Vấn đề bản lĩnh, cá tính sáng tạo được nhắc đến nhiều khi nhà thơ, nhà phê bình, bạn đọc và cả báo chí, tìm và mong thấy được những giọng thơ – như cách gọi chung là mới mẻ, đặc sắc, có nét riêng không trộn lẫn. Hoặc khi đã nhận ra được thì người phê bình, viết báo… tích cực chứng minh, khẳng định cho điều đó trong một, một số tác giả thơ qua những tác phẩm mới hay một chặng đường sáng tác của họ. Tất nhiên là không dễ để lọc được ra những gương mặt, giọng điệu như thế cũng như chỉ rõ ra bản lĩnh, cá tính của họ trong đời sống thơ trùng điệp, lẫn lộn hôm nay. Và cũng chính trong bối cảnh đó, thì bản lĩnh, cá tính nhà thơ cũng được nhắc đến, mong đợi thêm nhiều khi đặt nhà thơ đối diện những va đập không nhỏ của truyền thông, của sự khen, chê mà nhiều khi khen cũng thái quá và chê cũng dữ dằn.
Có bản lĩnh để kiên định trên con đường đi tìm, xác định cá tính sáng tạo của mình. Và có bản lĩnh để giữ gìn cá tính đó. Cũng như ngược lại, nhà thơ có thể định hình cá tính sáng tạo và ngày càng làm vững vàng hơn bản lĩnh của mình trong việc tiếp tục làm cho cá tính đó thăng hoa, phát huy lên cao hơn. Như vậy, chúng ta có thể nhìn hai khái niệm này ở trạng thái động. Nghĩa là không thể có bản lĩnh hay cá tính ngay từ ban đầu mà phải qua quá trình học hỏi, thử sức, rèn luyện, tìm đường, đối thoại, đối diện với những thành quả thơ ca đã có, những tác giả thành công đi trước. Một chặng đường gian truân mà nhiều khi, bản lĩnh, cá tính nhà thơ còn được bồi đắp thêm trong những cuộc đối mặt với sự nghi ngờ, chê cười, xem thường, tẩy chay, lạnh lùng…
*
Khi xuất hiện và thể hiện sắc nét hơn diện mạo mình qua tập thơ “Sự mất ngủ của lửa” từ sau tập thơ “Ngôi nhà tuổi 17”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khi đó chưa 40 tuổi và đứng trước nhiều ý kiến phê bình, thậm chí cả đến lâu sau này, đâu đó thơ ông vẫn được dẫn ra như một ví dụ cho việc làm khó người đọc, gây khó hiểu và xa rời ngôn ngữ, văn hóa Việt. Nhưng chính ông, lại là một người bắt rễ sâu với văn hóa làng và biết cách dị biệt hóa để những hình tượng từ đó trở nên hấp dẫn, bí ẩn, thôi thúc khám phá. Nhà thơ Mai Văn Phấn, cho đến hiện tại, vẫn là một không gian tâm tưởng, suy niệm có khoảng cách với nhiều tác giả thơ khác ở thành phố cảng nơi ông sinh sống và rộng hơn thế. Tôi cảm thấy ông còn chủ động giữ khoảng cách ngay cả trong đời thực với những người viết khác. Tất nhiên ở đây còn có những lý do về tính cách, lối sống, đặc thù công việc… Có thể liên hệ đến nguồn gốc bản quán Ninh Bình đã tiếp vào ông mạch sống u trầm, không khí bảng lảng tâm linh từ những bài thơ lục bát, thơ nhiều vần điệu cho đến thơ tự do dàn trải và những thử nghiệm thơ rất ngắn sau này. Có cảm tưởng ông đã tự trả lời khá thành công cho ước mong của mình với đời sống thơ ca nói chung, một sự hòa quện của văn hóa bản địa với tinh thần hiện đại. Nhà thơ Trần Quang Quý với “Siêu thị mặt” từng tạo nên một đời sống bề bộn, hỗn độn, chen chúc, luôn gấp gáp, luôn cấp bách bởi những lệch lạc, xô đẩy, lôi kéo, hăm dọa… Nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc trước đó, bằng sự thông minh, những ý nghĩ sắc gọn của mình, đã không ngừng chất vấn những vấn đề lớn của đời sống cộng đồng, tồn tại cá nhân một cách bền bỉ và bướng bỉnh thông qua việc kết nối những hình ảnh rất sinh động. Nhà thơ Dương Kiều Minh bền bỉ tạo dựng không gian huyền mặc, bảng lảng của mình với cảnh giả thôn dã, chuyển động thiên nhiên, nhưng điều liên tưởng từ đó lại rộng và sâu hơn những gì giản dị được kể đến…
Và trước đó lâu nữa, câu chuyện sáng tạo để hình thành nên những khác biệt nhiều màu vẻ trong nhóm những người có nhiều gần gũi với nhau cả về quá khứ dâng hiến, hoàn cảnh sống, thân phận và biến cố như các bậc tài danh Văn Cao, Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt…, đến hôm nay vẫn còn làm chúng ta suy nghĩ, ngạc nhiên và khâm phục. Đó là những ví dụ thật sinh động cho bản lĩnh, cá tính nhà thơ với những câu hỏi cần tiếp tục xới lên về cái nhìn kỹ hơn, công bằng hơn trong tiến trình đổi mới thơ ca đất nước.
Các nhà thơ đó, nếu khi bước vào đời sống văn chương, nếu dè dặt, e ngại, không tin vào những suy tưởng và mê say sáng tạo, không đắm đuối đến quên mình, thậm chí quên người với thế giới của mình, thì có lẽ chúng ta đã không có họ hôm qua, hôm nay với nhiều rung động của cảm xúc và ý thức mở rộng ý nghĩa cho từ ngữ, những điều mà vẫn làm người khác ngạc nhiên, hào hứng. Nếu sợ hãi trước những phê phán, hoặc thất vọng trước sự ghẻ lạnh hay thiếu vun đắp kịp thời, những tài năng vừa lóe lên, những tâm hồn đang hăng hái nhập cuộc có thể bị thui chột, tự hãm lại nhịp độ phát triển. Đặc biệt trong bối cảnh mà những sự viết buông thả, dễ dãi, nhàn nhạt hay mòn sáo trong cách kể, tả, liên tưởng có xu hướng lạm phát, tràn lan, thì những vẻ lấp lánh và nỗ lực đổi mới cũng dễ bị vây bủa, ghì nén, chìm lấp. Chính bởi thế, những cá tính sáng tạo, những giá trị của nhiều sự nghiệp đã thành danh, những gương mặt đang tiếp tục vượt lên, càng cần được chú trọng.
*
Bản lĩnh nhà thơ nằm ở sự kiên định, bền bỉ với những sáng tác tiếp theo của mình, ở nỗ lực đẩy đi xa hơn những thể nghiệm để tạo ra cách diễn đạt khác, làm nên sự phong phú trong cách hình dung và truyền tải tinh thần của sự vật, con người, những diễn biến trong đời sống mà vốn khi nhắc đến trong ngôn ngữ báo chí, ngôn ngữ giao tiếp thông thường, tưởng như không có gì là chúng ta không biết đến. Ở đây cũng có thể ngẫm thêm một ý khôi hài rằng nhiều khi người đọc có những biểu hiện dị ứng với cái khác, không quen thuộc với mình. Trong khi chính họ lại có ham muốn tìm đọc cái gì đó xa hơn, lạ hơn, rộng rãi hay trầm sâu hơn những gì mình đã có, đã biết.
Nhưng khi tìm thấy, nhận ra được cá tính sáng tạo của nhà thơ, những lấp lánh của họ, thì thật là thú vị! Niềm hạnh phúc đó nhiều khi không chỉ của cá nhân người nhận được, mà nó liên quan đến khả năng tác động về thẩm mĩ, ngôn ngữ đối với cộng đồng người đọc, người viết. Nó gợi ra cơ hội làm giàu thêm cho thơ, cho văn học, văn hóa thông qua sự xuất hiện của những trường hợp sáng tạo đặc sắc, xuất chúng.
Liên quan đến trách nhiệm của người đọc, người làm báo chí, xuất bản trước những sáng tạo đặc sắc trong đời sống thơ ca. Một trong những điều thật quan trọng là việc truyền tải những sáng tác của họ và ghi nhận điều đó trên các phương tiện truyền thông đại chúng, qua các diễn đàn công khai, rộng rãi. Tất nhiên, quan trọng hơn việc luận bàn, thẩm bình vốn cần độ lùi thời gian tương đối, thì trước hết là đưa được tác phẩm hay đến người đọc. Cá nhân tôi thấy rằng, công việc này ở nhiều nơi, trên nhiều trang báo, tạp chí, nhà xuất bản được thực hiện còn dễ dãi, chất lượng chưa cao. Chưa kể là có khi còn có những sáng tác non yếu, dễ gây tác dụng ngược với bạn đọc. Làm thế nào để đưa được nhiều cá tính độc đáo đến với bạn đọc được nhiều hơn? Tôi nghĩ phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực tìm kiếm, trao đổi của các biên tập viên và tòa soạn, đơn vị xuất bản, cũng như những người quản trị các trang mạng, diễn đàn văn nghệ.
*
Bản lĩnh hay cá tính không phải tự nhiên mà có cũng như không phải đã hình thành nên rồi thì ổn định, vững chãi như thế mãi. Nghệ thuật, ngay cả vẫn luôn cần rất nhiều ở năng khiếu, tài năng, thậm chí cả bản năng, thì vẫn không thể thiếu sự trải nghiệm để đắp bồi bản lĩnh, không thể thiếu tri thức và lửa sáng tạo, đổi mới để định hình và mài sắc cá tính.
Thực tế sáng tác và thẩm bình những năm qua, người làm nghề chứng kiến không ít trường hợp từng đột khởi, vụt sáng một chặng đường. Nhưng trên tiến trình đi tìm rõ nét hơn khuôn mặt mình, thì lại dần thỏa hiệp với trạng thái đắm mê, bay bổng và những lấp lánh ban đầu mà mình đã có được. Cũng như mối quan tâm đối với sự cách tân, đổi mới, biến đổi chính bản thân mình dần lại trở nên thứ yếu so với việc quan trọng nhất lúc này là giành giữ ngôi vị, so bì hơn kém, chiếm lĩnh giải thưởng, danh hiệu, tận dụng báo chí và xúc tiến truyền thông cho tên tuổi bản thân… Những điều đó vô hình chung khiến cho thi ca hồn nhiên, hưng phấn và góc cạnh dần chững lại, đều đều, bình bình và lâu dần trở nên mòn mỏi, quen thuộc trong những sáng tác mới. Điều đáng ngại đó, tiếc thay, lại dễ thấm nhiễm, tạo nên một trạng thái quẩn quanh của cá nhân người viết với bản thân mình, của nhóm người viết trong công tác chung, trong hoạt động phong trào. Khi đó thì không phải từ bên ngoài, mà chính nhà thơ lại là đối tượng đe dọa trực tiếp và nguy hiểm nhất với tài năng, cá tính của anh ta.
Trong sự cảm nhận, thẩm bình, người đọc luôn mong tìm được những gì là mới hơn, lạ thêm từ những tác giả đâu đó đã ít nhiều định hình, những người viết đâu đó từng dũng cảm và kiêu hãnh khẳng định mình. Làm nên điều đó, vẫn luôn là đòi hỏi về việc người viết tiếp tục tích lũy, rèn giũa, thử nghiệm để làm mạnh mẽ hơn cá tính trong sáng tạo của mình sau những gì đã có được. Và làm được việc đó bằng thâm nhập thực tế, nắm bắt những biến động đời sống, mở rộng đề tài, thử sức với những ý tưởng, nội dung về các địa bàn, vùng miền mới, đối diện những vấn đề thời sự, thế sự, những thực trạng tưởng chừng khó tiếp cận và truyền tải qua thơ.
*
Đang có những thi sĩ mà tôi nhận thấy tư thế, suy nghĩ và cách hành động bằng thơ ca khá độc lập, chủ động của mình. Lẽ dĩ nhiên, họ có những giọng điệu thú vị, rất nên cảm nhận và tham khảo, chứ không phải gây chú ý ở sự hoa chân múa tay, tung hỏa mù, vờn tỉa mệt mỏi. Không thể phủ nhận những nỗ lực nói khác đám đông, nói khác đồng nghiệp, nói khác những bạn viết thân quen của mình trong một tư thế vững vàng và văn minh. Tôi đề cao việc duy trì chùm thơ và gương mặt tác giả trên báo Tiền phong Chủ nhật mà nhà thơ Lê Anh Hoài đứng đằng sau – là một người chủ tâm, kiên trì giới thiệu những tìm tòi, thể nghiệm, và bản thân sự thực hành thơ ca của anh cũng là một trong số đó. Một số tác giả nữ như Hoàng Thụy Anh, Lữ Mai, Nguyễn Thị Thùy Linh (ở Hải Phòng)… như những người không tự bằng lòng với cách kể chuyện rõ ràng, rành mạch. Cách biến đổi hình ảnh, cảm giác của họ thường tạo ra những màn sương, những trạng thái khác thường đôi khi dẫn dụ ta theo cách họ tư duy, hình dung để cảm thấy thích thú.
Một số tác giả khác cũng cho thấy sự kiên trì lâu dài của mình khi giống như là tự trao cho mình trách nhiệm phải tôn vinh văn hóa dân tộc, bản sắc vùng miền, suy tư những vấn đề nhân sinh bằng cách viết khỏe khoắn, gai góc, ham muốn bày biện, dồn kể nhiều điều qua mỗi câu thơ, tất nhiên hiệu quả cũng nhiều lúc khác nhau, không phải khi nào cũng thuyết phục, lại có những khi lỏe sáng, như Đồng Chuông Tử, Nhụy Nguyên, Lê Hưng Tiến, Trần Đức Tín… Đó là những thi sĩ mà tôi cho rằng, rất có trách nhiệm trên hành trình khám phá, làm đa dạng hơn tinh thần sống, sự suy nghiệm của mình.
Điểm ngắn một số tên người viết thế hệ sau trong đời sống thơ hôm nay, và cũng chỉ điểm sơ bộ vì có lẽ càng kể ra sẽ càng thiếu. Nhưng cũng là ví dụ cho nhu cầu vượt lên, khẳng định và mong muốn đóng góp của không ít cây bút trung tuổi, trẻ tuổi hôm nay. Điều đó cũng đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của ngành nghề, hội nghề, của người viết nói chung và bạn đọc đối với họ, trong sự tiếp nhận, lắng nghe, hiểu biết và đồng hành.
Nguyễn Quang Hưng