TRÂM OANH
Tôi “mê” ông từ hơn hai mươi năm trước. Hồi ấy, mới tốt nghiệp Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, có được chút kiến thức về điều tra hình sự, lại son rỗi nên tôi hay đọc truyện trinh thám và thường để ý đến các vụ án trên báo chí. Còn nhớ, năm 1999, thắng lợi của chuyên án ĐB99 của Công an tỉnh Đồng Nai với chiến công bắt “ma nhớt” hiện nguyên hình có thể nói đã tạo nên một cơn “địa chấn” cả trên mặt báo lẫn dư luận khu vực phía Nam. Các báo đồng loạt đăng bài nhiều kỳ, khai thác các tình tiết, ngóc ngách về vụ án, bởi thế trên các sạp, báo được bán chạy hơn … tôm tươi. Công nhân lao động, sinh viên, nội trợ, công chức, nhân viên Văn phòng, ai ai cũng quan tâm, xuýt xoa bàn luận không chán về chiến công phá án hy hữu của Công an tỉnh Đồng Nai mà đến Tiểu thuyết gia lừng danh Arthur Conan Doyle, “cha đẻ” của thám tử Sherlock-holmes huyền thoại cũng chưa tưởng tượng ra.
Phó Văn Chính, tên tội phạm nguy hiểm chuyên cướp của, hiếp dâm đã sa lưới pháp luật nhờ bức hình họa chân dung được vẽ qua lời kể của các bị hại. Và ông Võ Tấn Thành là người họa nên bức hình “ma nhớt” đặc biệt ấy. Bức hình, được vẽ qua lời kể và trí tưởng tượng nhưng giống đến độ khi bị đưa về trụ sở công an, nhìn bức họa chân dung của chính mình, Phó Văn Chính phải thảng thốt: “Cán bộ chụp hình em hồi nào?”.
Hai mươi năm sau, tôi mới được gặp ông ngoài đời, ở Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai. Khi ấy, ông cùng vợ mang đến “trình làng” một đàn côn trùng, bò sát đông đúc, đủ màu sắc làm bằng Silicon. Giống, giống vật thật đến mức phải gọi là khủng khiếp, đến độ người sợ bò sát như tôi thấy sởn da gà rần rần. Rồi hai chú cháu quen, hơi thân. Rồi tôi có ý định viết về ông ngay cuộc thi viết “Chân dung cuộc sống” vừa phát động. Gặp gỡ, rồi điện thoại, nói chuyện nhiều lần nhưng việc viết về ông cứ chùng chình mãi. Là bởi ông mang đậm khí chất mộc mạc của một người nông dân Nam bộ. Làm nhiều, lại hay đấy nhưng khi kể về những việc làm của mình, câu chuyện của ông cứ rối mù lên. Thậm chí, khi được gợi ý bằng những câu hỏi thì câu trả lời đôi khi cũng “trớc quớc”. Vậy nên tôi đánh chờ, chờ cho sự hiểu biết của mình về ông dày thêm; chờ những câu chuyện, việc làm của ông đủ “thấm” để câu chuyện tự đến, tự mở ra.
1) Phá án bằng cọ
Ông Võ Tấn Thành sinh năm 1950 trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng thuộc phường Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa. Ngay từ nhỏ, ông đã bộc lộ năng khiếu nghệ thuật và vẽ tranh trở thành niềm đam mê của ông. Những năm 1967-1970, ông theo học tại Trường Mỹ nghệ Biên Hòa, một ngôi trường nổi tiếng, dân gian gọi là Trường Bá nghệ Thực hành, là nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho Khu Bá nghệ Biên Hòa – Tiền thân của Khu công nghiệp đầu tiên của cả nước. Ngôi trường nổi tiếng với bộ môn đúc đồng, chuyên đúc các tượng nhân vật danh tiếng thời đó. Dù theo học đúc đồng thì vẽ vẫn là đam mê, là công việc của ông. Nhưng ở xứ Đồng Nai hào khí, rộng lớn, giàu có và hiếu khách, luôn du nạp đủ loại dân tứ xứ này thì người vẽ nào có thiếu. Có thiếu chăng là thiếu người vẽ “Ma” và ông là người trám vào chỗ thiếu đó.
Quốc lộ 51 nối Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu những năm 90 của thế kỷ 20 vẫn chưa bị cơn lốc công nghiệp quét tới. Hai bên đường nối tiếp các lô cao su mà rất nhiều trong số đó có tuổi đời từ thời Pháp thuộc. Nhiều đoạn đường nhà dân thưa thớt, hàng quán lác đác, không đèn đường, bởi vậy nơi này vào ban đêm thâm u, vắng lặng đến rợn người.
Năm 1998, hàng loạt vụ cướp của, hiếp dâm xảy ra trên tuyến Quốc lộ 51. Nạn nhân đều là nữ, điểm chung, họ thường là người bán hàng, sống một hoặc hai người trong những căn nhà tạm ven Quốc lộ. Các vụ án chỉ xảy ra vào ban đêm và dường như kẻ gây án là một. Là bởi nhận dạng hung thủ, các nạn nhân đều có chung lời khai về một kẻ có bề ngoài gớm ghiếc như thể vừa đội mồ chui lên với cơ thể lòng khòng xương xẩu, đen đúa, nhớt nhầy và trần trụi; tóc dài; cằm vuông; má hóp; đôi mắt nhìn xoáy vào người đối diện, vừa ma mãnh vừa man dại và đặc biệt là thứ mùi khủng khiếp xộc ra từ cơ thể. Dư luận gọi tên hắn là “Ma Nhớt”. Dư luận băn khoăn, không hiểu Ma Nhớt là người phàm hay Ma, Quỷ. Bởi lẽ, khi phạm tội, hắn thường hô hét, quát tháo, ra lệnh cho những ai đó như thể đang điều khiển cả đội Âm binh ở nơi thâm sơn cùng cốc. Nhưng lúc rút đi, có khi hắn phàm tục và “mạt” đến mức vơ vét cả những thứ vật dụng chẳng đáng giá gì, kiểu như một … bếp ga mi-ni.
Tê liệt vì kinh hãi là phản ứng chung của tất cả các nạn nhân. Thậm chí, có vụ kẻ đột nhập thực hiện trót lọt vụ hiếp dâm cả hai chị em trong một nhà. Chuyên án được thành lập với quyết tâm phá cho bằng được vụ án đã nhuốm màu ma quái và kinh dị này. Trinh sát được rải dọc quốc lộ nhưng dường như rừng cao su là kẻ đồng lõa thủy chung để Ma nhớt vẫn thoắt ẩn, thoắt hiện và tiếp tục gây kinh hoàng cho người dân khu vực Long Thành, Nhơn Trạch.
Khi ấy, ông Thành vẫn đang hành nghề vẽ ở Bửu Hòa, không ngờ lịch sử điều tra hình sự của Công an tỉnh Đồng Nai gọi tên mình. Cũng không biết một ý tưởng táo bạo lóe lên trong đầu Thủ trưởng cơ quan Điều tra – Phó Giám đốc Công an tỉnh lúc đó – là đại tá Nguyễn Phi Hùng, sau này là Thiếu tướng, phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, đã nghỉ hưu: “Tại sao chúng ta không chuyển hóa lời khai của bị hại, nhân chứng thành hình ảnh để nhận dạng hung thủ?”. Cũng thật tình cờ, khi ấy một học trò của ông, anh Nguyễn Văn Minh đang công tác tại Công an tỉnh, hiểu rõ tài nghệ của Thầy – một người chuyên vẽ chân dung Liệt sĩ và những người đã mất – đã giới thiệu và tiến cử ông. Và ông nhận lời tiếp sức với Công an, nhận bước chân vào một con đường chưa có lối đi và dĩ nhiên còn nhiều nghi ngại, thậm chí cả những ý kiến cho rằng, đó là chuyện nói cho vui, là công việc không tưởng, viển vông.
Dành thời gian tìm gặp nạn nhân cả tháng trời để vừa hỏi, vừa động viên từ đó ông phác họa những nét sơ khai ban đầu, rồi phác họa chân dung hung thủ, lại đưa hình ảnh cho nhân chứng, bị hại để nhận diện và chỉnh sửa. Sau cùng, một khuôn mặt hung thủ đã hoàn thành và được số đông nạn nhân nhận định giống đến 90%. Lập tức, hình hung thủ được in ra, đưa về các địa bàn ven quốc lộ 51 để nhận diện, truy tìm. Và một ngày, Ma Nhớt lọt vào tầm mắt trinh sát khi đang tà tà đạp xe trên Quốc lộ cùng bọc đồ mới chôm. Được mời về trụ sở Công an, hắn thản nhiên cãi bay cãi biến. Chỉ đến khi tấm hình vẽ được đưa ra, Phó Văn Chính mới sững sờ thốt lên một câu, chính thức xác nhận kiểu “lạy ông con ở bụi này”. Và câu nói ấy đã trở thành câu kinh điển của ngành điều tra hình sự, là minh chứng của việc tội phạm đã hoàn toàn tâm phục, khẩu phục và gián tiếp nhận tội: “Cán bộ chụp hình em hồi nào?”
Ma Nhớt Quốc lộ 51 đã hiện nguyên hình. “Vỏ quýt dày” đã gặp phải “móng tay nhọn”. Chuyên án ĐB99 và hung thủ Phó Văn Chính nghiễm nhiên đi vào lịch sử ngành điều tra hình sự Việt Nam bởi sự độc, lạ và tính mới của một phương thức phá án chưa có tiền lệ. Sau vụ Ma Nhớt Phó Văn Chính, ông còn phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai lập nên chiến công vang dội khác, đó là vụ phá án cướp của, giết người hàng loạt trên các tuyến Quốc lộ ngang địa bàn Đồng Nai do Dũng Chim Xanh cầm đầu hay việc bắt sát thủ máu lạnh Trần Văn Điểm, kẻ giết người, cướp tài sản liên tỉnh phải đền tội. Năm 2000, ông chính thức trở thành một cộng tác viên của phân viện khoa học hình sự Bộ Công an, khu vực phía Nam, hoạt động như một Trinh sát ngoại tuyến.
Một người Trinh sát không quân hàm, không cảnh phục.
Tôi nghĩ, Tạo hóa thật lạ, Người luôn tính trước mọi việc và khớp nối những việc đó trong một thể thống nhất, khép kín. Có rừng cao su thâm u, con đường dài hun hút không ánh đèn, Người liền tạo ra Phó Văn Chính ma quái; cảm thấy chưa đủ, Người lại phải sinh ra ông Võ Tấn Thành độc lạ, rồi lại bổ sung ông Nguyễn Phi Hùng đặc biệt và quyết đoán. Có như thế, cuộc đời này mới có thêm những chân dung và những câu chuyện ly kỳ để người đời nhắc nhớ.
Tò mò, tôi hỏi ông về quá trình hình thành nên bức chân dung của một hung thủ không nhìn thấy. Ông diễn giải, cố gắng để một kẻ ngoại đạo như tôi có thể hình dung về quá trình ông “làm hình”. Khi vẽ, ông sẽ thể hiện khung xương mặt trước. Khung xương có loại mặt xoan, vuông, dẹp, gãy, dài, ngắn; tỷ lệ khuôn mặt, theo ông đều có quy luật. Khi khung xương mặt hoàn thành và được nhận diện cho là đúng, ông sẽ tiếp tục cho lên mắt, mày, môi, miệng rồi xương gò má, tóc. Khi bắt tay vào phác họa, lúc nào trong đầu ông cũng suy nghĩ, kể cả trong giấc ngủ. Có những khi giật mình thức giấc, ông lập tức đến bên giá vẽ để kịp thời phác họa hay chỉnh sửa những đường nét nào đấy mà ông vừa gặp trong giấc mơ; phải chỉnh sửa ngay để không quên. Ông nói, việc này cũng giống như người làm thơ, viết văn vậy, có ý tứ là phải ghi nhớ.
Làm hình chân dung đối tượng, với ông không chỉ là năng khiếu Trời cho mà còn phải hiểu về giải phẫu học, nhân tướng học. Ông giải thích, Tạo hóa sinh ra trên khuôn mặt mỗi người luôn có nét tương đồng. Nếu như con người là hình mẫu hoàn mĩ nhất về sự cân đối của hình khối, tỉ lệ và vẻ đẹp tạo hóa sinh ra thì khuôn mặt chiếm vị trí quan trọng nhất. Khuôn mặt là nơi tập trung đầy đủ, rõ nét nhất sự biểu lộ trạng thái tình cảm của con người; là cửa sổ tâm hồn của mỗi người với thế giới xung quanh.
Khi chiêm ngưỡng một bức họa, điểm nhìn đầu tiên đập vào mắt chúng ta là “điểm vàng”, tức là điểm nhấn chính thu hút mắt nhìn trong tổng thể một tác phẩm. Hiểu được nguyên tắc đó nên khi vẽ khuôn mặt Phó Văn Chính, thông tin quý giá ông có được là “điểm vàng” của đôi mắt nhìn xoáy vào người đối diện, vừa ma mãnh vừa man dại và ông vẫn phải dành cả tháng trời đi tìm gặp các bị hại để nghe họ kể, tả, để hình dung về đặc điểm, tính cách nhân vật, bởi tất cả đặc điểm, tính cách của con người sẽ được trưng ra trên khuôn mặt. Có thể lồ lộ rõ ràng, cũng có thể phảng phất kín đáo nhưng theo ông, dứt khoát thần thái, tính cách đều hội tụ trên khuôn mặt của mỗi người.
Nhưng việc gặp, hỏi đó cũng không hề đơn giản. Tùy vụ việc, có vụ nhiều nhân chứng nhưng có vụ chỉ một hoặc hai nhân chứng. Tuy nhiên, có khi ít nhân chứng, thông tin lại chuẩn xác nhưng có vụ nhiều nhân chứng, thông tin bị loãng. Mỗi người sẽ có cách kể khác nhau, do đó phải có kinh nghiệm khai thác thông tin. Đơn cử, khi tiếp nhận năm tin, ông sẽ chỉ chọn ba và loại hai tin. Kinh nghiệm nghề nghiệp giúp ông loại những tin không tin tưởng, không logic. Bên cạnh đó, cũng cần loại bỏ những suy nghĩ áp đặt bởi không hẳn tội phạm là kẻ có khuôn mặt ác ôn bởi lẽ người phạm tội có khi do bộc phát. Bênh cạnh đó, môi trường phạm tội là gì là thông tin phải được khai thác sâu để có thể cho ra bức họa hoàn chỉnh nhất.
Lấy từ trong tủ ra một xấp hình, ông giải thích thêm về cơ chế để thời gian, độ tuổi, điều kiện sống, môi trường sống tác động làm gương mặt người có thể thay đổi hình dạng. Ông minh họa một chân dung với nhiều khả năng khác nhau: là người lao động nặng nhọc, trí thức, tay ăn chơi đua đòi, công tử khá giả rồi lại đặt người đó trong các độ tuổi khác nhau, 15-17, 17-20, 25-30, 35-4, 40-50. Chín tấm hình, rất khác nhau nhưng tôi lại thấy rất giống nhau, rất dễ để nhận ra họ là một người; điều đó càng giúp tôi hiểu để có được một tấm hình ông đã phải lao động miệt mài như thế nào và càng phục hơn tài nghệ có thể xem là độc nhất vô nhị của ông.
Trường hợp Phó Văn Chính, khi gây án hắn tạo nỗi khiếp đảm cao độ, vậy tại sao nạn nhân có thể ghi nhớ đặc điểm để kể lại. Ông giải thích, khi tiếp xúc từ năm tới mười phút, cơ chế nhận biết của con người sẽ ghi nhớ được một vài đặc điểm của người tiếp xúc. Hỏi làm nghề này có ngại nguy hiểm không, ông bình thản, đến giờ này, vẫn thấy việc mình làm là đúng nên chẳng có gì phải ngại ngần; trong cuộc chiến với tội phạm, nếu ai cũng sợ hiểm nguy thì xã hội bất ổn đến nhường nào. Người như ông, sinh ra, lớn lên trong chiến tranh, vậy nên những điều mà người ngoài lo lắng cho là nguy hiểm này, chẳng thể tác động được gì. Nguy hiểm theo ông là việc khác, đó là tâm lý chủ quan, từ đó dẫn đến thiếu khoa học và thiếu chuẩn xác. Bởi vậy, ông luôn nhắc mình phải thận trọng, hiểu về nhân chủng, giải phẫu cùng “đủ thứ trên đời”; phải nắm vững nguyên tắc trong điều tra hình sự để khi tấm hình hoàn thành, đưa ra, đối tượng phải tâm phục, khẩu phục. Lan man thêm chuyện gia đình và những người con, ông khoe “Bầy con năm đứa, ba đứa có năng khiếu của cha”, trong đó “Hổ phụ” đặc biệt vui khi nói về “Hổ tử” Võ Tấn Phát. Tốt nghiệp chính quy Đại học An ninh và đã là Thượng úy, hiện công tác tại phòng Kỹ Thuật hình sự Công an tỉnh Đồng Nai “giờ này Phát nó đã giống tui đến 60% rồi; nó hơn tui ở chỗ sử dụng thành thạo máy móc, thiết bị hỗ trợ nhưng chưa đủ sự chịu đựng và kiên trì”.
Từ kinh nghiệm bản thân, ông đã viết nên giải pháp “Căn bản họa hình mô tả chân dung” và đạt được giải nhì tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Đồng Nai, giải ba Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc năm 2008, được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng khen, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cấp hai bằng Lao động sáng tạo, Bộ Công An tặng kỷ niệm chương Bảo vệ an ninh Tổ quốc, Liên hiệp Hội văn học nghệ thuật Việt nam tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, đồng thời được UBND tỉnh Đồng Nai tặng nhiều bằng khen. Không tiện hỏi nhưng tôi biết, đối với Phân viện Khoa học hình sự thuộc Tổng cục cảnh sát phía Nam, ông vẫn là “người nhà”, bởi lẽ chồng tài liệu Hội nghị, Hội thảo cao ngất ông mang về, cất cẩn thận trong nhà.
2) Người vẽ tranh chân dung trong chai thủy tinh
Đến phường này, hỏi nhà ông Thành Vẽ, nhiều người đua nhau chỉ đường. Ngôi nhà nằm ngay mặt tiền đường chợ Bửu Hòa, không lớn nhưng rộng rãi. Bước qua cánh cổng, điều đầu tiên ập vào suy nghĩ của tôi, đúng là để nói về một ngôi nhà bừa bộn phải ví như nhà … Họa sĩ. Đã vậy, ông không chỉ vẽ mà còn chế tác đủ món đồ thủ công nên ngôi nhà đầy lên, ngổn ngang với tranh, giá, chai, lọ, vật dụng, máy móc còn trên tường treo kín những bằng khen, huy hiệu cùng tranh, hiện vật.
Dưới đôi bàn tay tài hoa của ông, hàng trăm bức chân dung Bác Hồ, chân dung các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Nguyên thủ quốc gia trong nhiều tư thế và bối cảnh khác nhau đã được khắc họa trên những mảnh gương và những chiếc chai. Màu sử dụng là sơn dầu, lại vẽ trong lòng thành chai có mặt láng bóng không thấm nên khi vẽ dễ bị trôi hoặc nhòe đi. Người thực hiện phải có đôi bàn tay đạt đến mức mạnh, nhanh mà uyển chuyển, phải vẽ liên tục, không được dừng, vẽ cho đến khi xong bức tranh mới dừng bởi vẽ trên kính màu lâu khô, nếu vẽ đứt đoạn, nghỉ dừng tùy ý thì bức tranh cũng đậm nhạt, đứt đoạn lem nhem.
Chai thủy tinh đã là một chất liệu vẽ tranh độc đáo nhưng ông còn đẩy sự độc đáo lên cao hơn khi chọn vẽ trong lòng chai. Bởi vậy, ông phải tự chế cọ vẽ cho mình và phải vẽ … ngược. Chai càng dày, độ khúc xạ càng cao, càng khó vẽ; cổ chai càng nhỏ càng kỳ công, tỷ mỉ. Vẽ hai chân dung trên cùng một mặt vỏ chai sao cho đường biên của hai bức trùng nhau lại càng khó gấp bội. Nhưng khó mới là “món nghề” của ông, mới là công việc khiến ông yêu thích.
Nâng niu trên tay chiếc chai vẽ chân dung Bác Hồ, một chiếc chai có cổ rất nhỏ, đáy sâu, dày và nặng chịch, ông chỉ tôi dòng chữ dưới đáy chai “1/1973”, một cảm giác vừa choáng ngợp vừa nghẹn ngào xâm chiếm tâm trí tôi. Bức vẽ đã năm mươi năm nhưng hình ảnh Bác trong lòng chai vẫn tươi mới với thần thái cuốn hút mà nhìn bên này là chàng trai Nguyễn Ái Quốc ở Quốc tế Cộng sản; mặt bên kia là Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chiến dịch Biên giới. Nhưng hơn hết, bức tranh khiến tôi rưng rưng bởi tôi đang nghĩ về tấm lòng của người dân Miền Nam với Bác, với sự nghiệp cứu nước, giải phóng toàn dân tộc. Một bức tranh Lịch sử.
Trong vô vàn chai, lọ ông để trong nhà, có chai chỉ thể hiện hình ảnh một người ở hai quãng thời gian, hai góc độ khác nhau; có chai nhìn mặt trước là chồng, xoay lại nhìn mặt sau là người vợ; có khi mặt trước là Tề thiên, mặt sau là Trư Bát Giới; cũng có chai chỉ có hình ảnh một người kèm tạo hình linh vật ứng với tuổi của người đó làm bằng chất liệu Silicon … Tất cả được đặt trong một vỏ chai thủy tinh nút kín, đủ hình dạng, kích thước, màu sắc nhưng tất cả đều có điểm chung là độc và lạ. Chưa hết, ông còn dùng súng bắn keo để tạo nên các bức tượng Phật. Đây là những sản phẩm mới được tạo ra bởi kỹ thuật chế tác do chính ông nghiên cứu, chưa có trên thị trường. Nghề vẽ tranh, ảnh trong chai đã mang lại cho ông giải ba tại Hội thi “Phát huy sáng kiến, sáng tạo trong lao động và học tập” do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai tổ chức, giải khuyến khích Cuộc thi Sản phẩm Thủ công Mỹ nghệ tỉnh Đồng Nai năm 2015 do Sở Công Thương tổ chức.
Tôi nhìn ngắm ông, cố tìm điểm nào đó khác lạ từ trong hình dáng, khuôn mặt hay giọng nói, một điểm nào đó là chỉ dấu cho việc nhận diện người đàn ông đặc biệt này. Tôi không thấy, trước mắt tôi chỉ là một người đàn ông rất đỗi bình thường, dáng cao lớn, mạnh mẽ, hơi thô mộc, trán rộng, giọng nói rặt Nam bộ, chậm, ấm và rất nông dân: “Kể cô nghe, tôi đã vẽ vài trăm Liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng và rất nhiều những người bình thường. Từ vẽ mà gia đình có nhà, có đất, có vật dụng sinh hoạt, có tiền nuôi con ăn học, chỉ duy nhất công việc này thôi nhưng giờ này, vẫn chưa biết phải chuyển giao nghề bằng cách nào. Nghề này, ai muốn nhái, làm trước mặt cũng không nhái được. Bởi vậy, muốn tập hợp người trẻ để truyền nghề nhưng thật khó để tìm cho ra một người đủ kiên trì và sự chịu đựng. Vậy nên, đành chờ…”
Tôi biết, người Trinh sát không quân hàm, người Nghệ nhân dân gian này còn điều tiếc nuối. Tiếc bởi tuổi đã cao nhưng ước mong đưa sản phẩm tạo hình và vẽ thủ công trong chai trở thành một mặt hàng góp phần xúc tiến du lịch, thương mại của tỉnh Đồng Nai vẫn chỉ là mong ước. Tiếc bởi những sản phẩm dày công tìm tòi, sáng tạo và tạo được dấu ấn nhưng ông vẫn chưa có “đệ tử ruột” đề truyền nghề. Tiếc lắm!
Cũng như ông, tiếc nhưng tôi hiểu và muốn nói với ông, rằng người độc, lạ như ông thường không nhiều, thậm chí không có người thứ hai. Như nghệ sĩ Mai Đình Tới, dùng ống nước làm nhạc cụ biểu diễn cho hàng triệu người nghe, hấp dẫn, thú vị đấy nhưng như bao năm nay có được ai biết dùng ống để tạo thanh âm như ông. Mà biết đâu, sức hấp dẫn của những sản phẩm Văn hóa, nghệ thuật lại đến từ lý do chưa có truyền nhân.
T.O