Bài & ảnh: Nguyễn Thuý Uyên (Trường ĐH Thủ Đô)
“Sống và làm việc ở thành phố này đã gần 20 năm, vậy mà tôi vẫn chưa thể có được một ngôi nhà theo đúng nghĩa là của mình, dẫu chỉ là nhỏ nhoi. Lúc mới lên thành phố sống một mình cũng thuê trọ, tới khi lấy vợ rồi sinh con đẻ cái cũng vẫn sống cuộc đời nhà trọ, nay đây mai đó. Với mức thu nhập ít ỏi, cộng với việc quá nhiều thứ phải chi tiêu, giá cả luôn tăng vọt, thì chẳng biết đến bao giờ, vợ chồng tôi mới có tiền để mua nổi một căn nhà…”- đó là lời tâm sự của anh Nguyễn Văn Nam, quê ở Thanh Hoá, công nhân làm việc trong khu công nghiệp Bắc Thăng Long, người đã định cư ở Hà Nội gần 17 năm trời, và giờ đây vẫn sớm hôm đi về với căn nhà trọ ở một làng quê ven đô, thuộc địa bàn huyện Đông Anh, Hà Nội. Cuộc sống, nỗi niềm và mơ ước của anh Nam về một căn nhà do mình đứng tên, làm chủ chỉ là một trong hàng triệu mong muốn của biết bao con người tỉnh lẻ, đang sống và làm việc tại Hà Nội nói riêng, cũng như tại các đô thị lớn ở nước ta nói chung. Do không có tiền mua nhà, mua đất xây nhà, nên hàng triệu con người ấy vẫn phải tạm bằng lòng với cảnh đời ở trọ, bởi chính họ cũng chẳng biết làm cách nào, mà chỉ biết lao động cật lực, sống và hi vọng về một tương lai tươi sáng hơn đón đợi ở phía trước…
Gian nan đời nhà trọ
Đôi vợ chồng trẻ Trần Văn Tân và Lê Thị Huệ, quê Nghệ An, công nhân làm trong Khu công nghiệp Sài Đồng A (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết, từ ngày xây dựng gia đình cho tới khi có 2 đứa con đã tới tuổi đi học rồi mà vẫn tá túc trong căn phòng thuê trọ chật trội, ngay gần chỗ làm. Diện tích của căn nhà chỉ 16m2, mà chứa cả một gia đình với biết bao đồ đạc nên nó càng trở nên ngột ngạt. Phòng chật đến nỗi anh Tân còn làm thêm cả một cái gác lửng để vợ chồng con cái ngủ, cái xe máy cũng phải đi gửi nhờ sân hàng xóm vì không còn chỗ chứa. Chị Huệ kể rằng: “Lương của cả 2 vợ chồng tổng cộng hơn 20 triệu đồng chỉ đủ trang trải với mức đạm bạc cho cả gia đình, nên tụi em chưa nghĩ tới việc thuê một căn nhà rộng hơn. Ở như thế này là quá chật, nhưng đành chịu thôi, vì nếu mà bỏ ra từ 4 đến 5 triệu đồng trở lên để thuê nhà rộng hơn thì bọn em không kham nổi, bởi không chỉ tiền nhà, mà còn phát sinh tiền điện, nước… nên kiểu gì cũng “đội” lên mỗi tháng tổng cộng tới hơn 7-8 triệu đồng, trong khi tiền ăn tiêu sinh hoạt, tiền 2 con học hành… luôn luôn trong tình trạng thiếu trước hụt sau”. Chị Huệ còn cho hay, vì không có tiền nên nhiều khi trong họ hàng ở quê có cỗ bàn, cưới xin họ mời cũng đâu dám về, bởi mỗi lần về quê là rất tốn kém…

Vâng, đúng là có rất nhiều những hoàn cảnh giống như gia đình của anh Tân và chị Huệ, khi thu nhập chỉ ở mức tạm đủ sống kiểu tằn tiện, vì vậy việc phải sống cảnh đời nhà thuê mướn là không thể khác được. Cuộc sống sinh hoạt gia đình luôn có rất nhiều phát sinh, cần có không gian riêng cho vợ chồng, các con… nhưng do không thể mua được nhà riêng, hoặc không có nhiều tiền để thuê được các căn hộ rộng rãi, nên họ phải chấp nhận sống trong các căn phòng thuê trọ chia lô tựa như sinh viên, bởi đồng tiền họ kiếm được luôn rất hạn hẹp. Tuấn và Thuỷ – một cặp vợ chồng cùng quê ở Nam Định, lên Hà Nội làm nghề tự do, khi công việc của người chồng là đi phụ hồ, vợ thì đi làm lao công… hiện đang tá túc trong căn phòng trọ theo kiểu nhà dãy, ở khu vực phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho hay: “Thu nhập của tụi em không ổn định, nên chỉ dám thuê căn phòng cấp 4 rộng hơn 14m2 một chút, với giá 2,8 triệu đồng/tháng. Chật chội lắm, nhưng phải gắng chịu, và mai này có con cái, nếu làm ăn ở đây chắc cũng cố thuê cái phòng rộng hơn đôi chút, không thì… cực lắm”.
Đối với những người sống độc thân thì việc họ sống trong các căn phòng trọ hẹp chẳng hề quan trọng, bởi trong con đường mưu sinh nơi đô hội kiếm đủ ăn, đủ trả tiền thuê nhà để có chỗ ngủ, tắm, giặt là hạnh phúc lắm rồi. Thế nhưng, đối với các trường hợp đã có gia đình thì sống việc sống trong các căn phòng trọ chật chội quả là rất bất tiện. Như trường hợp của anh Nguyễn Tiến Hà, năm nay đã ngoài 40 tuổi, sống cùng vợ và 3 đứa con trong căn phòng rộng hơn 18m2, thuê với giá 2,6 triệu đồng/tháng, tại phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Anh Hà kể: “Đồ đạc bày biện chật chội đã đành, nhưng phiền nỗi là các con lớn hết rồi, nên nhiều khi vợ chồng muốn… “sinh hoạt” riêng tư cũng sợ không dám vì lỡ con nó… “nhìn, nghe” thấy thì không hay, không tiện cho lắm. Với lại, 2 đứa con trai, một đứa con gái, chẳng nhẽ cho chúng ngủ chung một giường…”. Qua tâm sự, tôi được biết, anh Hà làm nghề cơ khí cho một doanh nghiệp tư nhân, vợ làm giáo viên mầm non, và tổng thu nhập hàng tháng của cả 2 vợ chồng không nổi 20 triệu đồng, nên gia đình anh không thể “cải thiện” chỗ ở, vì tiền thuê nhà, tiền điện, nước, tiền ăn của 5 người cũng đã ngốn gần hết thu nhập cả tháng. Đó là chưa kể tiền học hành của các con. Bởi thế, tối tối, anh Hà phải chạy xe ôm kiếm thêm, gom góp đưa vợ nuôi con cải thiện mức sống cho gia đình, còn chị thì cũng nhận thêm hàng quần áo về may…
Mơ ước về một căn nhà riêng
Mục đích phấn đấu, niềm mơ ước của những người dân tỉnh lẻ nhập cư lên thành phố là mua được căn nhà cho mình và gia đình, dẫu nó bé nhỏ, xa trung tâm thành phố, trong hẻm ngõ sâu… cũng là hạnh phúc lắm rồi. Thông qua một người bạn, tôi biết anh Lê Văn Hồng, quê Thanh Hoá, tốt nghiệp đại học Nông nghiệp, và đã từ chối một công việc khá an nhàn, ổn định, nhiều ưu đãi ở quê nhà để “bám trụ” lại Hà Nội. Cuộc sống nơi đô hội của anh Hồng khá vất vả, khi phải bươn trải bằng rất nhiều nghề, kinh qua rất nhiều khu xóm trọ. Anh Hồng tâm sự: “Dẫu có khổ, có vất vả, song mục tiêu phấn đấu cao cả nhất khi lựa chọn ở lại Hà Nội là lấy vợ và mua được căn nhà, để tương lai con cái tươi sáng hơn, vì chúng được sinh ra, nuôi dưỡng, học tập nơi thành phố nên ít nhiều chúng cũng lĩnh hội được nhiều điều kiện tốt hơn, tương lai xán lạn hơn…”. Và “mục tiêu” thứ nhất thì anh Hồng đạt được rồi, đó là lấy vợ và sinh 2 đứa con kháu khỉnh. Thế nhưng “mục tiêu” thứ hai là mua được nhà thì e hơi khó, khi chẳng biết tới lúc nào anh mới phấn đấu nổi, bởi đồng lương viên chức hành chính sự nghiệp của vợ, cùng khoảng hơn chục triệu đồng lương của anh, thì có lẽ chỉ đủ ăn tiêu đạm bạc, chứ khó mà dư dả mỗi tháng được mấy triệu đồng. Anh Hồng bảo: “Sắp tới em cố vay mượn bạn bè, bà con hai họ để mua căn hộ chung cư theo kiểu trả góp, rồi sau đó làm trả dần, chứ cứ mãi ở đời nhà thuê như thế này thì khổ quá…”. Vâng, vẫn biết là thu nhập của vợ chồng anh Hồng không khá, nhưng với sự quyết tâm, nỗ lực phấn đấu của mình, tôi cũng hy vọng và cầu mong cho ước mơ và dự định của vợ chồng anh được sở hữu một căn nhà của riêng mình, sớm trở thành hiện thực, để thoát cảnh đời nhà trọ…
Tôi có biết một đôi vợ chồng trẻ, người vợ quê Yên Bái, chồng quê Phú Thọ, họ đều làm công nhân, và ngày trước thuê trọ sát bên gia đình tôi. Ngày họ chuyển tới thuê căn phòng trọ sát nhà tôi là mới vừa cưới nhau được vài tháng, và họ có dự định mua nhà sau khoảng 1 năm kế tiếp. Thế nhưng, bẵng đi một thời gian dài, khoảng 5-7 năm gì đó…(?!), qua mấy lần họ chuyển trọ, tình cờ tôi gặp lại, và biết hiện tại vợ chồng họ đang sống trong một khu xóm trọ ở phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Thoạt đầu tôi cứ ngỡ là họ đã mua được nhà riêng ở đó, nhưng sau một hồi trò chuyện, tôi mới biết họ vẫn chưa hề mua được nhà, mà là vẫn thuê trọ. Thu nhập của vợ chồng họ cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống hàng ngày, không dư dả. Anh chồng buồn rầu, bảo: “Ngày trước, lúc vừa cưới xong tưởng mua được nhà ngay, vì có vài người họ hàng hứa giúp đỡ cho vay mượn, nhưng về sau có thấy ai cho vay mượn gì đâu, nên dự định mua nhà tiêu tan. Nếu cứ tình thế giá đất, giá nhà mỗi ngày một ‘phi nước đại’ như bây giờ, trong khi đồng lương lại còm cõi không đủ sống, thì có lẽ đến… ‘mùa quýt’ vợ chồng chúng tôi cũng không thể mua nổi nhà, mà đành phải chấp nhận sống trọ nay đây mai đó thôi, chứ biết phải làm sao bây giờ!”

Quả thật, với giá đất, giá nhà ở Hà Nội (cũng như rất nhiều đô thị ở các tỉnh, thành phố lớn khác trên cả nước) đắt đỏ như những năm gần đây, thì người lao động bình thường, viên chức nhà nước, sẽ khó lòng mà mua nổi, trong khi giá cả sinh hoạt thì đắt đỏ, đồng lương lại hạn hẹp. Giả sử, một đôi vợ chồng làm công nhân, lương mỗi người khoảng 12 triệu đồng/tháng, thì nếu khi chưa có con cái, sau khi trừ hết tiền trọ, tiền sinh hoạt các loại thì mỗi tháng cả 2 có khả năng sẽ tiết kiệm được khoảng từ 5-7 triệu đồng. Với mức tiết kiệm được như vậy, tôi nghĩ phải cần tới mấy chục năm thì họ mới có thể mua được 1 căn chung cư bình dân có giá khoảng trên 2 tỷ đồng một chút(?!). Đó còn chưa nói tới việc mua đất, sau đó để xây cất nhà cửa to đẹp khang trang tại những khu vực trung tâm, với giá trị cả trên dưới chục tỷ đồng, thì e rằng có làm tới già một cặp vợ chồng có mức thu nhập ít ỏi như vậy cũng không bao giờ có thể mua nổi, nó còn khó hơn cả việc… “hái sao” trên Trời! Ở đây tôi chưa nói tới trường hợp các đôi vợ chồng làm công nhân, làm công việc tự do thu nhập thấp, thu nhập không ổn định… mà sống cảnh thuê nhà, một khi đã có con thì chuyện có tiền dư dả hàng tháng là điều quá hiếm, không thể, nên mơ ước mua được nhà tại thành phố với họ mãi chỉ là… “ước mơ” mà thôi, chứ việc thực hiện được là điều gần như bất khả thi, ngoài tầm với, trừ khi trúng xổ số…!