Tác giả Nguyễn Vĩnh Tiến đã rất thành công với vai trò là một kiến trúc sư, anh cũng đã làm nên tên tuổi ở lĩnh vực âm nhạc với bài hát “Bà tôi” từng gây sốt năm nào. Con người nhà thơ của Nguyễn Vĩnh Tiến là ít nổi tiếng hơn cả, với tập thơ gần nhất đã in từ 2001. Nhưng thơ của anh rất đặc biệt và đa dạng, một giọng thơ hiện đại, từng trải, vượt ra ngoài ranh giới của thể loại, vần điệu để khám phá khả năng của ngôn từ.
Nhân dịp phát hành tập thơ mới của Nguyễn Vĩnh Tiến mang tên “Hỗn độn và khu vườn”, Nhã Nam sẽ tổ chức một buổi giao lưu với tác giả trong không gian du dương của âm nhạc để cùng trò chuyện về thi ca và những chiêm nghiệm về việc làm nghệ thuật.
THÔNG TIN SỰ KIỆN
Thời gian: 9h30 sáng Chủ nhật, ngày 23 tháng 6 năm 2024
Địa điểm: Gốm Garden, cạnh Vườn Tùng La Hán Võ Chí Công, Tây Hồ, Hà Nội (Đối diện Lotte Mall West Lake)
Với sự tham gia của các diễn giả:
– Tác giả Nguyễn Vĩnh Tiến
– Tiến sĩ, dịch giả Trần Ngọc Hiếu
– Biên tập viên Nguyễn Hoàng Diệu Thủy
Nnnn
Tập thơ “Hỗn độn và khu vườn” vừa mới xuất bản trong mùa hè này dày 268 trang, được chia làm 5 chương: Hoa lạ – Hỗn độn và khu vườn – Trầm cảm đô thị – Chàng thơ – Hoa nở không tên, mang đến một hình dung về những chặng đường đời, những chặng đường thơ của tác giả. Thuở ban đầu là nỗi háo hức mê say khám phá những khả năng của chữ, thời trưởng thành là hình ảnh con người suy tư buồn bã với câu hỏi tôi là gì, và ở phần cuối là mảnh tâm tư đã nhiều phần tìm được chốn bình yên. Nhưng những bài thơ được chọn để đưa vào tập sách dày dặn này chỉ là một phần trong vườn thơ sum suê của Nguyễn Vĩnh Tiến, vì thế rất khó để nói ráo riết tận cùng về thơ anh.
Nguyễn Vĩnh Tiến là một nhà thơ hết sức đa dạng. Nếu đọc từ đầu đến cuối tập thơ, ta sẽ thấy được một giọng thơ riêng, trôi chảy, ý thơ tuột ra như không, bất chấp các ranh giới của thể loại, vần điệu, của cũ và mới, của truyền thống và thể nghiệm. Nguyễn Vĩnh Tiến chu du qua các miền không gian từ nông thôn tới thành thị, từ cõi tâm linh huyền bí tới hiện thực phô bày, từ trầm tích quá khứ tới nỗi chán chường hiện tại. Chính vì thế đọc thơ anh người đọc hay gặp bất ngờ, từ những câu lục bát thả ngang trong một bài thơ văn xuôi, hay những câu kết bài thơ chốt hạ độc đáo, hay những liên tưởng thú vị của một tâm hồn giàu có. Nguyễn Vĩnh Tiến như một chàng thơ đang đi băng băng trên một nẻo thơ riêng có, đôi khi dừng lại, tạt ngang, hoặc phóng vụt lên trước, khiến cho cuộc du ngoạn của người trong vườn thơ của anh có đầy sự kỳ thú.
Có hai nhân cách hiển hiện trong thơ Nguyễn Vĩnh Tiến, con người của nhà quê và con người của lang bạt. Con người nhà quê nhớ thương nguồn cội “Bố tôi Hoài Đức mẹ tôi Cẩm Khê”, nhớ nơi cắt rốn chôn rau của mình, vùng trung du Phú Thọ: “Tôi chỉ nên là/ Cậu bé trung du buồn/ Cặm cụi lớn/ Để trôi về nguồn cơn…” Con người nhà quê trìu mến với ông bà, đám giỗ, với bờ ao, mảnh vườn, tường gạch, cọng rơm…, và xót xa nghèn nghẹn với những phôi pha không thể nào chống đỡ. Trong khi đó con người lang bạt, lang bạt nơi thị thành hay lang bạt trong cõi riêng, hiện ra mơ mộng hơn, suy tư hơn, chán chường hơn, lại có chút bông phèng bất cần đời.
“Tôi lao như mũi tên mê theo quả bàng chín ẩn hiện trong lá tim
Tuổi tôi bao giờ cắn ngập những làn hương?
Phố xá im lặng chồn chân
Cánh cửa màu trắng phía ngày xa rộng toác
Vẫn ít người trở về
Tôi quen trò trốn tìm sắc ngày nhạt
Khi chán lại tìm trùng điệp những ngọn đồi chơi trò cánh cung mây”
Đến cuối, tập thơ khép lại với những vần điệu tinh khôi, những triết lý về lẽ sống ở đời, của một con người đầy từng trải.