Trần Quỳnh Hoa
Ngày 18/10/2024, tại Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã tổ chức lễ giới thiệu triển lãm ảnh “Những cuộc gặp gỡ tại Việt nam” và ra mắt cuốn sách ảnh “Meetings in Vietnam” của hai nhà báo Lasse Edwartz và Ulf Johansson đến từ Thụy Điển. Hai nhà báo đã đến Việt Nam từ năm 1988 và thường xuyên quay trở lại đây để trải nghiệm văn hóa và quan sát sự chuyển mình sau chiến tranh của con người Việt Nam, từ đó ngày càng gắn bó với dải đất hình chữ S thân thương.
Triển lãm “Những cuộc gặp gỡ tại Việt Nam” trưng bày khoảng 30 tấm hình được chọn lọc từ hàng nghìn bức ảnh mà nhà báo – nhiếp ảnh gia Lassa Edwartz chụp từ năm 1988 trong những chuyến thăm Việt Nam với sự đồng hành của nhà báo Ulf Johansson – khi đó là Tổng biên tập của một tờ báo Thụy Điển. Cái duyên đưa hai ông đến với Việt Nam là từ dự án xây dựng Nhà máy giấy Bãi Bằng năm 1974, được viện trợ hoàn toàn bởi Chính phủ và nhân dân Thụy Điển. Thụy Điển là nước phương Tây đầu tiên công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với nước ta vào năm 1969, sau đó là nước viện trợ cho Việt Nam sớm nhất. Chính phủ Thụy Điển đã quyết định trợ giúp Việt Nam xây dựng nhà máy giấy Bãi Bằng (Phù Ninh, Phú Thọ) với số tiền viện trợ 2,7 tỷ SEK, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và nâng cao đời sống người dân. Năm 1988, hai nhà báo Lasse Edwartz và Ulf Johansson đã có mặt tại Bãi Bằng để đánh giá tình hình tại đây và ở Việt Nam nói chung, sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc.
Triển lãm gồm ba phần: phần một về người dân Việt Nam bước ra khỏi chiến tranh và xây dựng lại đất nước, phần hai về cuộc sống hiện đại ngày nay và phần ba về cuộc sống người dân ở làng Đá Bàn – nơi hai nhà báo đã đến thăm nhiều lần kể từ năm 1992.
Lasse Edwartz và Ulf Johansson cũng quyết định xuất bản cuốn sách ảnh “Meetings in Vietnam”, nhằm lưu lại những khoảnh khắc về con người và đất nước Việt Nam mà hai nhà báo được chứng kiến. Đặc biệt, ông Ulf Johansson chia sẻ rằng, thế giới khi đó chỉ biết đến “Việt Nam” như một cuộc chiến tranh. Còn với bản thân ông, Việt Nam chính là những con người, với cuộc sống riêng của họ trong công cuộc chung – kiến thiết lại đất nước. Bởi vậy nên tên cuốn sách là “Meetings in Vietnam” – “Những cuộc gặp gỡ tại Việt Nam”. Nhớ lại những cảnh ngộ đau thương và tang tóc sau chiến tranh mà ông từng nhìn thấy, Ulf Johansson cảm thấy nghẹn lời. Với ông, tất cả những người Việt ông từng gặp, với tình cảm, lòng mến khách, nghị lực và lòng tự hào của họ, đã đưa đến cho ông những cảm xúc và suy ngẫm về đất nước này. Thế nên, việc thực hiện cuốn sách ảnh “Meetings in Vietnam” chính là cách để cho đi những gì ông đã nhận được. Ulf Johansson là người viết chú thích và diễn giải cho tất cả các bức ảnh trong sách.
Lasse Edwartz, nhà báo và nhiếp ảnh gia – người trực tiếp bấm máy cho ra đời các bức ảnh, nói rằng ông rất yêu người dân Việt Nam. Đặc biệt, ông và người bạn Ulf Johansson có dịp lên làng Đá Bàn (Tuyên Quang) năm 1992. Trong lần quay trở lại đây vào năm 1994, hai ông đã kết thân với gia đình của bà Bình, một người phụ nữ dân tộc. Từ đó, hai nhà báo đã nhiều lần quay lại thăm gia đình bà và những người dân trong làng. Họ đã chứng kiến sự cải thiện đời sống ở nơi đây: từ một ngôi làng không có đường và không có điện; đến hôm nay, bà Bình đã có máy giặt trong căn nhà vừa sửa sang thật khang trang, rộng rãi.
Cùng đi với hai nhà báo Thụy Điển trong chuyến thăm làng Đá Bàn mới đây, nhà văn Hữu Ước ban đầu cảm thấy kỳ lạ, không hiểu ngôi làng nhỏ này có gì đặc biệt mà cuốn hút được hai nhà báo người nước ngoài. Cho đến một đêm, Lasse và Ulf trưng bày cho dân làng xem những bức ảnh chụp chính bản thân họ. Khi đó, Hữu Ước mới thấy dân làng, cả người già, người trung niên, thanh niên, trẻ em, xúm xít quanh những bức ảnh và ngắm nghía mãi hình ảnh của ông bà mình, cha mẹ mình và chính bản thân mình nữa. Lasse và Ulf đã rơi nước mắt trước cảnh đó. Sau đó, hai nhà báo và người dân làng cùng hân hoan nhảy sạp. Cảm nhận được niềm hạnh phúc, sự hòa hợp và gắn bó giữa dân làng với hai nhà báo vào khoảnh khắc ấy, nhà văn Hữu Ước mới hiểu rằng: hai ông nước ngoài này không phải “điên” mà vì quá yêu đất nước này, quá yêu những con người này nên mới đến thăm đều đặn, không quản ngại xa cách về địa lý hay khó khăn tài chính.
Nhiếp ảnh gia Na Sơn nhận định rằng những bức ảnh về cuộc sống người Việt sau chiến tranh của Lasse Edwartz và Ulf Johansson là tư liệu quý vì nước ta rất thiếu ảnh về thời bao cấp. Do nghèo và thiếu film nên ngày đó các nhiếp ảnh gia không có điều kiện chụp lại cảnh đời thường mà chỉ tập trung vào ảnh chiến trường. Mong rằng Lasse Edwartz và Ulf Johansson sẽ tiếp tục đến Việt Nam nhiều lần nữa để chia sẻ kho tư liệu ảnh quý giá về Việt Nam xưa và nay, cùng tham gia phát triển các dự án nhiếp ảnh về Việt Nam và làm nhịp cầu kết nối, thắt chặt tình bạn hữu nghị Việt Nam – Thụy Điển.