông đã dồn mọi nguồn lực để xuất bản cuốn từ điển Đài ngữ đầu tiên từ Nhật Bản – một công trình mang ý nghĩa lớn lao đối với tiếng nói và bản sắc Đài Loan. Ông cũng là người tiên phong trong phong trào xây dựng Đài Loan từ bên ngoài lãnh thổ. Đứng giữa không gian bảo tàng ấy, tôi thấm thía rằng một con người có thể sống xa quê hương, nhưng không bao giờ để mất đi nguồn cội trong tâm hồn.

Rời bảo tàng Vương Dục Đức, tôi đến bảo tàng Công Lý và Lòng Can Đảm, nơi lưu giữ ký ức đau thương của người Đài Loan về sự kiện ngày 28/2/1947. Đó là thời điểm tăm tối khi những nhân sĩ sáng giá nhất của Đài Loan bị sát hại. Từng gương mặt trong tấm pano, từng dòng tiểu sử ngắn ngủi trên bức tường, từng dòng tường thuật sự kiện… khiến tôi lặng người. Họ là những người trí thức dám đứng lên bảo vệ văn hóa, căn tính dân tộc – và họ phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.

Tôi tự hỏi: tại sao trong mọi cuộc biến động lịch sử, vẫn luôn là những nhà trí thức lớn hy sinh đầu tiên? Tại sao họ luôn là những người sẵn sàng hiến tặng tài sản của mình và gia đình để xây dựng các công trình văn hóa cho cộng đồng, trong khi chính họ lại sống giản dị, thậm chí thanh bần? Ở mọi thời đại, ở bất kỳ dân tộc nào, sự dấn thân của tầng lớp trí thức luôn là điều đáng khâm phục, nhưng cũng là điều khiến ta xót xa.

Hai lần đến Đài Nam trong sự kiện Ngày thơ Đài Loan và Liên hoan văn thơ Việt Nam – Đài Loan, tôi được mở rộng hiểu biết về văn chương, và còn nhìn thấy một Đài Loan sâu thẳm, đau thương, nhưng kiên cường. Nỗi đau mất mát không làm người Đài gục ngã, mà trở thành động lực để họ gìn giữ văn hóa, xây dựng tương lai với những đổi thay và phát triển theo cách của mình. Và tôi hiểu rằng, những chuyến đi này không chỉ để nhìn ngắm phong cảnh, mà còn để lắng nghe những câu chuyện, những số phận, những nỗi đau mà một vùng đất với người dân ở đó đã trải qua. Bởi chỉ khi thấu hiểu nỗi đau ấy, ta mới thực sự chạm đến và ngưỡng mộ linh hồn của một dân tộc.