Dư Phương Liên bắt đầu cuốn sách bằng một cú sốc khiến người đọc hoảng hốt, âu lo và thấp thỏm dõi theo chuyến hành trình khốc liệt của cuộc đời chị.
Câu chuyện đòi hỏi người đọc chuẩn bị cho mình tinh thần vững vàng để có thể cùng chị đi hết biến cố này đến biến cố khác. Nhưng năng khiếu văn chương của chị thật biết cách chiều chuộng người đọc. Câu chữ, giọng kể duyên dáng và giàu nữ tính khiến cú ngã trời giáng và những thử thách sầm sập tìm đến chị dường như đã nhẹ nhõm đi rất nhiều, chỉ còn lại sự thấu cảm đầy dễ chịu.
Dư Phương Liên kể, cuộc đời chị được định đoạt bởi một cú ngã. Số phận khắc nghiệt cướp đi niềm hạnh phúc vừa chớm nở của một giáo viên trẻ. Năm ấy Dư Phương Liên kết hôn với đồng nghiệp cùng trường, thai nhi trong bụng mới được già một tháng, gánh nặng gia đình dồn cả lên vai chồng, vất vả nhất là chăm sóc vợ đau ốm, khuyết tật mọi mặt về thể chất.
Do ảnh hưởng của cú ngã, tháng mang bầu thứ 6, Dư Phương Liên bị mất thính giác. Mọi âm thanh cuộc sống tắt lịm hoàn toàn. Rất khó để người đọc kìm nén cảm xúc khi biết những trang tự truyện này được viết bởi một tác giả không còn thính giác. Nhưng, đi đến nửa sau cuốn sách, có lẽ ai cũng phải bật khóc khi biết bệnh tật còn lấy đi cả đôi mắt của chị. Cuốn tự truyện được hoàn thành nhờ cậu con trai bé nhỏ của Dư Phương Liên trợ giúp – hàng này kì cạch gõ lại từng câu, từng chữ gan ruột của mẹ.
Sau vài lần phẫu thuật mở hộp sọ, cuộc sống của Dư Phương Liên gắn chặt với những cơn đau đày đọa thân xác đến mức chết đi sống lại và nỗi sợ hãi tột cùng.
“Chẳng nhớ nổi tôi đã khóc nức nở nghẹn ngào trong bao lâu, tôi đã hoảng sợ như thế nào. Chỉ biết, sau đó là chuỗi ngày tha thiết lắng nghe đến đau khổ tuyệt vọng của tôi.”
Mỗi sớm thức dậy, tôi đều mong thấy lại tiếng lích chích của bầy sẻ nâu trước hiên nhà, tiếng gió thổi ào qua ngõ, tiếng bước chân người đi lại, hay tiếng rao vặt của những gánh hàng rong mà bình thường không mấy khi tôi quan tâm. Thậm chí, những tiếng động chát chúa, đinh tai nhức óc tôi vốn rất khó chịu bây giờ cũng cũng là nỗi khát thèm cháy bỏng không gì sánh được trong tôi. Đã có lúc tôi sung sướng tận hưởng sự yên tĩnh nhưng bây giờ thế giới tĩnh lặng yên ắng thật đáng sợ!”
Rất nhiều lần, chị bị số phận đặt vào lằn ranh giữa sự sống và cái chết. Phản ứng của cơ thể sau những ca đại phẫu và những chuỗi ngày dài lê thê bị hàng chục loại thuốc nã vào, xin phép không kể lại, mà để độc giả tìm đọc tự truyện của Dư Phương Liên, mới có thể cảm nhận từng chút nỗi đau của chị. Chỉ biết rằng khi con người yếu đuối đến mức một làn gió thổi qua cũng có thể cuốn họ vào cửa tử, thì thứ cuối cùng họ nhớ về chính là những ngày tháng tươi đẹp đã qua. Dư Phương Liên cũng vậy, điều níu giữ chị ở lại với cuộc sống này không chỉ là gia đình nhỏ, mà còn là “album” kí ức tuyệt đẹp về tuổi thơ.
“Lúc còn nhỏ tôi thường nghe mọi người nói tuổi thơ là tuổi đẹp nhất, hồn nhiên, tươi mát nhất trong cuộc đời mỗi người. Nhưng thực sự lúc đó tôi chẳng tin vì nghĩ rằng trẻ con thì có gì mà hay. Tâm trí tôi chỉ luôn háo hức nghĩ về tương lai, mong mình nhanh thành người lớn.
Đến khi là người lớn rồi, tôi mới hiểu được chân lý giản đơn ấy, nhất là kể từ khi lâm bệnh.
Trong miền kí ức đó chẳng có nỗi buồn nào dài quá vài phút; chẳng có giọt nước mắt nào của nghĩ ngợi, ưu tư, chỉ có những nụ cười trong sáng, hồn nhiên của tuổi thơ.
Mỗi khi nhớ về quãng thời gian bình yên, trong trẻo ấy, tôi lại ước ao… giá như có một chuyến tàu trở về tuổi thơ; giá như có một dòng sông nước chảy xuôi theo miền kí ức!”
Trong cuốn tự truyện dâng trào cảm xúc nghẹn ngào, không một giây phút nào Dư Phương Liên ngừng thôi thúc người đọc, rằng ta nhất định phải sống, bất kể số phận dồn ta đến vực thẳm nào. Sự thôi thúc ấy thật nhẹ nhàng, âm yếm thông qua những dòng kể về kỉ niệm thời thanh xuân.
“Thời cấp 3 dễ cười nhưng cũng thật dễ khóc. Buồn vui, hờn giận vì những chuyện cỏn con. Mong ước được làm người lớn thật nhanh, lại băn khoăn, tiếc nuối sự hồn nhiên, trong trẻo của tuổi học trò.”
Đúng như một nhạc sĩ nổi tiếng từng viết một nhạc phẩm dành tặng cho những ai đã trải qua tuổi học trò: “Nếu có ước muốn trong cuộc đời này/ Hãy nhớ ước muốn cho thời gian trở lại”.
Kí ức có thể sống lại thật sinh động khi ta rơi xuống thăm thẳm vực sâu, chơi vơi, đau đớn và sợ hãi giữa mênh mang tuyệt vọng, không biết khi nào thân thể ta chạm đáy và tan nát.
Ở thời khắc chênh chao khi đã ngả về cửa tử, chỉ có tình yêu thương vô cùng vô tận mới đủ sức mạnh khiến cơn cuồng phong cũng phải đổi chiều.
“Nhìn chồng đặt con trên một cánh tay đưa đi đưa lại như đưa nôi để dỗ thằng bé uống sữa bình, thật ngộ nghĩnh, thân thương, đánh thức trong tôi cảm xúc thiêng liêng về sự tồn tại của một gia đình. Giây phút ấy tôi nhận ra chồng và con trai là tài sản vô giá mà tôi có, bệnh tật không thể cướp đi được. Tôi phải sống để ở bên hai bố con, trả lại cho hai bố con một mái ấm gia đình đúng nghĩa.”
Dường như tình yêu thương tỉ lệ thuận với bảng “thành tích bệnh tật” cứ đầy mãi lên của Dư Phương Liên. Bệnh tật càng nỗ lực gạt chị ra bên lề cuộc sống, tình yêu thương của gia đình, bè bạn càng mãnh liệt hơn.
Bất cứ ai, nếu đủ duyên chạm tới cuốn tự truyện “Tôi phải sống”, thì có lẽ đều thấy cuộc đời này đáng sống đến nhường nào. Món quà Tạo Hóa ban tặng đáng quý, đáng trân trọng, đáng nâng niu biết bao. Ta phải nỗ lực hết sức để đổi lại từng khoảnh khắc được sống.
“Nghe được lời con nói”, một điều tưởng chừng rất giản đơn với mọi người nhưng với tôi là niềm hạnh phúc vô cùng. Giây phút đầu tiên nhìn thấy môi con mấp máy tiếng gọi “Mẹ, mẹ ơi”, giây phút đầu tiên đọc được một câu hoàn chỉnh của con: “Mẹ cháu tên là Liên”, cuộc sống câm lặng của tôi như bước sang trang mới, rộn rã âm thanh, lấp lánh niềm vui…”
Tác giả “Tôi phải sống” tiết lộ một phương thuốc giúp chị chiến thắng bạo bệnh: học tập không ngừng. Chị nói: “Tất cả tâm hồn và trí tuệ, trái tim và khối óc đều nói với tôi rằng: mình chỉ thực sự vui, thực sự hạnh phúc khi được làm điều gì đó có ích.”
Trong những ngày tối tăm nhất cuộc đời, Dư Phương Liên phát hiện ra niềm đam mê viết lách ẩn sâu trong mình. Bao nhiêu năm học chuyên văn thời phổ thông, rồi mấy năm học sư phạm văn thời sinh viên, học nhiều, đọc nhiều, đến một lúc, chị trào dâng ước muốn được viết ra cái gì đó của riêng mình.
Hãy xem học tập và đam mê có ý nghĩa to lớn thế nào với Dư Phương Liên:
“Tôi phải sống”! Ba tiếng ấy như một câu thần chú, một hồi còi, một hiệu lệnh đanh thép bắt tôi dậy, đẩy tôi đi, buộc tôi phải mạnh mẽ lên.
Từ trong bóng tối với nỗi tuyệt vọng cùng cực ban đầu, tôi lần mò làm lại tất cả.
Tôi tìm thấy niềm vui trong từng con chữ, tôi yêu những điều tôi viết ra và cảm thấy dễ chịu khi cuộc đời mình được sắp xếp lại gọn gàng, ngăn nắp.
Tôi cũng hạnh phúc khi được trải lòng mình trên đầu ngọn bút, nó giúp tôi sống lại những cung bậc cảm xúc vui buồn một thuở.
Bệnh tật dường như cũng bị đẩy lùi trước sức sống đang lên của tôi.
Từ mù lòa trở thành người khiếm thị, có thị lực 1/10 đủ để tôi được thấy lại gương mặt thân yêu của những người trong gia đình.
Trải qua cơn cuồng phong bão lốc của bệnh tật, tôi đã đứng dậy chỉ nhờ chút ánh sáng le lói.”
Chính khát khao học tập và ước muốn trở thành người có ích đã soi đường chỉ lối cho Dư Phương Liên từng bước tìm thấy hạnh phúc. Thế rồi chị lại tự thấy mình may mắn vì bệnh mới chỉ làm liệt một vài dây thần kinh chứ chưa hủy hoại toàn bộ trí não.
Như chị nói – “Thay đổi nhận thức là thay đổi tất cả”. Sự sống lại ngời lên trên thân thể tưởng như đã tan rã vì tỷ thứ công cụ y tế chọc ngoáy suốt 14 năm. Và ngay cả khi những khối u chằng chịt trên cơ thể nói rằng căn bệnh ung thư đã tìm đến, ý thức về tự do, hạnh phúc và vẻ đẹp càng trở nên trọn vẹn trong tâm trí của chị:
“Tôi đã nghiệm ra một điều, người phụ nữ chỉ thực sự đẹp khi tự tin vào bản thân. Mà muốn tự tin thì không có cách nào khác là phải nỗ lực trau dồi vẻ đẹp bên trong.”
Đọc hết cuốn tự truyện này, cảm nhận của độc giả về Dư Phương Liên có lẽ sẽ đọng lại trong 4 chữ: người đàn bà đẹp. Câu chuyện cuộc đời chị, khi được kể lại sẽ truyền cảm hứng và khích lệ rất nhiều cuộc đời bất hạnh khác nỗ lực vươn tới ánh sáng của hạnh phúc.
Một trong những điểm nhấn đẹp của tự truyện “Tôi phải sống” là khái niệm tự do của một người khuyết tật:
“Điều đáng sợ nhất của mất tự do là phải sống phụ thuộc vào người khác.
Tự do cũng giống như hạnh phúc vậy, bạn chỉ cảm nhận được ý nghĩa đích thực của nó khi nó đã trôi qua rồi, bạn chỉ ân hận, xót xa khi để vuột mất. Vì thế, ngay lúc này, ngay hôm nay, ngay bất cứ khi nào còn tự do hãy nắm lấy nó, vùng vẫy, tận hưởng và sống hết mình với nó.”
Lòng biết ơn nhắc nhở tác giả phải cố gắng sống thật tốt, thật hữu ích để tri ân cuộc đời này. Với những ai đang hạnh phúc và khỏe mạnh, tha thiết mong rằng mọi người đừng chủ quan. Hãy trân quý và bảo vệ những gì mình đang có, bởi vì bệnh tật, một khi đã mắc phải thì sẽ như bóng ma đeo bám lấy ta, đày ải gia đình ta. Nhưng hãy nhớ rằng, nỗi sợ hãi chỉ khiến chúng ta trở thành những siêu nhân có thật trong đời.
Tiểu Mai