Vài nét về tác giả:
Tác giả Phùng Thị Hương Ly sinh năm 1991 tại Chợ Mới, Bắc Kạn. Chị là biên tập viên Tạp chí Văn nghệ Ba Bể – Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Kạn, hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Kạn và hội viên Hội Văn học nghệ thuật Các dân tộc thiểu số Việt Nam.
Giải thưởng:
– Giải Khuyến khích cuộc thi Sáng tác thơ, truyện ngắn, ca khúc Bắc Kạn năm 2006 – 2008
– Giải Ba cuộc thi Tùy bút Báo Tuổi Trẻ năm 2012
– Giải Khuyến khích cuộc thi Thơ Báo Người Hà Nội năm 2014
– Giải B Thơ cuộc thi Sáng tác văn học đề tài Bắc Kạn xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2014
– Giải Khuyến khích Tập thơ Đi qua tôi thật chậm (NXB Hội nhà văn, năm 2013) do Hội VHNT Các Dân tộc thiểu số Việt Nam trao năm 2014
– Giải bài viết được yêu thích nhất cuộc thi Sống đẹp do Báo Thanh niên tổ chức năm 2021
– Giải Nhì cuộc thi Thơ Tạp chí Văn nghệ Quân đội 2021-2022
– Giải Nhì Cuộc thi sáng tác, sưu tầm các câu chuyện hay gắn liền với di tích, danh lam thắng cảnh của tỉnh Bắc Kạn năm 2023
HOA CHUỐI ĐỎ
Rời xa núi đồi
Hoa về nép trong bình gốm
Phòng khách bao nhiêu búp hoa bấy nhiêu dáng đứng
Dòng nhựa khẽ âm thầm lên sắc đỏ
Hoa vừa một chiếc khum tay đứa trẻ
Hé nở bằng ngôn ngữ lặng im
Người họa sĩ phác lên toan đốm lửa
Màu hoa tràn ra ô cửa
Những bông hoa rời xa nguồn cội
Vẫn kiêu hãnh như đứng giữa núi rừng
Nơi khe suối ầm ào ngang dọc
Trút hết mình hoa đỏ rưng rưng
Những bông hoa chuối về đây thay thế
Cho mùa hoa trước đã tàn
Nhưng không có loài hoa nào có thể thay thế
Loài hoa chuối đỏ bốn mùa cháy miên man.
NGƯỜI CANH NƯƠNG
Những ngón tay nóng rẫy
con đường đi ra từ dấu chỉ ráp thô
người canh nương nhóm lên bóng tối
xù xì phiến đá
đào nở hoa trên áo bông chần gài khuy ẩn
lúc này là ấm nước sôi
là sương hay mây trôi
ngang qua cuộc gạn lọc mình
dấu chỉ tay hằn rõ hơn
về những bắp chân căng nắng
trùng trùng vượt sông núi
xanh thẳm khôn nguôi
những câu chuyện được rót ra
từ chiếc bi đông đã rỉ
tiếng nước sôi như ai huýt sáo
vọng dài
ta nói gì với nhau núi rừng đều nghe được
người canh nương canh bóng mình hành quân cùng đồng đội
rót trà đợi những râm ran…
TRÊN NÚI
Những bông nấm hương
ẩn mùi thơm vào gỗ mục
tiếng kèn lá vi vu
giấc mơ bay qua đỉnh núi
người chít khăn chàm qua mùa sương bay
đồi lau cuộn vào phai lạt
trên sàn phơi đầy gió
những tấm vải nhuộm màu đêm ba mươi
ngấm trọn biếc rờn của cây và nỗi nhọc nhằn vui sướng
sông Năng mùa tôm cá
thuyền độc mộc khua bóng nhà sàn
mái ngói nâu mặc nhiên tỏa khói
dòng nước chảy về từ trăm năm
rượu men lá lên hương
trăng loang trên nghìn giọt chưng cất
trầm tích nào giấu bí mật hồ xanh
những người lên núi
bước đi trong thao thức mùa màng
tai măng bật lên đắng ngọt
núi bốn mùa gió lộng thênh thang.
THỔ SƠN *
Chim yến không nói với tôi rằng chúng mất bao nhiêu lâu để xây thành tổ
trong ngôi nhà kín gió
Con suối không nói với tôi có bao nhiêu hòn đá
bấy nhiêu dòng trong đục tưới mát bình minh
Hàng dừa im lặng xanh nhớ những đứa con mình
mùi hương không nói với tôi khu vườn bao nhiêu trái hạnh
Người đàn bà nhìn xa xăm
không nói với tôi sao lại quên chải tóc
Cánh đồng không nói với tôi có bao nhiêu bông lúa
nhả sương đêm vào ban mai
bầy chim thơm thơm tiếng hót
Con đường không nói với tôi về những bàn chân xuôi ngược
đôi giày dấp dính bùn nâu
Người con gái không nói điều gì trước quân thù bủa vây
miên man dòng suối…
Thổ Sơn!
chúng ta cúi đầu
làn khói chầm chậm bay về phía núi
tôi không dám đếm những họ tên khắc trên bia đá
sợ không đi hết nỗi ám ảnh lúc này
còn bao nhiêu cái tên nữa lẫn vào cỏ cây
lẫn vào những hòn đá mồ côi thinh lặng
Chim yến vẫn ngày đêm hết mình nhả từng sợi huyết
không chút do dự thiệt hơn
lòng dừa làm giếng nước trong
cho chị gội đầu bốn mùa thơm ngát
dòng suối tắm trăng hòn cuội trắng
biển hát gì dưới chân núi lao xao
không ai nói với nhau
đêm nhìn tôi nhìn tôi không ngủ được
Làm sao đếm được bước chân trên con đường
làm sao đếm được bao nhiêu bông lúa lên hương
làm sao đếm được nhiêu người đã để lại máu xương
cho đất lành cây xanh
cho bình yên chim hót
Thổ Sơn
ai vừa nói trong nước mắt
mây bay xao động Hang Hòn…
———————————-
* Xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, nơi yên nghỉ của anh hùng liệt sĩ Phan Thị Ràng (chị Sứ).
VIẾT Ở TIỂU ĐOÀN 804
Những vầng mây duềnh lên từ thăm thẳm đáy nước
đung đưa bầy ngựa trắng
chúng ta cồn cào vì quá nhiều mây
rất gần thôi nhưng không ai chạm được
Mây trôi trên những khuôn mặt rám sạm
ngời lên nụ cười sắc nắng
sông Hậu trăm năm thao thức bến xưa
những người qua sông
những người ở lại
những người đi mãi
bóng mây lẫn vào dòng sông đỏ mặn
nói với chúng ta bằng dào dạt mưa chiều
Mây rủ nhau về trên quân cảng
theo mỗi chuyến tàu rời bến ra khơi
đám mây không mang số hiệu
hòa vào nhau nhận mặt gọi thành tên
những người lính đêm ngày canh biển
Em bé phác họa nét đầu đời bằng đám mây màu sắc
chở theo ước vọng tròn đầy
nỗi nhớ cha ngày đêm nơi đầu sóng
mỗi đêm bé con ôm chiếc gối bà làm từ bông gòn trước ngõ
bông đợi chờ nức nở
bông hóa thành mây bay
bông về trên bàn tay
lẫn vào tóc bà muôn muốt trắng
giấc mơ đưa con chạm đến trùng khơi
nơi có vòng tay cha dang rộng bầu trời
Mây bắt đầu từ dấu chân ngược xuôi trên bến
phù sa ký thác vào châu thổ
châu thổ xanh ngời sắc áo uy linh
mây cứ trôi
hành trình không màng được mất
phiêu du vắng lặng nhường nào
Mây lìm lịm những giấc mơ
thênh thang cả những điều rất thật
chớp mắt cơn mưa
những hạt nước tươi non dịu hiền biêng biếc
bài ca trên con tàu vượt sóng ra khơi
vầng mây bay thao thức phía chân trời…
TRÊN NHỮNG HỐ BOM
Xanh lên những mùa cây
Dọc đồi biên ải
Mùi thuốc súng tan vào lòng đất
Mây đã mang đi bụi mù rát bỏng
Vết sẹo là khoảng trống khôn cùng
Tu hú vọng da diết bên thung
Từng chùm vải rừng au au chín
Nhìn bầy chim đến chở mùa đi
Tiếng hót chênh chao bên hố bom cả đời cha không sao lấp nổi
Những đêm côn trùng ri rỉ lòng núi
Cha kể chúng con nghe câu chuyện dọc chiến hào
Chuyện người cựu binh mất ngủ
Hòa vào những đêm thanh lặng
Đinh ninh phía trước mình là đồng đội
Người đi giữa sương khuya mòn mỏi
Lẫn vào đoàn quân qua dọc cánh rừng
Tiếng tu hú trở về mùa vải
Biêng biếc vùng trời
Cha bắc máng tre dẫn nước đổ đầy khoảng trống
Tay đắp đập vun đầy những bờ cỏ xanh tơ
Mầm sống nảy nở trên kí ức
Bầy cá quẫy động trăng rằm
Người cựu binh không còn những đêm thức trắng
Lưng đồi âm âm gió
Búp sen ngập ngừng đáy nước
Mùa thơm ngan ngát bên đồi.
CHĂN TRÂU
Bầy trâu gặm nắng chiều
In bóng những thân hình kềnh càng
Góc núi bốn mùa vang tiếng mõ khua
Hôm nay trâu lạc rừng xa
Chân người hóa gió
Gọi trâu len lỏi tầng tầng phiến lá
Trên lớp lá hoai mục
Những con vắt uốn mình múa điệu rừng xanh
Hoa chuối đỏ thắp từng đốm lửa
Người đi chân cứng đá mềm
Cây trám cổ thụ quả rụng sau lưng
Nhưng bóng đêm đang sầm sập tới
Đeo nải bên hông mồ hôi ướt đẫm
Trâu ơi trâu lạc chốn nào?
Những chú trâu mê mải gặm măng tươi
Chúng hối lỗi ngước nhìn về phía chủ
Trên lối mòn đi về bản nhỏ
Người vừa đi vừa đếm sao rơi.
THÁNG BA
Bước qua suối
Dòng nước bé lại
Ngải đắng vươn cả đôi bờ
Khoác túi nải lên nương
Hoa bjoóc mạ thành chùm nắng
Rừng cất lời xanh
Tết thanh minh
Mẹ nhuộm xôi ngũ sắc
Lá sau sau nghiêng sắc tía bên trời
Tháng Ba
Trái mâm xôi rưng rức vòm cây
Có lối nào dẫn về tuổi nhỏ
Những chùm gai xước đỏ mặt trời.
MÍA TRỔ CỜ
Khi mía trổ hoa
Là lúc thân mình đã nhạt
Ngọt ngào không biến thành đường mật
Theo gió bay đi
Rỗng cả lòng mía
Người vun trồng rát mặt
Vun cả giấc mơ ngàn kiếp
Mặt trời lặn vào thân cây óng ả
Mía trổ qua mùa
Đời mía bỗng tựa ngàn lau sậy
Và hóa như mây bay
Người đau đáu gom lại mùa cũ
Những vết lá cào xước đến tận cùng
Lời hẹn người xưa đi vắng
Mía trổ trắng cờ
Giấc mơ hóa thành mây bay.
NGẪU NHIÊN
Những đứa trẻ
nghịch lửa trên vết chân ngựa hoang
buổi chiều và đám mây đậu trên chỏm tóc
chim non dụi mắt
đốm lửa sấy khô tiếng cười
Một ngày
túp lều tốc mái
bãi cỏ cũng đã sạch trơn
khoảng trống làm nên cơn mưa khổng lồ
những đứa trẻ nằm phơi mình thấy thêm một bầu trời khác
Sau ngày hôm nay là kỉ niệm
những giấc mơ nhìn sâu vào đôi mắt khép rồi vỗ cánh bay đi
trò chơi khác lại lóe lên
xuất phát từ chuồng trâu xập xệ.