Nguyễn Xuân Hòa
Thơ tình yêu của Blok có sức gợi suy nghĩ rất lớn đối với người đọc. Đó là mạch ngầm không bao giờ cạn trong suối thơ Blok.
Những bài thơ đầu tay của Blok trong chùm thơ Trước Giáng thế (“Ante lucem”, 1898 – 1900) là cuốn nhật ký trữ tình của một chàng trai đang yêu bước vào đời với chủ định rõ ràng. Cách nhìn đời ảm đạm, nỗi buồn lãng mạn và nỗi cô quạnh là những motíp đặc trưng trong bài thơ đầu tay của Blok:
Ta xin một vành trăng, bởi chưng màn đêm vẫn tối
Ta xin đời mang hạnh phúc đến cho người
Dù mùa xuân tình yêu trong ta
Không át nổi trời mây đen vần vũ.
Bước vào tuổi trưởng thành Blok đã bộc lộ một tài năng xuất sắc của nhà thơ tương lai, dẫu rằng lúc này về mặt diễn tả nội tâm nhà thơ trẻ mới chỉ dừng lại ở sự miêu tả. Dần dần ngòi bút của Blok vững vàng hơn, nhất là trong những bài thơ đi sâu vào nội tâm và những tình cảm riêng tư của nhân vật trữ tình. Ở đây, sự chân thành rất mực của tình cảm đời thường, lòng nhân ái vốn có của nhà thơ đích thực, chính là những nét đặc trưng của thơ trữ tình Blok.
Mười hai năm sau, chàng trai mười bảy tuổi lúc bấy giờ vẫn không thể nào quên được mối tình đầu với một mệnh phụ ngoài ba mươi tuổi, mẹ của ba đứa con, diễn ra năm 1897, tại nơi nghỉ mát Bad Nauheim, nước Đức. Người phụ nữ đầy sức quyến rũ ấy là Ksenia Mikhailovna Sadovskaia. Mối tình đầu sét đánh này hằn sâu trong tâm hồn thi sĩ, và ám ảnh mãi khiến nhà thơ trẻ không thể không cho ra đời hàng loạt bài thơ (1897 – 1900; 1903), đặc biệt là chùm thơ Mười hai năm sau (1909 – 1910) viết về mối tình với nàng Ksenia Sadovskaia, khi Blok đã trưởng thành.
Năm tháng qua đi, đã cuốn đi tất cả những gì giả tạo, chỉ để lại trong lòng nhà thơ đang yêu một kỷ niệm đẹp của mối tình đầu. Chàng trai ngây thơ trong trắng không thể nào quên được chất vàng nguyên của mối tình đam mê dai dẳng mỗi khi chàng nhớ lại:
Hay thiên dáng của lần đầu say đắm
Vẫn chưa hề ly biệt với hồn ngươi
Và ngươi mãi đến muôn đời đính ước
Với bóng hình không quên lãng xa xưa?
Mười hai năm qua đi nhưng hình ảnh nàng Ksenia có đôi mắt xanh biếc đến mê hồn hình như không lúc nào buông tha chàng thi sĩ đào hoa đa tình:
Anh lại thấy đôi tay em thon thả
Và nghe thấy giọng của em thánh thót,
Không phải trong mơ mà trong đời thực
Anh lại đắm chìm trong thăm thẳm mắt xanh.
hoặc:
Khi đắm mình cho tình cảm si mê
Anh bị cuốn về phương nam oi ả
Làm thơ dâng em chạm dưới gót sen
Em, người bạn lòng xa xăm trìu mến.
Đọc những dòng thơ trên không thể không cảm nhận ảnh hưởng thơ trữ tình của đại thi hào Pushkin đối với Blok. Chính Blok cũng cho rằng bức thư Oneghin gửi Tatiana đã gợi cho mạch thơ của mình tuôn chảy. Và bài thơ Blok gửi Ksenia Sadovskaia đã được viết ra để đánh dấu mối tình đầu không thể nào quên nổi. Trong bức thư đề ngày 16 tháng Tư năm 1900 gửi nàng Ksenia, Blok nhớ lại những câu thơ của Pushkin trong bức thư Oneghin gửi Tatiana: “Anh những mong ôm hôn đôi chân em/ Quỳ dưới chân em anh lạy van nức nở”. Đối chiếu với bài thơ của Blok gửi Ksenia ta thấy có những nét riêng: Bức thư của Blok toát lên một tình yêu sôi nổi, yêu hết mình của tuổi trẻ, còn ở bức thư của Oneghin là sự hối hận của một con người đã trải đời. Bởi thế, cùng là những từ ngữ gần như nhau (Anh những mong ôm hôn đôi chân em/ Làm thơ dâng em chạm dưới gót sen) nhưng âm hưởng thơ đến với người đọc lại khác nhau.
Năm 1903, trước Cách mạng Nga lần thứ nhất 1905, Blok cho ra đời tập thơ đầu tay Thơ về người Đàn bà Kiều diễm và nhà thơ trẻ đã nhanh chóng trở thành nhà thơ xuất sắc nhất của trường phái tượng trưng Nga.
Cô Liubov Dmitrievna là nguyên mẫu của nhân vật nữ trong tập thơ Thơ về người Đàn bà Kiều Diễm. Lúc bấy giờ nàng mới chỉ là vị hôn thê của nhà thơ, nhưng Blok không giữ lại cái gì hiện hữu của nàng trong thơ, kể cả hình tượng của nguyên mẫu. Ngòi bút của nhà thơ lại muốn đẩy cho những vần thơ bay bổng nên chỉ giữ lại ý tưởng. Chính bản thân vị hôn thê đối với nhà thơ đã là “sự hiện thân trần thế của một tuyệt thế giai nhân hay là Tình Thùy mị Vĩnh hằng” rồi, bởi thế Nàng bắt đầu có những nét siêu nhân. Nhà thơ đã thi vị hoá người mình yêu rồi nâng lên mức tôn thờ của một chàng thiếu niên trần thế đối với người Đàn bà Siêu nhân:
Dưới bóng cột nhà lồng lộng cao sang
Tiếng kẹt cửa cũng khiến tôi run rẩy
Và soi vào tôi hào quang chói lọi
Mà bóng dáng nàng chỉ là giấc mơ êm.
(Đăng Bảy dịch)
hoặc:
Trên mái đầu em mang vương miện
Tóc còn xanh em biết gì đâu
Từng bậc ngai vàng đinh ninh tôi nhớ
Khe khắt lời em phán xét lần đầu.
Những tà áo sao nhợt nhoà thế
Và lặng yên đến lạ kỳ sao
Một vòng tay ôm toàn hoa huệ nước
Mà mắt em trống rỗng nhìn đi đâu.
Những dòng thơ lãng mạn này lại xuất phát từ một kỷ niệm của cuộc đời trần thế: Lúc bấy giờ chàng trai Blok mới mười bảy tuổi, sắm vai Hoàng tử Hamlet, còn nàng Liubov Dmitrievna ở trang ấp bên cạnh sắm vai nàng Ofelia mất trí. Nhà thơ trẻ hồi tưởng lại, thực tế như một hình bóng lung linh trên mặt nước, bục sân khấu biến thành ngai vàng và vòng hoa đồng nội biến thành vương miện.
Tập thơ Thơ về người Đàn bà Kiều diễm tập hợp gần 800 bài thơ trữ tình đã được công bố trên tạp chí Con đường mới của phái tượng trưng Nga và trên giai phẩm Những bông hoa phương Bắc. Lúc này toàn bộ con người Blok bị chế ngự bởi những cảm xúc thần bí trong thơ ca Soloviov và của phái tượng trưng. Song Blok không đi vào thế giới mộng ảo mà luôn gắn với thực tại, bởi vậy thơ trữ tình thời trẻ của Blok tuy có những bài còn đậm chất lãng mạn thần bí, nhưng khi viết về cuộc đời thực tại thì tình cảm tự nhiên của con người trong thơ Blok vẫn dậy lên, dồn dập, khoẻ khoắn.
Mối tình của Blok với nàng Liubov Dmitrievna đã làm tuôn trào những vần thơ lãng mạn được tái tạo gắn với những kỷ niệm của đời thường. Đó là ngày 7 và ngày 9 tháng 11 năm 1902, buổi tối của lần tỏ tình sau hội khiêu vũ tại buổi họp mặt của giới quý tộc do nữ sinh cao đẳng tổ chức; buổi dạo chơi bên nhau trong khu rừng huyền ảo gần trang ấp Boblovo, nơi trai thanh gái lịch đến thăm gia đình Mendeleev thường dạo chơi:
Nàng mười lăm. Nhưng nhịp đập trái tim nàng
Đã là của vị hôn thê tôi đó
Lời cầu hôn khi tôi vừa kịp ngỏ
Nàng quầy quả bỏ đi, đôi má ửng hồng
Chuyện lâu rồi và kể từ ngày ấy
Chẳng ai hay bao ngày tháng đã trôi
Chúng tôi thưa gặp nhau và chẳng nói nhiều lời
Nhưng im lặng thật là sâu lắng…
Bản thân Liubov Dmitrievna khi đọc thơ Blok cũng thừa nhận tác động rất mạnh của thơ đã đi vào tâm hồn nàng: “Em đọc đi đọc lại mãi bức thư anh, những bài thơ của anh, toàn bộ tâm trí em bị xâm chiếm bởi thư anh và những bài thơ của anh, chúng hót véo von bên tai em về tình yêu của anh…” (Thư của Liubov Dmitrievna gửi Blok tháng 11 năm 1902).
Blok lúc nào cũng tâm niệm “Thi nhân là một hằng số” và thơ ông đã nói lên điều đó: Thi nhân lãng mạn nhưng thi nhân trước sau cũng là con người của thực tại. Chính vì vậy những dòng thơ trữ tình của Blok dù bay bổng vẫn mang những nét của trần thế:
Tôi nghe tiếng chuông. Mùa xuân trên cánh đồng
Những cửa sổ tươi vui em rộng mở
Ngày cười vang và lát sau vụt tắt
Chỉ mình em lặng ngắm dải mây hồng.
Những sắc màu lộng lẫy trong sáng, hứng khởi trong nhiều bài thơ trữ tình của Blok rất gần gũi với hội hoạ Nga cổ đại lúc bấy giờ, nền hội hoạ bắt đầu được hé mở trước các nhà nghiên cứu nghệ thuật dân tộc qua các lớp bồ hóng và bụi thời gian che phủ, qua các thành lớp trên tượng thánh và tranh tường. Đây chính là sợi dây nối với cuộc đời thực tại mặc dù nhà thơ vẫn mộng mơ:
Tôi yêu những buổi chầu tối
Bên nhà thờ trắng ven sông
Làng quê trước khi chiều xuống
Xanh lam mờ bóng hoàng hôn
Tấm màn sương đang buông xuống
Tân lang rời khỏi bệ thờ
Ửng hồng bình minh hôn lễ
Trên rừng cây hình răng cưa.
(Đặng Dương Đượm dịch)
Đôi khi mượn triết lý thần bí của Soloviov, Blok rũ sạch giấc mơ nặng nề về nhận thức cuộc đời để đi vào cõi mộng. Năm 1901, tháng sáu, Blok đã viết bài thơ mộng mơ như thế:
Tháng năm trôi tôi vẫn hình dung thấy
Dung nhan em không chút khác ngày xưa
Lửa rực sáng chân trời lòa vầng sáng
Lặng lẽ tôi chờ, buồn nhớ với yêu mơ
Lửa rực cháy chân trời và bóng em gần lại
Nhưng tôi hãi hùng: Dung nhan Em khác xưa.
Những dáng nét thân quen đâu còn nữa
Khiến trong tôi cháy bỏng nỗi nghi ngờ
Ôi tôi gục xuống – khổ đau và bé nhỏ
Nào có ai cưỡng được hồn mơ.
Tình yêu trong thơ Blok đã vượt ra ngoài khuôn khổ của riêng hai người để trở thành nét đẹp của tình yêu lứa đôi và tuổi trẻ mộng mơ, hy vọng:
Dẫu nói bao nhiêu về những điều bi thương
Dẫu ngẫm ngợi bao lần về khởi đầu và kết thúc
Thì em vẫn chỉ là cô bé tuổi mười lăm.
Đó là điều tôi dám nghĩ về em, hoàn toàn dứt khoát
Bởi về em tôi vẫn hằng ao ước
Em hãy yêu một người chân chất bình thường
Hơn là yêu thơ phú với văn chương.
Quả thực, tình yêu trong toàn bộ sáng tác của Blok là hướng tới con người đời thường, hiện diện trong cuộc đời, bởi người đang yêu, theo Blok, mới đúng là con người.
Ngay cả khi phải xa nhau, hình ảnh người yêu dấu vẫn lung linh trong sáng:
Dạt trôi trên sông hai bông hoa trắng muốt
Từ đôi bàn tay ảo mờ thoăn thoắt
Ôi thân thiết trong tôi cô gái mảnh mai
Giữa độ thu vàng những cuộc chia ly.
Có những lúc yêu đến cháy bỏng mà như bị dày vò bởi chưa với tới được cái đẹp:
Giữa những ngôi nhà những ngày vàng nắng
Tôi và em trong phút chốc gặp nhau
Em chăm chắm nhìn tôi như thiêu đốt
Rồi khuất dần hun hút cuối ngõ sâu
Đôi mắt em nhìn tôi không vô cớ
Lặng thinh nhìn mà bỏng rát như thiêu
Không vô cớ tôi lén thầm cam chịu
Trước mắt em, ôi lừa dối lặng im
Rất có thể những đêm đông rét buốt
Ném tôi cùng em vào vũ hội cuồng điên
Và cuối cùng tôi sẽ là người bị giết
Bởi cái nhìn nơi em – sắc như lưỡi dao găm!
Thơ trữ tình Blok dù có lãng mạn bay bổng thì cuối cùng cũng quay về cuộc đời thực, nơi nhà thơ đứng trên đôi chân bằng xương bằng thịt để mộng mơ. Mượn ý của nhà thơ Chiutsev: “Ta biết nàng ngay từ thuở ấy/ Những tháng năm chưa từng thấy bao giờ”, Blok viết những dòng thơ rất thật với lòng mình:
Tháng năm trôi nhưng vẫn còn lưu giữ
Những tháng năm chưa từng thấy bao giờ…
Có những lúc dại khờ trong tình yêu nhưng hình bóng giai nhân ngày nào vẫn không thể nào xua tan được trong tâm trí của chàng trai đã trót yêu:
Năm chờ tháng đợi qua đi
Mà tôi thì vẫn dại si mù mờ
Chỉ khi ngụp lặn trong mơ
Mới hay em chẳng bao giờ yêu tôi.
(Nguyễn Văn Toại dịch)
Tình yêu trong thơ Blok rất đời thường, không màu mè tân trang nên có sức thu hút hàng triệu triệu trái tim của những ai đang yêu thuộc mọi lứa tuổi. Họ tìm đọc thơ Blok vì thơ ông có sức gợi cảm, đi vào nội tâm của suy tư và biết nói hộ tâm tình của họ, bởi trên đời này ai mà chẳng có lần thất tình, có lần tuyệt vọng vì tình yêu không được đáp lại. Viết về điều này nhưng trong thơ Blok vẫn dành cho người đọc những điều nhân ái, ngay cả trong những điều kiện nghiệt ngã mà tình cảm con người khó vượt qua:
Khi tan biến tuyệt vọng và cơn giận uất
Thì mộng mị cũng biến dần tan
Cả hai ta cùng ngon giấc trên hai đầu trái đất…
Trong những giấc mơ tuyệt đẹp dáng hình em.
Với 41 tuổi đời, trong đó thực sự chỉ hơn hai mươi năm cống hiến cho thơ, Aleksandr Blok đã để lại cho đời một khối lượng thơ đồ sộ và những bài thơ tình yêu lung linh trong sáng còn lại mãi với thời gian. Thơ tình yêu của Blok là thơ say đắm trong chiều sâu của suy ngẫm khiến khi ta đọc lên là không thể chỉ đọc có một lần. Thơ tình yêu của Blok như một mạch ngầm chảy mãi, phản ánh chân thật thế giới nội tâm nhiều vẻ phức tạp của con người. Ngày nay, khi nước Nga đang vững bước vào thế kỷ 21 đầy sôi động, một đất nước công nghiệp phát triển, thơ Blok mãi mãi vẫn là người bạn tâm tình của người dân Nga hôm nay và của triệu triệu bạn đọc ngoài biên giới nước Nga.
CHÙM THƠ TÌNH YÊU A. BLOK (Trích) do Nguyễn Xuân Hòa dịch:
Người yêu dấu! Nơi tâm hồn thiếu nữ
Em đẹp trắng trong! Hãy yên ngủ! Tâm hồn anh bên em Kiều diễm dung nhan!
Em tỉnh giấc, khuya về cơn bão tuyết
Giá rét căm căm.
Bởi bên em một tâm hồn tin cậy
Em không cô đơn.
Mặc bên ngoài gió mùa đông gào thét, —Anh luôn bên em!
Che chắn cho em cơn bão mùa băng tuyết
Bằng cả tâm hồn!
8 tháng Hai 1899
Ta quyền uy mà hồn ta trống trải
Ta quyền uy mà hồn ta trống trải
Vị chúa tể nhan sắc của trần gian
Em là bông hoa đêm tràn trề mê đắm
Những tính cách nơi ta em đã mở lòng yêu.
Em ngả mình trên ngực của ta
Ơi bông hoa mùa xuân, sao em buồn thế
Ở đây kề sát trái tim, nhưng đằng kia phía trước
Không có gì bí ẩn cuộc đời đâu.
Đầy uy lực, như ngày xưa, ta kể ra và ta đoán
Ta đây là Hoàng đế anh minh
Tình yêu của ta, hỡi Ngươi, ta muốn gắn
Vào cuộc đời đầy ắp đam mê.
14 tháng Mười một 1902
Nàng mười lăm, nhưng…
Nàng mười lăm. Nhưng nhịp đập trái tim nàng
Đã là của vị hôn thê tôi đó
Lời cầu hôn khi tôi vừa kịp ngỏ
Nàng quầy quả bỏ đi hai má ửng hồng.
Chuyện lâu rồi và kể từ ngày ấy
Chẳng ai hay bao ngày tháng đã trôi
Chúng tôi thưa gặp nhau và chẳng nói nhiều lời
Nhưng im lặng thật là sâu lắng.
Rồi một đêm đông tin vào giấc mộng
Rời căn phòng sáng rực chật người chen
Những mặt nạ hóa trang cười và hát
Tôi đắm say đưa mắt tiễn theo nàng.
Nàng ngoan ngoãn theo tôi không hề biết
Điều gì đây xảy đến phút giây sau
Chỉ có bóng đêm đen là thấy hết
Đôi tân nhân đi qua rồi khuất giữa đêm sâu.
Và đến một ngày đông nắng đỏ
Chúng tôi gặp nhau trong sâu lắng thánh đường
Những tháng năm lặng yên nay sáng tỏ
Mối duyên này trời định sẵn chốn Thiên cung.
Những cuộc kiếm tìm dài lâu hạnh phúc
Khiến lồng ngực trong tôi rộn rã bài ca.
Tôi dựng nên tòa nhà từ những bài ca ấy,
Những bài hát khác tôi ca lúc nào đấy mà thôi.
15 tháng Sáu 1903, Bad Nauheim
Ta biết nàng ngay từ thuở ấy,
Những tháng năm chưa từng thấy bao giờ.
Chiutsev
Tháng năm trôi dung nhan em vẫn thế:
Vẫn trang nghiêm, lộng lẫy, sáng trong;
Chỉ mái tóc là có phần chải chuốt
Màu muối tiêu lấp loáng dấu thời gian.
Còn tôi vẫn đắm chìm trong đống sách,
Một ông già cao ngẳng còng lưng
Với nghĩ suy không thể nào hiểu được
Khuôn mặt em điềm nhiên tôi đứng lặng ngắm nhìn.
Tháng năm không làm hai đứa mình thay đổi
Chúng mình vẫn sống như thuở xưa
Tháng năm trôi nhưng vẫn còn lưu giữ
Những tháng năm chưa từng thấy bao giờ...
Trong bình – nắm tro màu sáng của tháng năm
Trong màn sương lam – tinh thần chúng ta sáng suốt.
Ngày càng diệu kỳ hơn, trời xanh lam hơn –
Đó là được thở hơi thở của quá khứ xa xăm.
30 tháng Năm 1906
Rượu tuyết
Bát rượu đầy trong tay lấp lánh,
Nỗi kinh hoàng em gieo rắc vào tim
Nụ cười em hồn nhiên lóe sáng
Như lọn tóc dày trên mái tóc em.
Tôi khựng lại bởi những tia nước thẫm
Định thần tôi hít thở, nhưng không ham
Giấc mộng lãng quên về những nụ hôn
Về những cơn bão tuyết ở quanh em.
Em cười, tiếng cười nghe sao kỳ lạ
Như con rắn lượn quanh trong bát rượu ánh vàng
Làn gió nhẹ thanh thiên như đi dạo
Trên đầu em đội mũ lông chồn.
Nhìn qua màn tia nước phun sống động,
Không nhìn thấy em đội vòng hoa cưới?
Còn ngửa mặt lên trời hồi tưởng
Không nhớ em đã để lại những nụ hôn?
29 tháng Chạp 1906
Nỗi lo âu
Trái tim hỡi, ngươi nghe thấy chăng
Đằng sau ngươi
Gót sen ai bước nhẹ nhàng ?
Trái tim hỡi, ngươi nhìn thấy chăng:
Có ai đó giơ tay ra hiệu
Mà thầm kín có phải không?
Là em ư? Là em ư?
Ào ào cơn bão tuyết
Trăng lưỡi liềm phủ băng...
Phải chăng em đang từ trên cao lao xuống ?
Phải chăng em đang cuốn cơn bão đi, -
Là em, người tôi đã nặng lòng say đắm?
Nào hai đứa mình, ta vút bay lên !
Trên khoảng không bao la trắng tuyết
Nào ta thiêu đốt hết!
Bên kia đại dương che phủ sương mờ.
Con chim bão tuyết
Có đôi cánh sẫm màu,
Hãy cho ta đôi cánh, chim ơi!
Cùng em dịu hiền với trái tim tôi
Trong vầng trăng màu ánh bạc
Cả tâm hồn tôi mòn mỏi kiệt hơi!
Để ngọn lửa trong mùa đông nắng rát
Đốt cháy thiêu cây thánh giá xa kia!
Để ta bay như mũi tên lao vun vút
Đến vực sâu thăm thẳm những sao đen!
4 tháng Giêng 1907
Mười hai năm sau
Gửi К.М.S.*
1
Chỉ thấy gương mặt hồ im phẳng lặng
Muối rơi từ tháp dưỡng bệnh nơi đây
Ngươi hôm nay già nua và lặng lẽ
Trong lòng ngươi điều chi mãi dứt day?
Hay thiên dáng của lần đầu say đắm
Vẫn chưa hề li biệt với hồn ngươi
Và ngươi mãi đến muôn đời đính ước
Với bóng hình không quên lãng xa xưa?
Ngươi mời gọi, nàng thể nào cũng tới:
Vẫn như xưa thấp thoáng dáng yêu kiều,
Nàng thẽ thọt ngọt ngào lời đường mật
Và trải đời to nhỏ những lời yêu.
Tháng Sáu 1909
———————————————
* Ksenia Mikhailovna Sadovskaia – Mối tình đầu của A. Blok
2
Trong công viên cây chìm trong đêm
Đêm canh ba càng thêm thanh vắng.
Trong đêm con thiên nga màu trắng
Trốn mái chèo rúc đầu vào cánh.
Tất cả anh là ký ức, âm thanh
Em bên anh, linh hồn sầu muộn.
Anh thấy nơi em dấu vết xưa
Bão táp bao năm đã xóa mờ.
Trong bóng cây đêm màu tang tóc
Ngọt ngào phảng phất mùi nước hoa.
Trên lá cành mờ sương xào xạc
Có một tâm hồn đập xốn xang.
Sau bão tố những năm đắm đuối
Tất cả như ảo ảnh cơn mê.
Những gì xảy ra đều trôi qua
Tan biến trong sương trên mặt hồ.
Tháng Sáu 1909
3
Khi công việc tháng ngày đối mặt
Hiện lên bao dằn vặt đớn đau
Trong ta buồn phiền giấc ngủ sâu
Dưới tán rừng quên đi tất cả, –
Ta đâu biết trong Rừng Thiếu nữ
Ký ức ngày qua đang trôi qua
Nhòa trong bóng râm ta bừng tỉnh
Bên tai ta rộn tiếng chim ca:
“Trong đam mê hãy tin, hãy tin
Niềm đam mê ấy gọi to lên
Gõ vào cánh cửa im ỉm khóa
Của niềm khoan khoái lúc sang canh”
Tháng Sáu 1909
4
Mắt em biếc xanh, Trời phú cho em sao đẹp thế
Thần mối tình đầu linh nghiệm trên đầu anh,
Rũ sạch trong cơn mưa thần lặng im đứng dậy
Cất tiếng ca như ong vò vẽ giọng trầm.
Thần xóa sạch thời quá khứ xa xăm
Nhưng thần không có tên gọi nào thanh thoát,
Anh lại thấy đôi tay em thon thả
Và nghe thấy giọng của em thánh thót,
Không phải trong mơ mà trong đời thực
Anh lại đắm chìm trong thăm thẳm mắt xanh.
1897 – 1909, Bad Nauheim
5
Có những phút giây trôi lặng lẽ:
Cửa kính hằn giá buốt hoa văn
Bất thần chợt đến niềm ao ước
Phòng ấm sao lòng cứ buồn tênh.
Vườn ẩm ướt trong màn sương phủ
Một chiếc cầu qua suối vắt ngang
Hàng dậu xám ngập hoa hồng đỏ
Em hút hồn anh... mắt láy đen.
Những tia nước thì thầm trò chuyện
Đầu óc ai ngây ngất quay cuồng...
Cô gái Ukraina duyên dáng
Thánh thót lời em, những nụ hôn.
Tháng Sáu 1909
6
Chiều êm đềm đôi ta gặp gỡ
(Trái tim ta nhớ mãi mộng xưa).
Hàng cây chớm choàng lên tán lá
Mơn mởn xanh lộc biếc mùa xuân.
Con đường hẹp hai hàng cây xanh
Vầng sáng hắt loang ra sáng mãi
Dọc theo hồ con đường thẳng lối
Cứ mãi chìm trong giấc mộng đêm.
Nét dịu dàng và tuổi hoa niên
Có nghĩa gì với hai ta nhỉ?
Chất mãnh liệt thơ ta, tất thảy
Được làm nên nhờ nét dịu dàng?
Bao ước mơ vướng bận trái tim
Để trái tim phải nhớ nhung hoài niệm
Khi sánh bước men hồ chiều xuống
Khăn quàng thơm ngào ngạt nước hoa.
23 tháng Ba 1910,
Đảo Elaghin.
7
Tay đỡ trên vai cây vĩ cầm
Ảo mờ trước mắt tiếng đàn rung
Vung tay nhạc trưởng nghiêm theo nhịp
Trầm bổng thụ cầm trong gió ngân.
Khúc nhạc đam mê trong khói tỏa
Xuyên qua bóng tối đến bên tôi
Giọng nam cao hát trên sân khấu
Cho tiếng vĩ cầm rung ngất ngây.
Gấp gáp dồn hơi lúc thở dài
Máu truyền ứ lại bỗng nghẹn hơi
Ai đó khó nghèo buồn rầu rĩ
Bàn tay áp nhẹ trái tim tôi.
Trong phỏng đoán phần nào đã rõ,
Ảo ảnh hiện lên trước mắt tôi,
Cứ chờn vờn như làn khói tỏa…
Tiếng thụ cầm vang: bay đi thôi!
Tháng Ba 1910
8
Những gì ký ức tôi cố ghi
Tháng năm xô đẩy xóa mờ đi
Nhưng câu chuyện ấy như tia chớp
Rực sáng trời đêm hình chữ chi.
Đời tắt lụi rồi hết đã lâu
Có chăng trong mộng lại tìm nhau
Như hộp ngọc châu nay buộc chéo
Đỏ thắm dải băng sắc máu đào.
Một mình ta ở trong phòng vắng
Rã rời mệt mỏi dưới đèn chong
Bóng em từ cõi âm thấp thoáng
Hiện về lởn vởn trước bình hương.
23 tháng Ba 1910
(Đặng Dương Đượm dịch)