Vài nét về tác giả:
Nhà văn Đàm Quang May sinh năm 1947.
Bút danh: Cỏ May
Quê quán: Khoái Châu, Hưng Yên.
Cử nhân Sư phạm ngành Ngôn ngữ tiếng Hán, Đại học Quốc gia; Nguyên Trưởng ban Văn xuôi Hội VHNT Hưng Yên; Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam
________________________________________________
BÀN CHÂN ÔNG NỘI
Nhìn hai bàn chân ông nội ngâm trong chậu nước ấm pha muối, cu Sún ngạc nhiên quá đi mất. Tại sao bàn chân ông nội lại dài và to thế kia nhỉ? Tại sao thì cu Sún chịu. Nó chỉ thấy bố năm nào cũng mua một đôi giầy ba-ta ngoại cỡ cho ông nội. Năm nay, trời đã se lạnh, thế mà bố vẫn chưa mua giày cho ông. Bố bận việc hay quên không biết!
Dạo này cu Sún ngủ với ông nội. Không được sờ tí mẹ, khó ngủ quá, nó nghĩ vẩn, nghĩ vơ và luôn miệng hỏi chuyện:
– Ông ơi! Tại sao con sông cạnh nhà mình lại gọi là sông Hồng?
– Vì nước sông có màu hồng chứ sao.
– Tại sao nước sông lại đỏ hồng lên thế hả ông?
– À! Màu ấy là phù sa đấy.
Cu Sún hỏi chuyện gì, ông nội cũng biết, nó phục ông nội lắm. Gối đầu lên cánh tay gầy khô của ông, nó lại hỏi:
– Tại sao bàn chân ông to đến nối phải đi giày ngoại cỡ hả ông?
Xoay người ôm nó vào lòng, ông cười hiền lành:
– Thôi ngủ đi cháu. Ngày mai còn dậy sớm mà học bài.
Đã hơn một lần cu Sún hỏi về đôi bàn chân to quá khổ của ông nội. Nhưng ông đều lảng sang chuyện khác. Cu Sún khó hiểu và không vui. Ông không nói thì hỏi bố vậy. Nhưng bố làm bác sĩ mãi trên tỉnh cơ, chờ bố thì lâu quá, nhỡ quên mất thì xong. Quen tay, nó lần vào bộ ngực lép kẹp của ông nội. Bàn tay mềm mại của nó cụng vào khung xương gồ ghề, cứng như gỗ, nó vội rụt tay lại. Nó nghĩ về đôi bàn chân to quá khổ của ông nội…Tiếng máy nổ lúc khoan, lúc nhặt theo gió heo may vọng về đã kéo dòng suy nghĩ của nó ra bến sông. Nơi ấy có nhiều thuyền gắn máy neo đậu. Hằng ngày đi học qua, nó thường tỉ mẩn đứng đếm từng người thợ đội than, vác đá lên bờ.
Sáng dậy, nó vẫn nghĩ về đôi bàn chân của ông nội. Nó thầm hỏi, ngày nghỉ chủ nhật này, liệu bố có về không nhỉ?
Cu Sún thổi bong bóng bằng xà phòng chơi. Nó thích thú nhìn theo những quả bong bóng đủ các màu xanh, đỏ, tím vàng bay lơ lửng trên trời… Mải chơi, bố đánh xe vào đến tận sân mới biết. Mừng quýnh lên, nó bám theo bố vào trong nhà. Bố trang trọng đặt đôi giày ba-ta màu tím còn thơm mùi vải lên bàn. Có thế chứ, bố quên làm sao được! Đi thử mấy bước xong, ông nội nói:
– Hơi chật một tí, nhưng không sao. Đi dăm bữa, nửa tháng, nó giãn ra là vừa.
Có lẽ ông nội nói thế cho vui lòng bố thôi, chứ lúc đi thử, cu Sún thấy mặt ông nhăn lại, có vẻ đau lắm.
Ăn cơm chiều xong, bố ngồi trầm ngâm bên bàn. Nó mon men đến gần:
– Bố!
Bố áp má lên mái tóc khét mùi nắng của nó, thủ thỉ:
– Bố thật có lỗi. Năm nay không mua nổi một đôi giày cho ông nội.
Nó quàng tay, ôm lấy cổ bố, hỏi:
– Tại sao bàn chân ông nội lại to và dài thế hả bố?
Không trả lời, bố đứng dậy, dắt nó ra bến sông. Trời đã nhá nhem tối. Thợ khuân vác vẫn cần mẫn làm việc. Tiết trời mát mẻ thế mà lưng áo ai cũng ướt đẫm mổ hôi. Đầu tóc, chân tay, mặt mày nhem nhuốc những than, những cát và vôi bột. Cu Sún để ý không thấy ai đi giày cả.
– Họ khổ quá bổ nhỉ!
– Ừ, quá khổ là đằng khác.
Tiến đến gần tốp thợ hơn, bố chậm rãi kể:
– Con biết không, ông nội đã từng làm phu khuân vác ở bến sông này ngót bốn mươi năm để lấy tiền nuôi bác Cầu, nuôi bố ăn học nên người đấy. Con làm được tính nhân chứ? Lúc nào tính thử xem, bốn mươi năm trời, ông nội đã đi bao nhiêu bước chân trên bến sông kia, đội bao nhiêu thúng cát và vác bao nhiêu viên đá tảng…Đi lại nhiều, mang vác nặng, nên bàn chân ông nội mới to khác thường thế đấy con ạ!
Thì ra vậy!
Lẳng lặng đi bên bố, cu Sún thầm nghĩ …Ngày sau lớn lên, mình sẽ tìm mua bằng được giày ba-ta ngoại cỡ cho ông nội.
________________________________________________
LỆ LÀNG
Đình Trung là một trong 72 điểm thờ Đức Thánh Chử Đồng Tử cùng hai phu nhân nhà Ngài là Tiên Dung Công chúa và Tây cung Tiên nữ giáng trần – Vẫn quen gọi là nàng Tây Sa. Hằng năm, được mở hội rước kiệu rất là linh đình.
Có một hiện tượng tự nhiên kỳ lạ, từ cổ chí kim chưa hề giải thích nổi. Áp ngày mồng 10 tháng 2 Âm lịch, mở hội đền Hóa Yên Vĩnh, cùng đền Chính Đa Hòa, năm nào trời cũng đổ trận mưa rào. Có đợt, mưa như trút nước. Tục truyền, đó là trận mưa rửa cửa đền để đón khách thập phương nô nức đổ về trẩy hội. Đường làng Chúc sơ khai vốn là một lối mòn hoang dã. Người đi lại lâu ngày, thành đường. Thế thôi! Không có rãnh thoát, nước đọng lại. Nào trâu, nào bò, nào lợn thả dông quần đi, đảo lại. Còn phóng uế vung vãi dọc đường. Cảnh tượng này, dân làng đi lại còn khó khăn. Nói gì đến rước kiệu! Các bô lão họp đi, bàn lại. Cuối cùng đặt ra một quy định, gọi nôm na là “lệ làng”. Trai thiên hạ, hễ ai muốn lấy gái làng Chúc làm vợ, phải lát gạch một đoạn đường. Dài, ngắn tùy tâm, tùy hoàn cảnh. Lời truyền tụng qua các đời người… “Gái làng Chúc có phúc dày, được thừa hưởng đức hạnh của Tiên Dung Công chúa và Tây cung Tiên nữ. Nên nổi tiếng giỏi giang và xinh đẹp. Trai hàng tổng đua nhau kéo đến tự nguyện “làm luật” theo “lệ làng”, rồi rước về làm vợ yêu…” Thành ra, chỉ ít lâu sau, đường làng được lát gạch khang trang, lưu lại đến tận bây giờ.
Còm sống với mẹ ở làng Thọ Dân. Bà mẹ nghèo tội nghiệp mắc chứng sâu quảng! Lớn lên, Còm phải đến nhà ông lang Cúc xin làm thuê để trừ tiền mua thuốc chữa bệnh cho mẹ. Còm làm công việc bào chế thuốc ở nhà ông lang Cúc những mấy năm trời liền. Đến khi bệnh tình của mẹ qua khỏi mới thôi. Bản tính siêng năng, lại sáng dạ, Còm đã học lỏm được một vài mẹo chữa bệnh dân dã. Phụ nữ mới sinh tắc sữa này. Trẻ con ngủ đêm nghiến răng ken két này. Đái dầm này…
Thôi việc nhà ông lang Cúc, hằng ngày, Còm lặn lội sang làng Chúc bỏ sức trâu bò ra cày thuê, cuốc mướn để kiếm tiền nuôi mẹ. Nhà Còm cách làng Chúc những một thôi đường.
Thông lệ, khi chưa nhìn rõ mặt người, Còm đã đến thắp nén hương thơm bên cạnh chân ông voi đá trước cổng phủ Khoan. Còm kính cẩn chắp tay, lầm rầm khấn… “Ông nội phù hộ cho cháu gặp được nhà chủ tử tế đón về làm thuê ạ”. Vái dài ba vái xong, Còm sấp ngửa đi họp chợ với người làm thuê, làm mướn ở sân đình Trung bên làng Chúc. Còm đứng dưới gốc cây đa cổ chưa được bao lâu thì ông Hương Đúc đón về cày ruộng cho nhà ông. Theo chân ông Hương Đúc về tới một căn hộ bề thế ở cuối làng. Còm sững người khi nhìn thấy một cô gái trạc tuổi mình đang mải việc sửa soạn bữa sáng cho thợ. Cô là con gái nhà chủ. Ơ hay. Chả phải con gái nhà chủ thì con gái thiên hạ vô cớ đến đây sớm thế này để làm gì cơ. Còm như bị hút mất hồn luôn… Cô gái mặc váy màu đen truyền thống, áo nâu nhuộm già. Nhà quê vẫn quen gọi là nâu sồng. Dáng người tầm thước. Tự dưng cô ngẩng đầu lên kìa,… Khuôn mặt bầu bĩnh hiện ra rõ mồn một với nước da ngăm ngăm bánh mật. Lông mày quá mục ngự bên trên cặp mắt bồ câu màu đồng thau, ươn ướt, long lanh sáng. Quả là một thôn nữ ưa nhìn. Cô ấy tên Xòe! Cái tên cũng thật là gợi cảm!
Cơm nước xong, ông Hương Đúc đưa Còm ra cánh đồng cây Gạo. Chỉ những thửa ruộng cần cày xong, ông Đúc dặn dò:
– Con trâu này ngang tính lắm. Phải mạnh tay roi vào. Nhớ đấy. Kẻo chưa được sá nào đã phải vác cày, đánh trâu về không như ông thợ hôm trước thì phiền quá.
Ngày hôm ấy, Còm cày được già hai sào ruộng. Ông Đúc tỏ vẻ hài lòng lắm.
Sáng hôm sau, trong lòng ngập tràn hứng khởi, y hẹn, Còm lần đường sang làng Chúc từ lúc chưa nhìn rõ mặt người. Lại thắp nén hương bên chân ông voi đá ở cổng phủ Khoan, Còm thẹn thò thổ lộ “Ông nội ơi! Cháu thích cô Xòe, con gái nhà chủ. Ông ạ!”.
Cổng ngõ nhà ông Đúc vẫn còn đóng im ỉm. Còm phải đứng ngoài đường chờ sáng.
Trong nhà bỗng nhiên òa lên tiếng chửi thề rất là ngoa ngoắt:
– Lại đái dầm ra ướt sũng cả giường chiếu thế này rồi. Tội nợ không hả giời. Cha năm đời, mười đời cái con chết đường, chết chợ k…i…a.
Bà mẹ chửi ai thế nhỉ. Đừng vội sốt ruột. Còn ai vào đấy nữa. Nhà người ta chỉ có mỗi một cô con gái. Đâu như sau lần bị rắn độc cắn năm ấy, chữa thuốc một thời gian sau, ông Hương Đúc giữ được mạng sống. Còn đường sinh đẻ không hiểu sao, bị tịt luôn.
Tiếng ông Đúc cảy rảy:
– Chưa mở mắt đã thấy mở mồm. Đến là khiếp.
Tức thì bà vợ quay sang lời nặng, tiếng nhẹ với chồng:
– Bố con chúng mày vào hùa với nhau đày ải con nái già này đến bao giờ nữa đây? Khổ thân tôi không hả giời đất ơi!
Ông Đúc nói như quát lên:
– Cũng tại nhà bà ấy.
Bà vợ cong cớn:
– Tại, tại cái con khỉ gió.
– Ơ hay, trước đây, có mấy đêm bà chả thế. May mà tôi chưa bị trôi ra đến sông Cái đấy. Rõ thật là rau nào, sâu nấy. Lại còn…
Ông Hương Đúc đã chặn vào đúng điểm yếu của bà vợ. Bởi thế, tiếng cãi vã trong nhà chìm lắng xuống luôn…
Còm nghĩ bụng… Có lẽ, sáng nào vô ý thải cái thứ quý hóa ấy ra, cô nàng đều bị mẹ chửi mắng thậm tệ thế này cũng nên. Một chứng bệnh bẩm sinh thật là tai quái. Ý nghĩ trong tiềm thức Còm bỗng dưng lắng sâu xuống… Mình sẽ chữa trị cho cô ấy khỏi hẳn. Không khó nhọc, cũng không tốn kém một đồng, một chữ nào. Bất giác, Còm mỉm cười một mình.
Ăn cơm sáng xong, Còm vác cày, đánh trâu ra đồng bình thản như không biết trong nhà ông Hương Đúc vừa xảy ra chuyện gì.
Đến trưa. Thật không ngờ, Xòe mang cơm, mang cỏ ra đồng cho thợ, cho trâu. Có lẽ sáng sớm mai chửi mắng con gái, cãi vã với chồng, khí uất bốc hỏa lên đầu mà sinh chứng chóng mặt, hoa mắt cũng nên. Không thế thì vì duyên cớ gì bà lại để con gái thay mình mang cơm cho thợ? Xòe ý tứ chào Còm bằng nụ cười e lệ. Sau làn môi đỏ mọng, vô tình, để lộ ra hàm răng đều chằn chặn, đen nhanh nhánh được nhuộm bằng chất liệu cánh kiến. Ơ kìa, bây giờ Còm mới để ý, Xòe đeo đôi bông tai bằng vàng mười, trông ra dáng con gái nhà giàu phết! Xòe mặc chiếc váy đã rung rúc. Thay vì áo nâu sồng, cô mặc tấm áo lụa thô sáng màu. Cúc áo trên bộ ngực nở căng đã cài cẩn thận. Vậy mà vẫn hé ra mảng yếm màu gạch cua ôm khít lấy cái cổ tròn trịa. Mặt trời đang lúc đứng bóng, hắt lửa xuống đồng hừng hực, hun cho đôi má Xòe đỏ ửng lên như quả bồ quân. Trông Xòe xinh tươi hơn lúc nào hết! Còm ngây người ra nhìn… Táo tợn hơn thế nữa, giữa thanh thiên bạch nhật thế này mà Còm còn muốn cắn vào đôi má hây hây của cô bé một miếng cho bõ ghét. Thú thật, Xòe không hiểu nổi người con trai đứng trước mặt mình đang nghĩ gì, thèm khát gì. Giá biết thì chắc chắn cô bé sẽ tát cho mấy tát nảy đom đóm mắt rồi chạy trốn thật xa, vì xấu hổ.
Lật ngửa cái mẹt đậy trên cái thúng khảo lên để thay mâm, Xòe vô tư bày cơm, canh ra. Cô thân thiện mời cơm Còm.
Đằng kia, con trâu lồng lộn lên, ráng sức giằng dây thừng như muốn thoát ra khỏi bóng mát cây gạo. Con trâu ngỗ nghịch thật đấy. Mải ngắm nhìn cô chủ, thành ra, Còm quên thói quen cho trâu uống nước sau khi tháo cày. Nó ngoan ngoãn kéo cày quần quật từ sáng đến giờ còn gì! Chả trách, bây giờ nó khùng lên. Còm toan dắt trâu đi. Xòe giành lấy dây thừng, tự ý dắt trâu ra chuôm nước gần đó. Con trâu đang khát, Có lẽ cháy cổ đến nơi. Nó hăng máu kéo Xòe đi xềnh xệch. Xòe ráng sức bình sinh ghìm lại. Con trâu mộng bất chấp sức lực ẻo lả của cô chủ, nó lao mình xuống chuôm nước đánh “ùm”. Kéo tuột cả Xòe theo. May mà Xòe kịp buông dây thừng ra. Thuận tay, túm được búi cỏ ven bờ chứ không thì theo đà kéo bất khả kháng của con trâu, cô văng ra tới giữa chuôm chứ chả phải ít. Bì bõm một hồi lâu, Xòe mới lóp ngóp bò được lên bờ.
Ăn cơm xong, chưa kịp uống nước, Còm bỗng thấy Xòe vừa rú lên kinh hãi vừa nhảy cẫng lên như con choi choi… Lạ chửa kìa! Buông bát nước vối xuống, Còm vội chạy tới xem chuyện gì. Mặt mày xanh xám, cắt không còn hột máu, Xòe ôm choàng lấy Còm cầu cứu, toàn thân run lên bần bật. Càng níu Còm chặt hơn, Xòe líu lưỡi, nói chả thành lời. Còm vẫn ngây ra như phỗng. Xòe chỉ tay xuống gấu váy sũng nước. Ơ hay! Thế này nghĩa là thế nào cơ? Nói thật. Bố bảo Còm cũng không dám tốc váy Xòe lên… Tức thế chứ lị. Đừng chả được, Xòe đành nhắm nghiền mắt, tự mình kéo váy lên, lộ ra đôi bắp chân trắng nõn nà vấy bùn, đất… Một con đỉa trâu to bằng ngón tay trỏ, vàng hoe, sần sùi, trông như con quái vật. Nó bám thằng lằng ở khoeo chân bên phải Xòe. Tưởng gì! Còm với tay cầm lấy cái bùi nhùi bọc vôi tôi, thứ khắc tinh của giống đỉa cài sẵn cạnh gốc gạo, chấm lên đầu con đỉa liền mấy chấm. Lập tức, nó nhả ra, rơi xuống đất, oằn người lên vì đau đớn. Hoàn hồn, Xòe nhìn Còm, ánh mắt đầy ắp sự biết ơn:
– May mà có anh. Chứ không thì em chết khiếp.
Hôm sau, liệu có ai xui khiến không mà Xòe lại mang cơm bữa trưa ra đồng.
Đến lúc Xòe đi về. Không biết rào trước, đón sau câu gì cho phải nhẽ, Còm lúng túng một chập rồi vụng về đưa ra cái bọc, gói kín, được bào chế chu đáo từ tối hôm qua đang thủ sẵn trong người. Xòe tròn mắt, không hiểu:
– Gì thế này?
Còm thật thà:
– Thuốc chữa căn bệnh vẫn bị mẹ chửi mắng vào lúc sáng sớm đấy mà.
Bất giác, mặt đỏ lựng lên, Xòe gạt tay:
– Chỉ vớ vẩn.
Còm kiên nhẫn:
– Thuốc gia truyền đấy. Cô Xòe! Cứ thử một lần xem.
Nghe bùi tai, Xòe hạ đòn gánh trên vai xuống. Dưng mà, cố ý lảng tránh ánh mắt Còm, lẳng lặng đón lấy cái gói be bé, xinh xinh, gọn gàng trên tay Còm, Xòe vội cất gánh quảy đi.
Trưa hôm sau, Còm lại đưa gói thuốc cho Xòe.
Mấy hôm liền, Xòe không hề nhắc đến chuyện thuốc men. Giữ ý, Còm cũng không gặng hỏi câu gì. Sáng sáng, Còm đến nhà ông Hương Đúc sớm hơn hàng canh giờ. Đứng ngoài cổng ngõ, dỏng tai lên… Tuyệt nhiên, Còm không nghe thấy tiếng bà mẹ chửi mắng Xòe. Cũng không thấy Xòe vục nước tắm rửa vào buổi sớm mai như thường lệ.
Căn bệnh tai quái khỏi hẳn! Chả khác nào được đổi đời! Xòe mừng không để đâu cho hết. Công bằng mà nói, Xòe đã hàm ơn Còm! Trả ơn thế nào cho phải nhẽ đây? Thâm tâm, Xòe muốn trả ơn Còm bằng một thứ còn quý giá hơn cả tiền bạc nữa cơ.
Hơn hai mẫu ruộng đã cày xong, Còm được nghỉ ngơi ít ngày. Trận mưa rào đổ xuống, ông Hương Đúc đón thêm tốp thợ về đắp bờ giữ nước. Y hẹn, Còm sang bừa cấy giúp ông.
Một buổi chiều muộn, dắt trâu, vác bừa về, Còm thấy một người đàn ông đứng tuổi mặc áo the, khăn xếp, dáng vẻ con nhà giầu có. Anh ta ngồi trên bộ sập gụ, kê tại gian giữa nhà. Vợ chồng ông Hương Đúc cùng tiếp chuyện. Thái độ kính nể ra mặt. Cánh thợ cấy kháo nhau… “Cậu Phệ, con trai trưởng ông Phó Lý Thực đánh tiếng xin cưới cô Xòe về làm vợ ba đấy. Bọn mình được ăn cỗ cưới đến nơi rồi”.
Thú thực, nghe tin ấy, Còm choáng thực sự. Không còn bụng dạ nào nán lại nữa, Còm bỏ về luôn.
Vừa sắp mâm cơm xong, Xòe nhanh mắt, nhìn thấy Còm lẳng lặng lảng ra ngõ. Ngẩn người trong giây lát… Xòe vội chạy vào nhà ngang. Một thoáng sau, cầm một cái bọc, chạy đuổi theo, Xòe dúi vào tay Còm:
– Bữa tối này. Nhưng mà tại sao cơ?
Không đôi hồi gì, Còm cúi đầu bỏ đi…
Bước rấn lên. Đứng chắn ngang đường, Xòe nhìn vào mắt Còm… Bằng đôi mắt màu đồng thau chan chứa yêu thương trộn lẫn cả hờn giận và trách móc. Trong nơi sâu thẳm của cõi lòng Còm, sự ghen tuông nó đang bùng lên ngùn ngụt. Nhưng mà, ánh mắt, cử chỉ ân cần của Xòe đã làm dịu hẳn đi. Còm lẳng lặng đưa tay đón lấy cái bọc như người ta bị thôi miên vậy.
Không để ý gì đến đất trời. Màn đêm buông xuống từ lúc nào cũng không biết. Dưới ánh sáng sao lờ mờ, lòng dạ rối bời, Còm bước thấp, bước cao, lần đường về nhà. Đến cổng phủ Khoan, Còm dừng chân, châm lửa thắp nén hương thơm, cắm bên chân ông voi đá. Không cầm lòng được, Còm thổn thức:
– Ông nội ơi! Cháu mất cô Xòe đến nơi rồi! Cháu biết làm sao bây giờ!
Trên không trung mông lung sâu thẳm, mơ hồ dội về một chuỗi tiếng cười. Nghe thật lạ… Vừa ra vẻ bông đùa, vừa chân tình khích lệ. Giật bắn cả mình, Còm ngơ ngác ngẩng đầu lên. Chung quanh tĩnh lặng như tờ. Còm bắt gặp đôi mắt ông voi đá bất chợt đỏ rực lên giống hệt hai hòn than. Nhưng mà lóe lên chỉ trong khoảnh khắc rồi tắt lịm luôn. Còm cứ ngỡ là mình bị hoa mắt.
Về đến nhà, Còm đem đổ gạo vào nồi hông vẫn đựng gạo ăn. Còm sững người khi nhận ra tấm vải bọc trong tay lại là một dải yếm màu gạch cua còn ấm hơi người của Xòe. Mơ màng cảm thấy dải yếm này nó ẩn chứa một điều gì đó. Còm không làm sao giải nghĩa nổi. Dưới ánh sáng héo hắt của ngọn đèn dầu lạc, bà mẹ thấy tay Còm cầm dải yếm con gái, mặt mày thì ngẩn ngơ đến là lạ…
Còm kể lại đầu đuôi câu chuyện cho mẹ nghe… Với cảm nhận của một người phụ nữ từng trải, bà mẹ hiểu nỗi lòng con trai mình. Bà suy diễn… Muốn được trả ơn chữa bệnh đái dầm, cô gái đã mạnh dạn trao tay ân nhân dải yếm. Phải chăng dải yếm này đã kín đáo nói thay lời hẹn ước trăm năm với con trai bà? Bà quan tâm hỏi chuyện. Còm thành thật nói về lai lịch Xòe.
Nghe lời con giai kể, bà mẹ sững sờ nghĩ… Nhà người ta giàu sang có tiếng. Mình đây, ăn bữa nay, lần bữa mai. Với lại, “lệ làng” bên ấy nghiệt ngã thế. Làm sao nó gánh vác nổi để cưới được cô Xòe làm vợ đây?
Xòe không chịu lấy lẽ người đàn ông tên Phệ. Bởi nhẽ, trong lòng Xòe đã có Còm.
Mùa gặt hái cũng đã xong, Xòe không thấy Còm đả động gì đến chuyện cưới hỏi. Tìm gặp Còm, Xòe nhìn vào mắt Còm :
– Thiếu tiền lát gạch đường làng để làm luật chứ gì?
Nói đoạn, Xòe tháo đôi bông tai vàng đặt vào tay Còm:
Từng này đã đủ chưa?
Còm gạt tay Xòe, thật thà :
– Tôi hèn đến nỗi không lát gạch nổi một mẩu đường làng để cưới vợ hay sao?
Xòe vùng vằng, nói :
– Lo liệu sớm đi. Kẻo người khác nẫng tay trên mất thì xong.
Một hôm, gọi Còm sang lợp lại mái bếp đang bị dột, ông Hương Đúc lựa lời hỏi chuyện gia cảnh. Còm chậm rãi kể… “Các cụ Tổ nhà cháu chỉ có bảy đời làm quan trong Triều thôi ạ! Có cụ là thầy dạy học Chúa Trịnh hồi nhỏ tuổi. Còn chuyện này nữa. Thưa bác… Sau khi Tiết chế Bắc bộ Hoàng Kế Viêm rút quân khỏi Sơn Tây, ông nội cháu là Binh bộ Thụ về tham gia cuộc khởi nghĩa Bãi Sạy. Hoàng Cao Khải đem quân đàn áp. Ông nội cháu bị bắt. Dụ hàng không thành, liền đem chặt đầu bên chân ông voi đá ở cổng phủ Khoan đấy ạ. Tòa ngang, dãy dọc các cụ Tổ cháu để lại, bị đốt phá tan hoang hết cả”.
Ông Đúc vội thốt lên :
– Cháu là con giai ông Phúc phải không?
Còm cúi đầu, cất giọng buồn:
– Vâng ạ.
Thì ra vậy. Ông Hương Đúc tình cờ quen ông Phúc, bố Còm khi cùng đến làng Yên Vĩnh xem hát trống quân. Ông Hương Đúc phải thừa nhận ông Phúc có khướu hát trống quân không chê vào đâu được. Những lời hát đối của ông rất là hóm hỉnh và sâu cay. Xứng danh là hậu duệ của các bậc Tiến sĩ, Phó bảng tinh thông thơ phú một thời. Nể phục hết sảy, ông Hương Đúc coi ông Phúc như người anh cả của mình. Biết con gái thị Xòe thân thiết với Còm, ông Hương Đúc toan bỏ tiền ra tự lát gạch đường làng rồi tổ chức cưới hỏi cho đôi trẻ. Nhưng mà, mẹ Còm không chịu. Bà đứng ra lo liệu mọi việc cho con.
________________________________________________
QUÀ TẾT
Bố chồng tôi là người lành hiền, ít lời và gần gũi với con cái.
Những lúc nhàn hạ, ông lặng lẽ ngồi bên bàn nhâm nhi chén trà nóng.
Thi thoảng ông lại nhắc một câu như hỏi tôi :
– Chúng mày cưới nhau xem chừng đã được nửa năm rồi nhỉ?
Bẵng đi một thời gian, ông lại nhắc :
– Chúng mày cưới nhau dễ đến già nửa năm rồi đấy nhỉ?
Tôi vâng ạ một tiếng gọn lỏn rồi quên đi luôn.
Là con út trong nhà, được bố mẹ, anh, chị chiều như chiều vong, Tôi trở nên một đứa con gái đỏng đảnh và vô tâm nhất nhà từ lúc nào không biết
Nói thế, không phải tôi là đứa con gái hư hỏng đâu. Bố là Tiến sĩ khoa học ngành Hóa học, các anh chị đều là cử nhân, kỹ sư cả. Ít nhiều, tôi cũng chịu sự ảnh hưởng về truyền thống gia đình. Có câu “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” mà. Mải ăn chơi hết mình thật đấy. Nhưng tôi vẫn tu chí học hành. Bởi vậy, tôi cũng thi đỗ ngành Công nghệ thông tin trường Đại học Công Nghệ – Đại học Quốc gia hẳn hoi.
Trời sai, đất khiến thế nào mà có một người con trai tên là Côi cùng nhập học vào đầu giờ chiều hôm ấy. Đương nhiên chúng tôi được biên chế vào học cùng một lớp. Anh lành hiền, thật thà. Đặc biệt là rất cẩn thận từ cách ăn mặc. Áo quần không diện mốt mà chỉnh tề. Giao tiếp không khách khí mà rất thân thiện. Phong độ anh chững chạc hệt như một người con trai được quan tâm dạy dỗ.
Đôi lúc tôi tự hỏi. Sao bố mẹ không lấy cái tên đẹp, hay và nhiều ý nghĩa khác để đặt tên cho anh ta mà lại đặt tên là Côi. Côi cút, mồ côi… Gọi tên côi lên, nghe nó cứ tồi tội thế nào ấy! Có lẽ bố hoặc mẹ đã mất từ hồi còn bé xíu cũng nên.
Côi thông minh, học giỏi. Tôi thi thoảng vẫn nhờ anh giải đáp những khúc mắc khi học bài. Nhất là tới học phần lập trình. Anh nhiệt tình giảng giải cho tôi nghe, đến khi nào tôi hiểu bài mới thôi. Sang tới năm ba. Gần gũi tôi, nhiều lần anh tỏ ra lúng túng và ngờ nghệch đến là lạ. Vốn nhạy cảm, tôi nhận ra anh đã thầm phải lòng tôi. Là đứa con gái hiếu động. Rõ ràng đối lập với tính cách lầm lì của anh. Tuy vậy, tôi cũng thấy mến Côi. Phải chăng đời vẫn ăn nhịp cái quy luật bù trừ?
Vẫn nghe chuyện nhà của các chị và bạn gái đã lập gia đình. Ai cũng phàn nàn về người đàn bà khác máu tanh lòng. Đó là mẹ chồng! Tôi tự hỏi:
– Mẹ Côi là người đàn bà ra sao? Có kinh khủng như các bà mẹ chồng qua những câu chuyện đã từng được nghe kẻ kia hay không?
Bước sang năm tư, anh ngỏ lời cầu hôn.
– Hãy biết thế. Anh!
Tôi nói câu lấp lửng, vì chưa biết hết gia cảnh anh thế nào. Lại nữa, tính nết mẹ anh ra sao?
Một đận vào ngày nghỉ lễ, anh mạnh dạn rủ tôi:
– Về quê thăm bố anh một chuyến đi.
Tôi tròn mắt nhìn anh và tự vấn:
– Sao chỉ thăm bố mà không phải là bố, mẹ?
Thấy tôi im lặng, anh không nài thêm. Đôi mắt đượm buồn,
Tôi buột miệng hỏi nửa câu rồi dừng:
– Mẹ anh có…
Anh cúi mặt, ánh mắt xa xôi:
– Mẹ mất từ ngày anh chưa đầy một tuổi.
Tôi nhìn anh bằng ánh mắt cảm thương vô hạn. Thực tình, tôi không thấy nhẹ lòng gì khi biết mình lấy anh, sẽ không phải làm dâu một bà mẹ chồng.
Tôi nhận lời về quê thăm bố anh. Nhưng đáng tiếc, sáng hôm sau, chúng tôi phải tham dự buổi sinh hoạt tập thể do khoa tổ chức.
Tốt nghiệp ra trường, ổn định nơi công tác ít lâu sau, chúng tôi làm lễ thành hôn.
Các chị gái và bạn bè phải phát ghen lên:
– Nhất mày nhé. Không phải chịu đựng sự kìm kẹp nghiệt ngã của mẹ chồng!
Tôi không biết nói gì hơn. Chỉ biết cười trừ.
Anh Côi, chồng tôi, năm nay sắp sửa bước sang tuổi 25. Đồng nghĩa với chuyện bố chồng tôi ở vậy đã ngót 24 năm dòng. Bố chồng tôi, một người đàn ông khỏe mạnh, minh mẫn, sức sống đang hừng hực. Vậy mà không chịu lấy vợ kế. Kể cũng lạ!
Tôi tự hỏi:
– Tại sao nhỉ?
Không thể giải nghĩa nổi thắc mắc này, tôi đành hỏi chồng.
Anh thủ thỉ kể
– Cô bác trong họ nhiều lần khuyên bố đi bước nữa. Thậm chí còn dắt cả người đàn bà quá lứa ở thôn bên về với bố. Nhưng không thành.
– Tại sao vậy anh?
Anh không giải thích gì thêm, nhỏ nhẹ kể
– Năm này, qua năm khác, thi thoảng lại thấy ông ngồi uống trà một mình và lẩm bẩm có một câu: “Mấy đời bánh đúc có xương…”
– Anh khéo bịa. Rõ thật là.
– Anh mà lại nói điêu?
– Vậy là bố đã hy sinh cả một đời người đầy những sở thích, đầy những ham muốn (kể cả dục vọng tầm thường của con người) cho đứa con trai duy nhất là anh. Người như bố chồng tôi quả là hiếm hoi. Tôi thấy kính trọng ông một cách tự nguyện.
Những ngày đầu sống với chồng mới cưới tràn trề hạnh phúc. Tôi thấy yêu cái gia đình bé nhỏ của mình biết mấy. Nhưng rồi sóng gió cũng sẽ nổi lên, khiến tâm tư tôi chao đảo một phen.
Hằng ngày, tôi dạy sớm, quét dọn, giặt giũ và chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà. Nghe lời dặn của chồng, thông lệ, tôi đun một phích nước sôi để cạnh bàn trước khi làm việc khác. Bố chồng tôi cũng dậy sớm và pha trà ngồi nhâm nhi một mình. Nét mặt bình thản, vẻ hài lòng lắm.
Ông ngồi đấy, mọi động tĩnh của tôi đều được thu vào tầm mắt của ông.
Một hôm, tôi quét nhà…Ông vẫn lặng lẽ uống trà, không thấy nhìn theo cái chổi tôi lia trên nền nhà. Khi tôi dồn rác vào một đống, toan lấy cái khay xúc rác đi. Nâng chén trà bốc hơi nóng lên, chưa tợp ngụm nào, ông đặt xuống, nhẹ nhàng:
– Con quét lại nhà đi.
Tay vẫn cầm chổi, cầm khay, tôi tròn mắt nhìn nền nhà sạch bóng. Rồi nhìn ông, Thật khó hiểu quá.
Như đọc được sự ngạc nhiên của tôi, ông vẫn giữ giọng nhỏ nhẹ:
– Quét nhà, phải lia chổi vào gầm bàn, gầm giường mà lùa cho kỹ. Con nhìn lại xem, các gầm kia chả còn nguyên rác rưởi là gì!
Nhìn lại, tôi kinh ngạc vì lời ông chỉ bảo là quá đúng.
Hôm khác, ông vẫn ngồi uống trà một mình…
Tôi đem quần áo từ máy giặt ra phơi. Từng cái, từng cái một. Tôi biết, ánh mắt ông không dõi theo các cử chỉ của tôi…
Phơi xong, cầm cái chậu nhựa lên, toan cất đi.
Ông liền lên tiếng:
– Hượm đã nào. Con phơi lại mấy tấm áo kia đi chứ.
Tôi giăng lên giây thép hết cả chậu quần áo rồi. Lại dùng kẹp để chống gió bay. Còn gì nữa chứ. Tôi thật sự khó chịu vì thấy ông vô cớ bắt bẻ quá đáng quá. Thấy tôi vẫn chưa động tĩnh gì, ông lại kiên nhẫn nhắc nhở:
– Phơi lại đi chứ. Con!
Tôi cứ đứng đực mặt một chỗ như trời trồng, không nhận ra nổi mình đã mắc lỗi gì.
Không hề cáu kỉnh, ông giảng giải một mạch:
– Mấy cái vạt áo kia nó xộc xệch quá, con cân chỉnh lại đi.
Nhìn kỹ mấy chiếc áo phơi trên dây, theo lời chỉ bảo của bố chồng, tôi thấy mình đoảng vị thật.
Buổi khác, tôi đi làm về, thấy một mớ rau bí ngô để cạnh bể nước. Cắm cơm bếp điện xong, tôi lại gần bể nước. Những cọng rau dài tầy gang, tôi lấy dao cắt ngắn từng đoạn bằng đốt ngón tay một. Rửa ráy sạch sẽ xong, tôi đem xào…
Ngồi trước mâm cơm, chưa hề cầm đũa, bát, ông đã lên tiếng:
– Xào rau bí kiểu này thì nuốt trôi làm sao được? Con!
Không hiểu nổi ý ông, tôi hoảng hồn nhìn chồng cầu cứu.
Chồng tôi chưa kịp đôi hồi gì, ông cười hiền lành:
– Ngày xưa, các bà mẹ chồng kén con dâu bằng cách thử việc nấu canh rau bí ngô. Con biết không?
Rồi ông chậm rãi giảng giải:
– Phải tước từng cọng một, bỏ xơ đi. Còn lá, trước khi bỏ chảo xào phải vò cho nó nhục ra đã. Rõ chưa. Phải học dần đi con ạ.
Thú thực, ở nhà với mẹ đẻ, tính nết vốn đỏng đảnh, tôi chỉ sẵn ăn chứ có chịu nhúng tay vào việc gì đâu. Nghe ông răn dạy, quả thực, tôi phần nào đã sáng mắt ra.
Liên tục bị bố chồng uốn nắn, tự soi lại bản thân…Tôi thấy kỹ năng sống của mình còn non yếu quá thật. Hồi còn ở nhà rúc váy mẹ. Mẹ đã từng chăm lo rèn tôi về nữ công gia chánh. Nhưng cậy là con út, tôi lảng tránh. Mẹ thở dài than:
– Cá không ăn muối, cá ươn!
Đúng ra, tôi còn phải được dạy dỗ thêm nhiều hơn nữa. Lại nghĩ về những lời phàn nàn rất chi là khó chịu của các chị và bạn gái về những người mẹ chồng. Tự tôi mà suy ra, công bằng mà nói, họ bị mẹ chồng soi mói, lên tiếng dạy dỗ một phần cũng vì bản thân họ chưa được hoàn thiện mà thôi. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Giời ạ!
Những lúc nhàn, bố tôi vẫn ngồi uống trà bên bộ ghế chế bằng gỗ lim đen bóng, chạm trổ thô vụng.
Nét mặt ông đầy suy tư. Nâng chén trà lên, đặt xuống mấy lần, ông lại nhỏ nhẹ:
– Chúng mày cưới nhau dễ được gần đầy năm rồi nhỉ?
Tôi vui vẻ đáp:
– Vâng ạ.
Hỏi thế rồi thôi, ông không nói gì thêm. Ông tiếp tục uống trà và ánh mắt xa xôi. Tôi vô tâm không hiểu hết được ngầm ý trong câu hỏi của ông. Ông tha thiết mong đợi điều gì đó. Điều này đang đốt cháy cả cõi lòng ông!
Tiết trời mỗi ngày một rét đậm, rét hại…
Thấm thoắt đã giáp tết Nguyên Đán.
Nhà nhà nô nức đi sắm tết…
Sau bữa cơm chiều, tôi trình bố chồng danh sách mua quà tết biếu cô dì, chú bác nội ngoại. Lắng tai nghe, ông hỏi:
– Con quên tên bác dâu xóm lẻ sao?
Tôi phụng phịu:
– Con không mua quà biếu bà.
Ông nghiêm giọng:
– Tại sao?
Tôi cứng giọng đáp:
– Bà ấy bêu riếu con hết làng trên, xóm dưới. Nào là vụng về, nào là lười nhác.
Chồng tôi luồn tay dưới gầm bàn, cấu cho một cái rõ đau, ý bảo không được cãi bố.
Thấy tôi đột ngột dừng lời, ông lặng lẽ chờ tôi nói tiếp. Tôi vẫn im lặng. Lát sau, ông chậm rãi nói như đọc từng lời, rất chi là rành rọt:
– Cư xử ở đời, đâu phải vì người yêu ta hay ghét ta, hả con?
Câu luân lý dạy về cách ứng xử ở đời chí lý quá. Khiến tôi cứng lưỡi. Tôi đưa tên bà bác vào danh sách sắm quà tết.
Vợ chồng tôi đi làm có lương. Không sung túc, nhưng đủ chi dùng. Tôi bàn với chồng sắm cho ông một món quà tết riêng. Chồng tôi suy nghĩ một lúc lâu rồi nói:
– Để anh hỏi xem bố thích gì đã.
Tôi cự lại:
– Muốn đem niềm vui bất ngờ cho bố lại đi hỏi. Chả còn gì để nói nữa.
Chuyện sắm quà tết cho ông, chúng tôi tạm dừng lại vì trong người đôi lúc thấy choáng váng và mệt mỏi, bơ phờ. Tháng này tôi bị tắt kinh.
Sắp tết, gọi vợ chồng tôi đến bên bàn thường ngồi uống trà, ông quan tâm hỏi đã sắm quà tết đến đâu. Chưa kịp đôi hồi gì. Mùi trà đặc quánh bốc lên, phả vào mặt, khiến tôi buồn nôn. Tôi cố nín lại… Rồi đáp:
– Dạ đủ rồi ạ. Chỉ còn sắm quà biếu bố…
Nói chưa hết câu, ngực tôi đau cuộn lên và tôi nôn thốc, nôn tháo. Mà cũng chỉ nôn khan thôi. Chồng tôi vội đỡ lấy chứ không thì tôi đổ gục xuống sàn nhà.
Chờ tôi hồi sức, bố tươi tỉnh mặt mày và nói giọng sang sảng:
– Khỏi cần đi. Các con cho tin mừng bố sắp có cháu nội là món quà tết vô giá rồi. Còn sắm sửa gì nữa đây!