Vài nét về tác giả:
Sinh: 1965
Nghề: Viết báo, viết văn tự do.
Bắt đầu cầm bút từ năm 2001.
Sách đã in: Những đứa con của gió (truyện – 2002); Người không có nơi về (truyện – 2004); Thiên đường không có tòa án (truyện – 2022); Phố núi mù sương (truyện – 2023).
Giải thưởng:
- Giải nhất cuộc thi truyện ngắn Viết từ trái tim chủ đề “Mùa yêu đầu” của công ty Cổ phần truyền thông Waka năm 2014
- Giải B văn xuôi Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam năm 2022
- Giải nhất cuộc thi viết kí “Chân dung cuộc sống” của tạp chí Nhà văn & cuộc sống năm 2023
LỜI BÀN CỦA nhà thơ TRẦN ĐĂNG KHOA:
Đây chỉ thuần là một chuyện tình. Một mối tình éo le, ngang trái. Cả bốn nhân vật : Thục, Hạ – vợ Thục, Hiền, anh Tân – chồng Hiền, và thấp thoáng phía sau là mẹ Thục, bố mẹ Hiền, tất cả mọi người đều biết rõ sự thật. Một sự thật éo le và cay đắng. Và họ đã ứng xử với sự thật đó như thế nào.
Chuyện chỉ đơn giản có thế, mà viết rất giỏi, rất hấp dẫn. Ngôn ngữ chắt lọc. Tác giả rất tài trong việc khắc họa tính cách, đặc biệt là tâm lý nhân vật, dù có nhân vật chỉ phong phanh chừng hơn chục chữ, mà vẫn lồ lộ hiện hình. Nếu không có tài văn, không thể làm được vậy. Một ưu điểm nữa là đối thoại. Đối thoại trong truyện ngắn này là đối thoại kịch. Nghĩa là đối thoại có tính hành động. Loại đối thoại này, tôi mới chỉ thấy xuất hiện trong một vài nhà văn, như Nguyễn Văn Thọ ở truyện vừa “Vàng xưa”, Xuân Đức trong “ Nhật ký người gỡ mìn” và một ít Nguyễn Khắc Trường trong tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma”. Tình huống ở phần kết truyện, tác giả xử lý cũng giỏi. Nhờ thế mà tránh được sự tầm thường, dung tục. Trong tình hình văn học hiện nay, « Phố núi mù sương » là một chuyện hiếm gặp. Mặc dù Y Nguyên là tác giả mà tên tuổi còn lạ hoắc. Đến bây giờ, chúng tôi vẫn không biết Y Nguyên ở đâu, làm nghề gì. Chỉ thấy đây là một cây bút có tài. Không tài, không viết được thế.
1.
Hiền là chị tôi. Chị họ, mẹ bảo vậy. Hai bác cũng bảo vậy. Chị họ cũng là chị, tôn ti trật tự đàng hoàng, máu loãng hơn nước lã. Tôi biết, rất biết. không cần mẹ dạy, không cần mẹ rằn rực, răn đe mỗi bận nghe hai đứa bà bà tui tui. Hai bác tế nhị hơn, chỉ xa xôi: con Hiền lớn hơn, lại là chị, liệu mà cư xử cho ra chị…. Thống nhất ý chí gớm, rõ rồi. Hiền lớn hơn tôi thật. Hơn một tuổi. Trên một lớp. Có điều thân thì vẫn thân. Còn vì sao thân, hãy bắc thang lên mà hỏi ông trời…
Hiền là chị tôi. Là chị; tôi luôn nhớ điều này như in trong những kiến văn được lập trình sẵn cho lí trí. Có điều, trong những giấc mơ, tôi hay quên bẵng điều đó. Tôi thấy Hiền là bạn, là em, thậm chí là… mẹ tôi. Mẹ, bạn, em; nhưng chưa bao giờ là chị. Phải; Hiền chưa bao giờ là chị tôi. Trong mơ, kì cục chưa, tôi thấy tôi bá vai bá cổ Hiền. Tôi thấy tôi nũng nịu, vòi vĩnh cùng Hiền. Tôi thấy tôi cầm tay dắt Hiền đi chơi; thậm chí… bồng bế Hiền trên tay, hay những cảnh tượng khùng điên hơn! Ác mộng; tôi biết; nhưng đó là những ác mộng thường xuyên lặp lại từ khi chúng tôi bắt đầu bước một chân qua khỏi ngưỡng cửa tuổi thơ, từ khi mắt tôi bất chợt nhận ra những đường cong thiếu nữ lộ hằn sau chiếc áo ướt mưa dán sát người Hiền ngày hai đứa chở nhau qua quãng đồng mắc mưa không chỗ trú. Run bắn người, như điện giật; nhất là khi nhận ra hai cái núm hồng xinh xinh lấp ló mơ hồ trên hai chóp núi đôi. Và còn nữa; còn một vệt đen mờ ẩn hiện giữa cặp đùi gói trong chiếc quần lụa trắng cũng bị mưa làm dính bết! Hiền vô tư lắm; cười khanh khách, luôn mồm kêu lạnh, không nhận ra mắt tên em họ đang lạc thần…
Tôi biết, tôi đã bỏ lại tuổi thơ của mình, vĩnh viễn đánh mất tuổi thơ của mình, trên cánh đồng chiều ấy, sau cơn mưa.
Ác mộng nào cũng vậy. Giãy giụa. Gào thét. Quẫy đạp. Những nỗ lực tuyệt vọng, điên cuồng để mong chạy trốn. Trốn khỏi cái thực tại mộng mị. Cái thực tại không đội trời chung cùng thực tại! Đau đớn, tuyệt vọng, rã rời khi không thể trốn chạy; khi nhận ra rằng: mình thật sự không thể trốn chạy. Đừng ai bảo rằng trong mơ con người không ý thức. Ý thức vẫn hiện hữu, lạnh lùng quan sát mọi sự, quan sát cuộc đấu tranh tuyệt vọng của nạn nhân – con người cố rút chân ra khỏi vũng lầy thực-tại-mộng-mị. Quan sát mà không can thiệp (mà thực ra cũng không thể nào can thiệp). Hiền là chị, chị họ tôi, tôi biết. Ngay cả trong những giấc mơ điên khùng nhất của mình tôi vẫn biết. Biết; đó chính là điều khủng khiếp nhất; là căn nguyên cần và đủ để biến những giấc mơ tôi thành ác mộng!
Chiến tranh với chính mình luôn là một cuộc chiến tranh đáng sợ; thập phần đáng sợ. Trong cuộc chiến ấy, con người luôn phải đơn độc mà chiến đấu, tuyệt không một chiến hữu đồng hành.
Nhưng thôi; hãy kệ thây tôi với những ác mộng của tôi. Đó là vấn đề của riêng tôi. Của riêng Tiểu Vũ Trụ tôi (mỗi con người là một Tiểu Vũ Trụ). Nó không ảnh hưởng đến ai. Hòa bình thế giới vẫn được duy trì vẹn nguyên. Hiền (tôi muốn nói: chị Hiền!) vẫn vô tư nói cười, vẫn vô tư ngồi sau xe cho tôi chở lông nhông từ sau buổi chiều có cơn mưa ấy. Mẹ tôi, rồi hai bác, vẫn yên tâm khi thấy bọn tôi tôn ti ra trò lúc có mặt người lớn. Mấy lúc ấy, Hiền đúng là một “bà chị” thực sự, nghiêm khắc và kẻ cả (diễn không tệ!); chỉ thi thoảng đệm bằng một cú bụm miệng cười sau lưng rất quái! Ai đó bảo: cuộc sống là sàn diễn; và chúng tôi đang chơi trò diễn kịch (hoặc vũ hội giả trang). Hiền bảo: ông diễn kém, để tui…. Nhất trí. Và, trước mặt mọi người, tôi nhường Hiền vai chính; còn tôi chỉ thủ một vai phụ, rất phụ. Hạn chế đối thoại đến mức hệt diễn viên tuồng câm; giơ tay… ra dấu là chính. Vậy mà thi thoảng hạ màn vẫn bị Hiền ỏng eo: có mỗi cái… ra dấu mà ra cũng không nên!
Tội cho Hiền (tôi muốn nói: chị Hiền); chị Hiền không biết, không hề biết, tôi không chỉ diễn chung với chị mà còn diễn riêng; không chỉ diễn với khán giả người lớn mà còn diễn luôn với khán-giả-chị. Chị Hiền không biết tôi đang tham gia vào một vở diễn lớn lao và khốc liệt hơn nhiều so với vở kịch chúng tôi đang cùng nhau diễn. Và trong vở diễn này, tôi thủ vai của mình không tệ; thật sự không tệ! Bằng chứng là cho đến tận giờ vẫn không ai biết, không ai ngờ – kể cả chị Hiền – về những giấc mơ, những cơn ác mộng thường trực mỗi lúc đêm về của tôi…
2.
Tôi biết mình có lỗi nhiều với Hạ. Tôi không yêu Hạ. Giờ thì tôi biết chắc điều đó. Nhưng đã muộn; rất muộn! Chị Hiền rủa: mày (lần đầu tiên Hiền, quên, chị Hiền, kêu tôi bằng “mày”) thật là đồ… chẳng ra gì! Đúng; tôi thật là đồ chẳng ra gì. Hạ khóc: Hiền để Thục đi, đừng rủa Thục. Tại mình hết. Tại mình dại khờ, nông nổi mới ra vậy…. Đến nước này, khi tôi thú nhận cái sự thật (chắc gần sập trời với Hạ) rằng tôi không yêu Hạ, rằng tôi yêu một người đàn bà khác, Hạ vẫn là người phụ nữ cư xử rộng lượng, vị tha. Tôi có đáng được Hạ rộng lượng, vị tha không? Tôi không biết. Chị Hiền thì bảo tôi không đáng…
Đó thực sự là một trạng thái bấn loạn, lùng bùng, mất tự chủ. Hình như tôi không biết, không rõ mình muốn gì từ khi tôi nghe tin chị Hiền kết hôn; từ khi tôi biết chị xin chuyển công tác theo quê chồng; một ngôi trường mãi tận vùng cao. Phố núi cao, phố núi đầy sương…
Hạ bạn Hiền. Cùng tuổi, học cùng khóa; giờ là đồng nghiệp dạy cùng trường. Chị Hiền bảo: tui làm mai cho; nàng tuổi tui, đẹp người đẹp nết. Ông lấy nàng, mai mốt về phố núi, thành hàng xóm với tui, ưng không? Gật ngay; chẳng thèm suy nghĩ lâu la. Sao kì???
Hạ ưng tôi. Càng ưng khi nghe nội dung “tiếp thị” của Hiền. Hiền nói về tôi những gì không biết; nhưng chắc chắn không tệ. Đương nhiên, sự thật là tôi cũng không tệ. Tôi cao ráo, đẹp trai. Bạn bè bảo trông tôi tràn đầy khí chất đàn ông. Cái ấy dễ hút hồn phụ nữ! Nhưng nội dung tiếp thị của Hiền cũng không thừa, tôi biết. nó như con tem đảm bảo chất lượng (ISO) dán lên “món hàng” tôi trong mắt Hạ! Niềm tin quan trọng hơn ta nghĩ. Đôi khi niềm tin khiến người người ta dễ chủ quan, khiến người ta đánh mất sự cảnh giác và nhạy bén cần thiết cho một quyết định…
Hạ chân thật, hiền lành và an phận. Giấc mơ của Hạ gói tròn trong viễn cảnh gia đình đầm ấm, một ông chồng tốt, những đứa con ngoan. Hạ tin Hiền, tin tôi, tin cái khát vọng của mình, sự trông đợi của mình vào người chồng tương lai không hề viễn vông, không có gì quá sức.
Tôi, đơn giản hơn, tiếp cận, cầu hôn Hạ chỉ với duy nhất một khát khao: mau chóng thành công dân phố núi! Thật tình thì tôi cũng thích Hạ, có thiện cảm với cái tính khí chân thật, nhu mì của Hạ (làm sao không thiện cảm?). Có lúc tôi cảm giác hình như mình có yêu Hạ. Mà nếu chưa yêu, tôi tin, với thời gian, chắc chắn mình sẽ yêu. Phải; Hạ là một phụ nữ đáng yêu. Trước tôi, Hạ không thiếu đàn ông ngấp nghé. Tôi tin mình đã yêu hoặc (tệ lắm thì cũng) sẽ yêu…
Hạ thì yêu tôi, chắc chắn yêu. Yêu một người đàn ông không yêu mình. Từ chối tình yêu của những người đàn ông khác để đi yêu một người đàn ông không yêu mình, đó là sự đùa cợt tàn nhẫn của số phận; là bi kịch ( có thể lớn nhất) của đời Hạ. Có phải Hạ không nhận ra sự lừng khừng, không nhiệt thành, cháy bỏng của tôi trong những khoảnh khắc yêu đương? Có phải Hạ không nhận ra chuyện tôi thích ở ngoài đường hơn ở nhà, thích tà tụ nhậu nhẹt, cà phê cà pháo cùng bạn bè hơn không khí riêng tư chồng vợ? Và còn nữa; có phải Hạ không nhận ra chuyện tôi thích sang nhà chị Hiền, thích chuyện trò, tâm sự với chị Hiền. Bóng điện chị Hiền cháy, vòi nước chị Hiền chảy, cửa sổ chị Hiền long đinh tôi đều tức tốc xắng xở sửa sang; trong khi cũng chuyện tương tự ở nhà tôi cứ ừ ừ cho qua? Có thể Hạ không biết; bởi mù quáng vì yêu. Mà cũng có thể Hạ biết; nhưng cố chịu đựng vì yêu. Vì khí chất cả tin, nhường nhịn, vị tha. Vì tin rằng tình yêu đích thực là cho; tin rằng sự hi sinh, nhu thuận, chìu chồng mọi nhẽ sẽ có ngày cảm hóa, đánh thức được tình yêu trong tôi.
Giả thuyết nào thì cũng khẳng định một điều: Hạ yêu tôi, rất yêu!
Tôi đã mắc lỗi nhiều với Hạ khi tôi không yêu Hạ, không thể nào yêu Hạ, bất kể những nỗ lực tận tụy của Hạ để làm một người vợ hiền (tôi đã cố; nhưng không thể!). Càng có lỗi hơn khi tôi đã – vì những dục vọng của riêng mình – mà cướp trắng đi của Hạ cơ hội gặp một người đàn ông tốt. Tất cả đều đã muộn, quá muộn, cho dù tôi không cố ý. Nhưng ngộ sát không phải không có tội. Nhẹ hơn; nhưng hậu quả thực sự của hành vi vẫn là chết người!
Có lần Hạ bảo: anh là tình đầu của em. Trước anh, em chưa yêu ai. Thực sự chưa yêu…. Tôi tin lời Hạ. Một niềm tin đầy ám ảnh. Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy/ Nghìn năm chưa dễ có ai quên…. Trời đất, sao lại là tôi. Sao không là một người đàn ông khác mà lại là tôi? Tội nghiệp Hạ và tội nghiệp tôi. Sao tình đầu của tôi không là… Hạ? Dưới gầm trời này, liệu tìm đâu ra người phụ nữ thứ hai tốt như Hạ? Tình yêu của tôi, sao nó không làm ơn biết nghe lời lí trí, song hành cùng những tư duy phải đạo của lí trí? Tôi không yêu Hạ. Giờ thì tôi biết: tôi lấy Hạ không vì yêu Hạ. Tôi yêu cái phố núi đầy sương…
Mà “tình đầu của tôi” ư? Hình như tôi chưa bao giờ bảo với Hạ rằng: trước Hạ, tôi chưa từng có người yêu; thực sự chưa!
…Tôi nhớ đến đám cưới chị Hiền. Ngày cưới chị, tôi cáo bận, không đi dự. Chị giận tôi lắm; giận đến mức không nhìn mặt! Nhưng thời gian là thần dược; rồi cũng đến lúc nguôi ngoai. Với lại, thân thiết đến chừng ấy thì đâu dễ một sớm một chiều bỏ nhau? Chị lo lắng khi thấy tôi cứ lông bông. Chị bảo: giận thì giận mà thương thì thương. Và Hạ đến. Hạ như chiếc phao cứu sinh cả cho chị Hiền, cả cho tôi. Và mai mối. Và cưới…
Ngày cưới tôi chị Hiền vui vẻ lắm. không hề “tính sổ” chuyện tôi trốn lúc trước, chị xăn tay áo lo toan cho tôi từ A tới Z. Anh Tân, chồng chị, cũng mừng. Anh yêu chị. Chị vui thì anh cũng vui. Phải; chị Hiền vui khi nỗ lực mai mối thành công; khi có thêm ông hàng xóm là tôi, em họ, lại đồng hương! Anh Tân chân chất thật thà. Với anh, vợ là tất cả vợ ơi vợ ơi; và để vợ vui, việc gì vợ thích là anh chìu…
3.
Tôi sẽ từ bỏ phố núi. Tôi biết mình sẽ/ phải từ bỏ phố núi. Phố đầy ắp trong tôi kỉ niệm. Những con dốc mờ trong sương chiều, chìm trong sương sớm. Quán cà phê mộc dặt dìu nhạc Trịnh, loãng tan từng làn khói xám, đêm bập bùng thả trôi từng làn điệu guitar cứa buốt hồn! Thực lòng với Hạ tôi chỉ thương, không yêu; nhưng phố núi thì tôi yêu. Tôi phải lòng phố núi. Tôi…
Từ lúc nào nhỉ? Từ ngày đầu tôi đặt chân đến: phố buồn heo hút, lơ thơ hàng quán, vắng người lại qua? Không; là từ ngày Hiền về đây. Từ ngày có dáng Hiền thấp thoáng ngược xuôi trên những con dốc dài; tóc Hiền xõa, áo Hiền bay, giày Hiền gõ trên những con đường từ nhà dẫn đến trường, đến chợ, đến quán cà phê, đến…. Anh Tân bảo: mình yêu Hiền lắm; yêu hơn cả bản thân mình. Mất Hiền, chắc mình chỉ có chết…. Hạ cười cay đắng: đời em cũng lắm lúc thử hình dung cảnh cùng đường, rơi vào những thân phận bi đát nhất, kể cả… làm đĩ kiếm cơm! Nhưng có giàu tưởng tượng đến mấy em cũng chưa bao giờ hình dung đến cảnh mình là… hình nhân thế mạng! Tiếng cười của Hạ nghe thật rợn! Chị Hiền, không, Hiền, bảo: mày thật là đồ chẳng ra gì. Nói xong Hiền khóc! Đúng, tôi thật là đồ chẳng ra gì. Và càng chẳng ra gì khi khiến Hiền phải chảy nước mắt! Anh Tân bảo: anh không cho phép bất cứ ai làm Hiền khóc. Đứa nào cả gan làm Hiền khóc, anh sẽ tính sổ với nó! Giọng anh hung tợn lắm. Hiếm khi thấy anh hung tợn. Bình thường anh hiền, rất hiền…
Phố núi mưa.
Tôi ôm guitar gõ bập bùng theo mưa. Mưa rớt ngoài trời. Cà phê rớt trong ly. Và hát. Tôi hát trời còn làm mưa mưa rơi mênh mang từng ngón tay buồn em mang em mang đi về giáo đường rồi đến mưa soi dấu chân em qua cầu theo những cánh rong trôi mang niềm đau. Hết Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng lại đến Ngô Thụy Miên tháng sáu trời mưa trời mưa không dứt. Giờ cũng đang tháng sáu. Lần đầu tiên tôi gặp Hạ cũng một ngày mưa. Mưa tháng sáu. Quán cà phê. Và tấu khúc Over and over. I never dare to reach for the moon. I never thought I came heaven so soon…. Hạ thích Over and over, hát hay lắm. Em không mơ hoang kiếp sống trên cung Hằng, em không tham sang diễm phúc trên thiên đường, làm sao em nói cho hết những tâm tình, ước mơ muôn đời có anh bên mình…. Đó chính là Hạ, thực sự Hạ, tuyên ngôn Hạ, tâm tình Hạ mà tôi không hay biết. Over and over. Hạ đó. Định mệnh. Tiên cảm. Nhạc ám vào người. Anh, anh yêu ơi có những đêm trở lại, hôn, hôn trong mơ thấy xót xa trong hồn. tình trong đôi mắt thuở ấy nay đâu còn, mất anh muôn đời, mất anh thật rồi…. Nhưng dòng nhạc đang sầm sập, tuôn chảy trong tôi, trút nỗi niềm vào những cú vuốt, barre, giằng, quạt túa vung, nghiêng ngả thanh âm. Của Hạ? Không; là dòng nhạc của Hiền, cho Hiền…
Hiền thích mưa.
Tôi nhớ mình đã dựng xe, lảo đảo bước tới cổng nhà mà gọi Hiền. Tôi muốn mời Hiền, muốn uống cùng Hiền một li cà phê trong mưa, muốn hát cho Hiền nghe. Lần cuối. Mai tôi rời phố núi. Vĩnh viễn rời xa. Tôi lảo đảo vịn trụ cổng nhà Hiền mà gọi, Hiền ơi, chị Hiền…
Không; lạy trời đừng là anh Tân. Sẽ rất buồn nếu anh Tân ra mở cổng. Anh Tân tốt bụng, nhưng tôi không gọi anh. Tôi gọi Hiền, chị Hiền! Anh Tân thật. Trời, cậu Thục, uống đâu say mèm đít dữ. Khuya rồi; về nghỉ đi. Hay tôi đưa cậu về. Không, em không về đâu. Chị Hiền…. Để tôi đưa cậu về. Không, đừng lôi em. Em muốn gặp chị Hiền…
Anh vào nhà đi; để cậu ấy cho em…. Anh Tân ngần ngừ. Nghe em, vào đi! Âm sắc mệnh lệnh. Anh Tân thở đánh thượt, vừa đi vừa lầm bầm trong cổ họng. Xin lỗi anh Tân nhé; nhưng mai em đi rồi…
- Hiền, chị Hiền…
- Cậu Thục, cậu hư quá thể! Tôi đã nhắc…
- Chị Hiền, chị đừng mắng. Mai em đi rồi…
- Đi đâu?
- Em đi xa, rất xa. Vĩnh biệt phố núi, không về nữa. Không về…
- Cậu…?
- Hiền, mai… tôi đi rồi, Thục đi rồi, không gặp lại Hiền nữa, Hiền có…
4.
Bất ngờ, Hiền choàng ôm lấy tôi. Ôm chặt!
Tôi lịm người, mê đi trong tiếng thở gấp gáp của Hiền, trong mùi thịt da của Hiền. cái mùi thịt da hằng bao nhiêu năm ám ảnh hồn tôi, nhận chìm tôi trong những cơn ác mộng khùng điên mà tôi chưa bao giờ dám hé răng cùng ai – dù chỉ là một chi tiết nhỏ! Khoảnh khắc đầu đời tôi nếm trải hương vị sở hữu trong vòng tay thực sự một tình yêu. Cái một tình yêu mà tôi; không, chúng tôi; chưa bao giờ dám đối diện…
Mà thực sự cũng không thể nào đối diện!
Chỉ có bóng đêm, bao dung và đồng lõa, mới giúp con người thêm can đảm, thêm liều mạng, để sống thực với chính mình, dù chỉ một phút, một giây! Hiền đang ngửa mặt; gương mặt nhập nhòa, hư thực trong đêm đen. Không hề gì. Gương mặt của Hiền, cánh mũi thẳng, làn môi cong trẻ thơ và đôi mắt lá răm của Hiền, dù bị mù một trăm năm tôi vẫn có thể hình dung rành rành như đang trước mặt! Hiền đang ngửa mặt, nhưng không nhìn tôi. Hiền đang nhắm mắt. Không, khép mắt. Mắt khép và đôi môi thì hé mở. Bản năng tự nhiên, tôi cúi xuống…
Nhưng tôi dừng.
Tôi vừa thấy mẹ tôi. Tôi vừa thấy hai bác bố mẹ Hiền. Tôi thấy anh Tân. Và Hạ.
Nụ hôn chệch đường, phớt qua trên má. Nhẹ nhàng gỡ tay Hiền, tôi quay đầu lảo đảo bỏ đi. Sau lưng, tôi biết Hiền đang khóc. Không ngoảnh lại tôi vẫn biết Hiền khóc. Cứ khóc đi em, Hiền, chị Hiền. Dại dột nào cũng sẽ qua. Mù lòa nào cũng sẽ qua. Sau cơn quị ngã, nếu mà chưa chết, dù muốn dù không, con người cũng sẽ vẫn phải thu hết sức tàn mà gượng dậy, mà góp nhặt những gì còn có thể, và tiếp tục cuộc hành trình…
Tôi nghĩ đến Hạ.
Không; anh không nghĩ mọi sự đã quá muộn màng đâu Hạ. Mà nếu muộn; thì một niềm tin, dẫu muộn, vẫn còn hơn không! Nhưng giờ thì anh phải ra đi, vĩnh biệt phố núi mù sương, tình đầu của anh….
Lại mưa. Mưa chảy tràn, ướt đẫm mặt tôi. Nước mưa mặn đắng.
Miền Thùy Dương, tháng 7/2014
Y.N