Trần Bảo Hưng
Gần đây các phương tiện thông tin đại chúng tập trung tuyên truyền về nuôi trồng sinh học, kinh tế tuần hoàn… Tập trung tuyên truyền là đúng, nhưng sai khi cho rằng nuôi trồng sinh học, kinh tế tuần hoàn… là của phương Tây mà chúng ta cần phải học hỏi và làm theo. Không biết tự bao giờ trong giới truyền thông đã hình thành tư duy: cái gì tốt là của người, ta chỉ có những cái không phù hợp. Đây cũng là một biểu hiện không hiểu biết, không học tập những cái hay, cái tốt trong truyền thống văn hoá của dân tộc. Nói đúng ra là tư tưởng tự ti, vọng ngoại.
Thực ra cách đây dăm, sáu chục năm (và trước đó hàng nghìn năm), ông cha ta đã nuôi trồng sinh học, kinh tế tuần hoàn… trong nông nghiệp (khi đó nền công nghiệp của chúng ta còn nhỏ bé, manh mún). Có điều, khi đó trình độ kỹ thuật còn thấp, năng suất chưa cao. Những năm ấy, cây lúa gặt về: hạt thóc dành cho người, rơm cho trâu bò, rạ dành để đun nấu, tro dùng để ủ phân bắc, phân chuồng… trước khi bón ruộng. Lúc ấy cái đun thiếu, đến nỗi, những ngày nghỉ học, bọn nhóc chúng tôi phải đi nhổ gốc rạ về để đun. Con gà nuôi bằng thóc, con lợn nuôi bằng bèo và cám, gia súc, gia cầm… được nuôi bằng thóc. Vật nuôi chỉ được cung cấp một phần thức ăn, phần còn lại chúng phải tự kiếm, mà câu ngạn ngữ “cơm đâu no chó, thóc đâu no gà” đã nói lên một phần thực trạng ấy. Việc nuôi trồng này, ngoài cái dở, đã vô tình tạo ra một vòng tròn khép kín trong quy luật sinh học, các con vật khi kiếm ăn đã diệt những côn trùng có hại. Hệ thống thiên địch trong nuôi trồng… gần như được giữ vững.
Nhưng hệ thống nuôi trồng này với kỹ thuật thấp (cùng với hình thức hợp tác hoá trong nông nghiệp chưa phù hợp) đã đưa đến một hệ quả “chết người” là năng suất cây trồng, vật nuôi cực thấp, dẫn đến việc thiếu ăn, đói kém như là một căn bệnh kinh niên. Cách nuôi trồng của nước ngoài với kỹ thuật cao (đặc biệt là thuốc trừ sâu và phân hoá học) được du nhập vào nước ta đã căn bản giải quyết được những hạn chế của lối nuôi trồng trước đó. Cái sai của ta là ngoài kỹ thuật, chúng ta còn du nhập cả những “rác rưởi”, những mặt trái của lối nuôi trồng này và nhiều khi lại quá đà, khiến cho môi trường sống của mình đầy “rác rưởi”. Ở đây, có vai trò của nhà khoa học và nhà quản lý. Đáng lý chúng ta là những người đi sau, chỉ học tập và du nhập những điều có lợi, thì do yếu kém của hai nhà trên, chúng ta lại du nhập tất cả (nhiều khi lại chủ yếu là du nhập … “rác rưởi”). Đến bây giờ, khi “rác rưởi” đã quá nhiều, đến nỗi “tác giả” của những “nỗi niềm kia” phải cấm nhập khẩu lương thực, thực phẩm bẩn mà chúng ta đang tạo ra, thì “những nhà” này lại vẫn chưa nhận ra trách nhiệm của mình, họ đổ tội cho nhau và đổ tội cho dân!
Đến đây thì bài học muôn thuở: lắng nghe dân và học tập dân… bao giờ cũng đúng. Cách đây mấy chục năm, phong trào dùng cây muồng muồng và bèo hoa dâu làm phân bón sẽ giúp cây trồng có năng suất cao…được phổ biến đến tận hang cùng ngõ hẻm, nhưng rồi nó bị chết ngỏm lúc nào không ai biết nữa vì nó không có hiệu quả. Rồi phòng trào cấy dày (5cmx5cm), với câu khẩu hiệu “cây thưa thừa đất, cấy dày thóc chất đầy kho”, đã được người nông dân Việt Nam trả lời bằng cách thức cấy dày vừa phải (20cmx20cm), với câu ca “cây thưa thừa thóc, cấy dày cóc được ăn”. Câu trả lời này của người nông dân Việt Nam đã được thực tiễn chứng minh là đúng và cái công thức kia đã rút lại “không kèn không trống”.
Lại một dạo, “ông láng giềng” khổng lồ phương Bắc phổ biến cho ta cách nuôi lợn “hiệu quả” bằng việc cắt đuôi, cắt tai chúng và cho chúng ăn phân trâu. Mẹ tôi (và nhiều người nông dân khác) đã trả lời những nhà khoa học “nô lệ” kia bằng thực tế: Nếu tôi cắt tai anh và cho anh ăn phân trâu thì anh có chịu được không? Tất nhiên cái “công thức” quái gở kia đã không thể nào phổ biến được trong công chúng! Có một dạo, do thiếu rau xanh, viện trồng trọt của Bộ Nông nghiệp khi đấy đóng ở Hải Dương đã lai tạo ra một giống rau muống trắng có năng suất cao (dân gian vẫn gọi là rau muống ông Của, vì ông Lương Định Của là Viện trưởng), nhưng ăn rất nhạt. Giống rau muống này chỉ tồn tại được một thời gian, khi rau đủ dùng thì nó cũng bị đào thải và từ cách đây mấy chục năm đã không thấy nó đâu nữa. Qua đó có thể thấy, dù ý định tốt, nhưng không hợp thì trước sau cũng không thể tồn tại được. Người nông dân cách đây mấy chục năm, không có kỹ thuật cao siêu gì, cũng không phải là “ông thần ông thánh”, nhưng họ có thực tế đời sống sản xuất và tiêu dùng, nên cái gì không đúng, không hợp họ đều không theo và các phong trào dù rầm rộ đến mấy cuối cùng vẫn không thể đi vào cuộc sống. Và khi ấy cuộc sống còn nhiều khó khăn, những khái niệm lương thực và thực phẩm bẩn gần như không tồn tại, người tiêu dùng và người sản xuất đều là những người tiêu dùng và sản xuất sạch. Còn nhớ cách đây dăm sáu chục năm, mẹ tôi và bạn bè của cụ đã tẩy chay những bà hàng xén: khi đó việc mua bán chủ yếu bằng ống bơ, những bà bán hàng khi mua thì thục ống bơ xuống để mua được nhiều, khi bán thì thúc ống bơ lên để bán thì ít mà vẫn tính tiền nhiều; và để hạt gạo trắng xanh, họ đã bỏ vài cọng bèo tây vào cối giã để hạt gạo được trắng, nhưng nếu để lâu sẽ bị mốc. Mẹ tôi và các bạn của bà, đã tẩy chay không mua gạo của những bà hàng xén làm điêu và không đứng đắn ấy! So với những người “rau hai luống, lợn hai chuồng” bây giờ, thì những bà ấy còn quá là lương thiện!
Trở lại với việc nuôi trồng sinh học và kinh tế tuần hoàn bây giờ. Ai phải chịu trách nhiệm chính? Đó là các nhà khoa học và các nhà quản lý, vì chính họ là những người du nhập vào. Tất nhiên, những người sản xuất, chăn nuôi cũng phải chịu trách nhiệm, nhưng họ chỉ là những người tiếp tay (đôi khi hơi “quá tay”!). Cho nên chúng tôi xin nhắc lại: nuôi trồng sinh học, kinh tế tuần hoàn… không phải là của phương Tây mà ông cha ta đã từng làm. Không biết tự bao giờ thói tự ti và đổ lỗi… đã trở nên phổ biến ở nước ta. Theo chúng tôi, căn bệnh này mới thực là nguy hiểm và toàn xã hội phải cùng chung tay diệt bỏ. Và chuyện nực cười mà có thật, các sản phẩm “lợn cắp nách, gà chạy bộ” của một thời sản xuất, chăn nuôi năng suất thấp bây giờ lại trở thành đặc sản. Khi thiếu đói người ta tăng năng suất bằng mọi giá, khi no người ta chú ý đến chất lượng. Đó là quy luật.