Sáng ngày 23.03.2024, tại căn biệt thự thơ mộng Villa de Roses (huyện Lương Sơn, Hòa Bình) của kiến trúc sư Nguyễn Thanh Tùng, đã diễn ra buổi Giao lưu – Tọa đàm: Tiểu thuyết và Hiện thực Đổi mới của Đất nước, được tổ chức bởi Thời báo Văn học Nghệ thuật. Buổi tọa đàm có sự tham gia của nhiều tên tuổi gạo cội trong làng văn như: nhà văn Nguyễn Trọng Tân, nhà văn Nguyễn Bắc Sơn, nhà văn – nhà lý luận phê bình Lê Hoài Nam, nhà văn – nhà lý luận phê bình Bùi Việt Thắng, nhà văn Bích Thu, nhà văn – dịch giả Lê Bá Thự, nhà văn Võ Thị Xuân Hà, nhà văn Kiều Bích Hậu, nhà thơ Phạm Đình Ân, nhà thơ Nguyễn Thanh Kim; cùng hai nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng và Trần Mạnh Thường. Về phía ban tổ chức có sự góp mặt của nhà văn – nhà báo Hoàng Dự, Tổng biên tập Thời báo Văn học Nghệ thuật (VHNT), Trưởng ban tổ chức Cuộc thi Tiểu thuyết Thời báo VHNT; nhà báo – nhà biên kịch điện ảnh Đỗ Quảng, Uỷ viên ban biên tập, Cố vấn tổng biên tập Thời báo VHNT và nhà báo Trung Hiền, Trưởng ban Bạn đọc Thời báo VHNT.
Mở đầu tọa đàm, nhà văn, nhà báo Hoàng Dự, Tổng biên tập Thời báo VHNT tổng kết về Cuộc thi Tiểu thuyết Thời báo Văn học Nghệ thuật (2023 – 2025) đến nay đã đi được nửa chặng đường. Ban tổ chức đã nhận được 52 tác phẩm gửi đến tòa soạn và nhiều bản thảo gửi đến hòm thư điện tử. Số lượng tác giả tham gia rất đông đảo và đến từ mọi miền đất nước. Cuộc thi dự kiến sẽ kết thúc vào cuối tháng 2 năm 2025 và trao giải thưởng vào dịp kỷ niệm Giải phóng miền Nam và Thống nhất đất nước, ngày 30/4/2025.
Nhà văn Nguyễn Trọng Tân nhận định rằng cuộc thi này được phát động vào đúng thời điểm. Sau bao nhiêu năm xây dựng đất nước và bảo vệ nền độc lập hòa bình, Việt Nam đã và đang từng bước khẳng định vị thế của mình trong cộng đồng quốc tế. Đây là dịp để các nhà văn nhìn lại và thấu hiểu những bước đi thăng trầm trong lịch sử đất nước, công lao và sự hy sinh to lớn của thế hệ ông cha và dòng chảy phát triển của dân tộc đến ngày hôm nay. Từ đó, bằng những trang viết của mình, họ sẽ mang đến nhận thức cho người đọc và xã hội về Hiện thực Đổi mới của Đất nước. Thời báo Văn học Nghệ thuật đã rất “dũng cảm” khi là tờ báo đầu tiên đứng ra tổ chức một Cuộc thi Tiểu thuyết với quy mô toàn quốc, đòi hỏi nỗ lực và kinh phí rất lớn. Mong Thời báo tiếp tục giữ vững tâm huyết với nền văn học nước nhà và “dũng cảm chọn ra được những tác phẩm xứng đáng”.
Nhà văn Lê Hoài Nam lại đi sâu vào một lĩnh vực đặc biệt: tiểu thuyết chiến tranh. Là một nhà văn viết về chiến tranh và từng là một người lính năm xưa, ông nhấn mạnh vai trò của tiểu thuyết trong việc truyền lại cho thế hệ trẻ những ký ức và sự thật về chiến tranh, những gì đã xảy ra và sự khốc liệt của nó. Nhân Cuộc thi Tiểu thuyết phát động bởi Thời báo Văn Học Nghệ thuật, đây chính là cơ hội để các nhà văn Việt Nam tiếp tục khai thác về đề tài chiến tranh: “phải viết những gì mà các thế hệ trước chưa thể viết”, để thế hệ trẻ nhận thức được những mất mát và đớn đau của thời chiến. Như vậy họ mới hiểu được cái giá rất đắt mà thế hệ trước phải trả để mang lại nền độc lập cho đất nước ngày hôm nay. Qua đó kêu gọi lớp trẻ biết trân quý cuộc sống hòa bình và mỗi tấc đất Việt Nam mà vì nó bao người lính đã ngã xuống.
Trình bày tham luận của mình, nhà văn Võ Thị Xuân Hà nhấn mạnh vào tâm lý của các nhà văn trẻ thời hiện đại: các em sẵn sàng tham gia rất nhiều cuộc thi và tràn đầy năng lượng sáng tác. Tuy nhiên, sau khi khuyến khích các em tham gia Cuộc thi Tiểu thuyết, bà nhận ra rằng nhiều bạn trẻ lo ngại sẽ không vượt qua được cái bóng của nhiều cây đa cây đề. Nhà văn Xuân Hà đã động viên các em rằng việc tham gia không chỉ vì giải thưởng, mà còn để đóng góp tiếng nói của văn học trẻ vào dòng chảy văn học chung. Công nghệ thông tin và việc có thể tự trải nghiệm những chuyến đi thực tế mang đến một cái nhìn đa chiều và vốn sống phong phú cho các bạn trẻ. Vì vậy mà “lớp viết trẻ đã làm chất xúc tác, gây nên sự chạy đua của dòng tiểu thuyết đương đại thời kỳ đổi mới”.
Nhà văn Kiều Bích Hậu đã giới thiệu với các khách mời nhiều xu hướng quốc tế mới mẻ nhằm đa dạng hóa tác phẩm: hình thức tiểu thuyết cực ngắn, truyện ngắn trong tiểu thuyết, phim trong sách… Nhà văn Lê Bá Thự đặt ra câu hỏi về tính trị liệu của văn chương, nhà văn Bích Thu xoáy sâu vào đề tài tiểu thuyết lịch sử. Đặc biệt, nhà văn Bùi Việt Thắng chia sẻ nỗi trăn trở về việc thiếu vắng những tác phẩm viết về đề tài nông thôn và làng quê Việt Nam. Ông cho rằng đó chính là khởi nguồn của văn hóa Việt Nam: căn cốt văn hoá của chúng ta đến từ nền văn minh lúa nước và tình làng nghĩa xóm.
Chia sẻ của các nhà văn trong buổi tọa đàm đóng vai trò như những mảnh ghép quý giá tạo nên bức tranh rộng lớn về hiện trạng tiểu thuyết đương đại Việt Nam. Mong rằng Cuộc thi Tiểu thuyết phát động bởi Thời báo Văn học Nghệ thuật sẽ thành công rực rỡ và góp phần quy tụ tiếng nói mạnh mẽ của các nhà văn về Hiện thực Đổi mới của Đất nước.
Trần Quỳnh Hoa