Vài nét về tác giả:
Tên thật: Nguyễn Nguyên Hùng.
Sinh năm 1955 tại Cửa Lò, Nghệ An.
Tốt nghiệp Đại học Thủy lợi Hà Nội (khóa 1973-1978).
Tốt nghiệp Tiến sĩ Công trình thủy (NCS tại Moskva, 1988-1994).
Nguyên Trưởng phòng Khoa học Kỹ thuật Công ty Tư vấn Xây dựng điện 2 (2000-2015).
Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh.
Trưởng Ban biên tập website Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh.
Tác phẩm đã xuất bản: Cánh buồm thao thức (thơ, 2007); Sóng không từ biển (thơ, 2009); Bay về phía bão (thơ, 2013); Dấu chân lục bát (thơ, 2014); 102 mảnh ghép văn nhân (thơ chân dung văn học, 2017); 108 đoản khúc thơ (thơ, 2019); Có hơn 120 ca khúc phổ thơ, trong đó nhiều bài hát được các đài truyền hình và phát thanh… chọn làm chương trình tác giả – tác phẩm, được tham gia các chương trình ca nhạc truyền hình trực tiếp của VTV, HTV… và được các ca sĩ chọn đưa vào nhiều Albums ca nhạc…
Nghĩa trang Trường Sơn
Khi ngã xuống
Các anh còn rất trẻ
Chưa một ngày vui
Chưa một mối tình…
Các anh nằm giữa núi rừng, lặng lẽ
Vai kề vai trong đội ngũ điệp trùng
Các anh nằm giữa thương đau Đất Mẹ
Bao nỗi niềm bia đá cũng rưng rưng.
30/4/2012.
Về thăm cha mẹ chiều mưa
Về thăm cha mẹ chiều mưa
Con mang theo cả tuổi thơ ân tình
Nén hương con khấn thần linh
Cầu mong cha mẹ yên bình cõi tiên
Nén hương con khấn mẹ hiền
Cầu xin cuộc sống ấm êm trong ngoài
Xin cha tháng rộng ngày dài
Bên con đều bạn không ai là thù…
Mưa xiên đồng vắng gió lùa
Lời thương khấn mãi vẫn chưa cạn lòng
Khôn thiêng… ngọn lửa chợt bùng
Thương cha nhớ mẹ… rưng rưng trời chiều.
Biển và Em
Anh lớn lên trên sóng
Nên say hoài biển xanh
Biển đưa ngàn cánh võng
Ru bồng bềnh hồn anh.
Em chỉ là giọt nhỏ
Giữa dòng đời lặng trôi
Mà trước em, anh ngỡ
Trước muôn trùng biển khơi.
1985
Tết này em có lạnh không?
Tết này em có lạnh không
Hai mươi năm vẫn mùa đông xứ người
Tuyết rơi phủ trắng đất trời
Gốc quê còn nhựa bật chồi xanh non?
Tiệc xuân chẳng thiếu thức ngon
Dưa cà xứ Nghệ mặn giòn có chăng
Nhớ chăng những lát cá măng
Những khoanh cá thửng cháy vàng tuổi thơ?
Em giờ nửa tỉnh nửa mơ
Khi mong biển đến, lúc chờ thu sang
Nhớ thương lệ ngấn hai hàng
Ướt năm dòng kẻ mênh mang nỗi niềm
Thương em ngày lẫn vào đêm
Thương mình từng cũng lấm lem đất người
Bảy mùa đi dưới tuyết rơi
Đủ cho ta nhớ một thời xa quê.
Huế và Em
Em đưa anh về thăm Huế mới
Thăm Phú Xuân, Thuận Hóa một thời
Trời Ngự Bình xanh cao vời vợi
Nước Hương Giang êm ả lững lờ trôi.
Thăm Đại Nội thử làm vua chốc lát
Để cả đời thư thái phận thường dân
Rời đỉnh phù du, vui niềm vui thường nhật
Được nói cười thỏa thích giữa người thân.
Đi thuyền rồng trên sông đêm nghe hát
Ta ngược dòng về khúc Nam Ai
Cầu Trường Tiền vắt ngang làm khuông nhạc
Mỗi bóng người qua – một nốt nhạc ngân dài.
Ta bên nhau suốt chiều dài đất nước
Để xuân nay dừng chiêm ngưỡng Huế xưa
Thắp nén nhang viếng tiền nhân thuở trước
Hỏi Huế bây giờ đã trẻ lại chưa?
Em đưa anh về thăm chốn cũ
Tìm lại tuổi xanh áo trắng phượng hồng
Em và Huế đang ngược thời thiếu nữ
Anh xin làm bến đợi phía cuối sông.
10-2011
Gửi dòng sông câu ví
Ta sinh ra từ một dòng sông
Sông dài rộng, con đò ngang thì bé
Đạn rít bom gầm cày nát thời thơ trẻ
Khói lửa vừa tan mỗi đứa một phương trời
Gặp lại nhau sông giờ khác xưa rồi
Bến đò cũ chỉ còn là ký ức
Ta bên nhau vẫn bồi hồi sóng nước
Như thuở nào canh bến đợi thuyền cha
Tháng năm dài sống trong cách xa
Dòng sông mẹ chảy qua từng giấc ngủ
Dù trôi đâu vẫn không vơi nhung nhớ
Thương những mái chèo sấp ngửa sớm khuya
Dòng sông quê bao kỷ niệm ngày qua
Là bến đậu cho ta chiều xế bóng
Xin quỳ xuống nâng niu từng con sóng
Giữ riêng mình – tìm lại tuổi thơ xưa
Ơi dòng sông ngọt lịm điệu đò đưa
Ơi dòng sông mặn mòi câu ví dặm
Giá mỗi chiều được về quê ngụp tắm
Giữa trong xanh da diết một cánh buồm…
8-5-2011
Tìm em ngược dòng sông nhớ
Anh tìm em ngược dòng sông nhớ
Tìm lại chốn xưa nơi gửi nụ hôn đầu
Tìm những ước mơ theo cánh buồm nâu
Tìm dáng em chờ thuyền cha trên bến.
Anh đi tìm em lần theo hương biển
Theo vị mặn mòi trong những câu ca
Tiếng sóng thầm thì thao thức bờ xa
Lời hẹn tuổi thơ ủ xanh nhẫn cỏ.
Anh đi tìm khi bóng ngày vừa đổ
Em gánh ước mơ theo mẹ chuyến chợ chiều
Khơi bếp lửa hồng sưởi mái tranh nghèo
Em học hát và lớn khôn từ lời ru của mẹ
Mấy mươi năm cuộc đời bao dâu bể
Anh và em trôi dạt mấy góc trời
Nhưng tình quê đâu thể cạn vơi
Như sông quê sóng không thôi dào dạt
Ngược sông nhớ tìm lại ngày đã mất
Gặp dáng em ngồi hát phía chân trời
Gió lạnh lùa và tuyết trắng cứ rơi
Má em hồng trở về thời thiếu nữ.
Đến Côn Đảo hôm nay
Côn Đảo xưa
Sân trại tù mấy gốc bàng cổ thụ
Là chứng nhân bao máu chảy đầu rơi
Sau bức tường những hình hài bé nhỏ
Mấy mươi năm không hề thấy mặt trời.
Những gốc bàng nay thành cây di sản
Tán sum suê che dịu vạn linh hồn
Giữa biển xanh chưa một lần được tắm
Để trong mơ cây hóa những cánh buồm.
Giấc mơ xưa đã thành hiện thực
Côn Đảo nay sừng sững một con tàu
Là tiền đồn thức canh thềm lục địa
Là chứng nhân khai mở những giếng dầu.
Mỗi xuân sang, xin được về Côn Đảo
Viếng anh linh hồn cốt vạn anh hùng
Nén tâm nhang đẫm hương linh chị Sáu
Cầu bình yên cho con cháu Lạc Hồng.
Người trồng rừng Cần Giờ
Một thời nơi đây – vùng biển chết
Bởi đạn bom và chất độc quân thù
Tàn lụi mắm bần, xác xơ sú vẹt
Đất và người bạc xám ưu tư.
Rồi một ngày Dân theo lời Tổ quốc
Con theo cha đi tìm hạt ươm mầm
Triệu cây non bén rễ bùn ngập nước
Một cánh rừng người mong đợi trăm năm.
Ba thế hệ thủy chung cùng cây đước
Cho đất này ngút ngát một màu xanh
Nắng cho điện và mưa làm ngọt nước
Nhà giữa rừng sâu một mái tranh.
Ươm rừng ngập mặn ngày đói khát
Mẹ gửi con thơ, vợ xa chồng
Thù lao vừa đủ phần cơm nhạt
Mà tình người sông nước mênh mông…
Rừng Cần Giờ đã tái sinh như thế
Không cần chờ không cần đợi trăm năm.
Khủng bố
Những kẻ cuồng tín bất lương
Khủng bố dân thường
Bằng không tặc
Bằng đánh bom tự sát
Các cường quốc
Khủng bố láng giềng
Hăm dọa thế giới vốn chẳng bình yên
Bằng bom hạt nhân
Bằng tàu sân bay
Bằng tên lửa tầm xa
Các chính trị gia
Trước mỗi kỳ tranh cử
Khủng bố nhau
Bằng mớ email cũ nhàu
Bằng những mẩu băng thu hình gót chân a-sin đối thủ
Người ngộ chữ
Khủng bố nhau
Bằng những lời mỉa mai, cay nghiệt
Ác hơn đánh bom liều chết
Nguy hiểm hơn bom hạt nhân
Bẩn thỉu hơn những đoạn băng ghi lén.