Nguyễn Đước
Cuối những năm thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, hồi đó nhà tôi ở tỉnh Quảng Ngãi còn nhiều nghèo khó. Tôi nhớ hồi đó để “thoát nghèo” và cũng là cách để kiếm tiền nuôi thân, nuôi bầy con đông, phụ giúp cha mẹ già ở quê, nhiều người nghèo ở làng quê tôi buộc phải tha phương, rời làng quê nghèo vào Sài Gòn để đi làm thuê, làm mướn, mưu sinh kiếm sống.
Hồi đó nhà tôi nghèo nhất, nhì trong làng. Nhà nghèo, ba má tôi lại đông con nên bữa đói bữa no, cuộc sống cứ thiếu trước hụt sau. Anh Tư là con riêng của ba tôi nhưng má tôi lại rất thương yêu anh, coi anh như chính con ruột mà má đứt ruột đẻ đau. Có lần má bảo, má thương anh Tư vì anh Tư thiếu vắng hơi mẹ từ khi còn nhỏ. Hồi đó, nhà nghèo quá nên anh Tư đành phải nghỉ học sớm.
Tôi nhớ, năm anh Tư chừng mười tám, mười chín tuổi, anh xin ba má tôi cho anh theo người ta vào Sài Gòn để kiếm việc làm nuôi thân, kiếm chút tiền gửi về quê phụ giúp ba má nuôi bầy con đông là mấy chị em tôi. Nghe anh Tư tôi muốn rời gia đình, rời quê vào Sài Gòn mưu sinh, kiếm sống má tôi bàng hoàng rồi bật khóc vì lo lắng. Má khóc vì lo lắng cho anh Tư còn nhỏ, một thân một mình vào Sài Gòn rồi đi làm thuê làm mướn, nơi “đất khách quê người” lại không quen biết ai, không có người thân bên cạnh nhỡ có chuyện gì xảy ra rồi làm sao.
Thế nhưng trước sự mong muốn cũng như hoàn cảnh gia đình lúc đó còn quá nghèo khó, má tôi đành nuốt nước mắt vào lòng, để anh Tư ra đi, vào Sài Gòn mưu sinh, lập nghiệp. Ngày anh Tư vào Sài Gòn đi làm thuê má rớt nước mắt rồi căn dặn dặn anh Tư đủ điều. “Con vào trong đó nhắm làm được việc gì thì làm. Nếu thấy khó khăn quá thì hãy nhanh chóng trở về quê, sống với ba má, gia đình. Có rau ăn rau có cháo ăn cháo sống qua ngày con à…”.
Anh Tư kể, những ngày đầu tiên chập chững vào Sài Gòn anh “ăn nhờ ở đậu” nhà người quen vài hôm rồi bắt đầu hành trình đi tìm kiếm việc làm để kiếm tiền nuôi thân. Từ phụ hồ, chở hàng thuê, làm thuê cho hàng nước đá cho đến bốc vác tại các chợ rồi đến phụ quán ăn, quán nhậu… anh Tư làm hết, không chừa một “nghề” nào, miễn là có việc làm, kiếm tiền đàng hoàng để nuôi thân, hàng tháng dành dụm chút ít để gửi về phụ giúp ba má, gia đình.
Cũng tại mảnh đất Sài Gòn, anh Tư tôi đã gặp chị Tư (chị dâu tôi sau này), chị cũng là người cùng quê hương, vì hoàn cảnh nghèo khó, chị cũng theo người quen vào tận Sài Gòn năm 16 tuổi để làm thuê cho người ta, kiếm tiền nuôi thân và phụ giúp gia đình. Có lẽ vì đồng cảm hoàn cảnh nghèo khó, xa quê nên chị Tư đã nhận lời yêu thương của anh Tư tôi. Tôi nhớ cứ cuối tuần là anh Tư lại chở chị Tư trên chiếc xe đạp “cà tàng” qua cầu Bình Triệu nơi tôi đang trọ học đại học để thăm hỏi, lần nào qua thăm tôi anh Tư cũng khuyên bảo tôi cố gắng học hành cho thật tốt để sau này tốt nghiệp ra trường có việc làm, kiếm tiền phụ giúp ba má ở quê nhà.
Mảnh đất Sài Gòn dường như không phụ lòng người. Nhiều năm bôn ba, làm thuê làm mướn khắp nơi ở Sài Gòn, nhờ tính tình siêng năng, chăm chỉ làm việc, anh Tư tôi đã tích góp được một số tiền khá lớn. Anh quyết định về quê xây dựng nhà cửa đàng hoàng, khang trang rồi làm đám cưới với chị Tư tôi.
Tôi tốt nghiệp đại học và chọn Sài Gòn làm quê hương thứ hai để lập nghiệp. Mỗi năm tôi lại về quê thăm nhà, lần nào cũng ghé thăm nhà anh Tư. Lần nào cũng vậy, anh Tư cũng hỏi han tôi rất nhiều về Sài Gòn, cuộc sống của tôi ở Sài Gòn. Tôi biết anh Tư rất nhớ Sài Gòn. Sài Gòn đã trở thành kỷ niệm, là một phần “máu thịt” trong trái tim anh.
Có lần trò chuyện cùng anh Tư, anh bảo với tôi là anh rất nhớ Sài Gòn, nhớ những góc phố, con hẻm và cả những con đường có hàng me xanh, nhớ những cây cầu mà anh đã từng đạp xe đi qua trong những năm tháng còn bôn ba, tha phương ở Sài Gòn để mưu sinh kiếm sống. Anh bảo với tôi có dịp anh sẽ vào lại Sài Gòn thăm tôi, thăm lại những nơi chốn xưa như chợ Cầu Muối, chợ Bình Điền, chợ An Đông, chợ Thủ Đức, chợ Đầu Mối, chợ Bến Thành… vì đây là những nơi anh từng đi làm thuê, bốc vác, rồi ghé lại thăm ông chủ hàng nước đá và một vài người đã giúp anh trong những ngày tháng đầu tiên, “chân ước chân ráo”, chập chững vào Sài Gòn kiếm việc làm để nuôi thân.
Thế nhưng những dự định của anh vào thăm lại Sài Gòn sẽ mãi mãi không bao giờ trở thành hiện thực. Vào một buổi chiều “định mệnh” sau Tết Đoan ngọ (năm 2016), tôi nhận điện thoại của má gọi điện từ quê nhà vào báo tin anh mãi mãi ra đi vì cơn đột quỵ khi anh chỉ mới vừa tròn 46 tuổi. Anh đã mãi mãi ra đi khi dự định cũng như nỗi nhớ, lời hứa sẽ trở lại thăm Sài Gòn vào một ngày gần nhất vẫn còn dang dở…
Người Quảng Ngãi quê tôi thường hay ví Sài Gòn là mảnh đất hào hào sảng, bao dung, là nơi “đất lành chim đậu”. Với riêng tôi, Sài Gòn là mảnh đất luôn luôn hào phóng, luôn mở rộng vòng tay ấm áp, nghĩa tình của mình để chở che và là mảnh đất khát khao đổi đời của biết bao nhiêu những phận đời nghèo khó vào Sài Gòn mưu sinh lập nghiệp như anh Tư và tôi.
Sài Gòn, TP. HCM giờ đây đã trở thành một phần “máu thịt” trong tôi và của cả anh Tư. Mỗi lần có dịp về thăm quê, ghé thăm nhà anh Tư, tôi lại sang thăm chị Tư rồi kính cẩn đốt cho anh nén hương thơm và “thầm kể” cho anh Tư nghe về công việc, về cuộc sống của tôi ở Sài Gòn. Sài Gòn giờ hiện đại và phát triển mạnh mẽ hơn thời anh Tư lần đầu tiên vào Sài Gòn kiếm sống nhưng vẫn là một Sài Gòn, một mảnh đất Phương Nam đầy hào phóng, tử tế, nghĩa tình và bao dung, như thuở mà anh Tư rời quê nhà, chập chững những bước chân “vụng dại”, đầu tiên vào Sài Gòn để mưu sinh kiếm sống.