Vài nét về tác giả:
Tác giả Lê Trung Cường sinh ngày 03/02/1977 tại Hải Phòng, là Hội viên Hội nhà văn Hải Phòng.
Nghề nghiệp: Giáo viên Trường Nuôi dạy Trẻ khiếm thị tại TP Hải Phòng.
Năm 2013 đến với văn học từ tác phẩm kí: Cô Tô trong mắt người khiếm thị, in trên tạp chí Cửa Biển. Đã có tác phẩm đăng trên các báo văn nghệ, tạp chí Trung ương và địa phương.
Giải thưởng:
– Giải thưởng của Tạp chí Cửa biển các năm: Năm 2013 với tác phẩm kí: Cô Tô trong mắt người khiếm thị. Năm 2017 với truyện ngắn: Tiếng sáo trên thảo nguyên. Năm 2018 với truyện ngắn: Mùa xuân không lạc lối.
– Giải nhì không có giải nhất thể loại kí trong cuộc thi truyện ngắn và kí của báo văn nghệ Thái Nguyên năm 2016 với tác phẩm: Cơn mưa bất ngờ.
– Giải thưởng dành cho tác giả trẻ của hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 2018 với tác phẩm: Trong mắt trái tim.
– Giải ba trong cuộc thi Hải Phòng Khát vọng vươn lên với các phẩm kí: Thu về Thành phố quê tôi.
– Giải thưởng của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 2020 với tác phẩm kí: Cây nào cũng muốn nở hoa. Giải 3 trong cuộc thi hành trình di sản Hạ Long – Cát Bà năm 2022 với bút kí: Hai rồng về lại một nhà.
– Giải B của hội liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2023 với tác phẩm Mặt trời luôn bên tôi.
– Ngoài ra còn có giải ba thể loại kí của tổng Liên đoàn lao động Hải Phòng năm 2018, với tác phẩm người thầy thấm nhuần lời bác, giải khuyến khích thể loại kí của tạp chí Cửa biển năm 2015 với tác phẩm Sương thu, và giải khuyến khích viết về phong trào giáo dục của hội khuyến học Hải Phòng năm 2018.
Ấn phẩm:
– Trong mắt trái tim (Bút kí và tản văn) nhà XB Kim Đồng năm 2017, tái bản năm 2018.
– Dẫu không nhìn thấy nắng (tản văn), nhà XB Văn hóa Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2019.
– Phú Quốc trong mắt kính thần (truyện dài), nhà XB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí minh năm 2020.
– Mặt trời luôn bên tôi, nhà XB Kim Đồng năm 2023
______________________________________________
CHUYỆN TÌNH CỦA ANH TÔI
Con suối trong bắt nguồn từ dãy núi cao, tới bản tôi bị một quả đồi ngăn lại tạo thành một hồ nước lớn. Dòng suối trong cho con cá lội bơi, cho con người xuống tắm. Làn da trắng ngần của các thiếu nữ, làm say đắm các chàng trai. Mỉ là người đẹp nhất trong đám con gái thường ra suối tắm. Cô đẹp như vầng trăng thu trên hồ nước trong. Tiếng hát trong trẻo của Mỉ làm trai chưa vợ đêm về mộng mị. Ánh mắt của Mỉ kéo các chàng ra khỏi nhà trong những đêm trăng. Cái tai của Mỉ làm vang lên tiếng khèn mật ngọt. Đám trai chưa vợ đứa nào cũng muốn lấy lòng Mỉ. Trong vòng xòe chàng trai nào cũng cố gắng để được cầm bàn tay mềm mại của người đẹp.
Luật mường không cho kẻ khác giới tới gần nơi con gái tắm. Bản quy ước bằng cành lá xanh. Dựa vào vách núi, các cô gái chỉ cần để cành lá lên mỏm đá cao là thỏa sức bơi lội, không còn phải sợ ai tới gần. Đám con trai mới lớn nhiều đứa vẫn lén tìm cách ngắm trộm sản vật của Then Luông (Vị Thần cao nhất của dân tộc Thái) ban tặng. Trong số những thanh niên nghịch ngợm đó có cả Lủ. Anh cao lớn, đẹp trai, giỏi leo núi băng rừng. Chiều tàn đi tìm anh tôi gặp chị Mỉ hạ cành lá xanh đi xuống dốc. Biết chắc trên hồ không còn ai, tôi leo lên gặp Lủ đứng ngẩn người trong hốc đá, phía sau nơi thay đồ của con gái. Đôi mắt anh nhìn xoáy xuống mặt hồ, tưởng như người đẹp vẫn ẩn mình trong nước. Nắng chiều rơi trên mặt hồ nhuộm vàng bọt nước. Anh bảo sẽ đánh gẫy chân thằng em, khi tôi mách chuyện với cha. Mỗi chiều cha đi vắng Lủ lại chạy ra con đường lên nương ngắm Mỉ đi làm về. Mẹ tôi bảo:
– Lủ mười bẩy tuổi, Mỉ mười lăm tuổi có thể cho Lủ đi chọc sàn. Nếu Mỉ và gia đình bên đó ưng thuận thì làm lễ Lòng Luông cho Lủ được tự do tìm hiểu bạn tình và lễ pay Đu cho hai họ gặp nhau.
Nội tôi ủng hộ ngay, vì ông lấy bà nội cũng ở tuổi này. Cha tôi không nghe theo:
– Cả hai đứa chưa đủ tuổi kết hôn, làm như vậy gia đình mình phạm luật của chính phủ. Trái lời dạy của cụ Hồ.
Nếu con trai bản tôi muốn lấy vợ thì phải chăm lao động, biết làm ruộng bậc thang, sao cho mùa về nhiều thóc, biết chọn cây làm ống nước dẫn về nương ngô nhà mình cho cái cây được tắm mát để cái bắp nhiều hạt cất thành thứ rượu ngon, biết mài con dao quắm sao cho sắc ngọt để phát nương làm rẫy… Quan trọng nhất là người con trai phải biết thổi khèn bè, thổi sao nói được tình yêu với cô gái, để cô gái đem lòng yêu mến trước khi đến chọc sàn. Nội tôi xưa là một chàng trai thổi khèn hay nhất bản. Ông dạy cho rất nhiều thanh niên tiếng khèn ngọt như mật ong rừng. Khi khèn vang lên thì các cô gái đang làm gì cũng phải dừng lại lắng nghe. Nhưng chỉ có một người chàng trai yêu mến là nhận ra tiếng khèn đang thầm gọi tên mình. Mặc dù được nội chỉ dạy rất nhiều tuần trăng nhưng Lủ không thổi được một bản nhạc tiếng chim gọi bạn tình. Anh như cây trám vào mùa không có mùi hương, như con chích chòe không có tiếng hót, như con công không biết múa làm say đắm bạn tình…
Việc Lủ xem trộm Mỉ tắm là một ô nhục với cha. Ông quyết định làm cho cả bản một việc tốt để người ta quên đi vết nhơ của gia đình.
Tự cha đi đo mực nước hồ, tính toán dòng chảy, lập hồ sơ xây dựng. Ông đã xin được dự án của nhà nước giúp dân bản xây thủy điện. Con đập tự nhiên ngăn dòng suối tạo thành hồ được bàn tay con người tôn cao hồ nước rộng ra, những tảng đá đám con gái ngồi tắm chìm sâu xuống đáy hồ. Hồ rộng, nước sâu chia bản thành hai phần cách biệt. Một bên phần lớn là người họ Tòng, phần còn lại đa số là người họ Lò. Trai đi tìm vợ phải vượt qua hồ nước bằng thuyền hoặc vòng lên đầu con suối lội qua.
Điện về sáng hơn cả ánh trăng. Lủ cùng đám thanh niên nối dây điện tới từng nhà. Căn phòng của cô gái nào trên sàn anh cũng biết. Lối nào đi nhanh tới gầm sàn anh cũng hay. Bước sang tuổi đôi mươi, nhiều lần cha tôi đã nhắc nhở nhưng anh không chịu đi chọc sàn. Con ma rừng đã lấy mất cái hồn của Lủ. Anh làm việc cả ngày không để ý tới ai. Với uy tín của cha tôi trong bản, nhiều người muốn cho con gái về làm dâu. Nhiều cô gái muốn làm vợ Lủ. Anh như con gà trống đẹp mã, mặc dù không có tiếng gáy nhưng vẫn được con mái để ý. Ngoài chị Mỉ cả bản không ai còn nhớ về quá khứ của Lủ. Người ta ca ngợi cha tôi như là một vị thần của Then Luông.
Bảo tồn phong tục truyền thống của dân tộc Mỗi tuần trăng cả bản tắt điện hai ngày cho đám con trai đi chọc sàn. Trai gái yêu nhau phải chọc sàn thì mới được ma nhà chấp nhận cho con cháu đầy đàn, cuộc sống vợ chồng yên vui thuận hòa. Tết dương lịch năm nay đúng vào ngày tắt điện. Lủ rủ tôi đi chọc sàn cùng với anh. Ngoài ba mươi tuổi anh vẫn chưa có gia đình. Trai già thiếu vợ tính cách: như dòng suối vừa mưa nước lũ đục ngầu,như tảng đá trưa nắng bỏng chân, như con chó bị cùm hay nóng tính, sủa vang vô cớ. Cha tôi đã về với Then Luông mà chưa biết mặt con dâu. Chị Mỉ chắc giờ đã có con bồng con dắt rồi. Chị đẹp như thế lấy đâu cũng được người tốt. Lâu lắm rồi mỗi khi về nhà chơi tôi không nghe thấy ai nói về Mỉ. Chị đã ra khỏi những câu chuyện của gia đình từ rất nhiều mùa lúa rồi. Tôi không hỏi Lủ đi tới nhà ai. Muốn đi chọc sàn là anh đã có người ưng cái bụng rồi. Người con gái ở bản tôi muốn có chồng, ngoài nết na phải học được thêu thùa khăn Piêu, dệt vải thổ cẩm. Con đường dẫn đến hạnh phúc lứa đôi là luyện cái tai tinh tường để “nghe tình yêu qua khèn bè”; đâu là tiếng khèn bạn tình, đâu là tiếng khèn từ trái tim chân thành, đâu là tiếng khèn bỡn cợt chỉ cốt để mua vui… Khi đôi nam nữ đã nhờ phần lớn là tiếng khèn, ánh mắt nói thay lời yêu thương, Người con trai mới mang gậy tới nhà cô gái chọc sàn. Nghe thấy tiếng chọc sàn, cô gái sẽ đi theo chàng trai ra bờ suối, bìa rừng để trò chuyện. Nhiều cô gái sợ con ma rừng ngồi ngay sân nhà mình tâm sự với chàng trai.
Lủ không thổi được khèn, anh chỉ có ánh mắt. Qua ánh mắt bạn tình cũng hiểu nhau. Qua nụ cười cũng thấy được tình đằm thắm. Cả nhà mong cho Lủ đũa có đôi. Cả xóm mong cho Lủ có người cùng cấy lúa làm nương. Cả họ Tòng mong cho anh sớm có đứa trẻ để nối nghiệp hương khói thờ ma nhà. Mặc dù đêm tối nhưng Lủ vẫn khoác lên mình bộ cánh mới nhất tôi vừa mang từ thị xã về. Anh tự ngắm cho mình qua tấm gương soi.
Ngôi nhà Lủ muốn tới phải đi qua hồ nước. Tôi dành lấy mái chèo, anh ngăng lại:
– Cái tay của mày bây giờ chỉ cầm bút giỏi thôi, chèo thuyền phải để cho anh.
Lủ chuyển cho tôi cây gậy làm bằng rễ cây rừng:
– Bảo vật của nhà mình đó. Ông nội lấy bà nội cũng chọc sàn bằng cây gậy này. Cha lấy mẹ các chú lấy các thím cũng nhờ nó cả. Các em họ nhà mình có được con bồng, con bế cũng từ cây gậy quý này.
Tôi cầm cây gậy khua trên mặt nước làm vỡ vụn vầng trăng đang nổi bồng bềnh. Xa xa trên mặt hồ cũng có mấy chiếc thuyền đi ngược chiều với chúng tôi. Mặt hồ vắng lặng chỉ có tiếng mái chèo khua nước. Tôi đưa cây gậy lên trời như chọc vầng trăng:
– Em không phải dùng cây gậy này, nhà người yêu em không có sàn.
Lủ tỏ ý không vui. Anh cầm lại cây gậy đặt ngay ngắn lên mũi thuyền:
– Không có sàn thì cửa sổ, cầm cây gậy đó đến gõ vào cánh cửa chỗ cô gái nằm là được. Bản mình giờ cũng có nhà kiểu dưới xuôi rồi, mấy đám trước khi làm lễ Lòng Luông con trai cũng phải làm như thế.
Bằng tuổi anh trai tôi nhiều người trong bản đã có con gái cho nhà người tới làm lễ Lòng Luông. Những năm tôi học tập dưới Hà Nội không về nhà, đi chọc sàn không biết anh có dùng cây gậy thiêng của gia đình không? Lủ buông tay chèo con thuyền thả trôi trên mặt nước. Tôi nhận ra vách đá là bức tường tự nhiên cho buồng tắm thiên nhiên của các cô gái ngày xưa. Dường như Lủ rất hồi hộp trước khi con thuyền tự trôi qua nơi có nhiều kỉ niệm của mối tình đầu đơn phương bồng bột. Qua ánh mắt anh nhìn vào tảng đá nơi chị Mỉ ngồi thay áo, tôi nhận ra anh còn yêu rất nhiều. Sương giăng màn đêm như đặc lại. Tiếng chim gọi bạn khi gần khi xa. Rừng cây trong đêm là một màu đem thẳm. Gió động cành rung cả màn đêm.
Lủ cầm lại mái chèo đưa con thuyền về bến. Con đường như sợi chỉ chạy vào màn đêm. Nhiều năm xa bản khung cảnh cũng trở nên xa lạ. Trong bóng đêm nó trở thành huyền bí. Len trong không gian là hương lúa ngọt ngào. Đồng lúa chiếm hết khu đất bằng của thung lũng, có con suối thơ mộng chảy qua.
Những bước chân của Lủ rất tự tin. Trời tối tôi không nhận ra đâu là thửa ruộng nhà mình. Tuy ánh trăng không đủ sáng nhưng Lủ không đồng ý bật đèn. Trai đi tìm vợ phải đi trong bóng đêm mới được ma nhà phù hộ. Ma nhà là những người quá cố gần nhất với mình. Đó là cha tôi và ông bà nội tôi. Họ rất thương Lủ chắc lần này sẽ giúp đỡ được anh có người xởi ấm mùa đông. Có người lấy đi con thú cáu kỉnh đang lớn dần trong anh. Có người giúp Lủ vá áo khâu quần… Những bóng đen chập chờn đi trở lại bên hồ theo những con đường mòn khác, không biết là người hay ma thoát ẩn, thoắt hiện, bên các sườn đồi. Trai đi tìm vợ luồn trong đêm như bầy thú hoang. Lủ đặt rất nhiều hi vọng vào chuyến chọc sàn đêm nay. Anh đã chán nản với cuộc sống cô đơn. Anh đã mỏi mệt với những ngày lên nương chỉ có một mình. Anh đã cảm thấy sợ căn phòng lạnh giá khi đông về. Ngoài việc lấy vợ sinh con đẻ cháu, thờ cúng tổ tiên, tuổi anh tôi cũng phải có người phụ nữ làm bầu bạn, ủ ấm nhau qua những đêm dài. Như mặt hồ phải có con suối nước mới đầy. Như ánh điện phải có màn đêm mới sáng. Con trai phải có vợ đôi tay mới khéo. Con trai phải có vợ đầu gối mới khỏe, mới vượt được núi, băng được rừng…
Mẹ tôi giờ cũng đã già, bà cần có cháu để bồng, cần có con dâu gánh đỡ việc nhà. Cần có người phụ nữ thay bà dệt thổ cẩm. Tuy công việc gia đình hiện nay một mình Lủ gánh vác nhưng năm nào cây lúa cũng nặng bông, cây sắn sai củ, cây ngô nhiều bắp, đàn lợn trong chuồng mau lớn, đàn trâu luôn no cỏ… Chúng tôi đi ngược con suối là lên đến sườn đồi, nơi có ngôi nhà sàn Lủ đang mong mau tới. Sương đã xuống dày kín các con đường, đi, một đoạn vuốt mặt lại thấy sương đọng thành giọt ở lòng bàn tay. Chiếc áo trên vai cũng nặng hơn vì thấm nước. Tôi bám sát Lủ để không lạc lối. Trăng nấp vào trong màn sương đục. Đêm đen yên tĩnh chỉ có tiếng suối chảy róc rách và tiếng thì thào của rừng cây.
Tiếng chim rừng gọi nhau vang lên xé tan đêm đen. Con đường hun hút gió chạy quanh sườn đồi. Tiếng chim đang gấp gáp đột nhiên dừng lại. Thế là thêm một đôi chim đã tìm thấy nhau. Nhưng không gian vắng lặng chẳng được bao lâu lại có tiếng chim gọi bạn tình. Vạn vật sinh sôi nhờ tình yêu đôi lứa. Nơi Lủ cần đến rồi cũng hiện ra. Gió nặng nề kéo tấm màn mây cho trăng soi đường cho người đi tìm bạn. Những ngôi nhà sàn truyền thống nằm im lìm trong các khu vườn nhạt nhòa ánh trăng. Đêm tắt điện cả xóm dường như không ngủ. Nhà có con gái chờ trai tới chọc sàn. Nhà có con trai mong chúng đi tìm vợ sớm trở về. Tôi nhận ra trong các khoảng sân trước những ngôi nhà sàn thấp thoáng có bóng người, ngồi trò chuyện. Họ không thắp đèn chỉ có ánh trăng.
Đám thanh niên trong bản, nhỏ hơn anh tôi mười tuổi cũng đã có gia đình. Con chúng còn nhỏ,chưa đi chọc sàn hay chưa có người đến chọc sàn, giờ này đang được ôm vợ ngủ. Nếu sống ở bản thì tôi cũng có gia đình rồi. Mùa đông được ôm bạn tình ngon giấc. Ai sẽ là người cùng Lủ đi tìm vợ đêm nay? Bản tôi không cho phép, chọc sàn đi cùng người đã có vợ. Rủ đám trẻ con thì anh tôi không muốn. Chờ tôi về chuyến đi này chắc đã được anh chuẩn bị từ lâu lắm rồi. Qua ánh mắt tràn hi vọng, tôi biết Lủ đặt rất nhiều niềm tin. Trong lòng anh đã rất lẻ loi khi phải sống một mình.
Lủ dừng lại trước ngôi nhà sàn vẫn còn ánh lửa hát ra từ căn bếp. Cổng khép hờ dấu hiệu bảo cho trai bản biết nhà mình có con gái đã đến tuổi lấy chồng. Vòng ra phía sau ngôi nhà tôi mới phát hiện ra một căn phòng nhỏ vẫn còn ngọn đèn leo lét. Tôi soi đèn, Lủ cầm chiếc gậy, lách qua những đồ vật ngổn ngang để tiến về góc nhà bên kia, nơi đặt chiếc giường của người con gái mà anh yêu thương. Tò mò tôi ghé mắt qua khe hở của sàn nhà, khuôn mặt ửng hồng của người con gái hiện ra trong ánh đèn. “Chị Mỉ! “ Suýt nữa thì tiếng kêu của tôi bật ra khỏi miệng. Hơn mười năm Lủ vẫn theo đuổi Mỉ. Nhiều năm tôi đi học xa nhà chắc anh vẫn đến đây chọc sàn. Cây gậy chạm vào sàn gỗ vang lên “cộp, cộp…”, rộn ràng, hồi hộp, mong chờ. Mỉ đang ngồi một mình trên giường khâu chiếc chăn làm bằng bông lau trắng tinh. Từ lúc Lủ chọc sàn bàn tay chị không xâu thêm được mũi chỉ nào. Hình như Mỉ cũng hồi hộp như anh tôi. Chị vẫn đẹp như ngày xưa. Làn da vẫn trắng như cánh hoa ban mùa xuân. Mái tóc buông dài đen nhánh như cây cột gỗ lim nhà sàn. Ánh mắt của chị thỉnh thoảng lại len lén nhìn về phía khe hở của sàn nhà. Đôi mắt Mỉ đã nhận ra Lủ. Đôi mắt ấy lúc sáng rực rỡ, lúc dịu dàng sâu thẳm. Nó làm trái tim anh tôi phập phồng như muốn nhảy ra khỏi lòng ngực.
Mặc dù tiếng chọc sàn của Lủ mỗi lúc một gấp gáp nhưng Mỉ tỏ ra không nghe thấy. Chị hạ màn, tắt đèn. Lủ vẫn kiên trì chọc đều tay. Một lát sau, thấy tiếng cót két của chiếc cửa chính phía cầu thang. Lủ hồi hộp mong được gặp Mỉ. Tôi cũng xúc động không kém. Chị Mỉ đã mủi lòng với người nhiệt tình. Nhiệm vụ của tôi sắp hoàn thành. Lủ bảo tôi, trở lại hồ chờ anh để hai người được nói chuyện tự do. Vặn to chiếc đèn cầm trên tay, qua ánh đèn thấy bố Mỉ lăm lăm con dao quắm trong tay. Phía sau ông là Muôn em trai của Mỉ. Vội vã tôi vẫn nhìn thấy con mắt cười của Muôn. Hắn diễu tôi về việc gần ba mươi tuổi mà vẫn sách đèn theo anh đi chọc sàn. Muôn ra hiệu cho tôi tắt đèn theo ánh trăng đi ra cổng. Trên bậc cầu thang ông Lò Văn Lương đứng lặng im như pho tượng gỗ. Nếu Lủ không dai như sợi mây rừng thì chắc ông cũng không phải mở cửa ra. Gần bẩy mươi tuổi rồi có ít đâu? Chị Mỉ còn ở nhà làm khổ cha đến bao giờ nữa?
Tiếng gà eo óc gáy tôi và Lủ mới về được tới nhà. Mẹ vẫn để đèn chờ hai anh em. Lủ vội xuống bếp chuẩn bị cám cho đàn lợn, vất cỏ cho đàn trâu. Hơn mười năm Lủ đã quen với mùi thất bại. Trái bồ hòn ngậm lâu đã quen thành ngọt. Anh không lấy rượu làm vui như nhiều kẻ khác, là may mắn cho gia đình tôi nhiều lắm rồi. Tôi thuật lại việc ở nhà chị Mỉ cho mẹ nghe. Bà thở dài:
– Con Mỉ xinh đẹp nhưng không có ai hỏi. Trai bản bảo: con mắt của thằng Lủ lấy mất sự trong trắng của nó rồi. Mỉ giận không muốn làm dâu nhà này. Nó chê thằng Lủ không biết thổi khèn. Lủ thì kiên quyết khi nào con Mỉ lấy chồng nó mới lấy người khác. Giằng co nhau mãi sắp già hết cả rồi. Nhà này giờ chỉ trông mong vào con thôi, mau lấy vợ để mẹ còn được nhìn cháu nội.
Mặt trời ửng hồng trên ngọn núi. Mặc dù thương mẹ rất nhiều nhưng trái tim tôi đã thuộc về một đồng nghiệp trong cơ quan. Nàng đang tu nghiệp ở một phương trời xa. Hai năm nữa nàng mới về nước. Chúng tôi mới có thể thành đôi. Nếu chị Mỉ chịu mở lòng với anh tôi thì họ sẽ có một gia đình hạnh phúc. Lủ giống cha tôi luôn kiên định với ý của mình. Gia đình không thể khuyên anh đi hỏi đám khác. Qua một đêm thức trắng tóc mẹ trắng hơn cả nước suối. Bà đã già lắm rồi. Mới hôm nào mẹ cũng là một cô gái mê tiếng khèn của cha. Từ khi tôi nhận thức được không khi nào thấy cha thổi khèn cho mẹ nghe. Hình như những gia đình trong bản đều thế cả. Những người đàn ông chỉ thổi khèn trong nhà mình khi dạy cho những đứa con trai. Chắc chị Mỉ cũng hiểu điều đó. Tôi thưa với mẹ suy nghĩ của mình:
– Sáng nay con trở lại nhà ông lương nói chuyện với chị Mỉ. Muôn ở nhà con đến đó cũng dễ thôi. Quá trưa cả rồi giận gì cũng phải bỏ qua. Con mắt ông Lương nhìn anh Lủ con không thấy có ác cảm.
Mẹ tôi lại thở dài:
– Con đi phải giấu Lủ, nó không muốn người khác can thiệp vào chuyện đời tư của mình. Nhiều lần mẹ chèo thuyền ra tới giữa hồ nó lại đuổi theo bắt về. Con cho mẹ cùng đi với. Đều là phụ nữ, mẹ nói chuyện với con Mỉ sẽ tốt hơn.
Nước hồ vẫn trong. Dòng suối vẫn chảy. Chỉ có con người là đổi thay. Tôi chèo thuyền đưa mẹ sang nhà chị Mỉ. Bà ngồi trong khoang hai tay bám chặt mạn thuyền. Tóc mẹ rơi lẫn vào trong làn nước. Già như mẹ tôi trong bản cũng không có nhiều. Thế mà bà vẫn chưa được một lần đi làm lễ Lòng Luông cho con trai mình. Mẹ mong con trai có vợ như rừng cây khô hạn mong mưa để cái lá lại phủ xanh mặt đất, như hồ nước cạn mong đầy để chiếc máy phát điện lại thắp sáng bản làng. Chưa về với Then Luông cha tôi cũng nhiều lần chèo thuyền sang gặp ông Lương. Nếu chuyến đi mà không có kết quả thì ngày mai mẹ sẽ sống ra sao? Lủ sẽ sống thế nào? Chị Mỉ xuống cầu thang đỡ mẹ tôi lên sàn đưa bà vào căn buồng riêng của mình. Trong ánh mặt trời tôi mới nhận ra chị cũng như cây lúa thiếu mưa, như mùa thu thiếu ánh trăng, như sợi lanh dệt vải thiếu nắng…
Tre già măng mọc ngàn đời vẫn nối tiếp nhau. Bao đời con suối vẫn là bầu sữa nuôi dưỡng cả bản của tôi.