Ivan Bunhin
Tôi có cảm giác như mình hoàn toàn cô độc trên thế gian này khi mà cô gái tôi đang yêu và chưa kịp nói với nhau điều gì về mối tình đã đột ngột ra đi, năm đó tôi 22 tuổi. Tháng 8 đã trôi qua gần hết: thành phố Nga nhỏ – nơi tôi đang sống – hôm ấy trời thật yên tĩnh và oi ả. Một lần vào chiều thứ bảy, tôi bước ra phố sau buổi làm việc ở chỗ những người thợ đóng thùng, toàn bộ phố xá trống vắng và không muốn về nhà, tôi chậm rãi từng bước một, dạo quanh thành phố, đi đến những nơi mà ánh mắt mình chạm phải. Tôi đi trên vỉa hè, dọc theo các cửa hàng đã đóng cửa của những người Do Thái, qua những ki ốt buôn bán cũ, vẳng tiếng chuông chiều ngân nga vọng từ nhà thờ, những mái vòm của các ngôi nhà đã bắt đầu đổ xuống những chiếc bóng dài đen thẫm mặc dù trời hãy còn oi bức như khí hậu ở các thành phố phương Nam vào cuối tháng 8, thậm chí trong vườn vẫn phủ đầy lớp bụi vàng óng sau một mùa hè bị mặt trời thiêu đốt. Tôi cảm thấy trĩu buồn, nỗi âu sầu khó tả, nhưng cả thế giới xung quanh lại đang lặng đi trong một niềm hạnh phúc vô biên – trong các vườn cây, trên thảo nguyên, trên các cánh đồng, thậm chí cả ở bầu không khí và trong ánh trời chiều sóng sánh.
Một cô gái mặc áo sơ mi trắng thêu với chiếc váy đen bó chặt bộ mông, chân đi giày không tất có cá sắt đang đứng cạnh đường ống dẫn nước chạy qua quảng trường phủ đầy bụi. Vầng trán thông minh sáng sủa, cô gái có nét gì đó chung với Vê-nhê-ra Mi-lox-ki nếu ta tưởng tượng Vê-nhê-ra cũng rám nắng, với cặp mắt vui nhộn và sẫm màu như vậy. Khi thùng nước đã đầy, thiếu nữ đặt đòn gánh lên vai và đi về hướng tôi, cân đối, hơi khẽ đung đưa thân hình cho dù thùng nước nặng trĩu sóng sánh, tiếng cá sắt ở đôi giày gõ dọc theo đường làng. Tôi nhớ rằng, tôi đã cẩn thận tránh ra, nhường đường cho cô gái và nhìn dõi theo thiếu nữ lâu làm sao. Từ con phố này chạy qua quảng trường đến chân núi, hướng theo Pa-đôn, thấy rõ một thung lũng mênh mông xanh biếc của dòng sông, những đồng cỏ, những cánh rừng, đằng sau chúng là bãi cát vàng sẫm nắng và xa hơn nữa là miền xa xăm dịu dàng của phương Nam.
Tưởng chừng như chưa bao giờ tôi yêu cái thành phố Nga nhỏ này như vậy và cũng ở phút giây đó chưa lúc nào tôi lại cảm thấy khao khát muốn được sống vào chính mùa thu ấy, khi mà tôi đang luẩn quẩn để lý giải về đấu tranh sinh tồn trong cuộc sống, đang miệt mài học chỉ để trở thành thợ sửa thùng. Sau giây phút đứng ở quảng trường, tôi quyết định đến chơi nhà anh em Tôl-xtôi ở phía ngoài thành phố. Đi xuống chân núi hướng về phía Pa-đôn, tôi gặp rất nhiều dân xe ngựa chở khách thuê cho chuyến tàu tới Crưm lúc 5 giờ. Lũ ngựa thồ to lớn chậm rãi kéo những chiếc xe cùng đống hòm xiểng lỉnh kỉnh khua rền vang đi về phía chân núi, mùi hàng hoá, đồ tạp nham, các loại bao bố, người chở thuê, bụi, và đám người chạy đi chạy lại lăng xăng đến từ nơi nào đó chắc hẳn rất tốt đẹp, tất cả tạo nên một âm hưởng làm trái tim nhỏ bé của tôi nghẹt lại bởi những nỗi niềm mơ hồ buồn bã giày vò nào đó và ngọt ngào. Tôi quay vào cái ngõ chật hẹp nằm giữa các vườn cây và đi ra ngoại ô. Cư dân khu vực này là những người tiểu thương và các thợ thủ công. Vào những đêm mùa hè, trên thung lũng thường vang lên những bài hát Cô dắc có giai điệu đẹp và buồn bã mang âm hưởng Thánh ca của người bản địa. Nhưng bây giờ thì họ đang tuốt lúa. Phía xa xa, vùng tiếp giáp với thung lũng là bãi tuốt, thấp thoáng những cái lều đen và trắng nối tiếp nhau trên sân tuốt lúa. Lúc đứng gió, trong thung nóng bức hệt như ở thành phố và tôi vội vã leo lên núi, đi vào thảo nguyên đang rộng mở và phẳng phiu.
Trên thảo nguyên, tất cả tĩnh lặng, êm đềm và mênh mang. Toàn bộ phần nằm trong tầm mắt được bao phủ một màu vàng rực của những gốc rạ lô nhô và rậm rạp. Trên cái vạt áo khoác khổng lồ và không biên giới đó mơ hồ phảng phất một đám bụi mỏng vô tận vô hình làm cho lòng ta êm ái. Và tất cả – những gốc rạ, con đường, bầu trời bỗng sáng rực lên dưới ánh chiều tà. Một người đàn ông mugích đen nhám vì nắng, đầu đội mũ da cừu, mình mặc áo len dày màu xám, đi lướt qua trong chiếc ủng nặng trịch, và cây gậy trong tay anh ta cũng sáng loá tựa như bằng pha lê. Những đôi cánh lũ quạ bay qua bay lại trên cánh đồng rạ cũng nhấp nhánh và bóng nhẫy, thậm chí phải hơi nheo mắt lại vì ánh rực và bức nóng từ cánh đồng. Phía đằng xa trên chân trời có thể phân biệt rõ chiếc xe đang được đôi bò mộng chậm rãi kéo, và cái lều của những người canh ruộng dưa. Ồ, thật tuyệt vời khi hoà mình vào trong sự trầm lặng và giản dị dường này! Nhưng toàn bộ tâm trí của tôi lại đang bị hút về phương Nam, nơi mà cô bé của tôi đang đi tới đó…
Phía trước thung lũng, cách con đường nửa dặm thấp thoáng mái nhà gạch màu đỏ của một trang ấp nhỏ – đó là chỗ ở của anh em nhà Tol-xtôi: anh Pa-ven và anh Vích-to Ti-mô-sen-kốp. Tôi đi đến đó, qua đống rạ gầy gò và lởm chởm. Xung quanh thôn xóm trơ trọi, tôi liếc vào cái cửa con và thấy một lũ ruồi nhặng bay vù vù, ruồi từng đám đậu trên các cửa kính, dưới trần nhà, trong xoong chậu. Ngôi nhà đã được sửa lại và không có ai trong đó. Cánh cửa mở rộng và trong sân ngổn ngang những đống phân chuồng đang được phơi khô dưới ánh mặt trời…
– Anh đi đâu đấy? Một giọng nữ bất ngờ vang lên
Tôi ngoái lại, thấy chị On-ga, vợ người anh cả đang ngồi trên gộp đá, bên những bờ thửa ruộng dưa. Chị không đứng dậy mà chỉ chìa tay cho khách, và tôi ngồi xuống bên cạnh
– Chị buồn à? – Sau thoáng im lặng tôi hỏi và nhìn thẳng vào mặt thiếu phụ.
Người đàn bà đưa mắt nhìn xuống đôi chân trần của mình. Chị nhỏ bé và rám nắng, trong chiếc váy cũ và áo khoác không được sạch, trông On-ga có vẻ gì giống với cô gái gánh nước tôi đã gặp, cô gái mà đã buồn bã đi thoáng qua một ngày dài dằng dặc đầy ánh mặt trời. Gương mặt thiếu phụ nom từa tựa một cô bé con ở một làng xóm Nga nào đó. Tuy nhiên tôi không thể nào chấp nhận được bộ quần áo của cô và việc cô đi chân trần trên đống phân khô, trên những đám rạ nhọn hoắt, lớm chởm. Thậm chí tôi còn ngượng ngùng khi nhìn vào chân On-ga. Đúng là thiếu phụ hơi thu chân lại và thỉnh thoảng liếc những cái móng chân bị hỏng của mình. Những chiếc móng nhỏ nhắn và màu hồng.
– Chồng tôi đi tuốt lúa – Thiếu phụ nói – còn Vích-to Nhi-kô-lai đi rồi… Người ta lại bắt Pa-ven lần nữa vì anh ấy từ chối không chịu đăng lính. Anh còn nhớ Pa-ven không?
– Có chứ – Tôi trả lời mà đầu óc để đi đâu.
Và chúng tôi cùng im lặng, nhìn ngắm hồi lâu vào khoảng xanh lơ trong thung lũng, những cánh rừng, bãi cát vàng mịn và phía chân trời xa xăm, nơi gợi nỗi buồn nhớ lai láng. Mặt trời hãy còn chiếu tỏ chúng tôi; những quả dưa tròn trĩnh, trĩu nặng, nằm lăn lóc trên đám dây màu vàng xoắn xít tựa rắn cũng phát sáng.
– Tại sao chị không nói thẳng với tôi? – Tôi bắt đầu nói – Vì điều gì mà chị phải tự giày vò bản thân mình? Chị thích tôi.
Thiếu phụ hơi thu mình, rụt chân và cụp mắt lại, nở nụ cười quả quyết, nói:
-Anh làm ơn cho xin điếu thuốc.
Tôi chìa ra. On-ga khẽ rít vài hơi, ho sặc sụa và chị ném nó ra xa rồi bắt đầu trầm ngâm:
– Tôi ngồi ở đây từ sáng tinh mơ – Thiếu phụ khẽ nói – lũ gà táo tác chạy đi tìm thóc ở bãi tuốt lúa, dưa thì chín nẫu, nằm lăn lóc… Tôi không hiểu vì sao anh cảm thấy buồn ở nơi đây. Tôi vô cùng yêu nó…
Tôi đi đến trước thung, khoảng hai dặm cách từ trang ấp, lúc mặt trời sắp hoàng hôn, ngồi xuống và bỏ mũ… Xuyên qua những giọt lệ, tôi nhìn ra xa xăm đằng chân trời, lòng mơ tới những thành phố nóng nực xa lắc nơi nào đó ở phương Nam, buổi chiều thảo nguyên xanh lơ và hình bóng cô gái mà tôi đang yêu đã hóa thân làm một với thiếu phụ nào đó, nhưng được thêm vào sự bí ẩn của bản thân người phụ nữ ấy và nỗi buồn thơ trẻ mãi đọng trong mắt người đàn bà nhỏ bé trên bãi, ruộng dưa…
1901
Nguyễn Thiên Việt (dịch)