Truyện ngắn Đỗ Hữu Tấn
Người làng gọi ông bằng tên ấy bởi ông thường ở trần, mặc quần đùi, trên đầu buộc một chiếc khăn mặt thò hai đầu ra như hai cái sừng, ngày ngày vác rìu đi bổ củi thuê.
Vợ mất sớm, ông ở vậy nuôi cô con gái độc nhất tên là Xoan. Đến thời điểm xảy ra câu chuyện này thì cô Xoan vừa tròn mười tám tuổi, xinh đẹp nhất làng.
Độ ấy đang là thời giặc Mỹ ném bom, đánh phá miền Bắc, vùng này bị đánh rất ác liệt. Ngay đầu làng có một trận địa pháo phòng không. Thỉnh thoảng ông già và cô gái lại được tiếp khách là các anh lính trẻ đến chơi nhà. Hai cha con cũng hay vào trận địa, khi thì nói chuyện vui, khi thì tặng quà, chẳng hạn như nải chuối, rổ khoai… khi thì lau súng, và nếu gặp đánh nhau thì tiếp đạn.
Một ngày hè. Mặt trời vừa nhô lên, máy bay địch đã ào tới. Bom đạn từ trên dội xuống. Súng đạn từ dưới bắn lên, ầm ầm, dữ dội, rung trời chuyển đất. Giữa lúc cuộc chiến đang diễn ra quyết liệt, bỗng có tiếng thét vang, át cả tiếng bom đạn: “Cháy rồi! Cháy rồi!”. Cùng lúc, mọi người, cả quân, cả dân, bất chấp bom đạn, cùng nhảy lên khỏi chiến hào, hầm hố, gào thét, reo hò. Trên không, chênh chếch về phía tây, một máy bay địch bốc cháy, rơi nhanh, và từ đấy, phút chốc bung ra một chiếc dù trắng rơi từ từ theo gió đông nam. “Quyết bắt sống giặc lái!” “Đừng để nó chạy thoát!” Dân làng, cả già, trẻ, gái, trai, vừa hò hét, vừa chạy theo chiếc dù rơi, hướng cánh đồng phía tây làng.
Ông già Thạch Sanh vác rìu chạy theo. Nhưng ông chưa kịp ra khỏi nhà thì chạm phải một anh bộ đội. Anh này giữ ông lại bằng cả hai tay. “Cô Xoan…”, anh ấp úng mãi mới bật ra được hai tiếng ấy và chỉ tay về phía trận địa. Ông già chợt hiểu cái gì xảy ra. Ông đứng sững, đoạn cùng anh bộ đội chạy vội về phía ấy.
Ở trận địa, người đổ đến rất đông, nhưng không khí yên tĩnh lạ thường. Người ta tụ tập vòng trong vòng ngoài xung quanh một ụ pháo sạt lở, đất đá bắn ngổn ngang. Ở giữa vòng người ấy, trên mấy cái chiếu trải vội xộc xệch, nằm bất động hai người lính và một cô gái trẻ, như ngủ. Ông già nhận ngay ra con gái mình. Ông đứng khựng lại, đoạn chạy bổ tới, ngồi sụp xuống, lay gọi. Ban đầu ông lay khẽ, rồi lay mạnh hơn, nhưng cô gái vẫn nằm yên như một khúc gỗ. Ông quay nhìn xung quanh như cầu cứu, đoạn ngẩng nhìn trời, không rõ ý để tìm máy bay hay tìm Thượng Đế, với bộ mặt nhăn nhúm như là tập trung tất cả nỗi đau khổ của loài người, với con mắt chốc chốc vằn lên như là tập trung tất cả nỗi uất hận của loài người. Người ta dìu ông đứng dậy để làm các thủ tục mai táng. Ông làm theo, đi theo ý mọi người như một cái máy cho đến lúc giật mình nghe loạt đạn bắn chào tiễn biệt người đi.
Về nhà, ông như người mất hồn. Không tiếp khách đến hỏi thăm, ông mang rìu ra mài, mài cho thật sắc. Nghe lỏm được tin sắp giải thằng giặc lái vừa bắt được qua làng, ông lẳng lặng vác rìu, ngồi rình sẵn bên gốc đa đầu làng, cạnh đường đi, trông bộ chẳng khác gì Thạch Sanh trong huyền thoại. Chờ một lúc thì nó đến. Nó đi trước, to lớn, cao lênh khênh, bước đi thất thểu.
Sát sau nó là hai anh bộ đội khoác tiểu liên. Ông già đứng thế mèo rình chuột. Đợi cho nó đến vừa tầm, ông nhảy phắt ra, bổ rìu xuống đầu nó, với sức mạnh trời giáng của cả toàn thân và hai cánh tay săn chắc tràn đầy hận thù. Nhưng cán rìu thoắt bị giữ lại bởi một người lính trẻ. Người lính thứ hai lao tới ôm lấy ông. Ông khoát mạnh tay, gạt được cả hai người ra, và lại giơ rìu lên.
– Không làm thế được đâu, bố ơi! – Người lính giữ rìu vừa nói vừa dang tay ngăn. Ông già chợt nhận ra anh này hay đến chơi nhà và có lần ông đã nhận đùa là con rể tương lai! – Giờ nó là tù binh của ta, bố ơi! – Anh nói tiếp, đoạn giúp ông già thu rìu lại.
– Bố tưởng chúng con không đau đớn sao? Bao đồng chí và những người thân của chúng con, vì nó… – Anh lính kia vừa nói, vừa quay nhìn thằng tù binh.
Ông già thừ người, buông thõng rìu.
– Bố ơi, xin bố hiểu cho… chúng ta là người Việt Nam! Người Việt Nam, bố hiểu chưa? – Anh con rể hờ nói, rồi ôm chặt hai vai ông già, đoạn áp má vào ngực ông.
Ông già như chợt hiểu. Ông ngồi phịch xuống đất, cái rìu cùng rơi theo, nằm chéo bên người. Hai dòng nước mắt từ từ chảy trên má ông.
Hai người lính cùng đứng sững, nước mắt lưng tròng.
Thằng Mỹ dường như cũng hiểu chuyện. Nó đứng lặng, cúi đầu, và người ta cũng trông thấy hai hàng nước mắt từ từ chảy trên má nó, nhỏ mấy giọt trên đồng đất Việt Nam.