Vận dụng năng lượng kép: “yêu thương sâu sắc – kỷ cương nghiêm khắc”, Tiến sĩ Phan Quốc Việt đã giúp hàng trăm trẻ tự kỷ tìm lại ý nghĩa cuộc sống, hòa nhập và vươn lên thành những tài năng xuất chúng. Đặc biệt, người thầy sở hữu đôi tay “vàng” đã huấn luyện trẻ tự kỷ nặng đạt nhiều kỷ lục Guinness Thế giới.
Mỗi lần khởi nghiệp là một kỳ tích
TS. Phan Quốc Việt tốt nghiệp Đại học Lomonosov (Nga), chuyên ngành Toán – Lý. Tuy nhiên, con đường sự nghiệp ông theo đuổi là một hành trình đặc biệt: 3 lần khởi nghiệp “tay ngang” trong những lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ, và mỗi lần đều tạo nên kỳ tích.
Ở tuổi U50, TS. Phan Quốc Việt đưa ra một quyết định táo bạo: từ bỏ công việc ổn định trong Nhà nước để bước vào lĩnh vực kỹ năng mềm – một khái niệm còn xa lạ ở Việt Nam cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21. Ông và các cộng sự đã cho ra đời bộ sách “Thực hành Kỹ năng Sống”, được nhà xuất bản Giáo dục tái bản 11 lần với 5 triệu bản đã bán. Ông đã đào tạo hàng chục nghìn hiệu trưởng, hiệu phó và giáo viên trên cả nước về giáo dục kỹ năng sống.
Ở ngưỡng U70, ông “nhảy” sang lĩnh vực huấn luyện kỹ năng sống cho trẻ phát triển thiên lệch, đặc biệt là trẻ tự kỷ nặng. Đây là một hành trình đầy thử thách, thế giới vẫn chưa tìm ra giải pháp. (Mỗi năm, Hoa Kỳ chi gần 300 tỷ USD hỗ trợ người tự kỷ nhưng vẫn chưa có phương pháp hữu hiệu, theo CDC “no cure”).
Đáng nói, trong quá trình dịch chuyển trẻ tự kỷ, phương pháp của TS. Phan Quốc Việt và cộng sự tại Tâm Việt EduEco: Vũ Văn Chức, Lưu Anh Chức, Lê Kim Dung… vô cùng nhân văn – không dùng thuốc, không xâm lấn, thay vào đó, tập trung vào việc để trẻ tự huấn luyện và khai phá tiềm năng bên trong mình bằng Thiền năng lượng rung động cộng hưởng (RVEM-Resonant Vibrating Energy Meditation).
Hiện tại, TS. Phan Quốc Việt đã ở tuổi U80, nhưng năng lượng trong ông dường như không vơi đi chút nào. Trái lại, lúc nào ông cũng nhiệt huyết với việc huấn luyện trẻ tự kỷ nặng trở thành tài năng chinh phục hàng loạt Kỷ lục Guinness Thế giới. Ông và cộng sự quyết tâm xây dựng và nhân rộng mô hình Vườn ươm Kỷ lục Guinness Thế giới, góp phần đưa Việt Nam sánh vai cường quốc năm châu.
Kỷ lục gia Nguyễn Khắc Hưng và chuỗi thành tích vô tiền khoáng hậu
Một trong những thành tựu tiêu biểu nhất của TS. Phan Quốc Việt trong sự nghiệp giáo dục trẻ tự kỷ là Nguyễn Khắc Hưng (sinh năm 2009): từ một cậu bé tự kỷ nặng, Hưng đã đạt 9 kỷ lục Guinness Thế giới.
Thành tựu này của Hưng khẳng định triết lý của TS. Phan Quốc Việt: “Tu tài – Tiêu tật”. Khi trẻ tự kỷ được rèn luyện và “kích hoạt” để trở thành người xuất sắc, những biểu hiện tiêu cực sẽ tự biến mất. “Tu tài – Tiêu tật” cũng là minh chứng rõ nét cho sức mạnh của tình yêu thương và sự kỷ cương.
“Yêu thương sâu sắc – Kỷ cương nghiêm khắc” chính là thứ “năng lượng kép” TS. Phan Quốc Việt hay nhắc mỗi khi báo chí hay truyền hình tìm đến ông để thực hiện những cuộc phỏng vấn. Theo ông, tình yêu thương là nguồn động viên lớn giúp trẻ mở lòng, cảm nhận sự đồng cảm và tin tưởng; Kỷ cương nghiêm khắc là công cụ giúp trẻ xây dựng ý chí, kỷ luật và khả năng vượt qua giới hạn bản thân. Sự kết hợp giữa yêu thương và kỷ cương đã biến những đứa trẻ từ đáy số phận lên đỉnh vinh quang.
Lan tỏa giá trị nhân văn
Hành trình của TS. Phan Quốc Việt không chỉ được công nhận trong nước, mà còn vươn ra thế giới. Những giải thưởng danh giá như Huy chương Vàng và Giải Đặc biệt từ Hiệp hội Sáng chế và Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIIPA) đã khẳng định giá trị và ý nghĩa to lớn của những phương pháp giáo dục do ông phát triển.
Chuỗi thành tựu của ông là niềm tự hào cá nhân đồng thời là nguồn cảm hứng lớn, lan tỏa triết lý từ bi và trí tuệ trong giáo dục. Ông đã chứng minh rằng mỗi người, bất kỳ thể trạng sức khỏe ra sao, đều có giá trị và tiềm năng vươn lên, chỉ cần được trao cơ hội và dẫn dắt đúng cách.
GS Trần Hồng Quân – Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo, từng nói: “TS. Phan Quốc Việt đã đạt những thành công tuyệt vời. Đó là thành tựu của trí tuệ, của sự thánh thiện đầy lòng bác ái, của sự kiên nhẫn sư phạm phi thường. Các nhà khoa học đã dồn tâm sức, làm công việc cực kỳ khó khăn để cứu vớt những số phận thiệt thòi, giúp người tự kỷ vươn lên và tỏa sáng. Họ thật đáng kính phục và đáng được tôn vinh”.
“Theo y học cổ truyền, tự kỷ là tâm rối loạn. Y học hiện đại cho rằng tự kỷ là rối loạn tâm thần. Những bệnh do thần chí thì không thể dùng thuốc để chữa, chỉ dùng thần chí mà chữa lành. Làm việc với những người tâm thần rất khó. Bức xạ của người tâm thần tỏa ra và lấn áp thầy thuốc. Do đó, công việc của bác sĩ tâm thần rất vất vả. Đôi khi, bệnh nhân làm cho bác sĩ bị lây nhiễm bệnh. Người nào có căn rất tốt mới áp chế lại được tự kỷ. Phương pháp của thầy Việt không dùng thuốc và đã có hiệu quả. Thầy đã thành lập trung tâm huấn luyện trẻ tự kỷ. Đây là một điều hết sức vĩ đại đối với những người thầy thuốc. Bản thân chúng tôi không làm được điều này bởi nó quá khó, phải cần rất nhiều sự kiên nhẫn, phải có lòng thương người đến tột cùng mới làm được. Theo tôi, cần có những người tâm huyết cùng với thầy Việt thì hiệu quả hơn.” – TTND.GS.TS Trương Việt Bình, Chủ tịch Hội Nam Y Việt Nam.
NSND Tâm Chính, Chủ tịch Liên chi hội Xiếc Việt Nam bày tỏ: “Tôi rất vui mừng, ái mộ, thán phục và yêu mến thầy Việt. Tôi nghĩ rằng thầy là một người đặc biệt và đang huấn luyện một tài năng đặc biệt. Tôi là một nghệ sĩ xiếc, đã được đào tạo ở trường xiếc, và tôi đã trở thành giám đốc của Liên đoàn Xiếc trong 17 năm. Bây giờ, tôi là Chủ tịch của Liên chi hội xiếc Việt Nam. Tôi đã đứng thăng bằng trên con lăn, xếp 7, 8, 9 chồng cốc để biểu diễn cho Bác Hồ xem. Tôi rất may mắn khi được thầy Việt mời đến để hướng dẫn các em tự kỷ, nhưng khi đến nơi, thấy cách thầy Việt yêu nghề và thương các em, tôi vô cùng ngạc nhiên và xúc động.
Thăng bằng trên con lăn chỉ 2 chiều thì dễ hơn thăng bằng đa chiều trên quả bóng đồng thời đội bóng trên đầu và tung 5 bóng. Khắc Hưng tiếp thu rất nhanh kỹ năng này. Thầy Việt không phải diễn viên xiếc, học trò của thầy không học trường xiếc mà rất giỏi. Tôi thật sự thán phục và cảm phục bởi tài năng đặc biệt của thầy Việt. Chính đoàn xiếc chúng tôi đào tạo người bình thường cũng không bằng thầy Việt đào tạo các em tự kỷ. Quá giỏi. Tôi không thể tưởng tượng được. Tôi phải thừa nhận rằng tôi phải học thêm thầy Việt.”
“Tôi là một người yêu âm nhạc sâu sắc. Khi được biết về công việc nuôi dạy và rèn luyện trẻ tự kỷ lập được những kỷ lục đáng khâm phục của thầy Việt và các cộng sự, tôi đã nảy ra ý nghĩ để thầy cho các em thử tìm hiểu về âm nhạc. Qua Thầy Việt, tôi gửi tặng Khắc Hưng cây đàn mà con trai tôi từng chơi, chỉ mong Hưng đánh được vài nốt nhạc đơn giản như đồ rê mi pha son cho cuộc sống thêm vui. Thế nhưng thật bất ngờ, sau chỉ hơn một năm, thầy Việt gửi cho tôi một clip ghi lại màn trình diễn của Hưng với những bản nhạc mà tôi có thể nói là “không tưởng”.
Chơi fingerstyle guitar theo phong cách và đạt đến mức độ tinh xảo đó thì tôi chỉ biết có nghệ sĩ trẻ Marcin Patrzalek người Ba Lan nổi tiếng khắp thế giới. Vậy mà Khắc Hưng đã làm được điều đó. Em thực sự là một “Marcin của Việt Nam”. Ngay cả người bình thường chơi đàn được như vậy đã là hiếm có, em còn biểu diễn trong tư thế đứng trên bóng và đội một trái bóng tennis trên đầu. Quả là siêu việt!
Theo tôi, ở tuổi U80, thầy Việt đã làm được những việc vô cùng khó. Là một chuyên gia đào tạo quốc tế về khởi nghiệp, tôi coi đây là một khởi nghiệp đặc biệt. Cảm ơn thầy Phan Quốc Việt cùng các cộng sự: Vũ Văn Chức, Lưu Anh Chức, Lê Kim Dung… về công việc và sứ mệnh trợ giúp người tự kỷ đầy ý nghĩa và chúc mừng những thành tựu quan trọng của nhóm. Tôi hy vọng âm nhạc sẽ góp một phần nào đó trong phương pháp mà thầy Việt đã phát kiến và tin tưởng. Tôi tin rằng phương pháp đó sẽ được nhân rộng ra thế giới trong thời gian không xa.
Mong các nhà khoa học và các tổ chức cùng góp sức nghiên cứu chuẩn hóa phương pháp của TS. Phan Quốc Việt và cộng sự ở Tâm Việt để nhân rộng, không những chỉ cho trẻ tự kỷ mà cho giáo dục nói chung, đặc biệt là huấn luyện nhân tài.” – PGS.TS. Trần Lương Sơn, Giám đốc Chương trình Khởi nghiệp thuộc Đại học New York – SUNY Cobleskill.